Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Mạng xã hội của ai thưa ngài Võ Văn Thưởng?; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Đặc biệt quan tâm quản lý mạng xã hội

Ngài trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc vừa diễn ra khi năm 2018 khép lại:
"Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của chúng ta đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin. "
Qua cách nói của ngài thì báo chí là của chúng ta còn mạng xã hội không phải của chúng ta.
Nếu mạng xã hội không phải của chúng ta tức không phải của đảng, không phải của nhà nước thì của ai?
Của Dân?
Trong Dân có kẻ xấu muốn đất nước tha hoá, lệ thuộc nước ngoài, cổ vũ bạo lực, cổ vũ sự sa đoạ nhân cách. Dân biết. Dân tự cô lập chúng. Luật pháp cứ trừng trị chúng. Nhưng còn lại với tỷ số áp đảo 99,99% là Dân tử tế, yêu nước, khát khao công lý, công bằng , chả lẽ mạng xã hội- diễn đàn của họ lại là nỗi lo sợ của các quan canh cửa thông tin, truyền thông?

Với tuyệt đại đa số Dân như thế lẽ nào của Dân lại không phải của đảng, không phải của nhà nước?
Vậy Dân là của ai?
Khi không xác định rõ về lý luận Dân của ai thì rất dễ coi Dân là phe ... nó tức phe đối nghịch. Chính vì không có lý luận nền tảng học thuyết Vị Dân một cách khoa học, biện chứng ngài đã cảnh báo:
"Đúng là thách thức từ mạng xã hội là rất lớn. Nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin."
Do xác định mạng xã hội của Dân nhưng không phải của "chúng ta " nên ngài đã đặt chuyện được thua ở đây.
Còn vì sao thua? Giản đơn lắm:
Tai mắt của Dân giăng khắp nơi thậm chí trong cả các nguồn cung cấp thông tin của đảng, nhà nước.
Khi có thông tin mỗi người Dân lại là người viết bài, người đưa bài lên mạng các rẹc, chả qua cả một đống quy trình: lượm tin, viết tin, gửi tin về toà soạn, biên tập tin, duyệt tin rồi mới xuất bản tin như hệ thống báo chí của các ngài.
Thua là cái chắc.Và còn thua dài dài nếu không nhận thức ra rằng: Mạng xã hội cũng là của...chúng ta.
Thua là cái chắc. Và thua mãi mãi nếu không nhận ra rằng sức mạnh truyền thông để tạo động lực phát triển quốc gia phải đi trên hai chân: mạng xã hội và báo chí chính thống.
Cái thua này không phải chỉ là cái thua về thông tin truyền thông mà trước hết là thua ở niềm tin vào Dân, thua ở chinh phục Lòng Dân.
Mất Dân- Mất tất cả!

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Đặc biệt quan tâm quản lý mạng xã hội

Thanh Niên 29/12/18 15:13 GMT+71 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh mạng xã hội hiện nay không phải là ảo nữa mà là đời sống thực tế, đang tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng nên cần phải có sự quản lý, định hướng.


Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị sáng 29.12 - Ảnh Gia Hân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2018 sáng 29.12, ông Trần Quốc Vượng khẳng định lại những kết quả cũng như những hạn chế của công tác tuyên giáo trong năm qua.

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Về nhiệm vụ năm 2019, ông Vượng nhấn mạnh, các cấp ủy, ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên giáo ở các cấp.

“Trên cơ sở chủ trương của Đảng, tình hình thực tế, phải xác định lựa chọn những nội dung, vấn đề trọng tâm, trọng điểm, xây dựng mô hình cụ thể ở cơ sở để rút kinh nghiệm, nhân rộng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra, tạo chuyển biến thực sự ở các cấp; tránh việc quá quan tâm tổ chức sự kiện”, ông Vượng lưu ý.

Ông Vượng yêu cầu ngành Tuyên giáo phải chủ động giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Theo Thường trực Ban Bí thư, đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tuyên giáo, nhất là trong bối cảnh tiến tới Đại hội XIII của Đảng và trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Để làm được điều này, ngành Tuyên giáo cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền những thành quả của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội và công tác xây dựng Đảng với những mô hình, cách làm hay, những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí…; chú trọng quản lý và định hướng thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân về sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Ông Vượng nhấn mạnh: thứ nhất, phải tăng cường việc quản lý báo chí. Theo đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cần biểu dương những người làm tốt và kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng danh nghĩa nhà báo cách mạng, tờ báo cách mạng để chống phá, nói xấu Đảng.

Thứ hai, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu phải đặc biệt quan tâm, tăng cường quản lý mạng xã hội. “Đây thực sự không phải là ảo nữa mà là đời sống thực tế, tác động rất lớn đến đời sống, tư tưởng. Chúng ta phải biết để sống với nó, để quản lý, định hướng”, ông Vượng nói, và cho biết mạng xã hội là thành quả của cách mạng khoa học kỹ thuật được cả thế giới áp dụng nhưng cả thế giới cũng đang đứng trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội đem lại chứ không riêng Việt Nam.

Dẫn lại sự việc kích động, gây rối tại Bình Thuận và TP.HCM hồi tháng 6 khi Quốc hội đang thảo luật luật Đặc khu và luật An ninh mạng và phong trào áo vàng ở Pháp vừa qua đều bắt nguồn từ những lời kêu gọi, kích động trên mạng xã hội, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho hay, sự tác động của mạng xã hội rất lớn nên cần phải tuyên truyền, quản lý và định hướng sử dụng để phục vụ cho mục đích của mình. “Ở đây, vai trò của tuyên giáo rất quan trọng”, ông nói.

Muốn nhân dân tin Đảng, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu

Một vấn đề khác được Thường trực Ban Bí thư lưu ý là thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo ông Vượng, về vấn đề này, cần phải làm tốt 2 nội dung. Thứ nhất, phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Thứ hai, tạo phong trào trong toàn xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

“Muốn nhân dân tin Đảng, tin con đường mà Đảng ta đã chọn thì mỗi cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện tốt việc noi theo gương Bác”, ông Vượng nêu.

Bên cạnh đó, ông Vượng cũng nhấn mạnh, ngành Tuyên giáo phải phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp ủy các cấp triển khai thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Lê Hiệp

Không có nhận xét nào: