Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Giới chuyên gia: Bình Nhưỡng chưa chế tạo nổi bom H

Theo phân tích của giám đốc cơ quan địa chấn Nhật Bản, việc thử bom H đáng lẽ gây ra động đất cường độ 7, bậc thang Richter 06/01/2016.

Các chuyên gia về nguyên tử hôm nay 06/01/2016 đón nhận tin Bắc Triều Tiên thử quả bom H đầu tiên với đầy ngờ vực, vì cường độ địa chấn gây ra chỉ tương ứng với vụ nổ của một quả bom có sức công phá nhẹ hơn. Hồi tháng trước, giới chuyên gia cũng đã tỏ ra nghi ngờ khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên ngầm cho biết đã hoàn chỉnh được bom H.
Vụ thử bom diễn ra hai ngày trước sinh nhật Kim Jong Un, đã gây ra một vụ động đất ở mức 5,1 độ Richter ở cách Kilju khoảng 50 km về phía tây bắc, có nghĩa là gần địa điểm thử nguyên tử Punggye Ri.

Chuyên gia về nguyên tử Crispin Rovere ở Úc nhận xét : « Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là ít mãnh liệt hơn những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Mới nhìn thì có vẻ Bắc Triều Tiên đã thử nguyên tử thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai ».


Các bom A, tức bom nguyên tử chế tạo bằng phương pháp phân hạch – phân rã các hạt nhân uranium hay plutonium, giải thoát ra khối năng lượng nhỏ hơn so với bom H (còn gọi là bom nhiệt hạch hay bom khinh khí). Loại bom nhiệt hạch sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến hợp hạch tức tổng hợp nguyên tử, theo một phản ứng dây chuyền.

Đối với một số chuyên gia về Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un đang tìm kiếm một « thành công » để khoe khoang vào tháng Năm tới, khi đảng Lao Động Triều Tiên họp đại hội lần đầu tiên kể từ 35 năm qua.

Ông Choi Kang, phó giám đốc Viện nghiên cứu Chính trị ở Seoul cũng nhận định : « Tôi không nghĩ rằng đó là bom H, vì vụ nổ sẽ phải mãnh liệt hơn nhiều. Có lẽ Bình Nhưỡng gọi là bom H vì mới đây Kim Jong Un đã đe dọa ».

Là chế độ bị cô lập nhất trên thế giới, Bắc Triều Tiên thường có những tuyên bố không ai kiểm chứng được về chương trình nguyên tử của họ. Bình Nhưỡng còn khẳng định có thể bắn hỏa tiễn sang lãnh thổ Hoa Kỳ, một điều mà các nhà chuyên gia cho là không thể thực hiện được, ít nhất là trong lúc này.

Dù vậy hồi tháng 9/2015, Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế (ISSI) đã cảnh báo về một nhà máy xử lý vật liệu phóng xạ mới đang được xây dựng ở Yongbyon, cơ sở nguyên tử chính của Bắc Triều Tiên. Cơ sở này có thể được sử dụng để tách biệt các nguyên tố đồng vị và sản xuất ra tritium. Đây là một trong những nguyên tố đồng vị của hydrogen, và là một trong những thành phần căn bản để sản xuất ra các quả bom khinh khí.

Nhà phân tích Bruce Bennett của Rand Corporation cũng tỏ ra nghi ngờ loan báo của Bình Nhưỡng. Ông nói với AFP : « Nếu đó là một quả bom H thực sự, thì sẽ gây ra động đất mạnh gấp 100 lần, ở cường độ 7 độ Richter ».

Theo ông Bennett, vụ nổ hôm nay tương ứng với một quả bom từ 10 đến 15 ngàn tấn, cỡ bằng quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima hồi năm 1945. Nếu là bom nhiệt hạch, thì có thể quy trình hợp hạch đã bị thất bại, hoặc quy trình phân hạch đã diễn ra không chính xác.

Có điều sức mạnh của vụ nổ làm tăng nguy cơ gây ra động đất cũng như nhiễm phóng xạ, gây lo lắng cho nước Trung Quốc láng giềng.

Nhà phân tích Bruce Bennett đặt ra câu hỏi : « Kim Jong Un đã tiến hành một vụ thử bom nguyên tử mà các chuyên gia trên thế giới đều cho rằng đã thất bại. Liệu ông ta sẽ cảm thấy buộc phải thử thêm lần nữa từ nay cho đến Đại hội Đảng vào tháng Năm, để chứng tỏ năng lực của Bắc Triều Tiên trước quốc tế ? »

Sau khi vụ thử bom được loan báo, cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) trong một báo cáo ngắn gởi cho các dân biểu nước này cũng cho rằng đây không thể là bom khinh khí.

Hai lần thử nguyên tử đầu tiên của Bắc Triều Tiên vào năm 2006 và 2009 được thực hiện với các quả bom chế tạo bằng plutonium, còn lần thứ ba vào năm 2013 có thể là bằng uranium.

Theo nhà nghiên cứu Seong Chai Ki thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, vụ nổ hôm nay rất có thể là của một quả bom phân hạch tăng cường - có nghĩa là cũng sử dụng cả phương pháp hợp hạch – được coi là một giai đoạn trung gian trước khi tiến đến chế tạo được bom nhiệt hạch. Ông nói : « Một số người cho rằng Bắc Triều Tiên trước hết phải thử nghiệm bom phân hạch tăng cường, trước khi thử trực tiếp bom nhiệt hạch ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160106-gioi-chuyen-gia-nghi-ngo-binh-nhuong-chua-che-tao-noi-bom-h





Đường phố Triều Tiên đìu hiu đón "thông báo trọng đại" về bom H

Hải Võ | 
Đường phố Triều Tiên đìu hiu đón "thông báo trọng đại" về bom H
Người dân Bình Nhưỡng thờ ơ bước qua bảng điện tử đang phát "thông báo trọng đại" của Triều Tiên vào lúc 12h trưa nay. Ảnh: THX

Theo Tân Hoa Xã, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khá yên tĩnh trong ngày hôm nay, không tổ chức hoạt động quần chúng rầm rộ nhằm chúc mừng "thử nghiệm thành công bom khinh khí".






Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, tính đến 15h chiều nay, 6/1, mọi vấn đề dân sinh ở Bình Nhưỡng diễn ra bình thường. Chính phủ Triều Tiên không có thêm động thái nào sau tuyên bố vào hồi 12h trưa.
Thông cáo của chính phủ nước này cũng nêu rõ thời gian tiến hành vụ thử hạt nhân là 10h sáng nay (giờ Bình Nhưỡng), nhưng không đề cập đến địa điểm.
Phóng viên Tân Hoa Xã tại Bình Nhưỡng cũng ghi nhận bầu không khí ở thủ đô Triều Tiên rất bình thường, người dân "không cảm thấy có gì chấn động".
Sau khi phát thanh viên gạo cội Ri Chun Hee kết thúc bản "thông báo trọng đại" trên kênh truyền hình trung ương Triều Tiên, đài truyền hình liên tục phát sóng những ca khúc như "Niềm vui của nhân dân", "Hướng về núi Paektu"...

Người đứng kẻ ngồi, nhiều người tỏ ra không quan tâm đến tuyên bố trọng đại của chính phủ Triều Tiên. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Người đứng kẻ ngồi", nhiều người tỏ ra không quan tâm đến "tuyên bố trọng đại" của chính phủ Triều Tiên. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trái ngược với thông tin của Tân Hoa Xã, phóng viên của AP (Mỹ) lại cho biết không khí ở Triều Tiên rất rộn ràng.
Theo AP, nhiều người dân đã đổ ra đường bất chấp thời tiết giá lạnh để theo dõi bản tin trền truyền hình quốc gia, rồi reo hò, vỗ tay ăn mừng.
Một vài người chụp ảnh, quay video khoảnh khắc phát thanh viên thông báo rằng Triều Tiên vừa tiến hành thành công một vụ thử bom nhiệt hạch.

Hình ảnh người dân Triều Tiên tụ tập đông đảo chúc mừng sự kiện bom khinh khí, trái với thông tin Bình Nhưỡng yên tĩnh từ truyền thông Trung Quốc
Hình ảnh người dân Triều Tiên tụ tập đông đảo chúc mừng sự kiện bom khinh khí, trái với thông tin "Bình Nhưỡng yên tĩnh" từ truyền thông Trung Quốc
Trong khi đó, vụ thử thành công bom khinh khí đã khiến khu vực biên giới Trung-Triều, gồm các huyện Diên Cát, Huy Xuân, Trường Bạch… ở Trung Quốc cảm nhận chấn động rõ rệt.
Người dân Diên Cát mô tả, bàn ghế đã rung lắc trong nhiều giây, nhân viên công tác trong các tòa nhà được sơ tán. Mặt đất trên sân vận động của một trường cấp 3 còn xuất hiện vết nứt, làm gián đoạn một kỳ thi đang diễn ra.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này đã triển khai một cuộc kiểm tra phóng xạ khẩn cấp ở khu vực biên giới sau hành động của Bình Nhưỡng nhưng chưa phát hiện ảnh hưởng về môi trường.
Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên đã bị Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... chỉ trích mạnh mẽ là gây bất ổn tình hình bán đảo, trong khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào 23h tối nay (giờ Việt Nam) để thảo luận về sự kiện trên.
[Video] Không khí bình thường trên đường phố Bình Nhưỡng vào thời điểm Triều Tiên ra "tuyên bố trọng đại". Nguồn: Tân Hoa Xã
theo Trí Thức Trẻ

(Quốc tế) - Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một loại bom nhiệt hạch. Mặc dù tính xác thực của phát ngôn này vẫn còn đáng bàn cãi, rất có thể họ đã đạt được thành tựu đáng kể kể từ lần thử nghiệm trước đó vào tháng 2/2013.

Giờ đây, câu hỏi được đặt ra đó là cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào. Trong tất cả các nước, động thái của Trung Quốc, đối tác truyền thống của Triều Tiên và là thành viên có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, sẽ được chú ý nhiều nhất.

Quân đội Triều Tiên trong một cuộc diễu binh.
Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Theo bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này “phản đối kịch liệt” hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân. “Trung Quốc giữ vững lập trường của mình rằng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải được giải giáp hoàn toàn, qua đó đảm bảo hòa bình và ổn định của vùng Đông Bắc Á. Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuân theo cam kết xóa bỏ vũ khí hạt nhân và ngừng bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình xấu đi”, bà Hoa nói thêm.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Trung Quốc không được thông báo trước về lần thử nghiệm này và cho biết các chuyên gia đang phân tích để xác định vũ khí được thử nghiệm có thật sự là bom nhiệt hạch như Triều Tiên công bố hay không.
Bà Hoa cũng nhắc đến một số ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc, và Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc sẽ theo dõi các thông số phóng xạ dọc biên giới Trung Quốc – Triều Tiên để đảm bảo sự an toàn của người dân Trung Quốc. Khu Punggye-ri, nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngày 6/1 nằm ở phía Đông Bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc khoảng 100km.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó cũng cho biết Trung Quốc “có quan điểm cứng rắn” về cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân này. Ông gọi đây là “sự coi thường cộng đồng quốc tế” và nhắc lại rằng Trung Quốc “cam kết tuân theo thỏa thuận không phân bố vũ khí hạt nhân”.
Lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân trước của Triều Tiên vào tháng 2/2013 đã gây ra phản ứng tương tự từ Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì đã triệu Đại sứ Triều Tiên để giải trình về sự việc. Một số thông tin cho biết chính phủ Trung Quốc đã chủ động thuyết phục Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không được tiến hành thử nghiệm, bởi lúc đó Trung Quốc đang trong thời điểm chuyển giao quyền lực.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng ủng hộ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Vào ngày 7/3/2013, chưa đầy một tháng sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2094, trong đó viết rằng họ “bày tỏ quan ngại sâu sắc” đối với cuộc thử nghiệm này và mạnh mẽ lên án động thái này. Nghị quyết áp đặt lệnh cấm vận đối với cơ quan tài chính, cấm một số quan chức Triều Tiên ra nước ngoài và giới hạn nhập khẩu một số mặt hàng.
Rất có thể trong năm 2016, phản ứng của Trung Quốc sẽ còn dữ dội hơn thế. Ba năm sau lần thử nghiệm trước đó, Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ với Hàn Quốc và càng xa rời Triều tiên hơn trước. Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có 6 cuộc họp cấp cao trong vòng ba năm qua, trong khi đó ông Tập chưa hề gặp mặt ông Kim Jong-un.
Thực tế, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên dường như chưa hề khôi phục sau cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 2013. Mặc dù hai nước có những dấu hiệu nâng cao quan hệ khi tướng Choe Ryong-hae cùa Triều Tiên có mặt trong lễ diễu binh tại Trung Quốc vào tháng 9/2015 và sau đó ông Lưu Vân Sơn cũng đến Bình Nhưỡng vào tháng 10 cùng năm. Nhưng đến tháng 12, hai nước lại tranh cãi với nhau trong một loạt các hoạt động văn nghệ ở Trung Quốc, khiến hai đoàn Triều Tiên phải khăn gói về nước.

Trung Quốc từ lâu đã không gặp mặt Chủ tịch Kim Jong-un.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa thể “bỏ mặc” Triều Tiên. Sau cùng, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các hình thức đối thoại nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thay vì có những hành động mạnh bạo. Bắc Kinh đã từng phản đối việc ngăn cản các tướng lĩnh Triều Tiên ra nước ngoài, mặc dù họ vẫn sẵn sàng tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Giống như trước đây, nếu biện pháp mà các nước trên thế giới nhằm đáp trả hoạt động thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên vẫn chỉ là đẩy mạnh cấm vận, hiệu quả mang lại nhiều khả năng sẽ không lớn. Năm 2013, Mỹ bày tỏ sự hài lòng khi Trung Quốc đồng thuận với Liên Hợp Quốc, nhưng từ cuộc thử nghiệm ngày 6/1, có thể thấy rằng lệnh trừng phạt không hề ngăn cản Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, một phần là do Trung Quốc không tuân theo lệnh này một cách triệt để.
Cho dù là chính phủ Trung Quốc bí mật hỗ trợ Triều Tiên, hay là do Bắc Kinh không ngờ rằng các công ty trong nước sẵn sàng bỏ qua lệnh cấm vận để buôn bán cho Triều Tiên, các chuyên gia nhất trí rằng cho đến nay Triều Tiên được tiếp cận những công nghệ mà phương Tây cấm xuất khẩu cho Triều Tiên nhờ các công ty này.
(Theo Infonet)



Chuyên gia hạt nhân VN: Triều Tiên "đốt" tiền để có bom H!

Bình Nguyên | 
Chuyên gia hạt nhân VN: Triều Tiên "đốt" tiền để có bom H!




Nhân việc Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công bom H, PGS-TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân đã chia sẻ ra vài nhận định về vấn đề này.




Phóng viên (PV): Thưa nhà khoa học hạt nhân, PGS-TS. Trần Thanh Minh, ông có bất ngờ không khi nghe tin Triều Tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H)?
PGS-TS. Trần Thanh Minh: Tôi cũng hơi bất ngờ về việc Triều Tiên thử quả bom khinh khí hay nhiệt hạch này. Các vụ thử trước đây của họ đều là bom A, để tiến tới chế tạo được bom H là cả một bước tiến dài không hề dễ dàng.
Nhưng vì các vụ nổ đều ở dưới lòng đất, nên chỉ qua sức chấn động cũng chưa khẳng định được loại bom gì, bom A hay bom H.
PGS-TS TRẦN THANH MINH
Nguyên là giảng viên (PGS.TS) ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt (1977-1991), nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân (1991-1999). Nay là nghiên cứu viên cao cấp, cộng tác viên khoa học, nhà báo khoa học và Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
PV: Loại bom H này và bom A có gì khác nhau?
PGS-TS. Trần Thanh Minh:: Bom khinh khí cũng là bom hạt nhân. Có hai loại bom hạt nhân:
- Bom phân hạch hay bom A là bom hoạt động theo nguyên lý phân hạch hạt nhân với nhiên liệu là Uranium 235 hay Plutonium 239.
Khi cho các mảnh nhiên liệu này va chạm và kết hợp với nhau tạo thành một khối lượng lớn hơn một giá trị nhất định gọi là khối lượng tới hạn, vụ nổ xảy ra cùng với sự phân chia (hay phân hạch) của các hạt nhân nặng Uranium hay Plutonium.
Các lần thử trước đây, vì vụ nổ xảy ra ở dưới lòng đất nên không xác định chính xác là loại bom gì, chỉ nghe Triều Tiên công bố là bom A.
- Bom khinh khí hay bom H, còn gọi là bom tổng hợp nhiệt hạch. Quả bom này bao gồm một quả bom A nhỏ và một khối khí Hydro H1 hay Tritium H3.
Nguyên tắc hoạt động của nó như sau: Khi cho bom nổ, quả bom A được kích động cho nổ trước và phát ra nhiệt lượng lớn đưa nhiệt độ lên hàng triệu độ C.
Dưới sức nóng đó, các hạt nhân H va chạm và kết hợp với nhau tạo ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch với sức nổ mới mạnh hơn sức nổ quả bom A nhiều lần.

Sức mạnh khủng khiếp của bom hạt nhân.
Sức mạnh khủng khiếp của bom hạt nhân.
PV: Hiện trên mạng có lưu truyền một số tài liệu được cho là có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân và bom nhiệt hạch, liệu để làm ra chúng có khó không?
PGS-TS. Trần Thanh Minh: Nếu dễ thì chắc chắn đã có nhiều quốc gia, thậm chí là cả các cá nhân có lắm của nhiều tiền và sẽ tìm cách chế tạo hoặc sở hữu chúng!
Để chế tạo được bom hạt nhân (bom A) chứ chưa nói là bom H, là vô cùng khó khăn! Đòi hỏi không chỉ tiềm lực về tài chính, con người tức là những nhà khoa học công nghệ hạt nhân mà còn phải có nhiều loại máy móc và công nghệ hiện đại.
PV: Ông có thể cho biết để chế tạo được bom hạt nhân tốn bao nhiêu tiền? Phải chăng dù đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các nhà khoa học Triều Tiên vẫn đủ sức làm được một việc cực lớn.
PGS-TS. Trần Thanh Minh: Hiện không có thông tin cụ thể để chể tạo được bom hạt nhân sẽ tốn bao nhiêu tỉ USD.
Tuy nhiên, nếu dốc sức, mà trên thực tế là như vậy, Triều Tiên đã đổ tới gần 1/4 GDP vào quân sự (23,8% GDP - PV), do vậy cũng không hoàn toàn bất ngờ khi họ có thể chế tạo bom A hay bom H, họ đã làm được một việc cực lớn.

Triều Tiên chi tiêu gần 24% GDP bình quân hằng năm cho quân sự trong thời gian từ 2002 đến 2012 - Ảnh: AFP.
Triều Tiên chi tiêu gần 24% GDP bình quân hằng năm cho quân sự trong thời gian từ 2002 đến 2012 - Ảnh: AFP.
Nhưng tôi cho rằng họ có thể tạo ra được vụ nổ chứ chưa hẳn đã chế tạo được quả bom với khối lượng tối ưu cùng với các tên lửa mang bom xuyên lục địa có khả năng mang “thứ vũ khí chết người này” vượt đại dương đi xa đến Mỹ v.v…
PV: Liệu vụ thử của Triều Tiên vừa rồi có ảnh hưởng gì tới an toàn phóng xạ ở Việt Nam không ạ?
PGS-TS. Trần Thanh Minh: Chắc chắn các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tính toán rất kỹ khi thử nghiệm những loại bom khủng khiếp như vậy để không ảnh hưởng đến chính người dân của họ.
Vì sai một ly, đi một dặm, một quả bom hạt nhân có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn, chưa kể bụi phóng xạ có thể bay xa và để lại hậu quả ghê gớm mà hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm cũng chưa thể khắc phục được.
Được biết, quả bom được cho nổ ở dưới lòng đất đã khiến các nước láng giềng xung quanh hết sức lo ngại, nhưng tôi cho rằng sự lo ngại của họ chỉ là ở chỗ Triều Tiên sắp có trong tay thứ vũ khí hủy diệt kinh hoàng.
Đó là lý do chính chứ không hẳn là lo về bụi phóng xạ hay sự hủy diệt tức thời do vụ thử gây ra.
Việt Nam chúng ta lại ở xa hàng chục ngàn cây số. Do vậy, chúng ta hoàn toàn không có gì phải lo lắng về bụi phóng xạ có thể bay tới Việt Nam!
Vâng, xin cảm ơn nhà khoa học hạt nhân PGS-TS. Trần Thanh Minh đã chia sẻ cùng bạn đọc những thông tin thú vị.
theo Trí Thức Trẻ


Ông Kim Jong-un, thách thức đặc biệt của Trung Quốc

(GDVN) - Mọi sự chú ý xung quanh vụ ông Kim Jong-un thử "bom nhiệt hạch" đang đổ dồn về phản ứng của ông Tập Cận Bình.

South China Morning Post ngày 7/1 bình luận, việc Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao với CHDCND Triều Tiên xung quanh việc nước này thử hạt nhân lần thứ tư sẽ cho thế giới thấy vai trò thực sự của Bắc Kinh là gì trong trò chơi địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên. 
Một người Hàn Quốc theo dõi bản tin trên truyền hình tại Seoul về vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công "bom nhiệt hạch". Ảnh: Bloomberg/SCMP.
Bất chấp tuyên bố của Bình Nhưỡng giải thích vụ "thử bom nhiệt hạch thành công" sáng 6/1 là phản ứng với "đế quốc Mỹ thù địch', các chuyên gia vẫn tin rằng mục đích chính mà Chủ tịch CHDCND Triều Tiên hướng đới là Trung Quốc. Vụ "thử bom nhiệt hạch" có thể phản ánh chính xác hơn mối quan hệ Trung - Triều đang xấu đi.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất bây giờ là Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao. Các chuyên gia cho rằng, rất có thể Trung Quốc vẫn không từ bỏ "đồng minh rắc rối" này, nhưng sẽ hỗ trợ thêm các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, cho dù quyết định này có ảnh hưởng gì đến Bắc Triều Tiên hay không vẫn chưa ai biết chắc.
Bo Zhiyue, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại Đại học Victoria, Wellington, New Zealand nhận xét: "Nói cách khác, đây là một cuộc biểu tình chống Bắc Kinh. Họ đang nói, 'chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Điều này cho thấy sự độc lập của chúng tôi, và chúng tôi không cần phải có sự chấp thuận của các anh (Trung Quốc)'".
Giới nghiên cứu vẫn tin rằng vụ nổ hôm qua chắc chắn không liên quan đến một quả bom nhiệt hạch. Nhưng cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư đã báo hiệu sự thách thức liên tục của Bình Nhưỡng đối với thế giới bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, nước tỏ ra không hài lòng với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tháng 10 năm ngoái đã có nhiều người tin rằng quan hệ Trung - Triều đang tan băng khi ông Tập Cận Bình phái một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị sang dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng, mang theo thư tay ông viết những lời chúc tụng tốt đẹp gửi ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên khi ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch, mọi thứ lại quay trở lại như cũ.
Xuan Dongri, Giám đốc Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Diên Biên, Trung Quốc cho rằng: "Sự cố Moranbong đã tiết lộ ý định cơ bản của Bắc Triều Tiên, và dư luận có thể thấy liên hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang khá xấu. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên đang xấu đi hơn nữa."
Theo nhận định của ông Bo Zhiyue, một vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Triều đó là sự tập trung quyền lực quá mạnh vào ông Tập Cận Bình. Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, chính sách đa dạng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên được nhóm này ủng hộ nhưng bị nhóm kia phản đối. Nhưng sang thời ông Tập Cận Bình, mọi thứ đã thay đổi.
Quyết định của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên đang khiến Trung Quốc đau đầu.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un chưa bao giờ gặp nhau. Có rất ít đối thoại có ý nghĩa diễn ra giữa 2 nước, và thậm chí ngay cả những thảo luận nội bộ Trung Quốc về làm cách nào để gây ảnh hưởng tốt nhất đến Bình Nhưỡng cũng hiếm khi diến ra ở Bắc Kinh.
"Bạn cần có một kết nối nếu bạn muốn thuyết phục phía bên kia. Nếu bạn không kết nối thì lấy gì làm đòn bẩy?" Bo Zhiyue đặt câu hỏi. Ông Tập Cận Bình đã tự đẩy mình vào tình thế khó xử, vừa miễn cững trừng phạt Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn, vừa bất lực khi không ngăn được Triều Tiên theo đuổi chiến lược hạt nhân.
Yanmei Xie, một nhà phân tích của nhóm phân tích khủng hoảng quốc tế từ Bắc Kinh cho rằng: "Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực ngày một gia tăng cả trong nước lẫn quốc để làm thế nào trừng phạt và kiềm chế ông Kim Jong-un, làm sao buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những gì sắp diễn ra vẫn có thể là sự lặp lại những chỉ trích cũ, thắt chặt hơn các lệnh trừng phạt đã có và kêu gọi phục hồi đàm phán 6 bên."
Trong khi đó tại Mỹ, ứng viên Tổng thống Donald Trump nói trên đài CNN rằng, ông cảm thấy mệt mỏi vì Hoa Kỳ đóng vai trò là cảnh sát toàn cầu, vấn đề Bắc Triều Tiên là chuyện của Trung Quốc phải giải quyết. Mọi sự chú ý xung quanh vụ ông Kim Jong-un thử "bom nhiệt hạch" đang đổ dồn về phản ứng của ông Tập Cận Bình.

Hồng Thủy

Bắc Kinh bất lực triệu Đại sứ, Triều Tiên làm khó Tập Cận Bình

(GDVN) - Cho nổ bom nhiệt hạch, ông Kim Jong-un đã giáng một thất bại hiếm hoi nhằm vào ông Tập Cận Bình, người đã hy vọng một cuộc tấn công...
South China Morning Post ngày 7/1 đưa tin, Bắc Kinh đã lên án vụ thử bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên sáng hôm qua và yêu cầu Bình Nhưỡng "dừng ngay các hành động làm cho tình hình tồi tệ hơn".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Triều Tiên đến để phản đối. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn cơ quan này nói rằng Trung Quốc không được thông báo trước về vụ nổ.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: AP/SCMP.
Bắc Kinh cũng đang đánh giá tuyên bố của Bình Nhưỡng về vụ nổ bom nhiệt hạch. Hiện vẫn còn nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này của Triều Tiên. Họ cho rằng nếu là bom nhiệt hạch thì sức công phá sẽ phải lớn hơn rất nhiều những gì đã thấy. Mặt khác, đây có thể là đòn tâm lý của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, bởi ông phóng lao thì phải theo lao sau tuyên bố hôm 10/12/2015.
Cai Jian, một giáo sư nghiên cứu Bắc Triều Tiên từ Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc nhận xét:
"Sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc để đưa ra các biện pháp trừng phạt quy mô đối với Bình Nhưỡng, bởi phải xử phạt làm sao để không tạo ra bất ổn, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của đất nước này. Ví dụ như việc tạm dừng cung cấp năng lượng sẽ gây ra hỗn loạn về kinh tế và bất ổn chính trị ở Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ rất thận trọng về điều này.
Đối với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên tự nó không gây ra mối đe dọa an ninh nào lớn, nhưng phản ứng dẫn đến từ Mỹ và Nhật Bản chẳng hạn như tăng cường triển khai quân sự của họ trong khu vực đang khiến Bắc Kinh đau đầu".
Thời Ân Hoằng, một cố vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc, giáo sư Đại học Nhân dân cho rằng, vụ thử bom nhiệt hạch của Bắc Triều  Tiên đã giáng một đòn quá mạnh vào những nỗ lực của Bắc Kinh, sẽ làm trì hoãn việc trao đổi thăm viếng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
"Chúng tôi chỉ có thể làm tốt nhất trách nhiệm của mình, chẳng hạn như xử phạt và thừa nhận quan hệ ngoại giao khi mọi thứ tiến triển tốt đẹp hơn. Nếu quan hệ giữa 2 nước trở thành thù địch, Triều Tiên sẽ là một mối đe dọa cho Trung Quốc", ông Thời Ân Hoằng bình luận.
Nikkei Asian Review ngày 7/1 bình luận, Trung Quốc đã thực sự bị sốc khi Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Bắc Kinh đã rất cố gắng "chìa cành ô liu", nhưng những gì Trung Quốc có thể làm và gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên hiện nay vẫn còn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên tới đây tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh rất lo ngại nếu bị cô lập hoàn toàn, Triều Tiên có thể "đói ăn vụng, túng làm liều".
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: KCNA.
The New York Times ngày 7/1 nhận định, tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc thử bom nhiệt hạch ngày Thứ Tư dường như để làm mất lòng kẻ thù quen thuộc - "đế quốc Mỹ", nhưng thực sự đối tượng Bắc Triều Tiên đang nhắm đến lại là Trung Quốc.
Bằng việc cho nổ thử nghiệm bom nhiệt hạch cách biên giới với Trung Quốc chỉ khoảng 50 dặm, Bình Nhưỡng đánh một canh bạc rằng, Trung Quốc sẽ không dám phản ứng với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với tư cách đối tác thương mại - kinh tế lớn nhất của quốc gia này.
Cho nổ bom nhiệt hạch, ông Kim Jong-un đã giáng một thất bại hiếm hoi nhằm vào ông Tập Cận Bình, người đã hy vọng một cuộc tấn công quyến rũ láng giềng trong 6 tháng qua sẽ mang lại sự ổn định cho Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện bị đẩy vào thế bí, trong khi áp lực buộc ông phải có các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với hành động của Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng, lo ngại bất ổn ở Triều Tiên có thể "thẩm thấu ngược" sang Trung Quốc cũng ngày càng lớn.
Ông Bình cũng phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về những nỗ lực của Trung Quốc để lấy lòng ông Kim Jong-un rốt cuộc tại sao lại có kết cục như vậy. Tập Cận Bình không thể không tính đến cách hành động bất thường của Bình Nhưỡng có thể kích hoạt phản ứng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương trong khi Bắc Kinh đang tìm cách thống trị Biển Đông.
Hôm qua các quan chức Trung Quốc đã né tránh trả lời câu hỏi của truyền thông quốc tế về việc liệu Bắc Kinh có các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên hay không, ví dụ như cắt nguồn cung năng lượng hoặc thực phẩm.
Trong những tháng gần đây, ông Tập Cận Bình đã buộc phải xác định lại chiến lược sau khi được thuyết phục rằng, ông Kim Jong-un dù tính khí thất thường nhưng vẫn có thể duy trì quyền lực lâu hơn nhiều so với Trung Quốc đã dự đoán.
Paal, một nhà ngoại giao Mỹ ở châu Á tiết lộ với The New York Times, trong các cuộc tiếp xúc riêng Tập Cận Bình đã thể hiện rằng ông không có quan hệ gần gũi với ông Kim Jong-un, người kém mình 30 tuổi. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, Tập Cận Bình đã có những nỗ lực nhằm lấy lòng Kim Jong-un, kể cả gửi thư tay và ca ngợi ông Kim đã có tiến bộ tích cực trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.


Hồng Thủy.


Không có nhận xét nào: