Hải Võ |
Dường như ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng không ngờ Duterte lại "hào hứng" đến mức tuyên bố muốn "nhập hội" với Nga, Trung.
Các hãng truyền thông lớn ở Trung Quốc dẫn lời ông Duterte trong chuyến công du nước này: "Tôi sẽ gia nhập lại vào hàng ngũ ý thức hệ của các bạn. Có thể tôi sẽ tới Nga để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Ba nước chúng ta sẽ cùng chống lại thế giới. Trung Quốc, Philippines và Nga."
Chính phủ Trung Quốc không đưa ra bình luận nào về phát ngôn này.
Trước đó, ông tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên ở Bắc Kinh hôm 19/10: "Tôi sẽ không sang Mỹ nữa. Ở đó tôi chỉ có thể nhận được sự xúc phạm. Cho nên, đã đến lúc nói lời tạm biệt rồi, bạn của tôi (nước Mỹ-PV)."
Đa Chiều nhận định, khi Duterte kết thúc chuyến công du Trung Quốc vào ngày 21/10, ý định "xoay trục" sang Trung Quốc của nước này đã hoàn toàn sáng tỏ và dư luận có thể quên đi phát ngôn của ông vào nửa năm trước về việc "cắm cờ Philippines trên bãi cạn Scarborough".
Trung Quốc nôn nóng cải thiện quan hệ với Manila nhằm vãn hồi cục diện bất lợi ở biển Đông nên thái độ của Tổng thống Philippines là tín hiệu Bắc Kinh mong muốn.
Tuy nhiên, khi Duterte "vồ vập" đến mức đòi gia nhập phe Nga-Trung, liệu Trung Quốc có dám tiếp nhận?
Đa Chiều chỉ ra, thứ nhất, Bắc Kinh không đặt mục tiêu kéo Philippines khỏi trận tuyến của Mỹ/đồng minh.
Truyền thông phương Tây phổ biến nhận định Duterte ngả về Trung Quốc đã làm thay đổi tình hình biển Đông và gọi đây là "thành công của Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, Tổng thống Philippines cho đến nay chưa phủ nhận nguyên tắc mà ông đã nêu rằng đàm phán về biển Đông phải dựa trên cơ sở phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), bất chấp ông gọi việc chấp hành phán quyết là "ngu ngốc" và "có thể dẫn đến Thế chiến 3".
Duterte tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc chủ yếu do những phản đối và quan ngại mà Mỹ nêu lên đối với chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông.
Nếu Manila "bỏ Mỹ" thì Bắc Kinh... vô can, vì đó không phải chủ trương của chính phủ Trung Quốc - Đa Chiều nhận xét.
Thứ hai, chính sách quan trọng trong cuộc bành trướng của Trung Quốc vẫn là hạn chế rủi ro đối đầu quân sự với Mỹ.
Mỗi khi có động thái nhạy cảm, như cuộc tập trận hải quân với Nga ở biển Đông hồi tháng 9, Trung Quốc luôn ra thông cáo khẳng định "không nhằm vào nước thứ ba" để tránh ấn tượng đối đầu với Mỹ.
Duy trì mối quan hệ "căng thẳng trong hòa bình", với những mâu thuẫn được kiểm soát chặt chẽ, là mục tiêu Bắc Kinh theo đuổi trong nỗ lực xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Washington.
Theo Đa Chiều, tuyên bố "gia nhập với Nga-Trung" của ông Duterte có thể khiến cục diện đối đầu trong khu vực leo thang đến mức vượt ngoài tầm xử lý của Mỹ-Trung, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không muốn chứng kiến.
Đông Nam Á và Ấn Độ Dương là các khu vực quan trọng mà "Con đường tơ lụa trên biển", một trong các di sản lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình, đi qua. Tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác của các nước trong khu vực, hạ nhiệt căng thẳng là điều kiện tiên quyết mà Bắc Kinh hiểu rằng phải đạt được.
Thứ ba, Trung Quốc cũng không muốn gây ấn tượng "tranh giành đồng minh" với Mỹ.
Nếu công khai tán thành phát biểu của Tổng thống Duterte, Bắc Kinh sẽ đi ngược lại chính sách ngoại giao "không chọn phe" của mình và gánh hậu quả là sự tổn hại danh tiếng quốc gia, trong khi nước này vốn đã bị phương Tây chỉ trích là "chèn ép các nước nhỏ trong khu vực".
Trung Quốc không thể để các bên cho rằng nước này "kéo bè kết đảng" đối đầu Mỹ/đồng minh, đồng thời không dám tạo ra một tiền lệ nguy hiểm về "chọn phe" ở biển Đông.
Đa Chiều đánh giá, nếu tuyên bố của Duterte là có tính toán thì ông đã thành công lớn trong việc "đẩy quả bóng" cho Trung Quốc. Nếu không xử lý chính xác, Bắc Kinh sẽ tự tay làm hỏng chiến lược ở biển Đông nói riêng, và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét