Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Gấp rút nghiên cứu quan điểm của Trump về quân sự, an ninh hàng hải Biển Đông; Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn bởi chiến thắng của ông Donald Trump; TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng "trọng binh"




HỒNG THỦY

(GDVN) - Lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Chúng tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự...

USNI, cổng thông tin điện tử của Viện Hải quân Hoa Kỳ ngày 10/11 đã tập hợp lại những phát biểu của Donald Trump và cộng sự về an ninh hàng hải. Bởi lẽ Lầu Năm Góc phần lớn vẫn chưa biết Tổng thống đắc cử sẽ tiếp cận vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại ra sao khi nhậm chức.
Donald Trump và hai thành viên cấp cao có khả năng nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền của ông đã đưa ra một đề cương rộng mở về cách họ sẽ tiếp cận các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh hàng hải.
Có thể đây là dấu hiệu cho thấy chính sách của Nhà Trắng sẽ được định hình như thế nào.
Những báo cáo từ Hạ nghị sĩ Randy Forbes, ứng viên hàng đầu có thể được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Hải quân trong chính quyền Donald Trump, và Thượng nghị sĩ Jeff Session - cố vấn chính sách ngoại giao dài hạn trong suốt chiến dịch tranh cử, cung cấp thêm manh mối về cách tiếp cận của Donald Trump.
Phát biểu của Donald Trump
Trump khởi đầu bài phát biểu tháng Chín của mình rằng:
"Chúng tôi muốn đạt được một thế giới hòa bình, ổn định với ít xung đột, cùng chung sống. 
Tôi xin đề xuất một chính sách đối ngoại mới tập trung vào việc thúc đẩy lợi ích cốt lõi quốc gia của Mỹ, thúc đẩy sự ổn định trong khu vực, giảm nhẹ căng thẳng trên thế giới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã gặp nhau tại Nhà Trắng để bàn bạc việc chuyển giao quyền lực, ảnh: Yahoo News.
Điều này đòi hỏi phải xem xét lại các thất bại trong chính sách đối ngoại trước đây. Chúng tôi có thể tạo ra những người bạn mới, xây dựng lại các liên minh cũ, và đưa các đồng minh mới vào khuôn khổ."
Tuy nhiên Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm về sự cần thiết tăng cường sức mạnh quân sự cho Hoa Kỳ khi nói rằng:
"Lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Chúng tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự không thể nghi ngờ của mình."
Sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ đến thông qua việc phát triển lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến. Heritage Foundation dẫn lời Trump cho biết, Mỹ sẽ tăng lực lượng thủy quân lục chiến từ 24 tiểu đoàn lên 36 tiểu đoàn.
Đối với hải quân, Donald Trump nói trong bài phát biểu của mình rằng, ông muốn hải quân Mỹ có 350 tàu chiến hiện đại so với mục tiêu hiện nay là 308 chiếc.
Hải quân Mỹ phải được tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo, hiện đại hóa 22 tàu tuần dương giữ vai trò nền tảng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Trump cũng cho biết ông sẽ mua tàu khu trục hiện đại bổ sung cho hải quân để xử lý các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa trong những năm tới.
Tổng thống đắc cử sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn việc cắt giảm ngân sách quốc phòng để đảm bảo chi cho các mục tiêu quân sự to lớn này.
Đánh giá về các vấn đề quốc tế, Trump nói: "Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn, và CHDCND Triều Tiên nguy hiểm, hiếu chiến hơn, còn Nga thách thức cách quản trị này."
Đối với các đồng minh chủ chốt của Mỹ, Donald Trump mong muốn họ chi trả nhiều hơn cho an ninh khu vực, đặc biệt là Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Quan điểm của Randy Forbes
Randy Forbes là Chủ tịch Tiểu ban Sức mạnh và quyền lực biển trong Ủy ban Các vấn đề quân sự Hạ viện Mỹ từ năm 2012. 
Randy Forbes, ảnh: Getty Images.
Trong quãng thời gian này, Randy Forbes tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của hải quân Mỹ và năng lực quân sự Mỹ ở Biển Đông.
Tháng Chín vừa qua, Randy Forbes cho biết rằng quân đội Mỹ cần phải có một tư thế tích cực hơn ở Biển Đông:
"Trong khi tôi chấp nhận được rất ít trong chính sách đối ngoại của chính quyền này (Barack Obama), tôi tin rằng quyết định của họ dành nhiều nguồn lực và sự chú ý đến khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương là đúng.
Điều đó cho thấy, quan trọng hơn hùng biện là sự cần thiết để cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và sự leo thang.
Năm ngoái bản thân tôi, Chủ tịch Ủy ban Thornberry và 27 thành viên của Hạ viện đã ký một lá thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi họ thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.
Cần tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực quan trọng này, thể hiện quyền tự do hoạt động của chúng ta trong vùng biển tranh chấp. Tôi vui mừng nhận thấy một số hoạt động đã diễn ra, nhưng còn nhiều việc phải làm.
Bắc Kinh đang tiếp tục yêu sách đòi gần như toàn bộ vùng biển. Hoạt động trên các đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn với dấu hiệu quân sự hóa rõ ràng.
Lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi một chiến dịch gây hấn, tăng cường sự hiện diện và hoạt động của họ trong khu vực.
Trên tất cả, những khuynh hướng mang màu sắc đối đầu của Trung Quốc đang kiểm soát khu vực quan trọng này.
Với sự kết thúc của chính quyền Barack Obama đang đến gần, tôi tin rằng chúng ta đang bước vào thời điểm với cả nguy cơ tổn thương lẫn cơ hội.
Tôi lo ngại rằng Tập Cận Bình có thể xem vài tháng cuối của nhiệm kỳ Obama là cơ hội để thiết lập một ADIZ ở Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo ở Scarborough, đẩy nhanh quân sự hóa đảo nhân tạo hoặc động thái tương tự để nắn gân chúng tôi.

