Tại cuộc họp góp ý đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM mới đây, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu rõ cảnh báo trên.
Theo Phó Chủ tịch Khoa, thị trường BĐS trong nước đã từng xảy ra tình trạng nhà ở cao cấp thừa nhưng nhà trung, trung bình lại thiếu. "Coi chừng thị trường gặp khó vì bong bóng xảy ra. Bong bóng này sẽ ghê gớm và gây hậu quả cao. Do vậy các Sở ngành phải có những công cụ điều tiết để thị trường không rơi vào tình trạng lệch pha", ông Khoa nhấn mạnh.
Đề án phát triển thị trường BĐS TP HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng, dự báo phát triển thị trường BĐS thành phố (gồm đất đai, nhà ở, mặt bằng văn phòng, khách sạn và mặt bằng bán lẻ).
Trong đó, tập trung đánh giá thực trạng của thị trường từ năm 2006 đến nay, đặc biệt, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường. Sau đó, đánh giá, nhận định các chính sách, quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động của thị trường.
Ngoài ra còn đánh giá các yếu tố tiềm năng và dự báo xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong mối liên quan đến phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch vùng TP HCM. Trong đề án này có phần rất quan trọng là thu thập dữ liệu và tổ chức điều tra khảo sát xã hội học về nhu cầu nhà ở của người dân cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường.
Đề án do Sở Xây dựng TP.HCM và Trường Đại học Việt - Đức thực hiện; theo đó, trong giai đoạn 2006-2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người đã tăng từ 10,3 lên 17,32m²/người. Các dự án BĐS được đầu tư chủ yếu ở khu Đông, Nam và Đông Nam TP.HCM, phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay nhà dân tự xây vẫn chiếm 80% diện tích sàn nhà ở tăng thêm. Toàn TP.HCM có hơn 1.200 dự án nhà ở được triển khai, tuy nhiên chỉ mới có 40% dự án được hoàn thành và chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ, còn lại vẫn trong tình trạng dở dang. Xét về độ minh bạch, thị trường BĐS Việt Nam xếp thứ 68/102 quốc gia (năm 2014), chính sự thiếu minh bạch nên thường dẫn đến tình trạng đầu cơ, đầu tư.
Vì vậy trên thị trường BĐS vẫn xảy ra tình trạng “sốt đất”, có thời điểm trong vòng hơn một năm BĐS tăng đến 400%, sau đó lại rơi vào tình trạng “đóng băng” kéo dài. Quá trình đầu tư cho một dự án quá dài, mỗi dự án tùy quy mô mất từ 400 đến 500 ngày mới đầy đủ các thủ tục cần thiết để tiến hành khởi công.
Theo các chuyên gia kinh tế, thu hút FDI vào TP.HM từ khả năng hội nhập thời gian tới sẽ rất cao, cộng với tăng trưởng dân số lớn, quy hoạch phát triển đô thị rộng hơn sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh cho thị trường địa ốc. Từ đánh giá tiềm năng có những dự báo. Tuy nhiên, thị trường BĐS góp phần tích cực cho nền kinh tế thành phố nhưng đòi hỏi phải minh bạch, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, sản phẩm đa dạng.
Phó Chủ tịch Khoa cho rằng một số quốc gia phát triển trung tâm thương mại trong trung tâm còn các khu đô thị phải ở bên ngoài nhưng với điều kiện là kết nối hạ tầng giao thông tốt. Nên hay không nên thành lập cơ quan tư vấn quản lý vì một khi có quá nhiều cơ quan quản lý liệu có góp phần minh bạch thị trường này không hay tiếp tục chồng chéo? "Tôi muốn thành phố đứng đầu trong top minh bạch của cả nước", ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khoa, năm nay trên địa bàn đang có sự biến động giá đất rất mạnh, thị trường tràn lan nhà ở cao cấp mà thiếu dự án thấp cấp. Dòng cao cấp trên thị trường đang rất cao, trong khi nguồn cung nhà ở bình dân ít, vậy giải quyết và điều tiết bằng công cụ đúng để thị trường phù hợp.
"Tôi đề nghị TP.HCM phải lành mạnh phát triển thị trường bất động sản, tìm ra những cản trở, chồng chéo gây khó cho thị trường. Làm rõ vai trò của nhà nước làm gì, chính quyền địa phương phải làm gì. Như vậy mới thực hiện tốt được", ông Khoa chỉ đạo.
Theo ông Khoa, thị trường BĐS “sốt” hay “đóng băng” đều do yếu tố chủ quan, do cơ chế, chính sách vì vậy chúng ta cần phải loại trừ các yếu tố này.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đề xuất, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP.HCM cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản để phát triển thị trường BĐS minh bạch, bền vững. Công khai các thông tin quy hoạch, đầu tư để người dân, doanh nghiệp theo dõi, tiếp cận. Tăng cường trách nhiệm các cơ quan trong việc thực thi các quy định về pháp luật.
Ngoài ra thành phố cần xây dựng trung tâm thông tin về thị trường BĐS trực thuộc UBND TP.HCM để làm đầu mối quản lý, khai thác dữ liệu thông tin liên quan. Tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản cách tính tiền sử dụng đất, phấn đấu đến năm 2017 cấp giấy phép qua mạng đối với các dự án đã có quy hoạch 1/500…
Song song đó, thành lập cơ quan quản lý phát triển nhà ở trực thuộc UBND TP.HCM (Cục Phát triển nhà ở), tập trung phát triển nhà ở xã hội…
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét