12/06/2020 17:44
Đoàn tàu lập riêng chở 150 chuyên gia Trung Quốc vừa đến Quảng Ngãi và sẽ được cách ly 14 ngày theo quy định để phòng dịch Covid-19.
Thông tin với Báo Giao thông, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành Đường sắt vừa tổ chức chạy đoàn tàu riêng để vận chuyển 150 chuyên gia Trung Quốc sang công tác tại Khu công nghiệp Dung Quất.
Đoàn tàu vừa đến Quảng Ngãi lúc 15h02 chiều nay (12/6), sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến.
Ngay khi tàu tới ga, đoàn chuyên gia và 3 nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu đều được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn toa xe cũng được cơ quan y tế Quảng Ngãi phun khử trùng.
Bà Hà cho biết thêm, để đảm bảo vận chuyển an toàn, ngành Đường sắt đã lên phương án tổ chức chạy tàu chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Cụ thể, ngày 11/6, Công ty Vietravel vận chuyển 150 chuyên gia bằng ô tô từ cửa khẩu đến ga Đồng Đăng. Ô tô chạy thẳng vào ga Đồng Đăng để chuyển hành khách lên tàu.
Đoàn khách được bố trí trên 6 toa xe với 3 nhân viên đường sắt chuyên phục vụ trong suốt hành trình. Các nhân viên này phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ y tế.
Tàu chạy thẳng từ Đồng Đăng về Hà Nội, sau đó chạy tiếp vào Quảng Ngãi. Trong suốt quá trình chạy tàu từ Đồng Đăng vào đến Quảng Ngãi, 6 toa xe này được khóa các cửa lên xuống. Tổ công tác trên tàu và tổ cung ứng bố trí trên các toa xe công vụ phát điện và xe hàng cơm; các toa xe này được khóa cách ly với cụm xe khách. Dọc đường, đoàn tàu chỉ dừng tại một số ga để tác nghiệp kỹ thuật, không đón trả khách.
Công tác phục vụ ăn uống trên tàu cũng được quy định chặt. Lương thực trên tàu được chuẩn bị đẩy đủ để cung cấp cho đoàn khách trong toàn bộ hành trình. Nhân viên đường sắt đưa suất ăn (các hộp dùng 1 lần) tại các cửa tiếp giáp giữa toa xe hàng cơm và toa xe khách, hành khách tự phục vụ, để phòng ngừa lây nhiễm virus nếu có.
Trước khi tàu đến ga Quảng Ngãi, các chuyên gia Trung Quốc cũng phải mặc bảo hộ y tế để khi tàu dừng, khẩn trương xuống tàu, di chuyển ra xe, đi đến khu cách ly.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp với các doanh nghiệp Trung Quốc
VTV.vn - Chiều tối nay (12/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp lãnh đạo của 5 doanh nghiệp lớn đại diện cho 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ở Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là sau đại dịch COVID-19 để khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã đầu tư nghiêm túc, quan tâm công tác bảo vệ môi trường và chăm lo tốt cho đời sống của người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có truyền thống lịch sử, gắn bó từ trong kháng chiến dành độc lập dân tộc của hai nước. Trước cách mạng tháng Tám, Bác Hồ và nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã hoạt động tại Trung Quốc. Ngược lại, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Trung Quốc kháng Nhật. Còn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung Quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên mối quan hệ hữu hảo, cũng như sự giúp đỡ này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, cùng với lịch sử tốt đẹp của mối quan hệ đó, giờ đây hai nước, trong đó các doanh nghiệp cần hợp tác để tiếp tục vun đắp và phát triển mối quan hệ đó.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhờ chủ động, quyết liệt, tích cực cùng với có đối sách đúng "chống dịch như chống giặc" và đi trước Tổ chức Y tế Thế giới nên Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch COVID-19. Đến nay, cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường trên khắp đất nước Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã điều trị khỏi cho hầu hết các bệnh nhân trong đó có 2 cha con tới từ Vũ Hán. Khi dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã cử máy bay trở thiết bị và đồ bảo hộ y tế tới Vũ Hán, ngoài hỗ trợ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Hội chữ thập đỏ cùng với lực lượng công an, quân đội, cùng với chính quyền và nhân dân 7 tỉnh biên giới cũng đã hỗ trợ Trung Quốc phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng Lý Khắc Cường là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam điện đàm để chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh.
Hình ảnh tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong lúc khó khăn, hoạn nạn do đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ được nhịp độ hợp tác. Là bạn hàng nhập khẩu và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 36 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm ngoái. Đến nay, Trung Quốc là nước đứng thứ 7 trong 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam với trên 20 tỷ USD. Trong 3.000 dự án, có những dự án có vốn đầu tư rất lớn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt vải và may mặc tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Đánh giá cao nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã nghiêm túc trong đầu tư với quy mô lớn vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn hợp tác, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và kinh doanh thành công ở Việt Nam nhiều hơn nữa. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các địa phương, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh và Tiền Giang tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi, nhất là về mặt bằng và nhập cảnh của các chuyên gia, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Cùng với mong muốn, 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam hãy nghĩ lớn, làm lớn và thành công lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ và chính quyền các địa phương của Việt Nam sẽ luôn bên cạnh các nhà đầu tư, cũng như xóa bỏ mọi rào cản để các doanh nghiệp thành công và cùng thắng, vì thành công của các doanh nghiệp nước ngoài cũng là thành công của Việt Nam.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo 5 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Texhong, đang đầu tư vào 14 dự án, tạo việc làm cho 25.000 công nhân báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc công ty này đã thực hiện thành công "Mục tiêu kép" của Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn đã nhanh chóng khôi phục toàn bộ các nhà máy sản xuất ở Việt Nam, đến nay đã đạt gần 100% công suất và 5 tháng qua đã xuất khẩu với kim ngạch gần 500 triệu USD. Dù thị trường châu Âu và châu Mỹ có sụt giảm nhưng Texhong vẫn quyết tâm thực hiện cam kết với Thủ tướng hồi tháng 3 vừa qua, là đầu tư thêm 420 triệu USD vào Quảng Ninh trong nửa đầu năm nay để hình thành nên chuỗi sản xuất sợi và dệt may khép kín.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng cảm ơn Việt Nam là nước phòng chống COVID-19 tốt nhất thế giới. Vì thế, họ đã vững tin không cắt giảm lao động, mà cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn này. Cùng với kết quả chống dịch COVID-19 và cuộc gặp này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ càng tự tin hơn để mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét