Trọng Thành
Một góc trưng bày tại "Những cánh đồng chết", nơi ghi dấu tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, gần Phnom Penh, 16/10/2013.REUTERS/Samrang Pring
Hôm nay, 07/01/2019, là đúng 40 năm chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sụp đổ, sau một cuộc can thiệp chớp nhoáng của quân đội Việt Nam. Chính quyền Cam Bốt long trọng kỷ niệm sự kiện mà thủ tướng Hun Sen gọi là « ngày đất nước Cam Bốt được khai sinh lần thứ hai ». Tuy nhiên, diễn văn của lãnh đạo Cam Bốt không một lời đả động đến Trung Quốc, thế lực hậu thuẫn cho Khmer Đỏ, ngay cả sau khi chế độ này sụp đổ.
Tháng 11/2018 vừa qua, Tòa Án Quốc Tế xét xử tội ác tại Cam Bốt lần đầu tiên khép một số cựu lãnh đạo Khmer Đỏ vào tội diệt chủng, chống lại hai cộng đồng người Việt và người Chăm ở Cam Bốt. Hai cựu lãnh đạo Khieu Samphan, chủ tịch nước Campuchia Dân Chủ và Nuon Chea, nhân vật số 2, nhà tư tưởng của chế độ Khmer Đỏ, cũng bị khép tội ác « chống nhân loại » trong một phiên tòa hồi 2014. Vai trò cụ thể của Bắc Kinh trong các tội ác khủng khiếp chống lại người dân Cam Bốt, và nhiều sắc tộc khác, khiến ít nhất 2 triệu người thiệt mạng (vì bị hành quyết, bị hãm hiếp, tra tấn, bỏ đói, bệnh tật, kiệt sức…) vẫn còn là một vấn đề còn để ngỏ. RFI xin chuyển đến quý thính độc giả những ghi nhận, phân tích của một số nhà quan sát về cái phần khuất tối ấy của giai đoạn lịch sử phức tạp này.
***
Khách du lịch Trung Quốc nổi giận
Nhà báo Mỹ Dan Levin, trong một bài viết trên New York Times mang tựa đề « Trung Quốc bị hối thúc phải đối mặt với lịch sử của chính họ » (1), kể lại câu chuyện về một người hướng dẫn du lịch, khi đưa du khách tham quan các phòng học, nơi từng được sử dụng làm phòng tra tấn (thuộc bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sleng), thủ đô Phnom Penh, đã đặt câu hỏi : Trong số quý vị, có ai đến từ Trung Quốc ? Không ai đáp lời, hướng dẫn viên có vẻ thoải mái hẳn ra. Anh thuật lại với du khách về vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong cuộc diệt chủng tại Cam Bốt, khởi sự từ năm 1975.
Giải đáp về lý do vì sao anh hỏi có người Trung Quốc hay không. Hướng dẫn viên cho biết : Bởi mỗi lần nói về việc Trung Quốc đã thúc đẩy chế độ Pol Pot thảm sát dân chúng, du khách Trung Quốc thường nổi giận. Họ khẳng định đây là điều bịa đặt và nhấn mạnh là bây giờ Trung Quốc và Cam Bốt là bạn, không nên nói về quá khứ.
Bắc Kinh biện minh và giảm nhẹ
Về mặt chính thức, theo nhiều nhà quan sát, Nhà nước Trung Quốc rõ ràng có một chính sách kiểm duyệt lịch sử ngay trong các trường học. Sách giáo khoa về lịch sử tránh đề cập tới thời kỳ Khmer Đỏ, kể cả cuộc chiến tranh biên giới 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động chống Việt Nam và để cứu chế độ Pol Pot cũng không được nhắc tới. Chính sách kiểm duyệt lịch sử khiến đa số giới sinh viên đại học ở Trung Quốc ngày nay hầu như không biết gì về cả hai sự kiện này, chưa nói đến việc Trung Quốc hậu thuẫn chế độ Khmer Đỏ.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 2009, vào lúc Tòa Án Quốc Tế xét xử các tội ác của Khmer Đỏ vừa khai mạc phiên đầu tiên, đã thừa nhận mối quan hệ hữu nghị giữa «Nhà Nước Cam Bốt Dân Chủ », tên gọi chính thức của chế độ Khmer Đỏ, và đồng thời giải thích chính quyền Khmer Đỏ vào thời điểm đó có đại diện hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc, và có quan hệ với không chỉ Bắc Kinh, mà hơn 70 quốc gia. Theo đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vụ án tội ác Khmer Đỏ hoàn toàn là chuyện nội bộ của Cam Bốt.
Chính quyền Cam Bốt : Từ « lên án » đến « tảng lờ »
Một thập kỉ sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, thủ tướng Hun Sen từng viết trong một tiểu luận rằng « Trung Quốc là gốc rễ của tất cả những tội ác (của Khmer Đỏ) ở Campuchia » (2). Cụ thể là ngay cả sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ vào năm 1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục yểm trợ cho tàn quân Pol Pot, cho đến đến đầu những năm 1990, và mỗi năm chi hàng trăm triệu USD nhằm chống lại Phnom Penh.
Tuy nhiên, ông Hun Sen sau này đã hoàn toàn thay đổi lập trường. Trong lời kể mới đây của Hun Sen về sự sụp đổ của Pol Pot trong một bộ phim tài liệu được chiếu trên truyền hình Campuchia đầu năm 2018, sau đó được phổ biến trên mạng, không có bất cứ một từ nào nói về Trung Quốc.
Bắc Kinh hậu thuẫn cho chế độ Pol Pot như thế nào ?
Theo nhà nghiên cứu Andrew Mertha, giáo sư đại học Mỹ Cornel « không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại một tuần lễ ». Bắc Kinh cung cấp ít nhất 90% viện trợ nước ngoài cho chế độ Pol Pot, từ hàng nhu yếu phẩm, cho đến máy móc xây dựng, vũ khí từ xe tăng, đến phi cơ và pháo các loại (3), cũng như hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy vũ khí, cảng biển và kể cả sân bay.
Nhà nghiên cứu Andrew Mertha, tác giả một cuốn sách hiếm hoi về vai trò của Trung Quốc với chế độ Khmer Đỏ mang tựa đề « Các chiến hữu : Sự trợ giúp của Trung Quốc với Khmer Đỏ 1975-1979 » nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có quan hệ hết sức mật thiết với chế độ Khmer Đỏ, bởi Bắc Kinh coi chế độ này là một chỗ dựa chính để kìm hãm Hà Nội, mà Trung Quốc gọi là « tiểu bá » và coi là chư hầu của Liên Xô.
Năm 2010, đại sứ Trung Quốc tại Cam Bốt thời đó, ông Trương Kim Phong (Zhang Jinfeng), trong một phát biểu thừa nhận hiếm hoi từ phía Bắc Kinh, đã khẳng định Trung Quốc chỉ viện trợ không hoàn lại cho Khmer Đỏ thực phẩm và một số dụng cụ nông nghiệp như cuốc xẻng, nhưng bác bỏ mọi liên hệ về chính trị giữa hai bên (1).
Đầu năm 2012, trong lời khai tại Tòa Án Quốc Tế ECCC, nhân vật số hai của Khmer Đỏ Nuon Chea, tuy thừa nhận Trung Quốc viện trợ vũ khí hạng nhẹ, nhu yếu phẩm, nhưng đã nhấn mạnh vào « tính chất vô điều kiện » trong các viện trợ từ Trung Quốc. Lời khai của Nuon Chea cũng trùng với nhiều tuyên bố chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những thừa nhận về mối quan hệ Trung Quốc – Cam Bốt hữu nghị và « vô tư » của Bắc Kinh bị ông Youk Chhang (người thoát khỏi nạn diệt chủng và hiện là giám đốc một trung tâm tư liệu về chế độ Khmer Đỏ ở Cam Bốt) bác bỏ hoàn toàn. Nhân chứng sống này cho biết các cố vấn Trung Quốc đã có mặt khắp nơi trong thời kỳ Khmer Đỏ, và cộng tác với tất cả các cấp chính quyền của chế độ anh em cộng sản này (4) (có thể đã có đến hàng chục ngàn cố vấn quân sự, cố vấn kỹ thuật, chuyên gia Trung Quốc đến Cam Bốt giúp Khmer Đỏ).
Trong một điều tra công phu khác (5), chuyên gia về chính trị và luật quốc tế John Ciorciari, Đại học Michigan, chỉ ra là có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã « hỗ trợ to lớn về vật chất và kỹ thuật » cho Khmer Đỏ, như vậy có thể nói Trung Quốc đóng vai trò là « kẻ đồng lõa »với nhiều tội ác man rợ của chính quyền Pol Pot. Đặc biệt trong giai đoạn sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đầu năm 1978, sẵn sàng chấp nhận các chính sách cực đoan của Nhà Nước Cam Bốt Dân Chủ (cho dù có bị mất mặt trên trường quốc tế), trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh với Hà Nội – hai đồng minh cộng sản cũ - đang ngày một tồi tệ hơn (6).
Bắc Kinh thua một trận đánh, nhưng thắng cả cuộc chiến ?
Các hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho chế độ Khmer Đỏ là một hiện thực lịch sử, mà Bắc Kinh cũng thừa nhận phần nào, thế nhưng hậu thuẫn đến mức nào là điều cho đến nay còn gây nhiều tranh cãi. Trở lại hiện tại, có thể rút ra nhận xét chung gì về giai đoạn lịch sử bi thảm và éo le này ? (7)
Nhà nghiên cứu Ấn Độ Nayan Chanda, cũng là một nhà báo chiến tranh kỳ cựu, có mặt tại chỗ và biết rõ về giai đoạn lịch sử này, có một bài viết mới đây mang tựa đề « Xét lại cuộc xâm chiếm Cam Bốt của Việt Nam » (8), nêu ra một nhận định cô đúc như sau : « Cuối năm 1977, Việt Nam nhận ra Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và kết luận rằng Bắc Kinh đang mượn tay Khmer Đỏ hung hãn để nghiền nát Việt Nam từ phía biên giới Tây Nam. Hà Nội cho rằng đánh phủ đầu là một lựa chọn khôn ngoan nhất ». Cuộc tấn công vũ bão đã làm chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, thế nhưng « chiến lược phản công kiên nhẫn của Trung Quốc » đã làm Việt Nam tuy thắng trên chiến trường, nhưng thua cả một cuộc chiến. Vào dịp thế giới tưởng nhớ 40 năm ngày lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn, cũng nên nhắc tới « những quyết sách tàn nhẫn, kiên định, bền bỉ » của Bắc Kinh, rốt cục họ « đã biến một thất bại thành chiến thắng ».
Rõ ràng là Trung Quốc đã thua trong các can thiệp nhằm hậu thuẫn Khmer Đỏ trong những năm 1970 - 1980. Chế độ khát máu Khmer Đỏ mà Bắc Kinh ủng hộ đã vĩnh viễn không còn nữa. Thế nhưng nhìn về dài hạn, trong 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tại Cam Bốt. Ảnh hưởng lớn đến nỗi mà chính quyền Cam Bốt giờ đây dường như không còn dám nhắc đến liên minh « tội ác » giữa Bắc Kinh và Khmer Đỏ, thì phải chăng có thể nói Trung Quốc đã giành chiến thắng trong toàn bộ cuộc chiến mở rộng ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương, như đúc kết trên đây của nhà nghiên cứu Ắn Độ ?
Tuy nhiên, nói đến cái gọi là « thắng lợi » của Trung Quốc cũng không thể không nói đến những ủng hộ của nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, đối với Trung Quốc trong các hoạt động hậu thuẫn Khmer Đỏ, khiến cho lực lượng này tiếp tục có được chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc cho đến đầu thập niên 1990. Và một vấn đề khác cũng không thể bỏ qua là thái độ ủng hộ của khối ASEAN vào thời điểm đó đối với phương Tây và Trung Quốc, hậu thuẫn Khmer Đỏ sau khi chế độ này sụp đổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ bành trướng của nước Việt Nam cộng sản tại vùng lục địa Đông Nam Á (9).
Ghi chú
1. « China Is Urged to Confront Its Own History », New York Times, 30/03/2015.
2. « China: Rewriting (and Repeating) History », The Diplomat, 15/01/2018.
3. Andrew Mertha là tác giả cuốn « Brothers in Arms: Chinese Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979 », Cornell Univ. Press, 2014.
4. « How Red China Supported the Brutal Khmer Rouge », Visiontimes, 28/01/2018.
5. Bài « China and the Pol Pot Regime » trong tạp chí Cold War History, tập 14, No. 2.
6. Theo nhà nghiên cứu Ciorciarti, báo cáo của một giới chức cao cấp Trung Quốc cho thấy có thể Bắc Kinh đã ủng hộ đợt thanh trừng 100.000 người bị coi là lực lượng « thân Việt », tức« phản bội », bao gồm cán bộ và cư dân miền Đông Cam Bốt vào mùa xuân năm 1978. Đây có thể là đợt thanh trừng tàn bạo nhất thời Khmer Đỏ.
7. Giới chuyên gia cũng chú ý đến một khảo cứu khác « Why Vietnam Invaded Cambodia:Political Culture and the Causes of War » của sử gia, nhà chính trị học Stephen Morris (năm 1999, 336 trang). Cuốn sách tìm cách soi tỏ các quan hệ phức tạp giữa đảng Cộng Sản Việt Nam với các lực lượng cộng sản Cam Bốt, trong đó có Khmer Đỏ, vốn cùng xuất thân từ cái nôi chung đảng Cộng Sản Đông Dương, do người Việt lãnh đạo. Các quan hệ càng trở nên phức tạp bội phần trên cái nền mặc cảm lâu đời của dân Cam Bốt với người láng giềng phía đông, trong bối cảnh bạo lực - chiến tranh tàn khốc, cũng như xung đột giằng xé trong nội bộ thế giới cộng sản.
8. « Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited », The Diplomat, 01/12/2018. Nayan Chand là tác giả cuốn « Brother Enemy: The War After the War », Harcourt, 1986.
9. Bị đẩy vào chân tường đầu những năm 1980 (do bị cấm vận, bị sa lầy tại Cam Bốt, chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng như do hậu quả của các chính sách cực đoan trong nước), chế độ cộng sản Việt Nam phải tự cải tổ, nới lỏng kiểm soát xã hội. Cuối năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Năm 1992, Hà Nội tham gia Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác ở Đông Nam Á và trở thành quan sát viên tại các hội nghị bộ trưởng ASEAN. Việt Nam được kết nạp vào khối ASEAN năm 1995. Xem thêm : « ASEAN sinh nhật 50 tuổi : Bài học cũ để vượt qua thách thức mới », 8/8/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét