Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Tại Liên hiệp quốc, ông Tập Cận Bình đòi vị thế nước lớn

19/01/2017 14:50 GMT+7

TTO - Trong bài phát biểu ở trụ sở Liên hiệp quốc tại Geneva ngày 18-1, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "các nước lớn cần tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau".
Tại Liên hiệp quốc, ông Tập Cận Bình đòi vị thế nước lớn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp tại trụ sở của LHQ ở Geneva ngày 18-1 - Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, ông Tập Cận Bình có bài phát biểu dài hơn 45 phút tại trụ sở LHQ vào thời điểm kết thúc chuyến công du tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ).
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng gửi gắm những thông điệp cụ thể của Trung Quốc trong bối cảnh chỉ còn hai ngày là tới lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Một số chuyên gia nhận định chuyến công du của ông Tập Cận Bình có thể xem như một nỗ lực mong muốn thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc ở một thời điểm mà Washington đang rơi vào thế không chắc chắc với những quyết sách khó đoán của chính quyền mới.
Trong bài phát biểu tại LHQ, ông Tập Cận Bình nêu quan điểm: "Vũ khí hạt nhân cần bị cấm hoàn toàn và bị hủy bỏ theo thời gian để thế giới không còn loại vũ khí này".
Trung Quốc đã là một cường quốc hạt nhân kể từ năm 1964.
Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn thế giới sẽ hướng tới việc trở thành một sân chơi bình đẳng giữa các nước và các xu hướng can thiệp sẽ bị phản đối.
Ông Tập Cận Bình nói: "Chúng ta cần phản đối xu thế áp đảo của một hay nhiều nước. Các nước lớn cần tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau".
Tiếp đó ông nói thêm: "Các nước lớn nên hành xử với những nước nhỏ hơn như những đối tác bình đẳng thay vì cư xử như một lãnh đạo, áp đặt ý chí của họ lên người khác".
Và chủ tịch Trung Quốc khẳng định: "Bình đẳng về chủ quyền là nguyên tắc quan trọng nhất".
Cùng với những kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân và bình đẳng chủ quyền, ông Tập cũng nói Trung Quốc là quốc gia "cam kết sẽ xây dựng một thế giới hòa bình bền vững".
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos trước đó, ông Tập Cận Bình nêu quan điểm ủng hộ sự đoàn kết và hợp tác để đối mặt với những thách thức toàn cầu gia tăng như chủ nghĩa bảo hộ, chống lại quá trình thương mại toàn cầu hóa.
Mặc dù không đề cập trực tiếp tới chính quyền mới của nước Mỹ, song rõ ràng những thông điệp về vấn đề vũ khí hạt nhân và tự do thương mại của chủ tịch Trung Quốc đã ngầm ẩn quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước các tuyên bố thời gian qua của tổng thống đắc cử Donald Trump về những vấn đề này.
D. KIM THOA

Không có nhận xét nào: