Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường Campuchia, Lào hiện có nhu cầu khá lớn trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình hay nhân viên ngành tài chính ngân hàng. Ở nhóm công việc này có thể đạt mức thu nhập trung bình từ 15-23 triệu đồng/người/tháng.
Cục đánh giá, khả năng thu hút lao động ở các thị trường nhỏ, trong đó có Lào và Campuchia, chiếm 10 - 15% số lượng lao động xuất khẩu hàng năm (khoảng 8.000 - 10.000 người/năm).
Đây là thị trường tiềm năng đối với ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ta và cũng đang được đánh giá là điểm đến của lao động trình độ cao, cạnh tranh ở các ngành thế mạnh của Việt Nam như: kỹ sư nông nghiệp, hóa chất, dược liệu…
Ngoài ra, cũng trong năm năm 2012, ngành XKLĐ đang tiếp tục mở thêm một số thị trường mới ở châu Âu như Slovakia, Bungaria, Rumania, Ba Lan... là những nơi cần lao động có nghề. Đây được xem là hướng tiếp cận mới, làm đa dạng thị trường xuất khẩu lao động, thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như trước.
Theo báo cáo, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đã tìm hiểu và ký kết hợp đồng để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hoa Kỳ và Canada nhưng do một số khó khăn như yêu cầu chất lượng lao động (ngoại ngữ, tay nghề...) và khâu thủ tục xin visa, nên mới có một số doanh nghiệp đưa được lao động sang các thị trường này.
Cơ quan quản lý cũng khẳng định, một số thị trường khác cũng đang có nhu cầu lớn về đội ngũ chuyên gia. Cụ thể, cần 80 chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo của Angola, 200 chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Mozambique và Angola, 65 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - FAO và các nước này…
Cơ hội không ít, nhưng cơ quan chức năng cũng thừa nhận, lao động chất lượng cao vẫn còn là thách thức đối với ngành xuất khẩu lao động nước ta.
P. Thanh
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Ta trồng lúa năng suất cao nhất thế giới mà vẫn nghèo
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nói Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, đây là một tài sản rất quý giá trong bối cảnh tất cả các nước phát triển đều thiếu lao động vì đẻ ít.
Phát biểu trên nghị trường ngày 3/11, Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để tái cơ cấu kinh tế thì phải tái cơ cấu tư duy. "Câu hỏi không phải tiền đâu mà là thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì? Câu hỏi tiếp theo là người ở đâu, có biết công nghệ không, có làm chủ được khoa học kỹ thuật không, rồi mới đến câu hỏi vốn ở đâu?", ông Nhân nói.
Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực, ông Nhân nói Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, đây là một tài sản rất quý giá trong bối cảnh tất cả các nước phát triển đều thiếu lao động vì đẻ ít.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trên nghị trường
Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN, do chi phí lao động thấp, nếu GDP Việt Nam chưa vượt ngưỡng 25 nghìn USD trong 30 năm tới thì đây là lĩnh vực luôn có lợi thế cạnh tranh. Một giờ lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp 29 lần so với Việt Nam, Singapore gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần... "Một câu hỏi giản dị vì sao Samsung vào Việt Nam. Họ có công nghệ ở nhà, họ có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động và họ đến Việt Nam. Trong vòng 5 năm, họ đầu tư hàng tỷ USD, xuất khẩu hàng chục tỷ sản phẩm", ông Nhân phát biểu.
Ông cho rằng, nếu người công nhân Việt Nam đứng trước một máy dệt như công nhân nước khác thì năng suất lao động tương đương, tức là năng suất về sản phẩm không thua, nhưng tính năng suất bằng tiền lại thấp hơn vì thu nhập thấp hơn.
"Chúng ta trồng lúa, trồng điều, nuôi cá năng suất vào loại cao nhất thế giới, nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo. Cho nên nói năng suất, đề nghị phân biệt kỹ năng người lao động và đặc điểm tổ chức sản xuất. Trong thời gian tới, phải coi trọng tối đa việc phát huy và sử dụng vốn lớn nhất của chúng ta là con người, coi đây là ưu tiên số một", ông Nhân nhấn mạnh.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng một điều rất quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới tư duy là lãnh đạo các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương.
Về nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, ông Dũng cho biết mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng nằm trong tổng thể khuôn khổ nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020; ở đây nguồn lực từ ngân sách nhà nước dự kiến là 2 triệu tỷ đồng. Nguồn lực này là để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm tới từ 6,5 đến 7%.
"Để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 đến 7%, với hệ số ICOR dự kiến là 5 đến 5,5% thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32 đến 34% GDP, tương đương 9 đến 10 triệu tỷ đồng", ông Dũng phân tích và thông tin năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ, kế hoạch năm 2017 là 1,6 triệu tỷ.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói việc tái cơ cấu kinh tế được thiết kế theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước. Vốn nhà nước dự kiến sẽ giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31% đến 34% trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, vốn của khu vực tư nhân trong nước dự kiến sẽ tăng từ 38,3% đến 45%, 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Ông Dũng khẳng định mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu kinh tế không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn, mà cần tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư. Từ đó sẽ tạo ra cơ hội cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.
5 nội dung trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế
giai đoạn 2016-2020
1. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
2. Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
3. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
4. Hiện đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét