Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

VNTB- Trung Quốc sẽ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế?


Minh Quân

(VNTB) - Bây giờ thì không còn có thể nói về triển vọng ‘kinh tế Trung Quốc cất cánh’ được nữa, mà chỉ còn là vấn đề nền kinh tế nước này sẽ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế mà thôi.

Trong tháng 1 năm 2019, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất 3 năm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI Caixin/Markit tháng 1 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc giảm còn 48,3, tệ nhất kể từ tháng 2/2016, từ mức 49,7 hồi tháng 12/2018. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp PMI Caixin/Markit giảm. Các nhà phân tích trước đó dự báo PMI Caixin/Markit tháng 1 là 49,5.

PMI là khảo sát các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh. Số liệu này là một trong những thông tin đầu tiên giúp xác định tình hình kinh tế, thường được công bố hàng tháng. Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao số liệu kinh tế Trung Quốc để xác định thiệt hại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa kết thúc.

PMI trên 50 thể hiện sản xuất mở rộng và ngược lại.

Vào tháng 1 năm 2019, Michael Schuman viết trên  Bloomberg Businessweek (bài “Forget the Trade War. China Is Already in Crisis”) đã gọi đây là một cuộc “khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc”. Cuộc khủng hoảng này không chỉ đơn thuần là về tốc độ tăng trưởng hiện tại chậm lại. Tất cả các đèn cảnh báo cho thảm họa đã nhấp nháy màu đỏ: bong bóng nhà đất, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp từ thép đến sản xuất tấm pin mặt trời, và đáng lo ngại nhất là sự tích tụ nợ ở mức khổng lồ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng số nợ so với sản lượng quốc gia đã tăng lên tới mức 253% vào giữa năm 2018, từ mức chỉ 140% một thập niên trước đó. Không nền kinh tế mới nổi nào kể từ những năm 1990 trải qua một quá trình tăng nợ quá mức như vậy mà lại thoát khỏi được một thảm họa tài chính. Trung Quốc sẽ phải thách thức lịch sử nếu muốn tránh được một thảm họa nợ nần.

Những khoảnh khắc Lehman có thể đáng sợ, nhưng chúng cũng mang tính thanh lọc, một cơ hội cho thị trường đào thải những thực thể yếu kém và tạo không gian cho các thực thể mới và tốt hơn. Bằng cách ngăn chặn điều đó xảy ra, Bắc Kinh lại đang cho phép những thứ cặn bã thối rữa thêm, có khả năng làm tăng chi phí dọn dẹp không thể tránh khỏi sau này.

Giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ đòi hỏi phải có một Chương trình Cứu trợ Tài sản xấu khổng lồ. Chúng ta có thể hình dung sơ bộ chi phí sẽ lớn như thế nào nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Chính phủ Hàn Quốc đã chi tương đương 31% GDP để cứu hệ thống tài chính của mình sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu sử dụng mức đó để tham khảo, chi phí Trung Quốc phải bỏ ra có thể đạt 3,8 nghìn tỷ đô la. Nó có thể còn cao hơn. Indonesia đã phải chi 57% tổng sản phẩm quốc nội cho việc tái cấu trúc sau khủng hoảng năm 1997.

Thực chất kinh tế Trung Quốc ra sao?

   Rất nhiều thành phố 'ma' trong lòng Trung Quốc

Khách quan mà xét, Trung Quốc đã vượt qua được một thử thách rất lớn về kinh tế vào giai đoạn những năm 2012-2013. Từ năm 2011, người được giải Nobel kinh tế là Tiến Sĩ Nouriel Roubini đã đưa ra dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng vào năm 2013.” Tốc độ suy giảm GDP, nợ chính quyền địa phương và tình hình thiếu khả quan của các thị trường bất động sản và chứng khoán… là một số cơ sở cho nhận định bi quan như vậy của Rounini và cả một số tổ chức phân tích tài chính phương Tây. Tuy thế đến năm 2013, Trung Quốc lại bất ngờ vượt qua vực thẳm kinh tế và tài chính để sau đó nhịp độ tăng trưởng GDP có phần phục hồi. Cho tới gần đây, nền kinh tế quốc gia này vẫn có vẻ “ổn” và không bị quá nhiều dư luận nghi ngờ như trước đây.

Nhưng vẫn có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính quyền nước này chưa bao giờ dám công bố: tổng nợ quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến $28 ngàn tỷ vào năm 2016 – theo phân tích của tờ Financial Times vào Tháng Tư, 2016 – vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc.

Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – lên đến $4,000 tỷ vào năm 2016 và giảm xuống còn khoảng $3,000 tỷ vào năm 2018. Chỉ có điều, con số $3,000 – $4,000 tỷ này chỉ bằng 1/7 – 1/9 so với gánh nặng tổng nợ quốc gia $28 ngàn tỷ.

Vào đầu năm 2017, đã có những phản biện mới nhất về thực chất nền kinh tế Trung Quốc đến từ ông Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách “Sự Sụp Đổ Sắp Đến của Trung Quốc.” Vị luật sư kiêm nhà bình luận người Mỹ này nhận định “kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do” trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất ổn thực sự dưới bề mặt.

Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là: Trong năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ $900 tỷ đến $1,000 tỷ; và theo nguồn tin của ông, chỉ có $500 tỷ trong số $3,000 tỷ dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông, Trung Quốc chỉ còn $1.5 nghìn tỷ tiền khả dụng để bảo vệ đồng Nhân Dân Tệ…

Có ít nhất một cơ sở cho nhận định về tiền khả dụng chỉ chiếm một nửa so với con số dự trữ ngoại hối mà chính quyền Trung Quốc công bố: vào năm 2011, chính một cục trưởng Thống Kê của Trung Quốc, người sau đó đã về hưu, đã phải thừa nhận rằng nhiều thống kê của quốc gia này không phản ánh đúng sự thật. Cũng vào năm đó, con số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được công bố chỉ khoảng $1,550 tỷ, nhưng đến năm 2014 thì Trung Quốc đã phải thừa nhận loại nợ này đã tăng gấp đôi, tức $3,000 tỷ. Còn đến Tháng Mười năm 2018, tờ Financial Times công bố nợ của chính quyền địa phương đã lên đến $6,000 tỷ, chiếm tới 60% GDP của Trung Quốc.

Trong khi đó, vài nhà phân tích ở Hồng Kông cũng cho rằng GDP thực sự ở Trung Quốc không thể tăng đến 7% như báo cáo, mà chỉ khoảng 4-5% hàng năm.

Một trong những gam màu xám không thể che giấu chính là bức tranh về thị trường chứng khoán Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã liên tiếp lao dốc và suy giảm, mất hơn 40% giá trị so với đỉnh cao nhất của nó vào năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là mặc dù có nhiều thông tin cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã đổ ra hơn $100 tỷ, hoặc gấp nhiều lần như thế để vực dậy chứng khoán nhưng lại khiến quỹ dự trữ ngoại hối nước này giảm từ $4,000 tỷ xuống còn $3,000 tỷ trùng với giai đoạn chứng khoán Thượng Hải giảm thê thảm, vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy biểu đồ các chỉ số chứng khoán Trung Quốc sẽ chứng minh được sức khỏe của nền kinh tế nước này là phục hồi và ổn định bằng cách hướng lên. Ngược lại là đằng khác, các nhà đầu tư chứng khoán lúc nào cũng như chực chờ để bán tháo cổ phiếu.

Không có nhận xét nào: