Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

TRẬN ĐẦU Ở LÀNG PINH-E 153 SƯ 356 DÍNH PHÁO TÀU VÌ ĐỂ LỘ KHÓI BẾP

Đặng Quốc Tuấn
( Lính vận tải E 153-F 356)


Vào một đêm khoảng cuối tháng 6/1984, chúng tôi nhận lệnh hành quân ra mặt  trận. Tất cả đều được quán triệt tuyệt đối bí mật, thực hiện lệnh:Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Chúng tôi âm thầm ra trận…
                              CCB E 153 Đặng Quốc Tuấn
Vẫn là những chiếc xe tải Zin 130, Gaz 66 cọc cạch đưa chúng tôi đi. Dọc đường đi đồi núi quanh co, xe chỉ bật đèn gầm chậm chạp bò do trời rất tối. Trong khi pháo địch bắn cầm canh, thỉnh thoảng có quả bay xẹt qua đầu hoặc nổ rất gần với đoàn xe làm chúng tôi không khỏi lo lắng. Đến gần sáng thì đến nơi tập kết. Đó là  vách núi dựng đứng sừng sững cao khoảng trên 100 m được gọi là Làng Pinh. Phía trước vách núi có con suối chảy qua nghe rì rào êm đềm, nếu không có tiếng pháo bắn thì có lẽ nơi đây rất nên thơ. Bên kia bờ suối ruộng bậc thang nhỏ, có làng mạc nhưng dân được lệnh sơ tán đã rời khỏi làng đi rồi. Chúng tôi lợi dụng vách đá, các hang hốc nhỏ đều được tận dụng làm nơi ẩn nấp. Tuy nhiên chúng tôi cũng không hề được phổ biến đâu là địch vì vậy các chiến sỹ khá chủ quan. Đại đội tôi được bố trí sát trong cùng của vách đá ngay bên cạnh là lán của Trung tá Trung đoàn trưởng Kiều Công Chức  người Sơn Tây. Anh có tiếng nói nghe buồn cười lắm, lúc đầu nghe không quen cánh lính trẻ hay nhại lại tiếng rồi trêu nhau cười ngả nghiêng, tất nhiên là chỉ nói sau lưng.
Tiếp theo đó là đại đội 24 quân y của Trung đoàn, các đại đội hỏa lực, tiểu đoàn bộ binh ...thì cứ lợi dụng các vách đá, hang đá xung quanh đó để ổn định vị trí. Tôi tìm được một chỗ sát vách núi, nhặt được vài mảnh gỗ thùng đạn rồi đặt balô xuống định ngủ một chút mà không sao nhắm mắt được, 
Khoảng 10 h sáng, mặt trời đã chênh chếch  rọi nắng xuống  chỗ chúng tôi, lúc đó mới ước đoán được hướng địch. Cách chỗ tôi nằm khoảng 7-8 m có 1 tảng đá to như cái bàn. Có mấy cậu lính trẻ đang đứng phì phèo thuốc lá tán gẫu vì nghĩ rằng đằng sau vách đá là an toàn, tuy rằng chẳng hề biết địch ở chỗ nào, cách đó bao nhiêu, chỉ phỏng đoán là đã rất gần khoảng vài km. Tôi cũng đứng ra đó góp chuyện. Một số đơn vị đã nhóm được bếp, nấu xong cơm, những vệt khói ngoằn ngèo bay lên, cậu Thúy anh nuôi của đơn vị vừa lấy gạo ra suối vo thì bỗng tiếng pháo cấp tập rít lên nổ ngay trước mặt. Tôi nhìn rõ cột nước tung lên cách chỗ Thúy khoảng 4 m. Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, Thúy rất nhanh sau một giây định thần bỏ cả gạo chạy lên. Có tiếng ai đó nói to: “Bị địch tập kích rồi”!

Làng Pinh ảnh chụp chiều 4/6/2020

Tiếng pháo càng dữ dội, theo phản xạ tôi lao về chỗ nằm để lấy súng thì một tiếng nổ đinh óc mùi khói khét lẹt  xộc thẳng vào mũi. Cả người tôi như có ai đẩy cực mạnh từ phía sau làm tôi ngã sấp xuống, ngực tức khó thở vô cùng. Hai tai điếc đặc, không nghe thấy gì cả. Đất đá bay vèo vèo, một dòng nước ấm nóng, mặn mặn ứa ra từ miệng. Tôi thoáng nghĩ mình bị thương rồi, tôi cố bò vào gần khẩu súng hơn mà không thể nhúc nhích được. Loáng thoáng có bước chân chạy, bóng người đổ vật xung quanh rồi không biết gì nữa. 
Hai đợt pháo kích đã làm cho khoảng 50 chiến sỹ Trung đoàn 153 mất sức chiến đấu trong đó có anh Chân Thiếu tá Tham mưu trưởng Trung đoàn; Anh bị thương rất nặng, cánh tay bị gãy nát sát bả vai gần như đứt lìa, mắt anh nhắm nghiền, khuôn mắt nhợt nhạt vì mất nhiều máu. Mặc dù đã được băng bó nhưng mọi người đứng xung quanh đều hiểu rằng: anh khó lòng qua khỏi; Anh thều thào nói: “Làm ơn để sát cánh tay vào người tôi”. Một y tá làm theo ý anh nhưng rồi anh lịm dần và ra đi khi chưa đánh trận nào.
Người thứ hai là Đại úy Phạm Hồng Thuận, đại đội trưởng cũ của tôi hồi còn huấn luyện tân binh, Anh được điều lên làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5. Ngay loạt pháo kích đầu tiên chỉ cách chỗ anh đứng khoảng 1 m, anh bị thương nặng. Cả 2 tay, vừa cố gắng ngồi dậy thì bị tiếp quả đạn nữa cũng cách chỗ anh khoảng 1 m làm anh bị dập nát cả 2 chân. Mọi người rất khẩn trương băng bó rồi chuyển về phía sau. Anh bị mất cả 2 tay, 2 chân phải ngồi xe lăn nghe nói anh còn sống được khoảng hơn10 năm nữa trong viện điều dưỡng, có tiêu chuẩn người chăm sóc đặc biệt. 
Có lẽ tổn thất nặng nhất là đại đội 16 hỏa lực 12 ly 7 và đại đội 18 thông tin, khi đang chuẩn bị ăn cơm. Cả nhóm vừa ngồi vào mâm chưa kịp ăn thì quả đạn pháo rơi trúng mâm cả 6 người hy sinh tại chỗ xác không còn nguyên vẹn. 
Không biết tôi nằm như thế được bao lâu thì có người chạy tới kéo lật tôi ngửa ra, có lẽ thấy tôi còn sống nên ghé sát vào tai tôi hét lên: Có bị làm sao không? Tôi lắc đầu rồi cố ngồi dậy nhìn xung quanh. Trước mắt tôi là cảnh tượng kinh hoàng không thể tin được; Cách tôi khoảng 1 m, tảng đá mà tôi vừa đứng tựa vào tán gẫu đã biến mất; Thay vào đó là mấy viên đá cháy sém khét mùi thuốc súng, viên đá to nhất còn lại chỉ bằng chiếc mũ cối.
Xung quanh nhiều bóng người chạy vội vã, khiêng cáng tấp nập khẩn trương. Một số máu me đầy người đang cố gắng đi về phía đại đội 24 (quân y). Được khoảng 20 phút, tôi đứng dậy định đi về phía đại đội 24 quân y thì  lại tiếp tục một đợt pháo kích mới dồn dập. Tôi nhìn rõ bóng một số người đang chạy, khiêng cáng bị trúng đạn pháo tung lên. Tôi vội lao vào một cái hốc đá, cố rúc vào bên trong, tối om. Bỗng có ai đó né người ra nhường chỗ cho tôi rúc vào sâu thêm. Chưa kịp nhận ra ai thì người đó ghé sát tai tôi nói trong tiếng pháo đinh tai, tôi nghe lõm bõm: Em ...Hải  vệ binh ... em vừa về phép lên ....rồi nhét vào túi tôi 1 mảnh giấy.
Tôi lờ mờ nhận ra Hải ở vệ binh Trung đoàn, nhà ở khu vực chợ Mơ, hình như làm bảo vệ, nó ít hơn tôi 3 tuổi, lính nhập ngũ 1983. Mẹ tôi hồi đó làm ở Công ty Gia công thu mua hàng Công nghệ phẩm đóng trong chợ Mơ. Những lúc rỗi rãi chuyện trò, nó bảo có biết mẹ tôi, vì vậy mỗi lần được về phép là nó lại đến nhà chơi. Nó thường khoe với tôi: “Em có chưởng (võ) đấy, đứa nào láo anh cứ bảo em”. Tuy nhiên, tôi chưa sử dụng sự “bảo kê” đó lần nào vì chưa thấy ”đứa nào láo” cả. Trong đơn vị, tôi cũng thuộc loại lớn tuổi hơn và có thâm niên quân ngũ nhiều hơn nên được cánh lính trẻ rất tôn trọng, chúng làm việc gì cũng hỏi tôi trước xem có được không rồi mới dám làm...
Chúng tôi cứ chịu trận trong hang như vậy khoảng 20 phút, có những lúc tưởng như pháo bắn sập hang nhưng rồi trận pháo kích cũng chấm dứt, lần này chúng tôi thận trọng hơn vì sợ địch tiếp tục trận pháo kích nữa...
Cả ngày hôm ấy chúng tôi hứng chịu khoảng gần chục đợt pháo kích như vậy, các đợt pháo kích sau chúng tôi ít bị tổn thất hơn trước do đã có kinh nghiệm hơn. Khu vực chúng tôi tạm trú quân bị đạn pháo cầy xới nát bét, nhà cửa ruộng vườn của dân tan nát cháy rụi.
Chiều hôm ấy đại đội tôi được bố trí lùi xuống cách chỗ cũ khoảng 500 m đó là sườn núi đá, chỗ này không an toàn bằng chỗ cũ do không còn vách đá che chắn nữa, nhưng nó có vài cái hốc đá đủ để đơn vị trú quân. Tôi kiếm được một cái hốc đá nếu chui vào trong thì ngồi được 2 người, rất ẩm ướt tối tăm và hôi hám vì vậy tôi mắc võng ngay cửa hang để nằm. Khi nào bị pháo kích thì chui vào hang, còn không thì nằm ngoài, mà nằm ngoài thì phải phơi người ra chịu đựng cái nắng mùa hè cực kỳ gay gắt. Khổ nhất là mưa, tôi đã từng nghe câu “mưa ngàn gió núi”, bây giờ được “thưởng thức” mới thấy nó khủng khiếp như thế nào; Mưa xối xả, mưa như trút như đổ nước vào người. Do ở lưng chừng núi nên mặc dù che chắn tăng võng kiểu gì cũng ướt; Rét mà không thể mặc thêm được quần áo, mưa cả đêm thì ướt cả đêm, mưa cả ngày thì ướt cả ngày rồi lại khô; Chúng tôi chỉ biết chịu trận chứ không làm cách nào được, rồi lại phải căng tai nghe nếu pháo bắn thì chui vội vào hang; Nhiều khi mệt quá thôi thì mặc may rủi mưa trút, pháo bắn cứ ngủ.      
Như vậy ngay trận đầu tiên chưa đánh đấm gì chúng tôi đã bị tổn thất nặng nề, Trung tá Trung đoàn trưởng Kiều Công Chức lập tức bị Tư lệnh mặt trận gọi về kỷ luật, khuôn mặt ông đanh lại vì tức giận. Ngay sau đó cấp trên điều động Thiếu tá Hồ Minh Toại về thay Trung đoàn trưởng bị kỷ luật. Nghe đồn E trưởng Hồ Minh Toại trước khi sang là Phó Trung đoàn trưởng đặc công, võ nghệ cao cường người dân tộc Tày, nhỏ thó, rất nhanh nhẹn và cực kỳ ít nói. Một con người gan dạ đến mức liều lĩnh cấp dưới vô cùng nể phục ông…
Nhiệm vụ vận tải    
Ngay sáng hôm sau Trung đoàn 153 của chúng tôi được giao nhiệm vụ vận tải củng cố trận địa, chuẩn bị chiến trường. Trong chiến đấu, những người lính vận tải là những người bị động nhất họ thường “bị giặc đánh” chứ không được “đánh giặc” do vậy họ rất vất vả và phải chịu thương vong lớn. Cứ khoảng từ 8 h tối chúng tôi nhận hàng, đạn dược, lương thực, thực phẩm, cả các thanh bêtông để làm công sự. Chúng tôi chia thành nhiều đoàn, mỗi đoàn khi thì 10-20 người; khi thì 20-30 người cách nhau khoảng 1-2 tiếng đi rải rác trong đêm. Chúng tôi chuyển hàng lên trận địa, hoặc mang vào hang Làng Lò, rồi lại chuyển thương binh hoặc tử sỹ từ hang Làng Lò về Làng Pinh trước 5 h sáng để đưa lên xe ô tô chuyển về Hà Giang.
Từ các điểm chốt, thương binh luôn được ưu tiên đưa xuống trước. Những ngày ấy, trời Vị Xuyên mưa gió tầm tã, đường trơn trượt, lầy lội, các tuyến đường đều bị Trung Quốc khống chế nên chúng tôi phải bám theo vách đá tai mèo, đèo dốc để đi. Việc vận chuyển thương binh, thi hài liệt sĩ cũng vì thế mà vô cùng  khó khăn. Đưa được một ca thương binh phải bố trí ít nhất 4 người. Dốc cao, mưa trơn, vừa đẩy vừa kéo. Nhiều người trong chúng tôi đã hy sinh hoặc thương vong khi làm nhiệm vụ. Thực ra tâm lý cánh vận tải chúng tôi muốn vận chuyển liệt sỹ hơn vận chuyển thương binh, vì khi vận chuyển thương binh phải hết sức nhẹ nhàng, kể cả khi bị pháo kích; Nhất là lúc leo trèo trên vách đá tai mèo, hoặc lội suối nhỡ va vào vách đá đau quá, họ la toáng lên thì cực kỳ nguy hiểm. Còn nếu vận chuyển tử sỹ thì chọn tử sỹ càng nhẹ càng tốt thậm chí...Nói vậy thôi, chứ khi vận chuyển những liệt sỹ  còn quá ít bộ phận thân thể, chúng tôi không khỏi xót xa thương cảm cho đồng đội mình, nhiều khi không cầm được nước mắt…
Tôi còn nhớ có lần tôi cõng một liệt sỹ chỉ còn nửa trên của thân thể; tôi cho vào ba lô khoác lên vai, đội mũ như người bạn còn sống.Tôi đã đặt 2 tay liệt sĩ ôm lấy vai tôi cho khỏi rơi khi leo trèo, có những chỗ còn vừa đi vừa thủ thỉ tâm sự an ủi người đã khuất: “Tôi là Tuấn  C 25- E153, cần gì cứ báo cho tôi, nếu còn sống nhất định tôi sẽ thực hiện được, còn nếu không thì chúng mình sẽ gặp lại nhau....”
Đến nay, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy day dứt với những người đã hy sinh, có người mang được hài cốt về, có người vẫn còn nằm lại chiến trường; người đã biết tên, người không tên tuổi…
Đ.Q.T.

CCB  Trịnh Tâm bổ sung:
Nếu anh đang ở vị trí đỉnh Cóc Nghè, anh nhìn sang bên kia chính diện là đỉnh 1509- còn phía trái là 1545 - phía phải là 1250; Ba vị trí chiến lược đều có lính và pháo của bọn Tàu nằm ở trên đó cả… Anh à, hồi đó đi lại rất nguy hiểm, xẩy ra nó phát hiện nó gọi pháo bắn liền. Nhiều hôm, đơn vị em chạy giữa làn đạn pháo, bụi mịt mù…
Vâng đêm 29 và ngày 30/6/1984, E 153 có nhiệm vụ phục vụ cho E 876 đánh chiếm lại 772 nên đã ém quân từ chân Cóc Nghè cho ra tận làng Pinh. Tối 29/6 em gặp anh Trịnh Hải Đăng người cùng xã, hai anh em ở sát vách đá làng Pinh.
Chiều 30/6/1984, E153 bị pháo, H 12 chủ yếu là từ trận địa pháo 152 ly đặt ở cao điểm 1545, bắn chéo về, gây sát thương rất nhiều. Nó bắn cuốn chiếu từ Cóc Nghè về làng Pinh rồi rê pháo trở lại... Cánh lính hồi đó bảo là nó làm cỏ vậy.
Hôm đó em phải chạy hai ba nơi mới thoát chết đó anh... Phần này em đã viết rồi trogn bài của em! Từ đó trở đi khu vực này mang cái tên “ Thung lũng gọi hồn”... 

Rút tử Biên khảo 1000 trang:" VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"

Bạn đọc có nhu cầu chia sẻ xin liên hệ qua email: Hoanghtham9@gmail.com;
 ĐT: 0382598746

Không có nhận xét nào: