Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Đối chiếu “Khoản 2, Mục 3, Phần II…của NQ TW 4 khóa 12/2016” với “Cương lĩnh và NQ” của Hội nghị lần thứ 4 ( khóa 2) BCHTW Đảng Lao động VN năm 1953 ?

Phạm Viết Đào.

Nghiên cứu NQTW 4 khóa 12, chủ blog rất chú ý tới Khoản 2, Mục 3, Phần II- NHẬN DIỆN NHỮNG BIỂU HIỆN SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG, "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA":

Xin trích:

Mục 2: Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự" . Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. "
(Mục 3- Biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” …)

Mục 6: "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu..."

Đối chiếu  sự “nhận diện” này của NQTW 4 khóa 12 với Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam ký ban hành tháng 11/1953 và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư ( khóa 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953 tại Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng Lao động VN; Đây là hội nghị bổ sung và thông qua bản báo cáo của Hồ Chủ tịch và bản báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình, nhiệm vụ và công tác trong nǎm 1953;Hội nghị lại thông qua bản Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất, xác định quyền sở hữu ruộng đất của nông dân…
Năm 1953 là năm bản lề chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm 1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ; Bản Cương lĩnh và nghị quyết này nhằm động viên nông dân dốc toàn lực sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ…
Đối chiếu 3 văn kiện này nhận thấy: đây là một một cuộc xoay đảo về đường lối, chính sách của Đảng về vấn để quyền sở hữu đất đai của nông dân…
Xin trích Cương lĩnh và Nghị quyết của hội nghị này phần nói về quyền sở hữu đất đai:
” Để cải thiện đời sống của nông dân, để đẩy mạnh kháng chiến,  đánh  đuổi  đế quốc Pháp, can thiệp Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền, hoàn  toàn  giải phóng dân tộc.
Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất  nông  nghiệp,  mở đường cho công thương nghiệp phát triển,  lợi  cho  kháng chiến và kiến quốc.
Cần phải xoá bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc ở  Việt  Nam,  xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của  giai  cấp  địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông  dân, thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng…”
... Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và  trưng  mua  đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc  thiếu  ruộng  đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ  được  chia  và không phải trả tiền.
(CƯƠNG LĨNH CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM 11/1953)

“Cǎn cứ vào nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, cǎn cứ vào yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, Hội nghị lần thứ tư của Trung ương quyết định:
Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng: tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của bọn đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân…( NQ hội nghị 4 BCHTWĐLĐVN khóa 2)

Xin đưa lại toàn văn Bản Cương lĩnh và Nghi quyết TW 4 khóa 2:

Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam tháng 11 năm 1953 về vấn đề ruộng đất

Cập nhật lúc 15h39  -  Ngày 12/10/2016

CƯƠNG LĨNH CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháng 11 năm 1953
Về vấn đề ruộng đất
Để cải thiện đời sống của nông dân, để đẩy mạnh kháng chiến,  đánh  đuổi  đế quốc Pháp, can thiệp Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền,  hoàn  toàn  giải phóng dân tộc.
Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất  nông  nghiệp,  mở đường cho công thương nghiệp phát triển,  lợi  cho  kháng chiến và kiến quốc.
Cần phải xoá bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc ở  Việt  Nam,  xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của  giai  cấp  địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông  dân, thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng.
Trong nhân dân ta, nông dân chiếm gần 90%. Đối với kháng  chiến,  nông  dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất.  Nhưng  nông  dân phần nhiều lại không có, hoặc có rất ít ruộng  đất.  Nông  dân làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không  được  no  cơm, ấm áo. Tình hình ấy rất không hợp lý, không  công  bằng.  Vì vậy, nông dân yêu cầu được ruộng đất là một  điều  rất  chính đáng, rất hợp với lợi ích giải phóng dân tộc. Chỉ  có  thực  hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, làm cho hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến  mới  hoàn  toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công.                              
Vì vậy, Đảng Lao động Việt Nam định ra cương lĩnh ruộng  đất  như  sau:
1. Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp  và  của  đế quốc xâm lược khác.
2. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của  bọn  Việt  gian phản quốc.
3. Tịch thu hoặc trưng thu (tuỳ tội nặng nhẹ), ruộng đất trâu  bò,  nông  cụ và tài sản khác của địa chủ phản động và cường  hào  gian  ác.
4. Trưng thu ruộng đất công và ruộng đất nửa công, nửa tư  bao  gồm  ruộng phe, ruộng giáp, ruộng tư văn, tư võ, ruộng các  đoàn  thể,  v.v..
5. Trưng thu hoặc trưng mua (tuỳ trường hợp) ruộng đất của  các  tôn  giáo.
6. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của  ngoại  kiều  hợp tác với đế quốc xâm lược và nguỵ quyền. Trưng  mua  ruộng  đất, trâu bò, nông cụ của những địa chủ ngoại  kiều  khác.  
7. Trưng mua ruộng đất, trâu bò nông cụ của địa chủ kháng  chiến  và  địa chủ thường; địa chủ kháng chiến, nhân sĩ dân  chủ  được  chiếu cố một cách thích đáng.
Giá tiền và cách giả tiền do Chính phủ quy định.
8. Xoá bỏ nợ mà nông dân lao động và những người thuộc tầng  lớp  nghèo  ở nông thôn vay của địa chủ.
9. Xoá bỏ độc quyền của đế quốc và phong kiến về mặt biển  và  khúc  sông.
10. Không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và  tài  sản  khác của phú nông.
11. Kiên quyết bảo hộ ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa  và  tài  sản khác của trung nông.
12. Bảo hộ công nghiệp và thương nghiệp. Không đụng đến  công  thương  nghiệp của địa chủ kháng chiến và địa chủ thường  và  những  đất đai trực tiếp dùng vào công thương nghiệp  của  họ.  
13. Không đụng đến ruộng đất của những người có ít ruộng  đất  phải  phát canh vì tham gia công tác kháng chiến, vì  thiếu  sức  lao động hoặc vì bận làm nghề khác.
14. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và  trưng  mua  đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc  thiếu  ruộng  đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ  được  chia  và không phải trả tiền.
15. Lấy xã làm đơn vị chia ruộng đất và theo đầu người mà  chia  một  cách công bằng.
16. Liệt sĩ, quân nhân cách mạng, thương binh, bệnh binh,  cán  bộ,  nhân viên phục vụ kháng chiến và gia đình họ ở nông  thôn  không  có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất đều được chia  ruộng  đất.  Liệt sĩ, quân nhân cách mạng, thương binh, bệnh  binh  được  ưu đãi trong khi chia.
17. Khi tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất để lại cho  địa  chủ  (trừ những người bị tù từ trên 5 năm trở lên) và gia  đình  họ  một phần ruộng đất tương đương với phần ruộng đất  được  chia  của nông dân.
18. Gia đình nguỵ binh thuộc thành phần nông dân lao động  không  có  ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất thì được chia ruộng  đất.  Nguỵ  binh cũng được một phần ruộng đất nhưng khi  họ  chưa  bỏ hàng ngũ nguỵ quân trở về với Tổ quốc thì ruộng  đất  ấy  do Uỷ ban kháng chiến hành chính hay nông hội  xã  quản  lý.
19. Những rừng nhỏ, ao hồ, đầm, đất hoang, vườn cây ăn quả  nếu  có  thể chia, đều chia cho nông dân.
20. Những đồn điền canh tác bằng máy, hoặc những đồn điền  trồng  cà  phê, cao su, v.v. theo kỹ thuật tiến bộ, các trại thí  nghiệm,  những  hầm mỏ, những nơi có cổ tích lịch sử, v.v. thì  không  chia  mà do chính quyền quản lý.
21. Để thực hiện cải cách ruộng đất phải phát động quần chúng  theo  đúng  đường lối chung của Đảng ở nông thôn: dựa hẳn  vào  bần,  cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp  phú  nông,  tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và  có  phân  biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
22. Chính quyền sẽ thành lập Uỷ ban cải cách ruộng đất từ  cấp  trung  ương đến cấp tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền,  những  Uỷ  ban này có nhiệm vụ lãnh đạo cụ thể phong trào  quần  chúng,  thực hiện cải cách ruộng đất.
Ở cấp xã, nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng đấu tranh thực hiện  cải  cách  ruộng đất thuộc về Hội nghị đại biểu nông dân và  Ban  Chấp  hành Nông hội.
23. Cương lĩnh này định cho toàn quốc, những vùng tự do có  đủ  điều  kiện thì thi hành trước, các vùng khác chưa đủ điều  kiện  thì  thi hành sau. Đối với những vùng dân tộc thiểu số  sẽ  có  quy định riêng.
Các cấp uỷ chưa được thông tri thực hiện bản cương lĩnh này  thì  nhất  thiết không được tự tiện làm bừa.
Toàn thể đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải phấn đấu  một  cách  triệt để và trung thành đặng thực hiện cương lĩnh  của  Đảng  về vấn đề ruộng đất. Những đảng viên nào chống  lại  hoặc  có thái độ giả dối trong khi thực hiện bản cương  lĩnh  này,  những đảng viên nào che chở cho địa chủ, không  kiên  quyết  giúp đỡ nông dân, đều không xứng đáng là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam và sẽ bị Đảng thi hành kỷ  luật.     
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng, nhất định  nhân  dân  ta sẽ vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ  lịch  sử:  
- Tiêu diệt đế quốc xâm lược,
- Xoá bỏ chế độ bóc lột phong kiến,
- Thực hiện một nước Việt Nam độc lập thống nhất, dân chủ,  phú  cường.  

Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đảng toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.14, tr. 499-503.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953
Cập nhật lúc 11h36  -  Ngày 14/10/2015

Hội nghị lần thứ tư của Trung ương đã bổ sung và thông qua bản báo cáo của Hồ Chủ tịch và bản báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình, nhiệm vụ và công tác trong nǎm 1953.
Hội nghị lại thông qua bản Cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất.
*
* *
Đối với chính sách của Đảng về vấn đề ruộng đất từ kháng chiến đến nay, Hội nghị nhận thấy rằng:
1. Chúng ta chưa nắm vững nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam làphản đế và phản phong kiến, chưa thấy rõ lực lượng cǎn bản của cách mạng ta là nông dân. Cho nên chính sách ruộng đất của Đảng chưa được thật đúng để tuỳ hoàn cảnh chung của toàn quốc, và hoàn cảnh từng nơi, từng lúc mà thực hiện nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ, đặng đánh bại đế quốc xâm lược câu kết với lực lượng phản động trong nước là phong kiến địa chủ.
2. Cuộc kháng chiến của ta nhất định phải trường kỳ và gian khổ. Vì chưa nắm thật vững quan điểm kháng chiến trường kỳ và gian khổ ấy cho nên chúng ta chưa kiên quyết dựa vào lực lượng cách mạng của quần chúng nông dân, chưa triệt để phát huy lực lượng to lớn ấy để kháng chiến ngày thêm mạnh, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng.
Sai lệch cǎn bản này đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng đảng, quân đội, mặt trận, chính quyền về mặt tư tưởng và tổ chức.
Nguyên nhân là chúng ta còn thiếu sót về lập trường và quan điểm cách mạng của giai cấp vô sản.
*
* *
Cǎn cứ vào nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, cǎn cứ vào yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, Hội nghị lần thứ tư của Trung ương quyết định:
Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng: tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của bọn đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.
Để tiến tới thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng trong nǎm 1953, chúng ta phải phóng tay phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, chia lại công điền, chia hẳn ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân,chủ yếu là triệt để giảm tô,nhằm thoả mãn bước đầu yêu cầu chính đáng về kinh tế của nông dân; chỉnh đốn đảng, chỉnh đốn nông hội, chính quyền và mặt trận về mặt tư tưởng và tổ chức, đập tan uy thế chính trị của địa chủ phong kiến, giành ưu thế chính trị cho nông dân lao động ở nông thôn.
Công tác phát động quần chúng nǎm nay là một bước cần thiết để thiết thực chuẩn bị cải cách ruộng đất.
Để tiến hành công tác phát động quần chúng nǎm nay, để chuẩn bị công tác cải cách ruộng đất, chúng ta phải đặc biệt chú trọng đánh thông tư tưởng cho cán bộ và đảng viên trong Đảng, tuyên truyền giải thích sâu rộng cho quần chúng đông đảo, trước nhất là quần chúng nông dân. Cho nên công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện và tổ chức rất là quan trọng.

*
* *
Mặc dầu thất bại nặng, địch ngày càng tǎng cường lực lượng và công sự để chiếm giữ các đô thị lớn, các vùng chiến lược quan trọng. Phương hướng chiến lược của ta là tạm thời "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Như thế để tạo điều kiện hoàn toàn giải phóng Bắc Bộ.
Do phương hướng chiến lược này, quân đội ta phải đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch. Bất kỳ ở miền núi hay đồng bằng, quân đội taphải chuẩn bị đánh những lực lượng, những cứ điểm ngày càng mạnh của địch.
Để thực hiện nhiệm vụ quân sự ấy, chúng ta phải ra sức tǎng cường quân đội ta về mọi mặt: về xây dựng và tác chiến cũng như về công tác chính trị, tham mưu và cung cấp. Phải đặc biệt chú trọng công tác chính trị, nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và chiến sĩ về ý thức giai cấp, về nhiệm vụ cách mạng của quân đội nhân dân.
Để đảm bảo cung cấp cho bộ đội, cần phải chỉnh đốn việc cung cấp và thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận. Đặc biệt phải chú trọng công tác giao thông vận tải.
Về tác chiến và chỉnh quân, phương châm tác chiến của chủ lực là: vận động chiến là chính, công kiên chiến là phụ. Trên chiến trường sau lưng địch ở Bắc Bộ và các chiến trường ở Trung và Nam thì du kích chiến là chính. Việc chấn chỉnh quân đội cần tiến hành về các mặt, chỉnh huấn chính trị, chỉnh huấn quân sự, chỉnh đốn tổ chức, xây dựng các đơn vị mới.
Trong nǎm 1953, chúng ta phải làm nǎm công tác chính sau đây:
1. Công tác chính thứ nhất là phát động quần chúng. Tất cả các công tác khác đều phải kết hợp với công tác ấy, phục vụ công tác ấy, đảm bảo sự thành công của công tác ấy.
2. Tǎng cường sựchỉ đạo chiến tranh của Đảng, đẩy mạnh các công tác chỉnh quân và tác chiến để tiêu diệt nhiều sinh lực của địch.
3. Về kinh tế tài chính, phải tổ chức và lãnh đạo cuộc vận động sản xuất kết hợp với việc phát động quần chúng. Phải chú ý cải thiện đời sống nhân dân, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, tích cực đề phòng và chống nạn đói. Phải tǎng cường công tác tài chính một cách nghiêm chỉnh để thực hiện thǎng bằng thu chi. Phải tǎng cường công tác mậu dịch, ngân hàng, đấu tranh kinh tế với địch. Phải tích cực chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
4. Về công tác sau lưng địch, tiếp tục tǎng cường về mọi mặt; phát triển chiến tranh du kích, chống và phá càn quét để củng cố và mở rộng vùng du kích và cǎn cứ du kích; phá âm mưu của địch xây dựng nguỵ quyền và nguỵ quân; chống địch phá hoại và cướp bóc kinh tế; chống sự tuyên truyền lừa bịp của địch. Phải tǎng cường việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức nhân dân. Phải thực hiện thống nhất lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ ở sau lưng địch.
5. Về chỉnh đảng, kết hợp với công tác phát động quần chúng để chỉnh đốn chi bộ xã. Tiếp tục chỉnh huấn cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng.
Phải chấn chỉnh tổ chức, tư tưởng, tác phong của Đảng để thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ và công tác quan trọng kể trên.

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

Không có nhận xét nào: