03/11/2016 04:00 GMT+7
So với bài toán môi trường ở miền Trung, bài toán môi trường ở ĐBSCL cũng nan giải không kém, nhưng “có thể giải được” bằng quyết tâm chính trị rất cao.
Trong môi trường biến đổi khí hậu đầy “thiên tai”, con người càng phải khôn ngoan để giảm thiểu “nhân họa” (do mình gây ra). Không ai lại dại dột muốn đối phó với cả thiên tai và “nhân họa” cùng một lúc như “hiệu ứng kép”.
Thiên tai và nhân họa- lỗi quản lý?
“Nhân họa” có thể do phát triển thủy điện tràn lan (trên thượng nguồn) làm cạn kiệt nguồn nước và nguồn phù sa (dưới hạ nguồn). “Nhân họa” cũng có thể do tăng tối đa diện tích trồng lúa 2-3 vụ, đắp đê bao chống lũ và cống ngăn mặn, làm thay đổi hệ thống cân bằng sinh thái và thủy văn, khiến người nông dân phải tăng sản lượng bằng mọi giá.
Chúng ta đã suýt mất thị trường Mỹ cho thủy hải sản, nay có thể mất nốt thị trường Mỹ cho lúa gạo, nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây không chỉ là lỗi của người nông dân.
Để đổi mới tư duy và thể chế, theo hướng “phi truyền thống hóa” và hiện đại hóa nông nghiệp chẳng còn cách nào hay hơn việc thay đổi cơ cấu nông nghiệp truyền thống lấy lúa gạo làm chủ đạo.
, “Tăng trưởng được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Ảnh: SGGP.
|
Năm 1990, các tỉnh ĐBSCL, bắt đầu từ An Giang và Đồng Tháp, đã xây dựng hệ thống đê bao chống lũ rất tốn kém, để trồng lúa vụ 03 (với diện tích lên đến 600.000ha).
Tổng sản lượng lúa của ĐBSCL đã tăng từ 07 triệu tấn (năm 1986) lên 25 triệu tấn (năm 2015), chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Nhưng cái giá phải trả là diện tích rừng tràm đã biến mất ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và Hạ. Theo Gs Nguyễn Ngọc Trân, “tăng trưởng được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong đê thì độ màu của đất giảm sút, môi trường bị suy thoái”.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó, phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương ở ĐBSCL theo hướng tiết kiệm nước ngọt, và chung sống với hạn hán và ngập mặn. Nhiều nước khác đã biết cách khai thác thành công nước mặn như một tài nguyên. Theo Gs Võ Tòng Xuân, “Đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần Tiền Giang, Vĩnh Long, thì cần tập trung đầu tư cho cây lúa nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Còn vùng mặn thì linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm mùa khô…”
Trong thị trường toàn cầu hóa ngày càng cao, cạnh tranh càng khốc liệt, kinh doanh nông nghiệp sẽ quan trọng hơn cả sản xuất nông nghiệp thuần túy. Các địa phương và các doanh nghiệp cần linh hoạt chọn cho mình vị trí thích ứng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, biết cách kết nối với thị trường toàn cầu để tham gia cuộc chơi có hiệu quả. Nói cách khác, phải hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp, như một quy luật phát triển.
Thủy điện và phù sa
Một thách thức rất lớn và nan giải do “nhân họa” là việc khai thác triệt để tài nguyên nước trên thượng nguồn, trong đó có việc chuyển dòng nước sang lưu vực sông khác và khai thác thủy điện tràn lan trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống. Theo Ủy ban sông Mekong, 06 đập thủy điện ở Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu và 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước tại hạ lưu tăng 50% so với năm 2.000.
Khi nói đến thủy điện người ta thường nói nhiều về số lượng nước mà ít nhấn mạnh đến chất lượng nước, thể hiện qua lượng phù sa có trong nước. Lượng phù sa này sẽ bị các đập thủy điện ngăn lại gần như vĩnh viễn. Không có phù sa, đồng bằng sẽ chết. Theo các chuyên gia sinh thái, quá trình kiến tạo ĐBSCL diễn ra từ 6.000 năm trước, nhưng sự mất cân bằng phù sa hiện nay sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo đó và dẫn đến nguy cơ tan rã ĐBSCL.
Hiện tượng nước Sông Hậu bỗng trong xanh như nước biển là một hệ lụy nhãn tiền cho thấy lượng phù sa từ thượng nguồn Mê Kông đổ về ĐBSCL ngày càng ít. Theo Ts Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ), con số này sẽ tiếp tục giảm thêm 1/2 nữa, chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, một khi các đập trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.
Bộ TN-MT đã tính toán rằng, các hồ chứa trên dòng chính của sông Mekong ở phía Trung Quốc có dung tích khoảng 23 tỉ m3, trong khi các hồ chứa trên những dòng nhánh khoảng 20 tỉ m3. Tổng dung tích này tác động rất lớn đến việc điều tiết nước và lưu lượng dòng chảy về hạ lưu. Hiện có 11 đập thủy điện trên sông Mekong bên ngoài Việt Nam (gồm 09 đập ở Lào và 02 đập ở Campuchia).
Nhưng 11 đập này chỉ bằng 1/7 tác động của các đập ở Trung Quốc. Gs Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, “đã đến lúc 06 nước trong lưu vực sông Mekong phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước. Trong đó, quyền và lợi ích mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác cùng phát triển”.
Gian nan nhưng có thể giải được
Đã có rất nhiều diễn đàn được tổ chức góp phần tích cực và hiệu quả vào việc tháo gỡ những khó khăn cho ĐBSCL, nhưng để kết nối kinh tế của 13 tỉnh thành ở đây thì vẫn là một bài toán khó. Nếu không biết quản trị, có thể làm cản trở và làm suy yếu lẫn nhau. Số phận của ĐBSCL vẫn như một ẩn số đang làm đau đầu các nhà quản trị.
So với bài toán môi trường ở miền Trung, bài toán đố ĐBSCL cũng nan giải không kém, nhưng “khả thi”. Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã kết thúc bài tham luận, ĐBSCL phải “RICH” (giàu có) bằng Resilient (bền bỉ) + Innovative (sáng tạo) + Connecting (liên kết) + Harmonous (hài hòa).
Nguyễn Quang Dy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét