Trọng Nghĩa
Tổng thống tân cử Donald Trump phát biểu tại Manhattan, New York rạng sáng ngày 09/11/2016 ngay sau khi có kết quả thắng cử.REUTERS/Carlo Allegri
Sự kiện ông Donald Trump bất ngờ được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp tục được giới quan sát phân tích và bình luận rộng rãi. Trong một bài phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ từ viện Đông Nam Á tại Singapore nơi ông đang được mời đến nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường đại học George Mason (Hoa Kỳ) đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện ông Trump đắc cử, cũng như một số hệ quả đối với nước Mỹ và thế giới.
Trong lãnh vực đối ngoại, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đến khả năng đường lối của Mỹ sẽ « diều hâu và cứng rắn hơn », trong lúc thách thức đặt ra là cần phải trấn an các đồng minh ở cả châu Âu lẫn châu Á.
Trump đắc cử : Một vài ý nghĩa
1/ Đây là một cái tát vào mặt giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Nó là cuộc nổi loạn của đám đông bất mãn đối với giới trí thức, truyền thông. Nó là cái thắng của cảm tính trước suy luận, của cực đoan trước ôn hòa.
Nó là biến thể mới của đảng Know Nothing (chống di dân) thập niên 1840 và 1850 thế kỷ thứ 19, và bảo thủ cực đoan của Barry Goldwater trong cuộc bầu cử năm 1964 với câu tuyên bố bất hủ « Cực đoan trong việc bảo vệ tự do không phải là điều xấu.” Khuynh hướng chính trị này tiềm ẩn trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ và nay được Trump khơi dậy thành công.
Đó là thắng lợi của chính sách bảo hộ kinh tế, chống di dân, kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, và giới tính trong một thế giới toàn cầu hóa và đa diện.
2/ Nó là thất bại của giới truyền thông chính mạch và các thăm dò dư luận cứ phần lớn dựa vào phỏng vấn qua điện thoại với một mẫu phỏng vấn (sample) cũ không còn hiệu lực nữa.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là mọi mô hình phỏng đoán khoa học đều sai. Trong khi các mô hình khác sai, mô hình tiên đoán của giáo sư Allan J. Litchman tiên đoán đúng về bầu cử tổng thống, từ năm 1984 cho đến nay vẫn đúng. Ông quả quyết Trump sẽ thắng ngay cả khi đa số các đồng nghiệp và các cuộc thăm dò dư luận trong giai đoạn cuối đều đoán là Clinton sẽ thắng.
3/ Nó là thái độ vô trách nhiệm, từ bỏ vai trò lãnh đạo của giai cấp cầm quyền Mỹ (abdication of leadership). Người dân bầu ra những người đại diện cho quyền lợi của mình, nhưng họ cũng muốn những người đón vì hiểu biết hơn, hướng dẫn họ.Chính trị gia phải làm đủ 2 bổn phận: đai diện và lãnh đạo.
Giới lãnh đạo trong nhiều nước ở Âu Châu không có can đảm hướng dẫn và thuyết phục người dân trong các vấn đề khó khăn nên chọn giải pháp dễ dàng là dựa vào chính sách mị dân. Brexit là một trường hợp điển hình: Thủ tướng Anh (Cameron) có quyền vẫn ở trong Cộng Đồng Âu Châu, nhưng vì bị chống đối và tin vào các cuộc thăm dò dư luận nghĩ rằng buộc người dân phải chọn thì mình sẽ thắng, và ông đã thua và nước của ông cũng thua.
Trong trường hợp của Trump, lãnh đạo của đảng Cộng Hòa không có can đảm đoàn kết chống Trump ngay từ đầu vì nghĩ rằng dân chúng sẽ cho ông ấy ngã ngựa giữa đường. Họ đã làm, và Hoa Kỳ có một tân tổng thống Donald Trump! Ông là người duy nhất có hai địa chỉ trên đại lộ Pennsylvania: một ở Nhà Trắng, 1600 Pennsylvania Ave. và một ở Trump International Hotel ở 1100 Pennsylvania Ave.
4/ Chỉ có dân chủ mới cho ta thấy được thực tế chính trị : người dân có quyền phát biểu bất mãn của họ qua cuộc bỏ phiếu để thay đổi chính sách công theo ý của họ. Người ta bất mãn vì hiện tượng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế làm họ mất việc làm, địa vị xã hội đi xuống, chi phí bảo hiểm y tế tăng, sự áp đặt của chính trị phải đạo (political correctness), chia rẽ và bất lực của giới lãnh đạo ở trung ương, thất vọng vì 8 năm cầm quyền của một vị tổng thống da đen.
Ông Trump và những lời hứa khó thực hiện
Đảng Cộng Hòa nay đã nắm được cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp. Họ có ủy nhiệm để thay đổi. Họ không thể làm việc chỉ để phá đám và chọc gậy bánh xe (ông Obama) nữa. Họ phải chứng tỏ mình làm được việc, và chịu trách nhiệm trước nhân dân và sẽ bị nhân dân trừng trị nếu thất bại.
Chính quyền Trump sẽ phải đối phó với những vấn đề hết sức khó khăn để thực hiện lời hứa tranh cử của Trump: xây bức tường ngăn di dân giữa Mỹ và Mêhicô và buộc Mêhicô trả tiền ; giải quyết và trục xuất 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ ; cải tổ bảo hiểm y tế, lập chương trình mới thay thế cho Obamacare; đánh bại ISIS (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo), trừng phạt Iran, giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Libya và Syria, chế tài kinh tế đối với Trung Quốc, đàm phán lại hiệp ước NAFTA và TPP, trấn an các đồng minh ở Âu Châu và Á Châu…
Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi khả năng chuyên môn và một thái độ cẩn trọng, trong khi ấy, tổng thống tân cử rất ít hiểu biết về chính trị quốc tế, và các cố vấn hiện có của ông không sẵn sàng.
Tờ báo có khuynh hướng bảo thủ thiên giới tài phiệt Wall Street Journal cho biết trong giai đoạn tranh cử, các cố vấn của Trump chỉ đưa ra những talking points ghi trên 1, 2 trang giấy hoặc bản ghi nhớ (memos) dài tối đa là 20 trang, khác hẳn với các ứng viên khác khi bộ máy tranh cử của họ soạn các nghiên cứu chính sách một cách chi tiết và rõ rệt hơn.
Đối nội : bảo thủ lâu dài ; đối ngoại : diều hâu hơn
Về chính sách đối nội thì vì khả năng bổ nhiệm một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có khuynh hướng bảo thủ của tân tổng thống, nước Mỹ sẽ đi vào một khuynh hướng chính trị bảo thủ trong nhiều năm tới.
Về đối ngoại, vì chưa biết các cố vấn của ông Trump sẽ là ai cho nên khó đoán được chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng căn cứ vào tuyên bố của ông Trump và một số tướng lĩnh ủng hộ ông, người ta có thế đoán rằng chính sách đối ngoại mới có tinh cách “diều hâu” và cứng rắn hơn.
Chính sách ấy có thế làm hài lòng những người chỉ trích thái độ “nhu nhược” của chính quyền Obama, nhưng cũng có thể đưa Hoa Kỳ vào những cuộc chiến tốn phí và không lối thoát.
Về khía cạnh tích cực, ông Trump có thể làm một cái deal với Nga để yên vấn đề ở Trung Âu và Trung Đông, mà dồn toàn lực đối phó với Trung Quốc ở Á châu.
Thách thức lớn : Trấn an các đồng minh Âu Á
Dưới mắt các nhà lãnh đạo và giới chuyên viên ngoại quốc, ông Trump thể hiện hình ảnh của một Nước Mỹ Xấu Xí (The Ugly America) của thế kỷ 21, thay thế cho hình ảnh Người Mỹ Xâu Xí (The Ugly American) của thập niên 1950 trong cuốn tiểu thuyết của William Lederer và Eugene Burdick.
Vi thế, thách thức lớn của ông Trump là làm sao hàn gắn và trấn an được các đồng minh Âu châu và Á châu của Mỹ. Nước Mỹ không có khả năng trí lực, tài lực, và nhân lực để hành động một mình như ông ấy tưởng.
Điều làm người ta lo ngại là :
(1) sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp ;
(2) tính nóng nẩy, hiếu thắng, và độc tôn của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị, và đòi hỏi sự tự chế.
Điều hy vọng là với tính quyết liệt và sự khôn ngoan của một con buôn, ông ấy có thế có những quyết định thực tiễn và làm được một số thương lượng có lợi cho nước Mỹ.
Ông Trump làm Tổng thống, quan hệ Việt-Mỹ không nồng ấm hơn?
Ông Donal Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. |
Việt Nam không ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Mỹ, quan hệ giữa hai nước sẽ không nồng ấm hơn so với hiện nay khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Đó là những nhận định giống nhau của ba người Mỹ gốc Việt là giáo sư, nhà văn và doanh nhân.
Ông Donal Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng 1/2017.
Những người quan tâm đến quan hệ Việt-Mỹ đang phỏng đoán nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ tác động ra sao đến quan hệ hai nước.
Từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long hôm 9/11 đã nêu ra với VOA những nhận định rằng trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, quan hệ hai nước sẽ lạnh nhạt hơn. Giáo sư Long giải thích thêm:
“Ít nhất là 6 tháng, sau đó khi họ sắp xếp lại, họ sẽ bắt đầu nối kết lại những quan hệ mà ông Obama và ê-kíp của ông đã thúc đẩy đối với Việt Nam. Kinh tế thì đối với Mỹ trao đổi với Việt Nam rất là nhỏ. Tôi nghĩ ông Trump sẽ chú ý đến Trung Quốc hơn. Còn vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ là ông Trump tạm thời sẽ không đụng đến vì ông không rõ vấn đề Biển Đông như thế nào. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng ông cũng sẽ theo chính sách của ông Obama. Bởi vì thật ra Mỹ mà muốn là nước mạnh trong thế kỷ tới, vấn đề sức mạnh của Mỹ ở trên biển rất là quan trọng. Vấn đề nhân quyền thì tôi nghĩ so sánh với Trung Quốc, vấn đề nhân quyền cũng là nhỏ. Hay là so sánh với Nga, ông Trump không có nói gì về nhân quyền ở bên Nga, thành ra đối với Việt Nam mặc dầu ông nói về nhân quyền thế này thế kia, nhưng tôi thấy ông sẽ bỏ lơ chứ không thúc đẩy như Đảng Dân chủ thúc đẩy”.
Một doanh nhân gốc Việt trong lĩnh vực bất động sản, ông Michael Hùng ở Sacramento, California, cũng cho rằng khi ông Trump nhậm chức, quan hệ Việt-Mỹ có thể “giảm xuống một chút”. Ngoài ra, ông Hùng dự báo ông Trump sẽ không quá chú trọng vấn đề Biển Đông trong chính sách đối ngoại.
Ông nói:
“Có thể là ông Trump chỉ sử dụng vấn đề Biển Đông như một lá bài để mặc cả cho lợi ích của nước Mỹ hơn là tìm mọi cách để giữ vấn đề an ninh của nước Mỹ ở khu vực đó như quan điểm của các nội các trước đây. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thì tôi cho là dưới cái nội các của ông Trump, dưới chính quyền của ông Trump thì có thể nó giống như hiện nay hoặc là nó giảm xuống một chút, nhưng không hẳn là đi ngược lại”.
Bình luận với VOA từ Pennsylvania, nhà văn Bruce Nguyễn, một người có nhiều ảnh hưởng đối với cộng đồng gốc Việt, cho rằng về phía Mỹ “không có động cơ gì đặc biệt” có thể dẫn đến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trở nên nồng ấm hơn.
Trong khi đó, về vấn đề Biển Đông, ông Bruce Nguyễn chỉ ra rằng tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của ông Trump sẽ có lợi cho Việt Nam. Ông nêu ra lý do:
“Nếu ông Donald Trump mà [bị] đụng, khiêu khích, va chạm, sỉ nhục đến chủ quyền của Hoa Kỳ thì ông sẽ phản ứng. Và chắc chắn là ông [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình hiểu rõ điều đó nên trong lòng chắc chắn ông Tập Cận Bình không muốn ông Trump lên. Cho nên sự cứng rắn của ông Trump chỉ có lợi cho Việt Nam và những nước ở Biển Đông chứ không có hại. Tôi biết rõ một điều ông không chấp nhận sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu ông bảo vệ Biển Đông, bảo vệ quyền hàng hải quốc tế theo luật quốc tế ở Biển Đông thì đương nhiên Việt Nam được thừa hưởng cái đó”.
Mặc dù vậy, ông Bruce Nguyễn lưu ý rằng việc Mỹ và ông Trump trên cương vị Tổng thống quan tâm đến Biển Đông là vì “họ muốn bảo vệ quyền lợi của họ” chứ không phải vì có “mối quan tâm riêng” đến Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Bruce Nguyễn lưu ý rằng việc Mỹ và ông Trump trên cương vị Tổng thống quan tâm đến Biển Đông là vì “họ muốn bảo vệ quyền lợi của họ” chứ không phải vì có “mối quan tâm riêng” đến Việt Nam.
Nhà văn ở Pennsylvania cho biết bên cạnh nỗi khắc khoải về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, cộng đồng người Việt ở Mỹ luôn “cảm thấy đau lòng” về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Liệu cá nhân ông và cộng đồng người gốc Việt có thể kỳ vọng về hành động gì của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đối với tình hình nhân quyền bị nhiều chỉ trích dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam? Nhà văn Bruce Nguyễn dự báo:
“Mình phải xác thực một sự thực hết sức phũ phàng là nước Mỹ quan tâm đến nhân quyền của nước nhược tiểu, nhưng nhiều khi vì quyền lợi của chính họ mà họ cũng làm ngơ đi. Mình nói đơn cử một cái thôi, họ biết Trung Quốc là nước rất là không có nhân quyền. Nhưng mà tại vì sự tiêu thụ về kinh tế, cho nên Mỹ phải bắt tay, phải làm ăn, phải ngoại giao, phải trao đổi. Sự thực Mỹ cũng không thể can thiệp để sửa đổi tình trạng nhân quyền của Việt Nam được”.
Cả giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà văn Bruce Nguyễn và doanh nhân Michael Hùng đều cho rằng ở thời điểm này “vẫn còn quá sớm” để dự báo chính xác về các chính sách và động thái của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Các cử tri gốc Việt này nói rằng khi ông Donald Trump thực sự điều hành đất nước, ông sẽ không thể hành động “một cách cảm tính” như những gì ông thể hiện qua những lời phát ngôn bộc trực, thậm chí gây sốc. Theo họ, những cố vấn của ông và cơ cấu tam quyền phân lập có tác dụng “sẽ ghìm cương” ông Trump.
An Tôn
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét