Tóm tắt bài viết

  • Một nguồn tin nói với tờ báo Nikkei, Chủ tịch Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan vào năm 2049.
  • Trung Quốc muốn có chính quyền thân Bắc Kinh ở Đài Loan giống như cách đã làm với Hồng Kông để thống nhất theo công thức "Một quốc gia, Hai chế độ".
  • Trong chuyến công du thăm các đồng minh ngoại giao Carribean, khi quá cảnh ở Mỹ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có một bài phát biểu tại Đại học Columbia: "Trải nghiệm của Hồng Kông dưới 'Một quốc gia, Hai chế độ' đã cho thế giới thấy, một lần và mãi mãi, chủ nghĩa độc đoán và dân chủ không thể cùng tồn tại".
Chủ tịch Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan vào năm 2049, nhưng mới đây, biểu tình Hồng Kông lâm vào khủng hoảng, Hoa Kỳ phê duyệt bán hơn 2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan và chuyến quá cảnh Mỹ của Tổng thống Thái Anh Văn… là những làn sóng có thể khiến “Giấc mộng Trung Hoa” tan vỡ, theo Nikkei. 
Theo các nguồn tin của Nikkei, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc và Đài Loan cùng kỷ niệm ngày thống nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049 – một trăm năm thành lập “Trung Quốc mới”.
Năm ngoái, Viện phó Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Thanh Hoa, Giáo sư Vu Vĩnh Bình đã đưa ra nhận định rằng báo cáo tại Đại hội khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đã hé lộ về thời điểm thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh. Ông cho rằng đó có thể là năm 2049 hay 2050.
Trong bài phát biểu năm mới 2019, Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất “Một quốc gia, Hai chế độ” là cách tốt nhất để hướng tới hòa bình thống nhất Đài Loan. Ngay sau đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đăng đàn phản hồi, tái khẳng định từ chối thống nhất với đại lục theo công thức “Một quốc gia, Hai chế độ”.
Ông Tập nói, thống nhất đã là một mong mỏi từ lâu, một phần của “giấc mơ Trung Hoa” về “sự trẻ hóa vĩ đại của đất nước Trung Quốc”. Bài diễn văn năm mới của ông cũng tạo một bước ngoặt đối với chính trị Đài Loan. Trong số 23,5 triệu người dân Đài Loan đang tận hưởng tự do dân chủ, nhiều người hy vọng điều mà họ đang có được duy trì. 
Bài phát biểu của bà Thái Anh Văn ở Hoa Kỳ
“Trải nghiệm của Hồng Kông dưới ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ đã cho thế giới thấy, một lần và mãi mãi, chủ nghĩa độc đoán và dân chủ không thể tồn tại”, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, lãnh đạo 62 tuổi tuyên bố trong bài phát biểu tại Đại học Columbia hôm thứ Sáu (26/7), trong chuyến quá cảnh Hoa Kỳ trên hành trình tới thăm các đồng minh ngoại giao Trung Mỹ và Caribbean.
Bà Thái Anh Văn đã có bài phát biểu ở Đại học Colombia, Hoa Kỳ. (Ảnh: Newbloommag)
Phát biểu mạnh mẽ của bà Thái ở xứ tự do dân chủ Hoa Kỳ bác bỏ đề xuất của ông Tập là điều quan trọng, cho thấy một chiến trường mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan 2020, tờ Nikkei dẫn lời một học giả Đài Loan chuyên ngành chính trị quốc tế.
Ông Trump dường như đã cảm nhận được tham vọng của ông Tập 
Ngược lại chuỗi sự kiện dẫn đến bài phát biểu của bà Thái ở Hoa Kỳ, có thể bắt đầu ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, cung điện hoàng tộc, nơi những hoàng đế Trung Hoa sinh sống.
Hồi tháng 11/2017, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới thăm Trung Quốc, ông quay sang vị chủ nhà nói rằng: “Chủ tịch Tập, ông là vua cả đời”, dường như lúc đó ông Trump đã cảm nhận được tham vọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo ký giả Katsuji Nakazawa của Nikkei. 
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh vào ngày 8/11/2017. Chuyến thăm diễn ra trong chặng công du châu Á của Tổng thống Trump. (Ảnh: AP)
Ông Tập đã lên kế hoạch, nhưng lúc đó chưa thực hiện, về một cải cách hiến pháp bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với các chủ tịch Trung Quốc. Lúc đó, chưa ai hình dung được về một cuộc thương chiến tàn khốc giữa một siêu cường và một cường quốc đang lên do một chủ tịch dẫn dắt suốt đời đã lặng lẽ bắt đầu.
Và điều mà ông Trump có thể chưa biết lúc đó là ông Tập mở rộng mục tiêu khác hơn cả việc sửa đổi hiến pháp quốc gia – điều mà ông Tập đã làm tốt vào 4 tháng sau.
Ông Tập đang thực hiện ước mơ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc muốn có chính quyền thân Bắc Kinh ở Đài Loan giống như cách đã làm với Hồng Kông
Trong một cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc Quốc Dân đảng – thân Bắc Kinh, còn gọi là Quốc Dân đảng (Kuomintang hoặc KMT) đã giành được chiến thắng vang dội. Chiến thắng này đã cổ vũ ông Tập, ông cảnh báo Hoa Kỳ không can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Ông Tập nói Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại sự can thiệp từ bên ngoài và các lực lượng thúc đẩy độc lập Đài Loan.
Sau chiến thắng của KMT, bà Thái buộc phải từ chức chủ tịch đảng Dân Tiến (DPP) chịu trách nhiệm cho sự thất bại của đảng cầm quyền, đồng thời, một sự đồng thuận gia tăng trong chính đảng này, cho rằng cơ hội tái đắc cử của bà Thái vào năm 2020 đang dần mờ nhạt, đến mức họ xem xét sao cho có một ứng viên tiềm năng mạnh hơn. Nhưng sau phản ứng cứng rắn của bà Thái đối với bài phát biểu năm mới của ông Tập, tỷ lệ ủng hộ bà vượt trội.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết hôm 9/4, Trung Quốc đang đe dọa nền dân chủ hòn đảo. (Ảnh: Reuters)
Gần đây, khi hàng triệu công dân Hồng Kông xuống đường phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm hình sự về Trung Quốc đại lục để xét xử, dẫn tới người dân ở Đài Loan đã có phản ứng chống lại đề xuất “Một quốc gia, Hai chế độ” mà ông Tập cũng muốn áp dụng ở Đài Loan. Chưa kể, trong tháng trước, Chính quyền Trump phê duyệt việc bán số lượng lớn xe tăng và tên lửa cho Đài Loan. Ngay sau đó, bà Thái hiện diện ở New York với các đại sứ Hoa Kỳ của 17 quốc gia mà Đài Loan có quan hệ ngoại giao – một bước tiến bất thường đối với nữ lãnh đạo Đài Loan.
Đó đều là những cơn sóng đáng ngại cho ông Tập, can thiệp vào chi tiết kế hoạch thống nhất Trung Quốc.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc muốn có một chính quyền thân Trung Quốc tại Đài Bắc, chính quyền đó chấp nhận thống nhất thông qua “Một quốc gia, Hai chế độ” trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2040, theo ông Lin Quanzhong, một cựu nhà nghiên cứu tại tổ chức học thuật Đài Loan Academia Sinica.
Những hoạt động ở Hồng Kông, như việc làm cho lãnh thổ phụ thuộc đại lục nhiều hơn về kinh tế, tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên các phương tiện truyền thông địa phương, tạo ra các ý kiến ủng hộ Trung Quốc – dường như cũng đang bắt rễ ở Đài Loan, ông Lin nói. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không thể hợp tác với đa số các lực lượng chính trị thân Trung Quốc.
Trung Quốc với kế hoạch hàng chục năm để “mộng Trung Hoa” không phải là giấc mơ
Quá trình bàn giao Hồng Kông từ thuộc địa của Anh trở về Trung Quốc đại lục đã phải mất 15 năm, kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình và bà Margaret Thatcher thực hiện đàm phán vào tháng 7/1997. Như vậy, để đảm bảo sự thống nhất Đài Loan vào năm 2049, cũng theo mốc 15 năm, Bắc Kinh sẽ phải khởi động quá trình vào khoảng năm 2035. Chừng nào DPP còn nắm quyền, giấc mơ thống nhất Trung Quốc – Đài Loan sẽ vẫn là một ước muốn xa vời, bởi DPP ủng hộ độc lập Đài Loan. Trung Quốc không muốn lãng phí thời gian. Mỗi cuộc bầu cử tổng thống trong số 4 cuộc bầu cử tổng thống dự kiến tổ chức tại Đài Loan từ năm 2020 đến năm 2030 đều vô cùng quan trọng.
“Thời điểm thực sự cho các mối quan hệ xuyên eo biển sẽ là vào khoảng năm 2030”, một trí thức Đài Loan nói, Nikkei trích dẫn. Thời kỳ này liên quan đến tuyên bố của ông Tập rằng Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, ít nhất về kinh tế, vào năm 2035.
Katsuji Nakazawa giả thiết, nếu Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế, họ sẽ có trọng lực hơn đối với Đài Loan. Nếu sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đủ mạnh nhằm đe dọa sử dụng vũ lực và cảnh báo Hoa Kỳ chống “can thiệp” vào Đài Loan, thì Hoa Kỳ nên coi đó là một cảnh báo hơn là dọa suông. Trớ trêu thay, tình trạng Hương Cảng trong những tháng qua khiến gia tăng hoài nghi về hình thức cai trị Hồng Kông “Một quốc gia, Hai chế độ” mà ông Tập cũng muốn sử dụng để thống nhất Đài Loan. 
Kinh nghiệm của “một người bán rau” giúp thị trưởng Cao Hùng trở thành đối thủ của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử Đài Loan 2020
Ngày 29/7, KMT tuyên bố ông Hàn Quốc Du, thị trưởng 62 tuổi của Cao Hùng giành được đề cử ứng viên tổng thống của đảng này. Ông Hàn sẽ đối đầu với bà Thái trong cuộc bầu cử năm tới. 
Những cuộc biểu tình ở Hồng Kông bắt nguồn từ việc phản đối dự luật dẫn độ đã khiến ông Hàn rơi vào thế bất lợi. Ban đầu, khi được hỏi về tình trạng Hồng Kông, ông trả lời: “Tôi không biết rõ về tình huống này”, điều đó đã khiến ông trở thành mục tiêu chỉ trích của truyền thông vì “thân Trung Quốc”. Sau đó, ông đảo ngược lập trường, thề rằng công thức “Một quốc gia, Hai chế độ” sẽ không bao giờ được thực hiện ở Đài Loan nếu ông là tổng thống. 
Ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu) Thị trưởng Cao Hùng – thành phố lớn nhất ở miền nam Đài Loan. (Ảnh: Reuters)
Theo Katsuji Nakazawa, ông Hàn là một nhân vật độc đáo, khác hẳn các ứng viên tổng thống của Quốc Dân đảng trước đây. Ông tự gọi mình là “một người bán rau” và rằng ông sẽ là một “tổng thống bình dân”, lời tự nhận này thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri bất mãn với sự bất bình đẳng kinh tế. 
Ông Hàn được cho là một đối thủ dễ đánh bại cho bà Thái hơn là tỷ phú Terry Gou của tập đoàn Foxconn. Bởi rõ ràng, một người bán rau sẽ thiếu kinh nghiệm trong đấu trường chính trị hơn các đối thủ kỳ cựu. 
Nhưng cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vẫn còn một nửa năm nữa mới diễn ra. Và đó là rất nhiều thời gian, bởi trong sáu tháng, sau tất cả, bà Thái đã trở lại mạnh mẽ hơn, chiến thắng ứng viên tổng thống DPP.