Mặt Trời vẫn mọc vào buổi sáng

Ngăn chặn những hoạt động như thế trong các tháng tới là việc cực kỳ quan trọng."
Trong tháng Bảy, Randy Forbes cũng kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, cách duy nhất ngăn chặn nguy cơ xung đột tàn phá châu Á - Thái Bình Dương.
Forbes cũng không giấu giếm mong muốn của mình tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ, nâng cấp hệ thống vũ khí và bổ sung các thiết bị không người lái.
Cũng chính Forbes đã giúp thúc đẩy thông qua khoản ngân sách cho 10 tàu chiến mới thay vì 7 tàu theo đề xuất của chính quyền Obama trong năm tài chính 2017.
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions
Ông là Chủ tịch tiểu ban Dịch vụ - lực lượng chiến lược trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Sessions đã gia nhập đội ngũ cố vấn cho Donald Trump về chính sách đối ngoại.
Trong tháng Sáu, Sessions và Thượng nghị sĩ Mike Lee đã viết thư cho Tổng thống Barack Obama lập luận, tính khả thi của NATO phụ thuộc vào sự tham gia có trách nhiệm hơn của các đồng minh thịnh vượng về kinh tế ở châu Âu.
Hoa Kỳ đã phải gánh chi phí quốc phòng cho châu Âu trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới II. Mối quan tâm hơn nữa phát sinh khi nước Mỹ phải đổ hàng tỉ USD viện trợ bổ sung để "trấn an" các đồng minh ở châu Âu qua viện trợ quốc phòng hàng năm.
Một nửa số quốc gia đồng minh NATO không đáp ứng được cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng là không thể chấp nhận.
Trong các cuộc đàm phán và các mối quan hệ, lãnh đạo quốc gia trước hết phải đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia mình, dân tộc mình lên trên. Nguyên tắc này đã bị xói mòn, việc Anh rời EU là một cảnh báo cho Mỹ.
Tài liệu tham khảo:
https://news.usni.org/2016/11/10/trump_maritime_security_22457

Donald Trump trao cho Trung Quốc cơ hội bá chủ châu Á?


Giới quan sát nhận định chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ vẫn giữ lời hứa của Mỹ với các đồng minh trên thế giới song sẽ bớt chú trọng tới khu vực châu Á.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cố vấn quân sự hàng đầu của ông Trump cho biết chính quyền mới của tỷ phú người Mỹ sẽ không từ bỏ chính sách "trục châu Á" đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự trong nước cũng như sự hiện diện trên thế giới. 
Dù chính sách quốc phòng và ngoại giao của ông Trump vẫn chưa được công bố song theo giới quan sát, chính quyền của ông Trump có thể trao cơ hội chiến lược cho Trung Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á. 
Lính thủy đánh bộ Nga - Trung tập trận tại thành phố Trạm Giang nằm trên bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông. 
Ông James Woolsey, cố vấn cấp cao chính sách an ninh quốc gia của ông Trump cho hay chính quyền mới sẽ thay đổi chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng để đảm bảo nước Mỹ vẫn giữ vị trí quân sự số 1 trên thế giới. 
"Mỹ xem mình là người giữ thăng bằng trong cán cân quyền lực ở châu Á và cam kết bảo vệ các đồng minh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nên hiểu rằng sự xuất hiện của Mỹ ở châu Á không xuất phát từ tham vọng xâm chiếm lãnh thổ", ông Woolsey, người từng giữ chức giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Bill Clinton chia sẻ. 
Chia sẻ trên tờ Defence News, hai cố vấn quốc phòng khác của ông Trump là thượng nghị sĩ Jeff Sessions và nghị sĩ Randy Forbes cho biết kế hoạch của ông Trump là phát triển một chiến lược mang tên "trục Thái Bình Dương" nhưng "Mỹ không thể chỉ đặt các quả trứng vào cùng một giỏ". 
Ông Sessions, người có khả năng trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền của ông Trump nhấn mạnh tỷ phú Mỹ muốn tăng cường sức mạnh quân sự nước nhà bằng cách tăng thêm 60.000 quân, đóng thêm tàu chiến bao gồm tàu tuần duyên, tàu khu trục và tàu ngầm. 
Để kế hoạch an ninh này gần hơn với thực tế, nghị sĩ Forbes cho hay ông Trump và các cố vấn quốc phòng muốn thiết lập "một chiến lược quốc phòng mang tầm quốc tế do Lầu Năm Góc điều hành chứ không phải là Hội đồng An ninh quốc gia". 
Theo ông Forbes, điều đó đồng nghĩa với việc chính sách quốc phòng của ông Trump sẽ "hiếu chiến hơn" so với Tổng thống Barack Obama.
Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã khẳng định các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương phải tự chi trả"một phần" chi phí an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo thượng nghị sĩ Session, không dễ để phân định chính xác số tiền các đồng minh của Mỹ phải chi trả khi họ cho rằng chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với các nước. 
Trong khi đó, giới quan sát quân sự bên ngoài nước Mỹ cho rằng ông Trump sẽ không hoàn toàn thay đổi chính sách hiện thời của Mỹ tại châu Á bởi quyết định của ông Trump sẽ còn phải hướng tới lợi ích của quốc gia. 
"Tổng thống Trump chắc chắc sẽ không chối bỏ chiến lược trục châu Á nhưng cũng không quá mặn mà. Phương pháp tiếp cận của ông Trump sẽ không theo chính sách cô lập nhưng sẽ thận trọng hơn và mang tính chủ nghĩa dân tộc", nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Cato, Ted Galen Carpenter nói. 
Tuy nhiên, ông Shi Yinhong, chuyên gia các mối quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Renmin, Bắc Kinh nhận định chiến thắng của ông Trump sẽ "mang lại sự nguy hiểm cho thế giới mà chúng ta đã quá quen thuộc". 

Minh Thu (lược dịch)


Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn bởi chiến thắng của ông Donald Trump

Trật tự quốc tế tồn tại trong nhiều năm qua có thể bị đảo lộn bởi chiến thắng của ông Donald Trump. Đồng thời, dư luận cũng không khỏi nghi ngờ về vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong tương lai.

Trật tự thế giới, chiến thắng của Donald Trump,
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Telegraph)
Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn trật tự quốc tế được những người tiền nhiệm thuộc cả hai đảng duy trì trong hàng chục năm qua, bằng cách dựng nên những bức tường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhằm cô lập nước Mỹ, theoNew York Times.
Bình luận viên Peter Baker nhận định rằng chiến thắng của ông Trump báo trước viễn cảnh Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội và để thế giới tự giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Sau khi Anh rời liên minh châu Âu, việc cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống theo trường phái bảo thủ có thể khiến các trào lưu dân túy, chủ nghĩa dân tộc, phong trào đóng cửa biên giới đang manh nha tại châu Âu lan sang nhiều khu vực khác trên thế giới.
“Chúng ta đang rơi vào trạng thái bất ổn và bấp bênh”, Crispin Blunt, chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh nhận định.
Cam kết triển khai một chính sách chặt chẽ về kinh tế và quân sự của Tổng thống đắc cử Mỹ khiến chính quyền nhiều nước đồng minh phải nghĩ đến một tương lai không có sự hỗ trợ từ Washington.
“Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục can dự vào các vấn đề quốc tế với vai trò như một đối tác tin cậy với bạn bè và đồng minh nữa hay không. Nếu chính sách này chấm dứt, tất cả các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á buộc phải xem xét lại cách thức tự phòng vệ”, chuyên gia Kunihiko Miyake thuộc Đại học Ritsumeikan, Nhật đánh giá.
Viễn cảnh rút quân khỏi Đức, nơi quân đội Mỹ hiện diện trong hơn 7 thập kỷ qua, đang gây ra tâm trạng bối rối cho giới chức nước này.
“Kỷ nguyên mà vũ khí nguyên tử và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu lục có tác dụng bảo vệ cho toàn bộ các nước Tây và trung Âu sẽ chấm dứt. Châu Âu sẽ phải tự đảm bảo an ninh của mình”, Henrik Müller, giáo sư báo chí thuộc đại học Dormund, Đức khẳng định.
Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen cho rằng chiến thắng của ông Trump có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu rơi vào giai đoạn lạnh nhạt và tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Trật tự thế giới, chiến thắng của Donald Trump,
Binh sĩ Mỹ trong một cuộc diễn tập tại Đức. (Ảnh: US Army)
Mexico có lẽ là quốc gia lo ngại nhất đối với chiến thắng của ông Trump do những tuyên bố xây tường ngăn cách giữa biên giới hai nước trước đây của ông.
“Tôi nhận thấy một mối đe dọa rõ ràng và thường trực”, Rossana Fuentes-Berain, giám đốc viện nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập Mexico Media Lab cho biết.
Với kim ngạch thương mại đạt 531 tỷ USD trong năm 2015, Mexico là đối tác lớn thứ 3 của Mỹ sau Canada và Trung Quốc. 5 triệu việc làm của Mỹ hiện phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với nước láng giềng này.
Ngay sau khi ông Trump đắc cử, đồng peso của Mexico giảm 13%, mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua và theo dự báo có thể sẽ mất giá đến 20% trong ngắn hạn.
Ngoài các đối tác truyền thống, nhiều quốc gia khác cũng đang lo lắng trước chiến thắng của ông Trump. Abubakar Kari, giáo sư chính trị thuộc Đại học Abuja, Nigeria cho biết hầu hết người dân nước này nhận định rằng chính quyền của ông Trump sẽ không bận tâm đến những vấn đề nằm ngoài nước Mỹ.
Trong khi đó mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, một quốc gia hiếm hoi hoan nghênh chiến thắng của ông Trump cũng sẽ thay đổi cơ bản.
“Tổng thống Trump sẽ đẩy Mỹ chìm sâu vào khủng hoảng toàn diện. Mỹ sẽ bận rộn giải quyết những vấn đề nội bộ và không thể gây sức ép đối với ông Putin tại các điểm nóng trên thế giới. Như vậy, Nga sẽ rảnh tay để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Ví dụ, Moscow có thể tìm cách kiểm soát toàn bộ khu vực Liên Xô cũ và một phần Trung Đông”, Vladimir Frolov, nhà bình luận quốc tế của Nga đánh giá.
Giới chức Israel, một đồng minh thân thiết của Mỹ, cũng đang lo ngại về nguy cơ ông Trump sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông.
“Tình hình tại Syria đang rất hỗn loạn. Mỹ phải nhanh chóng xem xét việc có nên tiếp tục duy trì vai trò tích cực trong việc định hình sự phát triển của khu vực này hay không”, Yohanan Plesner, cựu nghị sĩ Quốc hội Israel tuyên bố.
Thậm chí, một số quốc gia có thể hưởng lợi từ chính sách hạn chế can thiệp của Mỹ cũng tỏ ra bất an về những hệ quả sắp tới. Nhìn bề ngoài có vẻ vô lý, nhưng Trung Quốc đang lo ngại trước cam kết rút quân khỏi châu Á của Tổng thống đắc cử Mỹ.
“Nếu ông Trump thực sự rút quân khỏi Nhật, nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc cũng có thể tìm cách sở hữu loại vũ khí này, nếu ông Trump hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và để Seoul phải tự mình đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng”, Shen Dingli, giáo sư quan hệ thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, phân tích.

Theo Vnexpress

Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng "trọng binh"

Hải Võ | 
Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng "trọng binh"
Donald Trump phát biểu trên chiến hạm USS Iowa khi vận động tranh cử ở San Pedro, California ngày 15/9/2015. (Ảnh

Nhiều hãng thông tấn và học giả quốc tế tin rằng Trung Quốc cảm thấy hài lòng với việc tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Bất chấp đại bộ phận giới tinh anh Mỹ không tin tưởng Donald Trump đủ năng lực đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh, vị Tổng thống đắc cử từng phát ngôn ngông cuồng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn trở thành "ông chủ" của kho vũ khí lớn nhất thế giới.
Trong khi nhiều phân tích từ truyền thông và giới quan sát quốc tế nhận định Donald Trump thắng cử là mong muốn của Bắc Kinh, tạp chí Mỹ Foreign Policy thậm chí giật tít "Trung Quốc vừa thắng bầu cử Mỹ", dư luận Trung Quốc dường như không lạc quan như vậy.
Các phân tích cho rằng Trump sẽ áp đặt chính sách kinh tế hết sức cứng rắn với Bắc Kinh và "buông lỏng" chính sách an ninh, cho phép quyền chủ động trong thế đối đầu quân sự, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương, lọt vào tay Trung Quốc.
Tuy nhiên, học giả Cố Thiện Văn từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Phát triển Giang Tô (Trung Quốc cho rằng còn quá sớm để Bắc Kinh "vui mừng".
Ngược lại, ông tin rằng sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rất có khả năng nhanh chóng tìm cách "tháo xích" cho ngân sách quốc phòng, vốn bị kìm hãm mạnh từ năm 2013 bởi cơ chế cắt giảm chi tiêu mạnh của chính quyền Tổng thống Obama.
Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng trọng binh - Ảnh 1.
Trump được kỳ vọng sẽ "đưa quân đội Mỹ vĩ đại trở lại" (Ảnh: UPI)
Quân đội Mỹ sẽ "tha hồ" phát triển và mua sắm dưới thời Trump
Trong quãng thời gian "thắt lưng buộc bụng" có thể có thể duy trì khoảng 10 năm, dự toán ngân sách quốc phòng của quân đội Mỹ sẽ bị "cắt giảm tự động" 450 tỉ USD.
Dưới thời Obama, cựu Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện John McCain đã cố gắng phối hợp với Lầu Năm Góc để tháo gỡ bài toán quân phí, nhưng không thành công.
Tuy nhiên, việc Nhà Trắng có một Tổng thống Cộng hòa, và đảng này duy trì được đa số ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ, đã triệt để thay đổi cục diện bế tắc do đối đầu giữa Chính phủ và Quốc hội. Lầu Năm Góc và cả ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang chờ đợi từng ngày đến 20/1/2017, khi Trump nhậm chức.
Theo Cố Thiện Văn, bất chấp mâu thuẫn trong giai đoạn tranh cử giữa Trump và các thành viên đảng Cộng hòa, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ dốc toàn lực để thúc đẩy giải trừ chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Trump, trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ (2018) đầy bất định.
Ông Cố đánh giá, Trung Quốc sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn một khi Trump dỡ bỏ hạn chế về ngân sách quốc phòng.
Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tái khởi động các dự án nghiên cứu và kế hoạch mua sắm vũ khí bị gián đoạn hoặc cắt giảm, như mua thêm chiến đấu cơ F-35C, máy bay trinh sát P-8A, trực thăng không người lái MQ-8C hay tên lửa hành trình Tomahawk...
Các công ty chủ chốt như Boeing hay Lockheed Martin sẽ được rót kinh phí để nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ. Các vũ khí và hệ thống này đều tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Phát biểu trước người ủng hộ tại bang Pennsylvania hôm 21/10, ông Trump tuyên bố sẽ phê chuẩn đóng mới để nâng số lượng chiến hạm của Hải quân Mỹ từ 274 lên 350 chiếc, như một phần kế hoạch của ông trong một 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
Trump nói kế hoạch của ông sẽ là "nỗ lực nhằm tái thiết quân đội lớn nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan" và tạo thêm công ăn việc làm, bởi ông tin rằng quân đội Mỹ đang ở quy mô nhỏ nhất từ sau Thế chiến I.
Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng trọng binh - Ảnh 2.
Quân đội Mỹ sẽ được tăng ngân sách quốc phòng để nghiên cứu và mua sắm vũ khí dưới thời Trump (Ảnh minh họa: Huanqiu)
Không có chuyện ngừng "xoay trục châu Á"
Với tuyên bố rất rõ ràng của Trump về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, được tăng cường trang thiết bị và khí tài hiện đại, khả năng Mỹ trở nên "lành" hơn trong các hoạt động đối đầu Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và biển Đông là không thể xảy ra.
Cố Thiện Văn bình luận, chiến lược "xoay trục châu Á" không chỉ là chủ trương của bà Hillary Clinton và giới tinh anh thiểu số, mà còn là nhận thức chung của Lầu Năm Góc và hàng loạt nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao.
Chiến lược này khó có thể thay đổi ngay cả khi đó là ý chí của Tổng thống Trump, chưa kể quân đội Mỹ duy trì khả năng quyết sách tương đối độc lập với Nhà Trắng. Xét đến lợi ích trực tiếp của lực lượng, gần như không có khả năng quân đội Mỹ "lơ là" với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Học giả này cũng nghi ngờ khả năng Trump lạnh nhạt với các đồng minh hoặc cho phép Nhật Bản, Hàn Quốc tự do phát triển vũ khí hạt nhân.
Mục đích của Trump chỉ là mở đường cho các cuộc đàm phán với đồng minh và những nước Mỹ có đóng quân, trong đó Washington đem tiền đề "ổn định quan hệ đồng minh" để yêu cầu đối tác chia sẻ gánh nặng chi phí. Nếu thành công, Trump thậm chí có thể kiềm chế Bắc Kinh một cách hữu hiệu hơn.
Ông Cố cảnh báo chính phủ Trung Quốc "không được phép có bất kỳ ảo tưởng không thực tế nào về Mỹ và đồng minh trong lĩnh vực an ninh quốc gia".
Ông này kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng thường niên nhằm đưa dự toán ngân sách trở về mức 2 con số trong thời gian ngắn nhất, bởi "mối đe dọa bên ngoài không hề giảm bớt".
"Tăng cường sức mạnh mới là biện pháp đáng tin cậy nhất để ứng xử với chính quyền 'không đáng tin' của Donald Trump," Cố Thiện Văn viết trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/11.
Ở một bài báo khác vào sáng nay, tờ Hoàn Cầu cũng cảnh báo Bắc Kinh về việc chính quyền Trump "ra đòn" nhằm vào Trung Quốc. Trang quân sự Sina thì nói rằng 80 chiến hạm mới dưới thời Trump sẽ "nhằm vào Trung Quốc" ở châu Á-Thái Bình Dương.
theo Trí Thức Trẻ
Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: