Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

TRẬN BAN MÊ THUỘT, KẾ HOẠCH TẤN CÔNG CỦA CSVN


  ĐỂ LẠI PHẢN HỒI


Kế hoạch tấn công BMT của CSVN
Tháng 10 năm 1974 Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên của CSVN là Nguyễn Quốc Thước ra Hà Nội để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị.  Ngày 6-11-1974 Thước trở vào Nam mang theo chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiên Dũng, ra lệnh đánh lấn chiếm một phần tỉnh Quảng Đức ( Gia Nghĩa ) và một phần tỉnh Phú Bổn ( Cheo Reo ) trong mùa khô 1975.
Trong khi Nguyễn Quốc Thước trên đường vào Nam thì Bí thư Trung ương cục Miền Nam Phạm Hùng cùng với Tư lệnh Mặt trận B.2 Trần Văn Trà trên đường ra Bắc để nhận chí thị. ( Mặt Trận B2 là các tỉnh miền Đông Nam Kỳ ).
Trong thời gian lưu lại Hà Nội, Tướng Trà biết được kế hoạch đánh chiếm Gia Nghĩa với 2 sư đoàn CSVN là Sư đoàn 10 thuộc B.3 và Sư đoàn 7 thuộc B.2 thì Tướng Trà đã nói với Lê Duẩn là nên dùng số quân đó mà đánh Ban Mê Thuột thì hơn.  Bởi vì chỉ cần chiếm BMT thì Gia Nghĩa tự động di tản vì không còn đường tiếp tế.
Sau đó trong cuộc họp Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 7-1-1975 Lê Duẩn chỉ thị đánh BMT. Và trong cuộc họp Quân ủy Trung ương ngày 9-1-1975 Lê Đức Thọ đã lập lại lệnh này với câu “Ta có 5 sư đoàn mà không đánh được là thế nào?”
Khi ông Thọ nói câu này thì tại Tây Nguyên chỉ có 4 sư đoàn, còn sư đoàn thứ 5 mà ông Thọ nói tới là Sư đoàn tổng trừ bị 316 CSVN mới được thành lập tại Nghệ An, Sư đoàn này đến Ban Mê Thuột đúng 1 tháng sau đó.
Không may cho ông Thọ, chỉ 5 ngày sau khi ông nói câu đó thì Sư đoàn 968 CSVN bị tiêu diệt tại Thanh An ( Tây Nam Pleiku ) bởi 101 phi xuất thả bom của Không quân VNCH.  Do đó khi trận đánh nổ ra thì thực sự chỉ có 4 sư đoàn CSVN tham chiến.  Nhưng trong 4 sư đoàn này chỉ có 3 sư đoàn là có Sư đoàn bộ ( Bộ tư lệnh sư đoàn ) còn sư đoàn còn lại là 3 trung đoàn biệt lập; đó là Trung đoàn 95 A/ CSVN, Trung đoàn 95 B/ CSVN, và Trung đoàn 25 CSVN.

Tướng Hoàng Minh Thảo đã phân công cho Trung đoàn 95.A/CSVN chận Quốc lộ 19, từ Bình Định đi Pleiku;  Trung đoàn 25 CSVN chận Quốc lộ 21, từ Khánh Hòa đi Ban Mê Thuột;  Trung đoàn 95.B/CSVN tăng cường cho Sư đoàn 316/CSVN đánh vào thị xã Ban Mê Thuột;  Sư đoàn 320 CSVN đánh chận viện trên quốc lộ 14, giữa Pleiku và BMT;  Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập, Quảng Đức; và Trung đoàn chủ lực Miền 201 CSVN đánh Kiến Đức, Quảng Đức.
Ngày 9-3 Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập, dự trù thanh toán xong quân Đức Lập sẽ dùng xe hơi chở quân về đánh Ban Mê Thuột trong ngày hôm sau, không ngờ Sư đoàn 10 CSVN bị chôn chân tại Quảng Đức vì bị sự chống trả mãnh liệt của các đơn vị ĐPQ phòng thủ tại Chi khu Đức Lập.  Qua ngày 10-3 Sư đoàn 10 dồn hết quân mới hạ được chi khu Đức Lập vào chiều tối nhưng cũng bị thiệt hại nặng.
*( Theo hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp thì lẽ ra Tướng CSVN Văn Tiên Dũng đã ra lệnh cho Sư đoàn 10 CSVN đánh Ban Mê Thuột theo như Lê Duẩn đã thỏa thuận với Tướng CSVN Trấn Văn Trà.  Tuy nhiên cuối cùng vẫn đánh Quảng Đức do vì Tướng CSVN Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận B.3, phản đối với lý do nếu kéo Sư đoàn 10 CSVN từ Quảng Đức về BMT thì sẽ bị lộ toàn bộ kế hoạch
Trong khi đó hồi ký của Tướng Trần Văn Trà lại đinh ninh rằng Lê Duẩn đã không tán thành đề nghị của ông cho nên Sư đoàn 10 CSVN mới bị thiệt hại vô ích.  Tướng Trà có ý chê Lê Duẩn dốt về quân sự nhưng cứ đòi điều binh khiển tướng ).
Lực lượng tấn công BMT của CSVN
Năm 1975, ngày 9-3, lúc 4 giờ chiều, 5 cánh quân CSVN từ các vị trí cách BMT từ 15 đến 30 cây số bắt đầu khởi hành tiến về trung tâm BMT :
–  Trung đoàn 95.B CSVN biệt lập cùng với xe tăng tiến vào từ phía Tây BMT, nhắm vào mục tiêu là Bộ chỉ huy Tiểu khu Đắc Lắc.
–  Trung đoàn 148 CSVN thuộc Sư đoàn 316 tiến vào từ hướng Tây Bắc BMT, nhắm vào hậu cứ của Thiết đoàn Kỵ binh và trung đội pháo binh diện địa ( 2 khẩu ).
–  Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 CSVN, có tăng cường 1 đại đội tăng, tiến vào từ hướng Tây Nam BMT, nhắm vào kho nhiên liệu của Sư đoàn 23 VNCH
–  Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 CSVN, có tăng cường 1 đại đội tăng gồm 16 T.54 và 1 K.63, tiến vào từ hướng Tây, nhắm vào BCH Tiểu khu Đắc Lắc.
–  Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 CSVN tiến vào từ hướng Nam ( Ngã cầu 14 ), nhắm vào Căn cứ B.50 của Trung đoàn 53 VNCH, giáp ranh với phi trường Phụng Dực.
Riêng Trung đoàn Đặc công 198 CSVN với 2 tiểu đoàn tiến vào thị xã từ hướng Nam ( ngã Lạc Thiện ) đánh vào phi trường L.19, cách thị xã 3 cây số;  còn tiểu đoàn thứ ba đang được tăng phái cho Sư đoàn 10 CSVN đánh Đức Lập.
Như vậy là 4 trong số 5 cánh quân đều xuất phát từ phía Tây của Thị xã Ban Mê Thuột và di chuyển bằng xe hơi.  Để chuẩn bị cho 3 tuyến đường chuyển quân từ phía Tây BMT, sổ tay của Tướng Đặng Vũ Hiệp cho thấy công binh CSVN đã san ủi tổng cộng 336 cây số đường băng rừng, thiết lập 3 bến phà, 2 ngầm và nhiều bến vượt cho bộ binh.
* Chú giải :  Mạng lưới tình báo siêu đẳng của CIA
Trong khi quân đội CSVN rầm rộ chuẩn bị chiến trường như vậy thì tình báo của VNCH hoàn toàn không hay biết, bởi vì trước đó mạng lưới tình báo quân/dân sự do chi  nhánh CIA tại Ban Mê Thuột đảm trách nhưng chi nhánh này đã bị đóng cửa vào mùa thu năm 1974 vì lý do để tiết kiệm ngân quỹ của CIA (sic).
Trước kia mạng lưới tình báo quân sự của CIA tại BMT là lực lượng Dân sự chiến đấu ( Biệt kích Mỹ, hầu hết là người sắc tộc Miền Núi ) do CIA tuyển mộ, huấn luyện và trả tiền.  Năm 1971 các đơn vị dân sự chiến đấu chuyển thành Biệt động quân biên phòng và Địa Phương quân của QL/VNCH.  Tuy nhiên các sĩ quan tình báo của HK vẫn tiếp tục liên lạc lấy tin từ những nhân vật trước đây vẫn cung cấp tin tình báo cho LLĐB/HK, tức là từ những cựu Biệt kích quân.
Còn mạng lưới tình báo dân sự do Cơ quan Phụng Hoàng tỉnh Đắc Lắc đảm trách, nhưng cơ quan Phụng Hoàng do CIA trả lương và điều khiển.  Trong khi đó phía VNCH có mạng lưới tình báo của Phòng đặc biệt của Ty Cảnh sát Đắc Lắc với Toán thám sát Tỉnh ( Pru ) và chi nhánh của Đoàn 65 thuộc Đơn vị 101 ( Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ).
Nhưng sau Hiệp định Paris 1973, chấm dứt Chương trình Phụng Hoàng, thì các đơn vị tình báo VNCH không còn quỷ đen để tiếp tục điều hành lưới tình báo, do đó tất cả hoạt động tình báo chỉ là nhận tin từ chi nhánh CIA tại BMT.  Nhưng vì chi nhánh CIA tại BMT đã đóng cửa nên phía VNCH hoàn toàn không hay biết về các hoạt động chuẩn bị rầm rộ của quân CSVN (sic).
Theo lời kể của Thiếu úy Nguyễn Công Phúc, một sĩ quan thuộc đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 VNCH :
“Trong những đêm rải quân ra ngoài nằm giữa núi rừng vắng lặng, Phúc và đồng đội nghe thấy tiếng xe di chuyển, hoặc tiếng đốn cây sửa đường của Cộng quân. Không phải chỉ gần đây Cộng quân mới ồ ạt và gần như công khai di chuyển người và vũ khí trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Từ hơn một năm trước, Phúc và những toán thám báo đã khám phá nhịp độ gia tăng và xâm nhập rầm rộ của Cộng quân. “Mình báo cáo hoài mà chẳng thấy cấp trên làm gì cả. Có lần thượng cấp còn bảo ‘báo cáo nhiều quá rồi, khỏi cần báo cáo nữa” ( Vũ Thụy Hoàng ghi ).
Trước đó 1 năm, nghĩa là đầu năm 1974, chi nhánh của CIA tại BMT chưa đóng cửa;  vậy thì báo cáo của các đơn vị thám báo VNCH chìm đi đâu?  Và thượng cấp nào cho rằng “báo cáo nhiều quá rồi?”  Trong khi thượng cấp của đại đội Trinh sát của Phúc là Thiếu tá Điều Ngọc Chuy, nhưng ông này đã báo cáo thẳng cho Tổng thống Thiệu là có dấu hiệu cho thấy CSVN sẽ đánh BMT ( Lời chứng của Trung tá Ngô Văn Xuân ).
Cấp trên của Thiếu tá Chuy là Đại tá Trịnh Tiếu, nhưng ông này cũng trình thẳng cho bộ TTM là Sư đoàn 320 của CSVN đã có mặt tại BMT vào tháng 2 năm 1975 ( Nguyễn Tiến Hưng, Bí Mật Dinh Độc Lập, phụ lục D.1, trang 764 ).  Vậy thì ai đã nhém đi các báo cáo của các đơn vị tình báo quân sự VNCH?
Không có gì khó hiểu, các báo cáo của Trinh sát vùng Cao nguyên là bằng thừa.  Từ đầu năm 1974, hằng tháng các Tiểu khu của các Quân Khu  đều gởi bản báo cáo “Lượng giá ấp dân” bằng hệ thống IBM về Cơ quan Bình định phát triển của Bộ TTM.
Trong mỗi báo cáo của Tiểu Khu Đắc Lắc và Tiểu khu Khánh Hòa đều có báo cáo về tiến trình ủi đường Trường Sơn rẻ nhánh từ tuyến đường mòn Hồ Chí Minh xuống tới Nha Trang ( Buôn Gia Le thuộc quận Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ).  Đến tháng 10 năm 1974 thì báo cáo “lượng giá ấp dân” của Khánh Hòa cho biết tuyến vận chuyển của CSVN đã bấm tới bờ sông Cái, phía Tây của Quận Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang khoảng 30 cây số.
*( Các báo cáo này hiện còn lưu tại Ngũ Giác Đài.  Ngày nay những người nghiên cứu lịch sử có thể xem bản đồ của tuyến vận chuyển đã kéo tới Nha Trang qua bản photo mà Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trưng ra trong Phụ lục D.2 của sách Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 769.  Bản photo của Tiến sĩ Hưng là bản đồ báo cáo tháng 2 năm 1975 của Phòng tình báo Bộ TTM, trong đó cho thấy CSVN đã mở đường cho xe chạy từ biên gới Việt Miên xuống tới cách Nha Trang 30 cây số.  Xem ảnh đính kèm cuối bài viết ).
Tuy nhiên các báo cáo của Phòng tình báo Đắc Lắc ( Đại úy Lê Đình Xuân ) và Phòng tình báo Khánh Hòa ( Thiếu tá Huỳnh Ngọc Chân và Đại úy cố vấn tình báo Wingate ) đều căn cứ theo tin tình báo của Cơ quan Phụng Hoàng (CIA) tại Đắc Lắc và Khánh Hòa.  Nghĩa là CIA và bộ TTM/ VNCH đều biết hết chứ không phải không biết.  Và vì TTM biết hết cho nên các quan chức tình báo Quân khu 2 phát bực mình : báo cáo nhiều quá rồi mà có thấy ai nói năng gì đâu!?
BÙI ANH TRINH

Nguyễn Tiến Hưng, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 769
Nguyễn Tiến Hưng, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, trang 769

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nguyên nhân và diễn biến thất bại của quân đội Sài gòn
Thất bại về tình báo;
-Bắc việt nắm rõ ý đồ của Saì gòn do tình báo của việt cộng nằm trong dinh Độclập báo về là TT Thiệu thực hiện chủ chương ''đầu bé đít to''do thiếu viện trợ của Hoa kỳ, nghĩa là bỏ vùng chiến thuật 1.
Chưa đánh mà quân sài gòn đã mang tâm lý thât baị rồi.
- quân đội bắc việt có tới nhiều sư đoàn Với hàng vạn quân, xe tăng, xe bọc thép, trận địa pháo bao vây cô lập cài thế để chiếm BAN MÊ THUỘT mà tình báo Sài gòn, Mỹ không hề hay biêt.
tại Playcu, phía bắc Ban mê thuột, việt cộng công khai làm đường, mít tinh chào đón quân giải phóng, đài chỉ huy, điện báo liên tục phát tin giả làm như họ đánh playcu, nhưng kỳ thực là BanMThuột.
Thất bại về chỉ huy tác chiến.
Tướng Phạm văn Phú không phải là đối thủ của tướng Hoàng minh Thảo bắc việt, Phú vốn là lính Pháp từng bị quân Việt minh túm sống tại Điện biên phủ từ năm 1954,sau này được trao trả và trở thành tướng của sài gòn trấn giữ Tây nguyên. Số phận trớ trêu, Phú bị thất trận trong trận đánh theo chốt tại Ban mê thuọt,sau này ông ta không di tản mà tự vẫn khi nghe tướng D V Minh tuyên bố đầu hàng CS ngày 30-4-1975.
- ''Đánh điểm diệt viện'' là sở trường của quân đội tướng Gíap, trong chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, quân PHÁP đại bại trong chiến dịch bien giới Việt -trung năm 1950, làm cho 2 binh đoàn thiện chién Pháp bị tiệu diệt hoặc bị bắt sống. Cũng tại An khê Tây nguyên trong chiến dịch At lăng 1954 Pháp cũng bị việt cộng đánh tiêu hao nặng trên đường rút chay làm chấn động cả nước Pháp.
Đầu năm 1975, QLVNCH vẫn còn có một lực lượng khá hùng hậu, với quân số khoảng 1.351.000 người, trong đó có 495.000 chủ lực quân, 475.000 địa phương quân và 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang.Không quân thứ 4, hải quân thứ 9 thế giới.Nếu như có tướng tài trong lúc rối ren biết điều binh khiển tướng kiên trì phòng thủ thì dù có mất Ban mê thuột, nhưng sài gòn vẫn còn cơ giữ được Tây nguyên, nhưng vì thần hồn nát thần tính vội vã tùy nghi ''di tản cá hộp''nên đành biếu không cho bắc việt ''nóc nhà Đông dương'' này.
Số phận dân cờ vàng thật đen đủi, họ không có lực lượng phản gián hữu hiệu cả tầm chiến lược lẫn chiến thuật,sỹ quan quân đội sài gòn đánh nhau,cũng như khi ăn chơi, con nhà nghèo nhưng học đòi Hoa kỳ, khi gặp nguy thì bìu díu vợ con, nên chỉ biết chay trốn để giữ mạng sống, họ không thể chịu đựng nổi các cuộc tấn công của CS khi không còn B52, phi pháo của Hoa kỳ hỗ trợ, nên sự thất bại của quân Sài gòn là không có gì phải ngạc nhiên.