Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Họ kiếm lợi, còn đất nước thì mặc kệ!; Sự nhầm lẫn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh!

Vu Kim Hanh

Tuần trước ăn trưa với một nhà khoa học, tình cờ mọi người nhắc tới mỏ sắt Thạch Khê. Giờ đọc thấy Thạch Khê cũng nằm trong dự án thép Cà Ná, thấy… thương Thạch Khê quá.
GẢ BÁN (MỎ SẮT) THẠCH KHÊ ĐẾN LẦN THỨ 3, GẢ HOÀI Ế HOÀI?
Thực tế có vẻ là cô gái không may (là mỏ sắt Thạch Khê) ấy chỉ được treo rồi rao rồi bán rồi bị chê rồi bán tiếp và nay lại rao tiếp để gây hi vọng ở dự án Cà Ná. Formosa từng hứa hẹn sử dụng sắt Thạch Khê, xong rồi chê và nhập các loại sắt ngoại (mới đây nghe là chỉ để gia công cho các nước), rồi một số hãng của Đức, Ấn độ đã vào khảo sát, nhưng theo họ, sắt Thạch khê không có giá trị thương mại do chất lượng quặng kém, địa hình mỏ lại rất phức tạp, khai thác chi phí cao. Bây giờ, cô gái Thạch Khê lại được đem ra làm mồi câu nhử trong thép… Cà Ná, liệu ai tin được là sẽ không bị “khê” lần thứ 3?
Tỉnh Ninh Thuận đang ra sức bảo vệ quả đấm thép Cà Ná. Họ đang “CỐ ĐẤM” quả này ra sao? Rằng tỉnh có 4 định hướng phát triển kinh tế: năng lượng, du lịch, nông lâm thủy sản và sản xuất chế biến. Tỉnh cho rằng, với 4,4 triệu tấn sản phẩm thép/năm thì bộ mặt kinh tế xã hội của tỉnh sẽ thay đổi và sẽ chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ công nghiệp.
Nhưng sao lại chỉ có thể là THÉP? Dễ hiểu, vì cả thế giới đều xua đuổi loại nhà máy gây đại ô nhiễm này, nên ai đón nhận thì sẽ … có ngay và luôn, và dĩ nhiên có kèm quà. Ngu gì không làm! Ngay kỷ lục gia về công nghiệp ô nhiễm là Trung Quốc thì nay cũng kịp “hồi hướng” chuyển qua năng lượng sạch rồi, nên máy móc thiết bị, họ ưu ái giúp mình?
Thép là ngành thâm dụng vốn rất lớn, tiêu dùng năng lượng, nước, sử dụng đất đai rất nhiều. Dân tình cả nước nói mãi rồi, dù đặt nhà máy ở đâu thì các chất thải rắn, nước, khí sẽ giết môi trường ở đấy. Huống chi lại chọn bãi biển đẹp như mơ Cà Ná. Làm năng lượng mà chọn thép công nghệ cũ, vậy là đem năng lượng mà triệt du lịch rồi, như đem tay mặt chặt tay trái rồi, Ninh Thuận ơi!
Và rồi giá như bất chấp môi trường, cứ làm đại thì… có cạnh tranh nổi không? Với thép, từ góc độ thị trường và khả năng cạnh tranh ta đã không thể làm nổi rồi, đặc biệt là cạnh tranh với Trung Quốc đang có sản lượng và công suất thép dư thừa quá lớn.
ĐANG THỜI BUỔI HỘI NHẬP MÀ….
Lý lẽ lập lại nhiều lần là “rất cần làm thép để khỏi phải nhập”. Thời buổi hội nhập sâu rộng, mình muốn xuất khẩu nhiều thứ thì có nên nghĩ vậy không? Vì nếu các nước khác cũng nghĩ thế thì mình bán gạo, cà phê và bao thứ khác đi đâu? Hơn nữa, VN mình tham gia FTA với gần 60 nước rồi, có cần khăng khăng đóng cửa tự làm thép để “khỏi phải nhập”? Tại sao không sản xuất những mặt hàng khác mà các nước bạn đang phải nhập rất nhiều, VN lại có tiềm năng và ít ảnh hưởng đến môi trường? Như hàng loạt linh kiện điện tử mà hiện nay nhiều công ty Nhật muốn làm với VN để khỏi nhập từ TQ.
Công nghiệp hóa với những quả đấm thép thời gian qua, hiện nay đang mệt do hàng chục quả từ các tập đoàn đang tan chảy. Nhưng vì sao người ta vẫn đang cố bảo vệ quả đấm thép… Cà Ná?
Vào lúc cuối năm và đến thời hạn phải quyết định như lúc này, cũng để né luật quy hoạch (sẽ không còn quy hoạch ngành cho các sản phẩm nhu thép nữa, đồng nghĩa khó còn ưu đãi, khó xin nhà nước bảo lãnh cho vay vốn nữa) nên đại gia đang chạy, lẳng lặng mà ráo riết, dữ dội.
Mình vừa nghe một câu ngắn mà rất ám ảnh của một nhà khoa học ở nước ngoài khi nói về dự án ngàn tỷ sắp đè ngàn cân lên kinh tế đất nước này: “đại gia đó muốn làm những gì có lợi cho riêng mình, còn đất nước thì mặc kệ!”
Vậy có nên gọi họ là đại gia không? Gọi vậy là oan cho nhiều đại gia khác. Như ông Lý Ngọc Minh, mỗi năm tự bỏ ra vài triệu đô làm cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, mong thay đổi thói quen ẩm thực dễ bị ung thư của người Việt hiện nay, như đại gia “ông Bên tử tế” tự bỏ 2 triệu đô xây ký túc xá SV rồi tiếp tục nuôi nấng tài năng trẻ, như đại gia Nguyễn Thanh Mỹ đang trút túi xây các nhà máy làm sản phẩm phục vụ “nông nghiệp thông minh” và nông dân làm nông sản sạch?…
Lạy trời, mong sao Thủ Tướng đừng gật đầu với Cà Ná. Mọi người vẫn đang tin, Thủ tướng sẽ không hi sinh môi trường cho kinh tế, nhất là khi mà VN chúng ta thì đang ở ngưỡng chịu đựng về môi trường rồi…
V.K.H.
Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10154988627181122

Sự nhầm lẫn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh!


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Photo courtesy VietnamNet

Ngô Nguyệt Hữu

Ngày cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thêm lần khẳng khái bảo vệ cho Dự án thép Hoa Sen - Cà Ná, một dự án nhiều khuất tất, lo lắng về môi trường, an sinh của nhân dân, công nghệ, giám sát, nguồn vốn... Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nám như Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh cho đến các lãnh đạo về hưu như Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại đều lên tiếng phản đối. Thậm chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh còn gọi đây là dự án oan nghiệt.

Trước thời của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì ngài Phan Văn Khải đã điều hành kinh tế rất ổn với bộ óc là những Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan... Những ý kiến đóng góp của các bậc tài hoa, uyên bác này đều được lắng nghe, được chuyển hoá thành hành động của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu, "Phải khẳng định, nếu để xảy ra hệ lụy xấu như với dự án thép Cà Ná, kể cả việc xem xét từ chức của Bộ trưởng Công Thương quá nhỏ bé, không có ý nghĩa đối với những thiệt hại gây ra cho đất nước, cho người dân".

Dự án Hoa Sen - Cà Ná là một dự án thuần tuý sinh lợi của tư nhân. Ở đây là Tập đoàn Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ. Ấy vậy mà, Bộ trưởng Bộ Công thương sẵn sàng lấy sinh mạng chính trị của mình bảo chứng cho dự án này. Bất chấp với tư cách lãnh đạo cao nhất của Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh còn có trách nhiệm tháo gỡ, thúc đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác phát triển thuận lợi.

Quan trọng hơn, vị trí Bộ trưởng Bộ Công thương mà ông Trần Tuấn Anh đang đảm nhiệm là do Chính phủ giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn. Đây là một trách nhiệm chứ không phải là sở hữu cá nhân để ông Trần Tuấn Anh có thể mang ra mặc cả.

Ông Trần Tuấn Anh nói, "Không thể phát triển với hạt muối Cà Ná". Cá nhân tôi từng tác nghiệp tại Cà Ná, xin khẳng định với ông Trần Tuấn Anh rằng ông đang ngồi phòng lạnh để luận dự án. Cà Ná không chỉ có muối mà còn là làng nghề đánh bắt hải sản truyền thống, trù phú. Đó là khu vực giàu nhất của tỉnh Ninh Thuận với hai cảng biển và những hãng nước mắm truyền thống, những xưởng đóng ghe tàu lớn. Chưa kể đến, tiềm năng về du lịch của vùng biển Cà ấn là rất lớn với biển êm và thoải cát trải dài.

Thêm vào đó, muốn phát triển công nghiệp nặng cần có đủ tiềm lực về kinh tế, các quy chuẩn pháp luật về môi trường chặt chẽ, sự minh bạch... bởi ai cũng biết, tác động vào môi trường là thứ tác động một chiều, đã tác động là không thể phục hồi nguyên bản. Rõ ràng, hiện tại chúng ta chưa đủ sức để làm công nghiệp nặng. Càng vội vàng, càng trả giá rất đắt.

Và ai là người gánh chịu tổn thất đầu tiên cho sự trả giá này, chắc chắn đó là nhân dân. Chứ không phải là chiếc ghế Bộ trưởng thứ vốn không thuộc sở hữu của riêng ông, thưa ông!

Ông không thể đặt cược với nhân dân thứ mà ông không có

Ngô Nguyệt Hữu

Không có nhận xét nào: