Nhiều ý kiến tại Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột trước hiệu quả chống tham nhũng...
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu về công tác phòng chống tham nhũng.
Về lý thuyết, chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới, đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận sáng 7/11 của Quốc hội.
Trước đó, trong ba phiên thảo luận về các báo cáo tư pháp và phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến tại Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột trước hiệu quả chống tham nhũng.
"Miễn dịch" với dân
Đại biểu Quốc nhắc lại 12 năm trước, khi Quốc hội lần đầu thảo luận về việc xây dựng Bộ luật Phòng chống tham nhũng, ông đã suy nghĩ rằng, về lý thuyết chống tham nhũng ở Việt Nam là "dễ nhất thế giới".
"Nếu muốn tham nhũng thì phải có quyền lực, mà gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng. Không phải đảng viên thì đến chức phó phòng cũng không có. Như thế có nghĩa là trong thực tế ở Việt Nam, tham nhũng đối với người dân về căn bản là miễn dịch", ông Quốc nói.
Tiếp tục phân tích, vị đại biểu này nói, đảng viên cũng chỉ là một thiểu số cư dân, chiếm 1/20 dân số và chỉ có một thiểu số trong đó là có quyền chức thực sự. Trong số những người đó chắc chỉ có một ít những người tham nhũng.
"Như đấu tranh với bệnh dịch, ta khoanh được vùng cư trú là về căn bản chúng ta đã giải quyết được rồi. Điều đó nói lên quyết tâm của Đảng là quan trọng nhất. Với việc chấn chỉnh nội bộ, biến Đảng thật sự thành đảng cầm quyền gương mẫu, quay lưng với tham nhũng, chúng ta đã giải quyết được căn bản. Chắc chắn trong cuộc đấu tranh đó, người dân ủng hộ sẽ đứng đằng sau", ông Quốc phát biểu.
Theo ông, với giặc ngoại xâm không có trận nào là trận cuối cùng, nhưng với sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền thì đây là "trận đánh cuối cùng".
"Đảng gương mẫu sẽ giữ được vai trò của mình đối với lịch sử. Đương nhiên lịch sử hết sức nghiêm khắc, chúng ta không làm được việc đó thì chúng ta sẽ tự thải loại khỏi lịch sử", ông Quốc nhận định.
Nhà sử học cũng "mở ngoặc" rằng ông nói điều này hết sức là tế nhị. Bởi ông là đại biểu Quốc hội hiếm hoi không phải là đảng viên, phát biểu trước một cử tọa mà đại đa số là đảng viên.
"Nhưng đấy thực sự là tấm lòng, là mong muốn của người dân, để chúng ta bảo vệ chế độ mà 70 năm nay bằng xương máu chúng ta đã gìn giữ", ông Quốc nói.
"Tài sản lớn nhất" là lòng dân
Cũng nói về tham nhũng, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cho rằng khai báo tài sản ít nhất phải khai báo ba đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được.
"Người ta có biết ông có cái gì đâu, con cái ông có cái gì, làm sao họ biết nếu anh không công khai. Nên chúng ta phải công khai nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội, tài sản cứ giấu diếm sợ người ta biết. Như thế chúng ta không minh bạch", vị đại biểu tỉnh Hà Giang bình luận.
"Tôi nói một câu chuyện vui với các đồng chí nhưng các đồng chí cũng đừng trách tôi, đừng thù hằn tôi. Tôi đọc một câu chuyện ở Trung Quốc, khi vua đưa trung thần ra pháp trường để chém đầu, trung thần mới nói, trước khi vua chém đầu tôi, tôi hỏi vua tài sản lớn nhất của vua là gì? Vua không trả lời được. Trung thần nói tài sản lớn nhất của vua là lòng dân, vua cứ chém tôi, tôi đi rồi vua cũng đi theo", đại biểu Sùng Thìn Cò nói.
Vị đại biểu này cũng so sánh tham nhũng như giặc nội xâm.
"Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta", ông phát biểu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét