( Phạm Viết Đào ghi theo lời kể của CCB, guyễn
Lan-C 20- E 881 - F 314)
Tôi quen CCB Nguyễn Lan qua các cuộc
giao tiếp mạng. Khi tôi đưa lên Fb thông tin về cuốn sách viết về đề tài Vị
Xuyên đã được chấp nhận, Nguyễn Lan là một trong những người thiết tha, sốt sắng
kết nối với tôi ngay, anh muốn tôi viết về cuộc chiến mà anh đã tham gia…
Nguyễn Lan quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh
Phúc, cách đây hơn tuần, Lan đã hẹn gặp tôi tại Hà Nội, nhân anh đưa con về nhập
học Trường đại học Bưu Chính Viễn thông. Hôm đó trời mưa nên Nguyễn Lan không gọi
điện được cho tôi, mặc dù tôi đã cung cấp số điện thoại trước đó và hẹn khi nào
qua Hà Nội nhớ gọi cho tôi…
Nguyễn Lan, mặc dù quê ở Vĩnh Tường
nhưng hiện vợ chồng con cái lưu lạc lên Xín Mần Hà Giang để kiếm sống bằng nghề
gia truyền, nghề thợ rèn…
Nguyễn Lan hiện đang làm nghề thợ rèn tại Xín Mẫn Hà Giang
Qua những giao đãi, trò chuyện với
tôi, tôi cảm nhận được Nguyễn Lan là một trong số đông những người lính, những
cựu chiến binh mà mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang đối với họ đã trở nên một phần đời
gắn bó như máu thịt, không thể nào quên. Do vậy, khi ai đó nhắc đến Vị Xuyên,
Hà Giang, nhắc tới cái cuộc chiến mà một thời họ đã sẻ chia từng hơi thở, từng
giọt mồ hôi và máu vì mảnh đất xa xôi miền biên cương này của tổ quốc, những ký
ức chiến trận đã khơi dậy, bừng cháy trong họ giống như ngọn lửa đã từng ủ kín
bấy lâu trong long họ…
Đó là những năm tháng mà họ có quyền tự
hào về những hy sinh, chịu đựng khi họ gánh vác trọng trách bảo vệ từng tấc đất
của tổ quốc. Trò chuyện với tôi qua mạng, tôi để ý chỉ thấy tai mà không thấy mặt
Nguyễn Lan. Mãi một lúc sau anh mới thanh minh: em bị đạn pháo Vị Xuyên nên hỏng
mất một tai, thành ra phải nghiêng máy về một tai để nghe cho rõ…
Lan kể, hồi đó có rất nhiều lính trẻ
không chịu đựng được hy sinh, gian khổ đã đào ngũ. Riêng Lan là lính trinh sát
đặc công, thường được cử đi phối thuộc với các đơn vị nơi xảy ra chiến sự ác liệt,
anh có khả năng và điều kiện bỏ trốn bất cứ lúc nào nhưng anh đã không trốn mà
bám trụ lại Hà Giang cho tới khi được ra quân…
Nguyễn Lan là một trong những CCB luôn
thiết tha, thúc dục tôi phải viết cho được cái gì đó để ghi lại cho họ những
khoảng khắc chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng của anh và đồng đội…Và tôi
gợi Nguyễn Lan kể. Lan kể với tôi cái trận 8/9/1985…
Đó là chiến dịch Trung Quốc mở một trận
đánh lớn, vào đầu tháng 9/1985. Lúc đầu 2 bên thỏa thuận ngừng bắn từ 28/8/1985
tới 5/10/1985 vì đây là dịp quốc khánh của Việt Nam và Trung Quốc. Thế nhưng bất
ngờ, ngày 5/9/1985 Trung Quốc nổ súng và tấn công ta ác liệt…
Hàng ngày, ngay từ 5 giờ sáng, Trung
Quốc đã cho pháo bắn dồn dập khắp toàn tuyến để nghi binh không cho biết mũi
chính. Lan là lính trinh sát đặc công của đại đội đặc công số 20, được giao phối
thuộc với Đại đội C 10 chốt chặn, bảo vệ khu vực Đồi Đài, một cao điểm nằm ở
khu vực ngã ba Thanh Thủy…
Do pháo bắn dồn dập và dày đặc nên
liên lạc hữu tuyến bị cắt đứt còn vô tuyến thì bị nhiễu sóng thậm tệ do Trung
Quốc phá…
Theo thông tin sau này, Nguyễn Lan được
biết: Để đánh bật quân ta tại các điểm đồi Đài, và đồi cô X., trận 8/9/1985,
Trung Quốc tập trung một trung đoàn và đánh theo chiến thuật “sóng vỗ bờ” thay
cho chiến thuật biển người…Khu vực đồi Đài, phía ta bố trí một đại đội chốt giữ…
Trong
hồi ức của Trung đoàn trưởng 881, F 324 Nguyễn Nhỡ, ông viết:“Ở đồi Đài, do đồng chí Vũ Văn Nghệ, Đại đội
trưởng và đồng chí Trương Công Hoà, Chính tri viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 chỉ
huy, có nhiệm vụ phòng ngự bảo vệ vững chắc đồi Đài, đánh bại các cuộc tiến
công lấn chiếm của đối phương. Một trung đội bố trí ở phía trước đồi Đài, còn gọi
là trung đội tiền tiêu, một trung đội ở giữa trên đỉnh đồi Đài, một trung đội ở
phía Đông đồi Đài hướng ra Quốc lộ 2. Hai khẩu đại liên, một khẩu bố trí hướng
ra đồi Cây Chuối, một khẩu bố trí hướng Quốc lộ 2. Hai khẩu cối 60 ly bố trí ở
đồi Đá Pháp 1 cùng hai khẩu cối 60 ly của Đại đội 9…”
Từ sáng đến chiều, quân Trung Quốc hết
đợt này đến đợt khác thay nhau lên tấn công, mỗi lần chúng cho 1 tiểu đội lên,
hết đợt này đến đợt khác nhằm đánh bật quân ta đang chốt giữ điểm cao này. Tới
xế chiều, do phải liên tục quần nhau với các đợt tấn công của quân Trung Quốc,
quân ta dần hết đạn, mỗi khẩu chỉ còn vài viên còn lựu đạn thì mỗi người chưa đủ
một quả.
Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy đại đội
10, điện cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Nhỡ, đề nghị cho rút lui nhưng đã không
được chấp thuận. Lệnh của Trung đoàn còn một người cũng phải bảo vệ chốt. Nếu hết
đạn thì dùng lê, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy lui quân Trung Quốc, không được
phép rút…
Mặc dù tinh thần quân ta có phần chùng
xuống, nhưng rồi cả đại đội của Nguyễn Lan vẫn bám trụ và chuẩn bị phương án
dùng lê và báng súng quyết chống lại quân Trung Quốc, nếu chúng tiếp tục tràn
lên tấn công…
Rất may là xế chiều, khi đạn và lựu đạn
bên ta đã cạn thì phía bên Trung Quốc, chắc do thương vong nhiều và cũng có thể
do chúng cũng đã kiệt sức nên thôi không tấn công nữa. Nếu Trung Quốc quyết liệt
tấn công với ưu thế hỏa lực thì chắc ta khó giữ được và chấp nhận hy sinh vì chốt
tới người cuối cùng. Đây là trận đánh nhớ đời của Nguyễn Lan kể cho tôi và nhờ
tôi ghi lại …
Trận đó phía ta hy sinh không nhiều,
ngày 5/9 hy sinh năm, sáu người, còn sau đó ta có kinh nghiệm nên không nhô người,
mỗi khi nghe tiếng động chi giương súng với ra ngoài chiến hào, nhả đạn nên số
hy sinh ít dần, chỉ bị thương thì nhiều. Còn phía Trung Quốc chắc chết nhiều
hơn nên không chiếm được cao điểm của ta…
Còn theo Nguyễn Lan thì: trận 8/9/1985
mà anh tham gia chưa phải là trận điển hình. Theo đồng đội kể lại, trong năm
1985, có trận Trung Quốc dùng pháo binh và bộ binh đánh dã man cao điểm 6 A và
6 B suốt 12 ngày đêm liền, sau khi ta chiếm được chốt 6 B. Quân ta hoàn toàn bị
vây hãm kiệt sức và thiếu đói nhưng vẫn không để mất chốt. Nguyễn Lan nhắc tôi
nhớ tìm những cựu chiến binh tham gia trận này để họ kể lại cho mà viết…
Lính
giữ chốt giải quyết “ tam khoái”…
Suối Thanh Thủy đoạn chảy trước Hang Dơi và hang Lãng Lò
Tôi hỏi Lan, lính bảo vệ chốt của các ông đánh nhau cật lực như vậy, thế hàng ngày các ông giải quyết cái “ tam khoái” như thế nào? Ở chốt thì không thể có đủ “ tứ khoái” rồi…
Suối Thanh Thủy đoạn chảy trước Hang Dơi và hang Lãng Lò
Tôi hỏi Lan, lính bảo vệ chốt của các ông đánh nhau cật lực như vậy, thế hàng ngày các ông giải quyết cái “ tam khoái” như thế nào? Ở chốt thì không thể có đủ “ tứ khoái” rồi…
Nguyễn Lan cho biết: Hàng ngày, vào buổi
tối, lính vận tải mang cơm, nước, súng đạn lên tiếp tế cho lính bảo vệ chốt…và
chỉ ngày một lần thôi. Thức ăn và nước uống thì để dùng cho cả ngày. Cơm thì
nhiều, đủ ăn chỉ có điều không có rau mà chỉ ăn cơm với mắm kem.
Tôi hỏi: Thế mắm kem là cái loại thức
ăn gì? Lan cũng không biết…Chỉ thấy nó sền sệt mằn mặn chẳng ra cái mùi vị gì.
Hàng ngày ăn cơm với loại này nên bụng rất nóng. Cơm thì mùa đông đỡ mùi thiu,
còn mùa hè thì tối mang lên, sáng mai đã bốc mùi thiu rồi…Mặc dù thiu vẫn phải
ăn vì không ăn sẽ chết đói.
Mùi thiu còn đỡ, mùi xác chết mới
kinh. Có những trận đanh nhau ác liệt, xác quân Trung Quốc, xác đồng đội chất
chồng, tanh bành bao quanh điểm chốt, mùi xác chết nồng nặc nhưng vẫn phải ăn,
phải uống, vẫn phải bám giữ chốt…Mà điểm chốt giữ là những cái hang đá tự
nhiên, ở khu vực Thanh Thủy phần lớn là núi đá vôi. Có những chốt, chốt của
mình giữ chỉ cách chốt của quân Trung Quốc có vài chục mét…
Lính giữ chốt thỉnh thoảng cải thiện
chất tươi bằng cách bẫy chuột núi. Những con chuột núi thường rất dạn người, mỗi
khi tóm được thì đem mổ, thui xong đem băm rồi cho muối vào ninh mặn mỗi anh
dúng đũa một tí…
Tôi nhớ Trung Thu năm 1985, lính Trung
Quốc còn ném cho chúng tôi ở Đồi Đài bánh Trung Thu. Lúc đầu chúng tôi tưởng lựu
đạn, nhưng sau vài lần xem xét kỹ thì phát hiện ra là bánh Trung Thu của Trung
Quốc. Mỗi chiếc bánh thường kèm theo cái truyền đơn trên ghi chữ tiếng Việt
không đúng chính tả. Truyền đơn thường ghi: anh em bộ đội Việt Nam đừng nge
theo tập đoàn Lê Duẩn chiến đấu, hy sinh vô ích. Có truyền đơn ghi: Lão Sơn, Giả
Âm Sơn là lãnh thổ của Trung Quốc…
Bọn tôi nhặt bánh Trung Thu Trung Quốc
ăn thấy ngon và thơm hơn bánh Trung Thu của Việt Nam. Vì dịp Trung Thu chúng
tôi cũng nhận được bánh Trung Thu của các cháu Hà Giang gửi lên làm quà. Hồi đó
ở Hà Giang có phong trào: 3 cháu 2 chú; Tức 3 cháu góp 2 bánh trung thu gửi lên
cho các chú giữ chốt…
Những khi ngớt đánh nhau, để có chất
rau, lính chốt phải mò đi hái những cây lá rừng như cây ké, cây thài lài, cây
phổi bò và một số cây lâu ngày tôi quên tên… mọc trên các vách đá về ăn thay
rau. Ăn thêm lá rừng thay rau để đỡ nóng bụng. Riêng lá cây phổi bò, quê tôi gọi
là cây dưỡng phải vò kỹ ăn có mùi vị như rau bí. Không phải ở chốt nào cũng có
điều kiện mò ra hái lá rừng về ăn thay rau. Khi tôi giữ chốt ở Đồi Đài, chỉ
cách chốt Trung Quốc vài chục mét nên không dám ra lấy lá rừng về ăn…
Thế còn nước và tắm giặt? Nước chỉ
dùng để uống làm gì có nước tắm. Lính giữ chốt thường 6 tháng được thay ra một
lần; Lính Trung Quốc 3 tháng…Lính chốt thường tắm khô như người Tây Tạng. Cán bộ
từ cấp tiểu đoàn được phát cồn để lau người. Còn lính trơn thì tắm khô. Do đó,
anh nào da thịt kém bị ghẻ lở, chấy rận là bình thường. Còn quần áo thì mặc khi
nào bẩn quá không chịu được thì gửi cho lính vận tải đem xuống giặt, hôm sau
mang lên. Anh thấy ngoài chợ thường bắt gặp những người dở…đi lang thang xin
ăn, bẩn và hôi như thế nào lính giữ chốt cũng như vậy. Ở lâu thành quen…
Các ông ăn cơm thiu thế không bị “ tào
tháo” đuổi à? Lính chốt được tôi luyện nên chịu được, vả lại cũng phải ăn,
không còn cách nào khác. Còn nước uống, khi mang lên có được đun sôi không?
Nguyễn Lan cho biết: Làm gì có nước
đun sôi. Lính vận tải họ xách cho can nước múc ở suối Thanh Thủy lên để uống.
Mùa khô còn đỡ, mùa mưa đục ngầu vẫn phải dùng để nấu ăn và uống…Anh đến suối
Thanh Thủy và Hang Dơi rồi chứ? Hang Dơi và hang Làng Lò là cơ sở hậu cần, nơi
ém quân của ta dành cho phục vục bộ đội giữ chốt.
Lính ở hang Làng Lò còn đỡ, họ ở phía
trên nên còn sử dụng được nước sạch vì suối Thanh Thủy có 1 nhánh chảy qua hang
Làng Lò. Còn anh em đơn vị đóng ở Hang Dơi, mé dưới phải sử dụng nước suối từ
trên hang Làng Lò chảy xuống.
Hang Làng Lò và Hang Dơi thường ém bộ
đội trong đó 500-600 con người. Hàng ngày 500-600 bộ đội ở Làng Lò ỉa, đái xuống
suối, dưới này, cách đó 600-700 m anh em ở Hang Dơi lại vẫn phải múc nước suối ấy
nấu ăn và mang lên cho lính giữ chốt uống…
Tiếng là chốt thực ra là lợi dụng các
hang hốc để cả trung đội, đại đội ẩn trú trong đó. Ngày đêm canh giữ, thấy có
tiếng động thì nấp bên trong, giương súng, ném lựu đạn về phía đó. Cả ta và địch
đều suốt ngày rú rú trong hang bởi vì pháo binh, cối hai bênh suốt ngày rình
nhau.Bên nào ló cổ ra là bị phía bên kia cho ăn đạn…
Còn chuyện sinh hoạt đi ngoài thì tiến
hành ngay trong hang, gói lại ném ra ngoài. Thành ra, xung quang chốt, thực ra
là những cái hang, chồng chất loại “ mìn” phế thải này; Mùi bốc lên làm bạt vía
cả lính sơn cước Trung Quốc…
Còn
CCB Nguyễn Ngọc Tiến Tiến thì cho biết: đối với lính giữ chốt, chuột núi là một
loại đặc sản cao cấp. Là lính ở chốt, Nguyễn Ngọc Tiến kể một câu chuyện có thật
xảy ra năm 1981: bọn em nằm đài ở 1200, điều kiện lúc đó khó khăn lắm. Bọn em bẫy
được một con chuột núi, vậy mà cả tổ đài ăn một tuần mới hết. Lý do là thực phẩm
khó khăn quá, bọn em cho nửa kg muối vào đun sôi cho nhừ. Rồi băm thịt chuột nhỏ cho vào
hầm, nhìn toàn muối tới bữa ăn anh em đồng đội cứ thọc đũa vào, xong chấm vào
miếng cơm và lại và một miếng vậy mà vẫn sống cứ vô tư tới ngày hôm nay…
Đấy cảnh ăn uống, sinh hoạt của lính
giữ chốt ở khu vực Thanh Thủy đại khái như vậy. Sau sáu tháng, mới được thay
ra, ít người có thể tự đi ra được bình thường mà phải dìu nhau ra, vì anh thì bị
teo cơ, bị cứng cơ, anh thì bị phù thụng vì thiếu rau xanh. Sau này nghĩ lại những
ngày đó thấy ứa nước mắt, thương mình và anh em đồng đội phải trải qua những
ngày thiếu thốn, khó khăn, khốc liệt, sống chết trong giây lát để bảo vệ biên
cương, tổ quốc…
Kể riêng với anh là nhà văn để anh viết,
chứ một thằng thợ rèn như tôi ai để ý, bây giờ biết kể với ai! Nói ai nghe, ai
tin, có khi họ lại còn nghĩ mình là thằng dở người, kể công, công thần…Đành phải
bấm bụng, im đi cho đỡ tủi!
Phạm
Viết Đào ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét