Thạch Quỳ
Thứ hai ngày 16 tháng 1 năm 2017 10:38 AM
Trước hết, chúng ta cần phân biệt các khái niệm : Chùa, đền, đình,
miếu, nhà Thánh, nhà thờ…
Chùa là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ Thánh ( gồm 2 giòng chính,
đền thờ Thánh Mẫu và đền thờ Đức Thánh Trần). Miếu là nơi thờ Thành Hoàng, Thổ
Công. Nhà Thánh là nơi thờ Khổng Tử. Nhà thờ là nơi thờ Thánh tổ của các đạo
giáo, tổ phụ, gia tiên của các giòng họ. Đình là nơi để họp làng không phải chỗ
thờ cúng, nhưng do điều kiện kinh tế của các địa phương, có nơi cũng đưa việc
thờ cúng vào đình làng. Đó là trường hợp ngoại lệ.
Do mục đích khác nhau nên lễ nghi thờ cúng ở đền, chùa, miếu, nhà
Thánh, nhà thờ…cũng khác nhau.
Ở chùa và ở nhà thờ các đạo giáo nghi thức chủ yếu là đọc kinh,
hành lễ, ban phước. Đền là nơi thờ cúng các vị có công với dân, với nước, được
nhân dân và các triều đại ban sắc, phong Thánh. Đó là những vị Thánh của dân
tộc Việt Nam, ngự trị trong tâm linh, tâm hồn của người Việt, được người Việt
từ thế hệ này qua thế hệ khác ngưỡng mộ, tôn thờ.
Nghi thức thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu được gọi là hầu.
Hầu có 2 dạng : hầu bóng (còn gọi là hầu mát) và hầu đồng.
Hầu bóng là nghi thức thờ cúng đơn thuần, người hầu thực hiện các
nghi lễ theo trình tự bài bản từ xưa để lại. Hầu đồng, cũng diễn ra theo các
trình tự như hầu mát, nhưng được quan niệm là người hầu đã có phần hồn của các
vị Thánh giáng vào, nhập.vào.
(Bài viết này chỉ viết về các thủ tục, lễ nghi, nghi thức hầu mát
ở các đền thờ Thánh Mẫu, chưa đề cập đến hầu đồng vì đấy là một vấn đề phức tạp
không dễ trình bày trong một bài báo ngắn).
Như trên đã nói, đền thờ Thánh ở Việt Nam chia làm 2 hệ thống :
Một hệ đền thờ Thánh Mẫu, và một hệ đền thờ Hưng Đạo Đại Vương và các tướng
lĩnh, gia thân của nhà Trần. Hai hệ đền thờ ấy, người Việt còn gọi một cách
thân mật giản dị là đền thờ Cha và đền thờ Mẹ. Trong các đền thờ Thánh Mẫu thì
đứng đầu là Mẫu Đệ Nhất (công chúa Liễu Hạnh). Tiếp đến là Mẫu Đệ Nhị ( còn gọi
là Mẫu Thượng Ngàn), Mẫu Đệ Tam ( còn gọi là Mẫu Thoải Phủ)… tiếp đến các Chầu
( tức là các Mẫu thuộc các dân tộc thiểu số anh em), từ Chầu Bà đến Chầu Bé, 12
Chầu. Sau 12 Chầu là 12 quan lớn cũng gọi théo thứ tự Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị,
Đệ Tam…Sau 12 Quan Lớn là 12 ông Hoàng, gọi théo thứ tự Hoàng Nhất, Hoàng Đôi,
Hoàng Bảy, Hoàng Mười…Các Quan Lớn, các Ông Hoàng đều có thần phả, một số vị
còn có gốc tích nhân thần, quê quán, sắc phong của các triều đại. Ví dụ, ông
Hoàng Bảy có đền thờ riêng ở Lào Cai, ông Hoàng Mười ở Nghệ An…v.v.. Sau các
ông Hoàng là các Cô, các Cậu. Các Cô, các Cậu cũng là những nhân vật lịch sử,
một số vị còn có đền thờ riêng ở các địa phương trong nước. Ví dụ : Cô Bơ có
đền thờ ở Thanh Hóa, Cậu Út có đền thờ ở Cửa Sót, Hà Tịnh…
Như trên đã nói, nghi thức thờ cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu ở
Việt Nam được gọi là hầu. Chữ hầu này cũng có nghĩa như chữ hầu dùng trong giao
tiếp thường ngày, ví như khi ta nói, hầu ông, hầu bà, hầu cha, hầu mẹ, hầu vợ,
hầu chồng, hầu quan… chẳng hạn. Trong nghi thức thờ cúng ở các đền thờ Thánh
Mẫu, chữ hầu này có nghĩa là hầu Mẫu, hầu Thánh. Khi nói đến chữ Hầu là ta nói
đến nghi thức thờ cúng ở trong các đền thờ Thánh Mẫu. Trong đền thờ Thánh Mẫu ,
thay vì việc đọc văn thì người hầu Thánh sẽ hát văn (còn gọi là hát chầu văn),
Thay vì việc cúng bái, người hầu Thánh lại biểu thị bằng các động tác múa –
Những động tác múa được cách điệu từ đời sống lao động thường ngày như múa chèo
thuyền, múa đi ngựa, múa gươm, múa đao, múa chăn tằm dệt vải, múa “ lên rừng
hái lộc tìm hoa”…v.v…
Như vậy, có thể nói, nội dung của nghi thức hầu thánh lại chính là
hát và múa. Đó là những làn hát, những điệu múa dân gian đã được thời gian thử
thách, chọn lọc và đã tồn tại lâu dài, bền vững nghìn năm trong lịch sử dân
tộc, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, các
làn hát, các điệu múa ấy đã góp phần quan trọng để làm nên các giá trị trong
tổng thể tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nghi thức thờ Mẫu là nghi thức
thờ cúng rất độc đáo, rất đặc sắc của văn hóa Việt và cũng chỉ người Việt mới
có. Chính vì lẽ đó mà năm nay, Ủy ban văn hóa Unesco của Liên hiệp quốc đã công
nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân
loại.
Tuy nhiên, giá trị văn hóa của các nghi thức thờ cúng trong các
đền thờ Thánh Mẫu không chỉ có thế. Nghi thức thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu
ở Việt Nam là một tập hợp bao gồm nhiều giá trị văn hóa tổng hợp. Chẳng hạn,
văn hóa bài trí, văn hóa phục trang, văn hóa ẩm thực ...v.v..
Về văn hóa ẩm thực trong các cỗ cúng ở các đền thờ, tôi nói thêm
đôi nét về “mâm sơn trang” trong lễ nghi thờ Mẫu.
Mâm sơn trang là để cúng Mẫu Thượng Ngàn và 12 Bà Mụ. Trong lễ
nghi thờ Mẫu, mâm sơn trang phải bày đủ sản vật tiêu biểu của rừng và biển : Cơm
lam, chè và, măng giang, bánh đa, bánh đúc, bún lá, xôi cẩm, cá luộc, trứng
luộc, cua bể, cua đồng, ốc luộc, tôm luộc, thịt heo nướng, muối vừng, muối lạc,
tương ớt, nước chẻo… Người hầu Mẫu, dâng mâm sơn trang cúng Mẫu, nói chung đều
phải cố gắng sắm đủ lễ vật nói trên. Thoảng hoặc, một đôi người vì lý do nào
đó, có lúc làm thiếu đi một vài món trong các món kể trên thì cũng không sao.
Theo quy định từ xưa, khi cúng xong, người hầu Thánh phải đem mâm sơn trang ra
để mời khách thập phương đến dự lễ ăn uống. Người xưa quan niệm rằng, mọi lễ
vật thờ Thánh khi cúng xong phải phát hết cho khách thập phương ( gọi là tản
lộc). Ai tham lam giữ lại cho mình là không được hưởng phúc lộc Thánh ban. Về
trang phục, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trang phục của người Việt từ thời thượng
cổ vẫn được bảo tồn, tái hiện gần như nguyên vẹn trong các giá hầu. Mỗi giá hầu
có một bộ trang phục riêng. Mỗi bộ trang phục riêng lại kéo theo một cách ăn
mặc riêng. Cái khăn mỏ quạ khác cái khăn piêu nên cách vấn khăn của các Chầu,
các Mẫu cũng rất khác nhau. Các Mẫu đi giày, đi hia. Các Chầu quấn chân bằng xà
cạp. Cô Bơ mặc áo trắng, tóc bỏ đuôi gà. Cô Cam Đường mặc áo tứ thân màu nâu
tím, chit khăn mỏ quạ, gánh vải đi bán. Nói tóm lại, cân đai, giày mũ, khuyên
vàng, vòng bạc, tram cài, lược dắt, mỗi người mỗi khác. Trong đền thờ Thánh
Mẫu, có những người chuyên nghề phục trang cho các giá đồng. Họ rất thông hiểu
về văn hóa lễ nghi trong trang phục truyền thống. Có những “bản hội” đến đền
hầu liệt giá. Chúng ta có thể đếm được 43 giá đồng với 43 cách ăn mặc khác
nhau. Thông thường hiện nay, người hầu Thánh chỉ hầu 12 giá tùy vào “căn kiếp”
của người hầu mà chọn lọc các giá hầu. Trong một cuộc hầu Thánh, người hát văn
hát thỉnh, hát mời cả 43 giá đồng nhưng người hầu tùy ý lựa chọn. Nếu giá nào
không hầu thì người hầu đưa tay lên đầu nắm lại, ra hiêu cho người hát văn biết
để hát câu “ xe loan Thánh giá hồi cung”. Ngoài ra, hai người chuyên hầu trà,
rượu, thuốc, nước cũng phải học cách rót rượu, dâng trà, cầm hương, che quạt
một cách chính tắc, có bài bản, tuân thủ lễ nghi phong tục cổ truyền biểu hiện
trong từng động tác, từng cử chỉ mang tính văn hóa cao. Như đã nói, Lễ nghi thờ
cúng trong các đền thờ Thánh Mẫu có nội dung chủ yếu biểu hiện ở khâu hành lễ.
Vào buổi lễ, trước hết, người chủ tế đọc “ kinh thỉnh”, “ kinh báo cáo”. “
Kinh” này nêu rõ lý do thờ cúng, ai thờ cúng, thờ cúng những ai, với mục đích
gì trong buổi hành lễ này? Nghi thức này được làm rất trang trọng. Có chiêng
trống, có thông xướng, có chủ tế, phụ tế. Có hát thỉnh, hát mời. Lễ này thường
kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Có nơi nghi thức đó được làm vào ban đêm, để đèn nến
suốt sáng, rạng ngày hôm sau mới vào cuộc hầu. Vào cuộc hầu, người hầu xưng tên
tuổi danh tính, xin Thánh cho hầu bằng cách “khất âm dương”. Thường thì người hầu
cứ xin mãi cho đến khi được “ Thánh chấp thuận”, không thấy ai bị bỏ dở cuộc
hầu. Ở đền thờ Thánh Mẫu, người hầu Thánh không làm việc “cúng bái” như việc
cúng đơm trong gia tiên hay nhà thờ họ. Người hầu hành lễ theo cách “lạy bước”.
Đầu tiên, người hầu quỳ xuống, cấm 5 cây hương, vái 5 vái ở chính điện, 1 vái
bên tả, 1 vái bên hữu. Sau đó tiếp tục 5 lễ. Cụ thể : Người hầu đứng lên, lùi
chân trái về phía sau, lùi chân phải ngang chân trái để định vị. Sau đó đưa
chân trái tiến lên, đưa chân phải định vị, vái 5 vái ở chính điện và 1 vái hai
bên tả, 1 vái bên hữu. Tiếp tục tiến lên, lùi lại như vậy 5 lần, gọi là 5 lễ.
Sauk hi cử hành 5 lễ, người hầu quỳ xuống, người phục vụ trùm tấm khăn đỏ lên
đầu. Bạn nhác và những người hát văn bắt đầu hát bài hát văn giá Mẫu. Người hầu
lần lượt hầu các giá Mẫu, giá các Quan lớn, các ông Hoàng, các Cô, các Cậu, các
Chầu…Những người phục vụ quỳ hai bên tả hữu của người hầu để thay đổi trang
phục, dâng trà nước, nhắc nhở người hầu thực hiện các động tác múa cho phù hợp
với các giá hầu. Sau mỗi giá, người phục vụ ( còn gọi là hầu dâng) nhắc nhở
người hầu “ phát lộc” cho cung văn và khách thập phương đến dự lễ. Người hầu
Thánh thực hiện các động tác múa cổ truyền được quy định cho từng giá đồng.
Tiếng nhạc ngựa, tiếng gươm khua, tiếng mái chèo quẫy nước vô cùng sôi động.
Đặc biệt hơn cả là điệu múa “ lên rừng hái lộc tìm hoa” của Chầu Bà và Chầu Bé
được tất cả mọi người đến dự lễ cùng vỗ tay và hát tập thể. Ánh sáng từ các cây
đăng trên tay của Chầu soi sáng tất cả mọi gương mặt để ban cho họ một sức khỏe
mới, một tinh thần mới, từ uy linh của các Thánh. Hầu như ai đến dự lễ cũng cảm
thấy như bản thân mình vừa được các Mẫu, các Thánh truyền cho ánh sáng của sự
lạc quan, yêu đời, rất lạ lung và mới mẻ.
Lễ nghi thờ Mẫu là lễ nghi của người Việt Nam thờ Thánh Việt Nam
theo tín ngưỡng Việt Nam. Lễ nghi và tín ngưỡng này có từ thời Mẫu hệ, được lưu
truyền, kế thừa và phát triển trong tiến trình lịch sử lâu dài của dân tộc.
Cũng theo tiến trình lịch sử, Thánh Việt Nam ngày một nhiều thêm,
đền thờ Thánh cũng tăng dần theo lòng tôn kính của nhân dân với các anh hùng
dân tộc, người có công với dân, với nước. Đền thờ Thánh Mẫu ở Việt Nam là bảo
tàng văn hóa sống động, đa chiều, đa dạng như trên đã nói. Nghi thức thờ cúng ở
trong đền thờ Thánh Mẫu là hầu. Hầu là nghi thức thờ cúng rất đặc sắc, rất có
văn hóa, rất đáng quan tâm, nghiên cứu, kế thừa, phát triển. Ngày nay, ngoài
việc gìn giữ phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc, đền chùa còn có những
đóng góp rất quan trọng trong việc hấp dẫn khách tham quan du lịch. Việt Nam
muốn là “ điểm đến của thiên niên kỷ mới” càng cần phải nghiên cứu, kế thừa lễ
nghi thờ cúng trong các đền Thánh Mẫu nhất là khi tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của
chúng ta đã được cả thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Có một
số người chỉ đại khái nghe đến chữ hầu liền phán ngay là mê tín dị đoan, trong
khi chính bản thân mình chưa hề để tâm nghiên cứu.
Văn hóa lễ nghi, văn hóa tâm linh, là những khái niệm khó, đòi hỏi
mỗi người phải có “con mắt xanh” để nhìn nhận, để trân trọng và nâng niu gìn
giữ những di sản, những vốn văn hóa quý hiếm trong đời sống tâm linh, tâm hồn
của dân tộc. Hiện nay, théo ước tính, có người nói là Việt Nam có gần 7000 vị
Thánh. Thánh phả Việt Nam chưa được nghiên cứu, chưa có phả hệ rõ ràng. Việt
Nam trên thực tế vẫn có hàng ngàn đền thờ Thánh. Lễ nghi thờ cúng trong các đền
thờ cũng còn nhiều tùy tiện. Mong các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu lưu tâm
hơn nữa đến các vấn đề này. Lễ nghi thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của chúng
ta cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy giá trị của nó, cao hơn, đẹp hơn,
hữu ích hơn, xứng tầm với một di sản văn hóa độc đáo và quý hiếm đã được cả
nhân loại vinh danh, công nhận.
Địa chỉ tác giả : Thạch Quỳ, Hội văn nghệ Nghệ An, 6 Đào Tấn, TP Vinh, Nghệ An.
( Nguồn: Trannhuong.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét