Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

NGUYÊN THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ PHAN DIỄN: ĐẤT NƯỚC LÂM VÀO HOÀN CẢNH HIỂM NGHÈO GIAI ĐOẠN NGUYỄN TẤN DŨNG LÀM THỦ TƯỚNG ( 2005-2015)?

Kết quả hình ảnh cho nguyễn tấn dung

"Chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo và trả giá đắt…"

VOV.VN -Có thể nói, trước Đại hội XII, chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo. Vì thế mà những chuyển biến Đảng đã làm được từ đầu khóa XII đến giờ thật là may mắn, đáng mừng
Gần 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương đương nhiệm (3 trong số đó bị cho thôi Ủy viên Trung ương) kể từ đầu nhiệm kỳ cùng những chuyển động mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chính đốn Đảng trong năm 2018 đã mang lại cho nhân dân, cán bộ đảng viên niềm tin vào quyết tâm của Đảng trong việc đẩy lùi những thói hư, tật xấu làm suy yếu Đảng và Nhà nước.
“Chúng ta đã từng lâm vào hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo”
Ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư nhận định, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng chỉnh đốn Đảng đã có những chuyển biến lớn. Chúng ta đã chứng kiến Đảng tiến hành những cuộc thanh tra,  kiểm tra và xử lý kỷ luật nhiều cán bộ mắc sai phạm; Nhà nước đã đưa ra xét xử vụ án, nhiều cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cấp cao đã phải nhận các hình thức xử lý nghiêm khắc. 
chung ta da lam vao hoan canh hiem ngheo va tra gia dat… hinh 1
Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN
Nguyên Thường trực Ban Bí thư nhận xét, hầu hết các vụ việc đưa ra xét xử từ sau Đại hội XII đều đã xảy ra trong những năm 2006-2015. Từ khi Đảng cầm quyền, đây là quãng thời gian chúng ta đã buông lỏng kỷ luật Đảng và kỷ cương phép nước nghiêm trọng nhất, để cho nội bộ Đảng và Nhà nước xảy ra nhiều hư hỏng sai phạm nhất, làm cho nhân dân và cán bộ bất bình, lo lắng, lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước giảm sút nặng nề. Như bài học lịch sử ở nhiều nước cho thấy thì điều này chính là nguyên nhân trực tiếp đưa đến những cuộc suy sụp Đảng, đổ vỡ chế độ và khủng hoảng xã hội. Vì vậy có thể nói, vào thời điểm trước Đại hội XII, chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo.
“Bây giờ nhớ lại chúng ta không khỏi rùng mình vì đất nước lúc đó đã đứng trước tình hình như vậy. Cũng vì thế mà những chuyển biến mà Đảng ta đã làm được từ đầu khóa XII đến giờ thật là điều may mắn đáng mừng. Mừng vì Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật để từ đó quyết tâm hành động, xoay chuyển được tình hình, cứu được những thành quả của cách mạng, cứu được chế độ. Đó là ý nghĩa rất lớn của cuộc đấu tranh này”, ông Phan Diễn nhận định.
“Chúng ta đã phải trả cái giá quá đắt”
Nhưng cũng thật là đau xót vì trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã phải trả giá đắt. Hàng loạt cán bộ đảng viên cao cấp của Đảng, kể cả một số người trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã phải chịu xử lý kỷ luật. Có những tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước mà rất nhiều cán bộ chủ chốt, vốn là những người đã được Đảng, Nhà nước dày công đào tạo bồi dưỡng, có tài năng, nay cũng bị Đảng thi hành kỷ luật và vướng vào vòng lao lý. 
“Nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, dù đau xót nhưng vì lợi ích của nhân dân, để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật Nhà nước, chúng ta không được phép dừng cuộc đấu tranh này mà phải kiên trì tiếp tục. Điều đó là hoàn toàn cần thiết”, ông Phan Diễn nêu rõ.
chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo và trả giá đắt…
 
Theo ông Phan Diễn, từ sau Đại hội XII, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chuyển biến rất nhanh chóng. Trước Đại hội, những hư hỏng, vi phạm lộng hành khắp nơi, ở nhiều cấp nhiều ngành, thậm chí ở ngay trong những cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật. Đảng, Nhà nước đã từng tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng nhiều sai phạm lớn vẫn được bỏ qua, không có mấy vụ việc đáng kể nào được phát hiện, đấu tranh, đưa ra xét xử. Nhưng sau Đại hội, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ việc tiêu cực đã bị phanh phui, nhiều cán bộ có sai phạm đã bị xử lý, phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc. 
Điều gì khiến chúng ta trong một thời gian ngắn đã thay đổi được tình hình nhanh đến vậy? Giải đáp câu hỏi này, ông Phan Diễn quả quyết, yếu tố quyết định ở đây chính là tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của người đứng đầu và của những tập thể lãnh đạo. 
Đại hội XII đã đem lại những thay đổi quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Những nhân tố tích cực mạnh lên, ngày càng giữ được vai trò chi phối và chính tập thể lãnh đạo này với người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp quyết định vào sự xoay chuyển của tình hình. Ý chí và hành động của lãnh đạo đã đáp ứng đúng mong đợi của toàn dân, được nhân dân đồng tình và ủng hộ. Chính lòng dân đã giữ vai trò nền tảng, gốc rễ của những biến đổi tích cực vừa qua. Trước tình hình tiêu cực tràn lan, cán bộ đảng viên và người dân với tinh thần xây dựng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái hư hỏng đã bằng nhiều con đường bày tỏ sự bất bình, thẳng thắn tố cáo những vụ việc sai trái, kiên trì đề nghị, yêu cầu Đảng và Nhà nước lên án và trừng trị những kẻ xấu và hành vi vi phạm pháp luật, và điều đó đã giúp cho lãnh đạo biết rõ tình hình, thêm quyết tâm chống tiêu cực.
chung ta da lam vao hoan canh hiem ngheo va tra gia dat… hinh 2
"Những quy định Trung ương ban hành thời gian qua có thể coi như các loại "kháng sinh" kháng lại các mầm mống suy thoái trong cán bộ"
Đã có “kháng sinh” chống lại mầm mống suy thoái
Giờ đây, Đảng ta đang quan tâm hoàn thiện các thể chế có liên quan để ngăn chặn từ gốc những hành vi sai trái, như tăng cường việc kiểm soát quyền lực, cảnh báo sớm, nhắc nhở mọi người cảnh giác, lánh xa những hành vi phi pháp. Những quy định mà Trung ương ban hành thời gian qua như trách nhiệm nêu gương; những điều đảng viên không được làm; kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên…, có thể được coi như các loại “kháng sinh” chống lại mầm mống suy thoái trong cán bộ.
Những quy định đó chỉ ra cho cán bộ, đảng viên những tiêu chuẩn mà họ phải phấn đấu thực hiện tốt để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách và giữ được uy tín với nhân dân. Đó cũng là những căn cứ, cơ sở để xã hội theo dõi, kiểm tra và góp ý kiến, phê bình cán bộ.
Ông Phan Diễn bày tỏ niềm tin là công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ, rồi trở thành nền nếp thường xuyên, lâu dài. Bởi những thành quả thu được chỉ mới là bước đầu, những hư hỏng mà ta gây ra trong nhiều năm qua đã ăn sâu vào tổ chức, bộ máy của Đảng, Nhà nước, để lại những hậu quả mà không dễ gì gột rửa trong ngày một ngày hai.
“Cuộc đấu tranh của chúng ta còn lâu dài. Chúng ta sẽ phải kiên trì, không thể chùn bước. Trong lịch sử của Đảng ta, đã có những lần sau thắng lợi lớn, chúng ta lại chủ quan, tự mãn để phạm phải sai lầm dẫn tới những tổn thất đáng tiếc. Lần này chúng ta quyết không nên để mắc lại những sai lầm như thế. Tôi tâm đắc với lời nhắc nhở của Tổng Bí thư khi nhậm chức Chủ tịch nước, đó là chúng ta không được phép thỏa mãn, không được phép kiêu ngạo, không được phép say sưa ngủ trên vòng nguyệt quế”.
Ông Phan Diễn cũng bày tỏ hy vọng cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực của Đảng sẽ mở đầu cho những đổi mới về chính trị sâu sắc tiếp theo mà nội dung cốt lõi là phát huy dân chủ, thực hiện kỷ cương, kiên quyết đấu tranh với hành vi vi phạm lợi ích của nhân dân, khuyến khích và bảo vệ những người, những việc làm chăm lo quyền lợi của người dân, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo của dân tộc, làm cho Nhà nước ta, chế độ ta đi theo định hướng XHCN đích thực./.
Hà Thanh/VOV.VNẢnh, Clip: Trọng Phú

Không có nhận xét nào: