Đại tá Phạm Xuân Phương: ( ĐTPXP)
Đại tá Phạm Xuân Phương và Tướng Bigeard từng đấu súng với nhau tại cứ điểm Nậm Rốm, ( lúc đó Bigeard đeo lon Trung tá) trong chiến dịch Điện Biên Phủ gặp lại nhau tại Pháp...
Để hình thành nên một chiến lược phòng thủ quốc gia thì trước tiên chúng ta phải xác định cho được: Đối tác tác chiến chiến lược của quân đội Việt Nam trong tương lai là ai? Về cái điểm này đáng tiếc là tôi rất không đủ thông tin nên khó nêu chủ kiến của mình?
Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc nói chung các văn kiện công khai đề cập nhiều rồi… Có một điều tôi chưa rõ là trong tình hình thực tế này, quân đội ta phải xác định sắp tới đối tác tác chiến lược của chúng ta là ai đây để mà bố trí thế trận phòng thủ chiến lược?
Hiện nay chúng tôi đã về hưu, điều này anh phải hỏi các vị đương nhiệm cấp quân khu, quân đoàn xem họ được phổ biến như thế nào? Nếu họ được phổ biến là A chứ không phải là B thì tôi chịu không thể đưa ra phương án của mình, sơ đồ tác chiến phòng thủ chiến lược, chiến thuật của mình…
Tất nhiên đây là vấn đề bí mật quốc phòng lớn, bí mật quốc gia nhưng ít ra những người lãnh đạo quân đội cao cấp cũng phải có khái niệm như thế nào đây về vấn đề này ? Điều này tôi chưa thể trả lời anh được.
Theo tôi, muốn xây dựng được chiến lược phòng thủ tốt thì trước tiên chúng ta phải tổng kết thật tốt, đánh giá thật tốt những cuộc chiến tranh vừa qua, có như thế chúng ta mới chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến trong tương lai nếu xảy ra…
Đại tá Phạm Xuân Phương ngồi ngoài góc trái bên cạnh Đại Tá Nguyễn Đăng Quang, Đại tá Bùi Văn Bồng...
NVPVĐ: Đối với một nền quốc phòng thì vấn đề xác định chiến lược phòng thủ là vấn đề lớn vì nó không chỉ đơn giản để giải quyết vấn đề trang bị vũ khí, khí tài mà cả về vấn đề tư tưởng, tâm lý về tinh thần cảnh giác; Có xác định được đối tác tác chiến chiến lược trong tương lai thì chúng ta mới có khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả để tránh tình trạng như năm 1979, chúng ta rất bất ngờ cả về mặt tâm lý; ở Cao Bằng đã xảy ra tình trạng: thấy xe tăng Trung Quốc vào đồng bào ta chạy ra hoan hô và bị ăn đạn…
Đại tá P.X.P: Trước hết tôi muốn nói một điều đáng tiếc đối với những người đã đổ xương máu trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, chúng tôi phải nói một cách thành thật, vì một lý do nào đó cuộc chiến tranh này đang là cuộc chiến tranh một thời gian dài bị lãng quên; lãng quên làm sao ? Kỷ niệm ngày mở chiến tranh và những thắng lợi kết thúc chiến tranh một thời gian gian dài chúng ta không nhắc tời, chúng ta có dám kỷ niệm và tưởng niệm đâu. Trong khi đó cuộc chiến tranh Việt-Mỹ ngày 30-4 được đánh dấu bằng một quốc lễ.
Cuộc chiến tranh biên giới phía bắc về quy mô chiến tranh, thắng lợi cũng như thiệt hại cũng rất lớn. Vì một lý do nào đó chúng ta chưa dám mạnh dạn tôn vinh một cách xứng đáng cuộc chiến tranh này, kỷ niệm không kỷ niệm, tổng kết cũng không tổng kết. Trung Quốc là một đối tượng tác chiến mới của chúng ta qua cuộc chiến tranh này.
Sách giáo khoa, sách lịch sử có cuốn nào đề cập tới cuộc chiến tranh này đâu, con em chúng ta bây giờ nhiều em không biết…
Vấn đề cuối cùng đó là vấn đề giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh này như thế nào ?
Âm mưu bành trướng bá quyền Đại Hán vẫn tiếp tục diễn ra dưới các hình thái mới Trung Quốc đang tiến hành tổng lực các hành động: đe đoạ chúng ta ở Biển Đông, gây hấn chúng ta cả về kinh tế, xâm nhập vừa phá hoại, khống chế về kinh tế về tâm lý lôi kéo, mua chuộc, cả trên lĩnh vực văn hoá…
Khi Trung Quốc xây dựng lại các mối quan hệ với ta, tôn chúng ta thế nọ, tôn chúng ta thế kia .v.v. nhưng về bản chất âm mưu bá quyền nước lớn của Trung Quốc họ chưa từ bỏ…
Tôi mạnh dạn gọi đây là cuộc chiến tranh kiểu mới mà Trung Quốc đang áp dụng với Việt Nam? Nếu không nhận thức được điều này thì thật sự là sự mất cảnh giác ghê gớm.
Trung ương chủ trương tranh thủ hoà bình xây đựng đất nước hoàn toàn đúng, tranh thủ Trung Quốc hoàn toàn đúng; bán anh em xa mua láng giềng gần, trong chừng mực nào đó ta phải tin; Phải có mối quan hệ, phải giao thương, phải buôn bán, phải để Trung Quốc đầu tư vào…Bất cứ nước nào đều phải làm thế !
Phạm Viết Đào thực hiện...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét