Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Tập Cận Bình tiết lộ ý đồ bành trướng xuống phía Nam của TQ; Trung Quốc hứa hẹn các "món hời" kinh tế cho ông Duterte mang về Philippines


Thủy Thu | 

Tập Cận Bình tiết lộ ý đồ bành trướng xuống phía Nam của TQ

Chuyến thăm viếng Campuchia, Bangladesh đã thể hiện rõ ý đồ xây dựng hệ thống chân rết của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Campuchia và bắt đầu đặt chân tới Bangladesh.
Theo giới quan sát, đây là chuyến thăm quan trọng nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 8 khai mạc tại Ấn Độ diễn ra vào chủ nhật tuần này (16/10).
Sau khi phát triển ngoại giao theo hướng Đông Tây, Bắc Kinh bắt đầu vươn "vòi bạch tuộc" tăng cường ảnh hưởng phía Nam, nỗ lực thúc đẩy "hợp tác Nam - Nam".
"Điều này đã giúp Trung Quốc tìm được tiết tấu phù hợp trong ván cờ lớn với Mỹ", báo Đa chiều nhận định.
Với Bangladesh, Tập Cận Bình đề nghị phát triển quan hệ hợp tác chiến lược song phương mật thiết nhằm phục vụ cho chính sách "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh.
Với Campuchia, ông Tập nhấn mạnh, Campuchia là "thành viên quan trọng trong khối ASEAN" và "ngày càng phát huy được vai trò trong các sự vụ quốc tế và khu vực" nên mong muốn hai bên sẽ phát triển quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện lên một tầm cao mới.
Tập Cận Bình tiết lộ ý đồ bành trướng xuống phía Nam của TQ - Ảnh 1.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Campuchia hôm 13/10 vừa qua. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
"Chân rết" của Trung Quốc bủa vây phía Nam
Giới nhận định phân tích, phát biểu của Tập Cận Bình tiết lộ ba điểm quan trọng:
Thứ nhất, quan hệ Trung Quốc - Campuchia, Trung Quốc - Bangladesh phát triển đồng nghĩa bức tường thành phía Nam của Bắc Kinh ngày càng chắc chắn.
Một số ý kiến cho rằng, chuyến thăm của ông Tập như lời cảm ơn tới Campuchia và Bangladesh vì sự ủng hộ của họ đối với Bắc Kinh trong vụ kiện biển Đông.
Đặc biệt, Bangladesh luôn được biết đến như một đồng minh thân thiết của Mỹ và Ấn Độ. Và với việc hai nước ký kết ít nhất 21 thỏa thuận trị giá đến gần 40 tỉ USD, Trung Quốc gần như đã kéo Bangladesh khỏi "vòng tay" Mỹ - Ấn Độ.
Bởi "xét ở mức độ nào đó, khu vực Nam Á cũng là sân sau của Trung Quốc", theo ông Tưởng Cảnh Khuê - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh.
Đa chiều nhận định, ASEAN là "bàn đạp" quan trọng trên con đường phát triển phía Nam, nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ với ASEAN có ý nghĩa đặc biệt với Bắc Kinh.
Nhưng do ảnh hưởng từ chiến lược "Tái cân bằng châu Á" của Mỹ, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để xây dựng mối quan hệ thân thiết với các quốc gia ASEAN.
"Củng cố quan hệ với các nước phía Nam là bước đi quan trọng trong xung đột Trung - Mỹ", Đa chiều phân tích.
Thứ hai, Tập Cận Bình thăm Bangladesh, Campuchia nhằm "bắc cầu" cho chiến lược "Một vành đai, một con đường" mà thực tế chính là một hình thức thúc đẩy "hợp tác Nam - Nam", xác lập vai trò của Trung Quốc trong liên kết hợp tác giữa nước phát triển và nước đang phát triển.
Theo giới quan sát, Campuchia thực chất không có vai trò quan trọng trong Dự án Đường xuyên Á cũng như chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc nhưng lại là một trong những quốc gia có quan hệ ổn định nhất với Bắc Kinh.
Điều này lý giải vì sao, bất cứ chiến lược nào của Bắc Kinh được tiến hành ở Phnom Penh đều thu được kết quả khá khả quan.
Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất ý tưởng xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar - Ấn Độ và thúc đẩy phát triển thị trường hai nước Trung - Ấn.
Tập Cận Bình tiết lộ ý đồ bành trướng xuống phía Nam của TQ - Ảnh 2.
Trung Quốc thuê cảng Gwada, Pakistan trong 43 năm khiến dư luận cho rằng, kế hoạch này phục vụ ý đồ quân sự.
Cùng năm, Bắc Kinh cũng đề xuất phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Hiện nay, Trung Quốc đang có kế hoạch liên kết hai hành lang kinh tế này thành một thể thống nhất. Tuy nhiên, đây là bài toán cực hóc búa bởi Ấn Độ - Pakistan đang tồn tại sự mâu thuẫn khá sâu sắc.
Nhưng Bangladesh và Ấn Độ lại có quan hệ khá mật thiết nên chuyến thăm viếng tới Bangladesh lần này của Chủ tịch Trung Quốc có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc thúc đẩy hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Bangladesh.
Thứ ba, sau khi phát triển con đường ngoại giao theo hai hướng Đông và Tây, Bắc Kinh quyết định tiếp tục "ra tay" ở phía Nam.
Theo Đa chiều, trước tình hình hiện tại, Trung Quốc sẽ củng cố được sức mạnh ở biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Ở phía Tây, Trung Quốc tích cực hợp tác kinh tế với Pakistan, chủ động tham gia vào chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, tăng cường liên thủ với Nga và tham gia tích cực tại khu vực Trung Đông.
"Mọi sắp đặt ở phía Nam đều nằm trong dự tính của Bắc Kinh. Chỉ cần Mỹ không từ bỏ kế hoạch 'bao vây' Trung Quốc, Bắc Kinh tất sẽ có hành động phản pháo", Đa chiều kết luận.
theo Thế giới trẻ

Trung Quốc hứa hẹn các "món hời" kinh tế cho ông Duterte mang về Philippines

HỒNG THỦY

(GDVN) - Riêng Biển Đông sẽ có "một kế hoạch cho hòa bình và ổn định, ngoài ra không có kế hoạch nào khác."
Manila Bulletin ngày 16/10 cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ông Triệu Giám Hoa hôm qua nói rằng, lợi ích cho cả Trung Quốc lẫn Philippines trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Rodrigo Duterte tuần tới là không thể tính được bằng tiền.
Chuyến thăm sẽ là bước ngoặt trong quan hệ hai nước.
Ông Hoa tỏ ra rất tự tin khi phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo vội vàng ở Kamuning, Queazon.
Đại sứ Trung Quốc nói, hai nước vừa là bạn bè, vừa là láng giềng và người thân của nhau, nên cả hai có thể mong đợi chuyến thăm Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte sẽ mang đến những kết quả trong nhiều lĩnh vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, ảnh: Tân Hoa Xã.
Đó là nông nghiệp, thủy sản và nuôi trồng thủy sản, quốc phòng, du lịch, cơ sở hạ tầng, thương mại, chống ma túy. Riêng Biển Đông sẽ có "một kế hoạch cho hòa bình và ổn định, ngoài ra không có kế hoạch nào khác."
Ít nhất 12 hiệp định đang được hoàn thiện chờ ký kết. Triệu Giám Hoa đã thấy trước, hoặc chí ít ông đang hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại số 1 của Philippines.
Không chỉ thuần túy hợp tác thương mại với một thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD sắp ký giữa Ngân hàng Trung Quốc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, sẽ có một sự gia tăng đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng với các "khoản vay mềm" thông qua AIIB.
Cảnh sát quốc gia Philippines sẽ nhận được tài trợ từ Trung Quốc cho các loại công cụ, công nghệ và vũ khí để chống lại tội phạm ma túy.
Ông Triệu Giám Hoa bình luận: "Mối quan tâm của Tổng thống Rodrigo Duterte chống lại tội phạm ma túy chứng tỏ ông là một người nhân đạo."
Đại sứ Trung Quốc cũng hứa sẽ có một triệu du khách Trung Quốc sang Philippines vào cuối năm nay, mỗi du khách sẽ tiêu trung bình 1000 USD trong thời gian lưu trú tại Philippines.
Khi các phóng viên gạn hỏi ông về những gì đã xảy ra kể từ khi có Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông 12/7, ông Hoa trả lời:
"Phán quyết đã được đưa ra. Chuyến thăm này không phải để bàn về Biển Đông, mà là để củng cố tình hữu nghị và hợp tác.
Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì nếu chúng tôi tiếp tục cãi nhau về nó cả ngày.
(Trung Quốc) Đã thành lập một quỹ 500 triệu USD để thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên biển, đảm bảo tự do hàng hải, chống cướp biển và bảo vệ môi trường biển."
Ông Hoa đã có 8 lần gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kể từ khi biết ông đắc cử. Sau cuộc gặp đầu tiên, các tàu hải quân Trung Quốc đã chấm dứt việc rượt đuổi ngư dân Philippines trên Biển Đông. [1]
Philippines Daily Inquirer ngày 16/10 cũng đăng bài phỏng vấn một số học giả Philippines xung quanh chuyến thăm này và vấn đề Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Dennis Coronacion từ Đại học Santo Tomas cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte là phù hợp, tạm gác tranh chấp Biển Đông để củng cố quan hệ, thu hút đầu tư, mở cửa thị trường Trung Quốc.
Còn Richard Heydarian, Giáo sư khoa học chính trị Đại học La De Salle cho rằng, mục tiêu chính của ông Rodrigo Duterte là giảm căng thẳng Biển Đông, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại để thoát thế phụ thuộc Hoa Kỳ.
"Tôi không chắc chắn rằng liệu ông Duterte thực sự có một chiến lược lâu dài và mạch lạc hay không, nhưng rõ ràng ông đang rất háo hức giảm sự phụ thuộc của Philippines vào Mỹ và xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình đã phải đối mặt với những thảm họa ngoại giao từ khi Hàn Quốc đồng ý triển khai THAAD trên lãnh thổ của mình, Phán quyết Trọng tài 12/7 và quan hệ ấm lên giữa Mỹ với một số nước Đông Nam Á.
Nhưng bây giờ Trung Quốc đang đứng trước cơ hội duy nhất để làm một cuộc "đảo chính" chiến lược đối ngoại bằng cách kéo Manila ra khỏi vòng tay Washington.
Vì vậy hy vọng Bắc Kinh sẽ trải thảm đỏ đón ông Rodrigo Duterte với những củ cà rốt kinh tế. Tuy nhiên tôi vẫn nghi ngờ khả năng Bắc Kinh có bất kỳ nhượng bộ nào đáng kể hay một sự thỏa hiệp thỏa đáng về Biển Đông." [2]
Tài liệu tham khảo:

Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: