Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Metro Bến Thành - Suối Tiên 'dính' nhiều sai phạm, phải xử lý tài chính gần 2.900 tỉ

Chí Hiếu

1 2 3 4 5

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án metro số 1 TP.HCM là tuyến Bến Thành - Suối Tiến và kiến nghị các đơn vị được kiểm toán phải xử lý tài chính số tiền gần 2.900 tỉ đồng.
Lễ khởi công lắp ray tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên /// Ảnh An Huy
Lễ khởi công lắp ray tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên
ẢNH AN HUY
Current Time0:00
/
Duration3:19
Quảng cáo
Remaining Time-3:19
[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao
Sau gần 2 tháng làm việc, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán dự ánđường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên với hàng loạt sai phạm. Kiểm toán kiến nghị các đơn vị được kiểm toán phải xử lý tài chính số tiền lên đến gần 2.900 tỉ đồng.

Sai thẩm quyền, thủ tục
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Theo đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) tại Quyết định 4880 năm 2011 lên 47.325 tỉ đồng (lớn hơn 35.000 tỉ đồng) là không đúng với Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, bởi với quy mô vốn như vậy thì dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Cùng với đó, chiếu theo luật Xây dựng thì thẩm quyền quyết định dự án (quan trọng quốc gia) là thuộc về Thủ tướng.
Tương tự, việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Vì theo quy định, với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Đáng nói nữa là quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án được UBND TP.HCM thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho biết, TMĐT được lập theo phương pháp xác định theo thiết kế cơ sở, nhưng hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ nội dung, hạng mục công trình còn thiếu, không đủ cơ sở cho việc lập TMĐT. Đó là các phần xử lý nền đất yếu, phần công việc làm đường tạm, hệ thống chống tạm, vách thi công; phần quan trắc và bảo vệ các công trình tiện ích. Phần “công việc khác” được tư vấn xác định chi phí trong TMĐT mà không xác định được khối lượng công việc.
Chi phí bất hợp lý tăng cả ngàn tỉ đồng
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, việc điều chỉnh thiết kế nhiều hạng mục không đảm bảo tính kinh tế và hợp lý về mặt kỹ thuật. Điển hình như việc điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao đã làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỉ đồng. Điều này còn làm cho kích thước nhịp thay đổi, từ 33 m còn 30 m, làm phát sinh 54 trụ cầu.
Nghiêm trọng ở chỗ, trong quá trình xin điều chỉnh kiểu dáng nói trên, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị đã trình nội dung không đầy đủ và không hợp lý về mặt kỹ thuật. “Nội dung văn bản trình chỉ nói về ưu điểm của dầm chữ U mà không báo cáo về chi phí phải tăng thêm của việc thay đổi kết cấu, bỏ qua ý kiến góp ý của Cục Đường sắt”, Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng.
Do đó, tại phần kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách hơn 18 tỉ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ đồng và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng.
Trong tổng số tiền phải xử lý tài chính, phần lớn thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý đường sắt đô thị (2.864 tỉ đồng), còn lại thuộc Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, quận Bình Thạnh và Tổng Công ty Samco.

Không có nhận xét nào: