QĐND - Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 là một cơn "động đất chính trị" lớn của thế kỷ 20. Nó có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với thế giới xã hội chủ nghĩa và độc lập dân tộc mà còn cả đối với thế giới tư bản chủ nghĩa.
Các ông trùm chiến lược, chiến lược gia và chính khách cỡ bự của chủ nghĩa tư bản đều vỗ tay ăn mừng rằng đây là hồi chuông báo tử, rằng xã hội chủ nghĩa sẽ diệt vong vào cuối thế kỷ 20. Ta nhận định hoàn toàn ngược lại. Sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới là một tổn thất lớn, nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu, tin rằng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại sẽ giữ vững trận địa, các đảng cộng sản và công nhân sẽ khôi phục hoạt động trong điều kiện mới và xu thế xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục đi lên dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ảnh minh họa/TTXVN
Câu trả lời bước đầu đã có vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Chủ nghĩa xã hội không hề diệt vong. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Từ vùng Trung-Nam Mỹ đã phát sinh phong trào xã hội chủ nghĩa kiểu Mỹ La-tinh, khởi đầu từ Vê-nê-du-ê-la rồi lan ra một số nước khác, nay tuy đang gặp nhiều khó khăn và có bước thụt lùi. Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người. Ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008 đến nay, vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế”, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau.
Điểm qua như thế để thấy rõ rằng, gần 30 năm qua, xung quanh vấn đề trên theo hay không theo chủ nghĩa xã hội, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội ở nước ta cũng không thuần nhất mà khá phức tạp.
Để góp phần phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, gần đây, ban tổ chức một hội thảo có đề nghị tôi viết tham luận nội dung “phê phán quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Tôi nghĩ, quan điểm sai trái này không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu, từ sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhưng từ đó đến nay, những kẻ chống đối không còn nói nhẹ nhàng như thế, họ thẳng thừng nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa…”. Và đến thời điểm chúng ta đang tiến hành “phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, có người mang danh đảng viên còn ngạo mạn nói rằng, trong lựa chọn đường lối, Đảng ta đã sai lầm không chỉ từ Hội nghị thành lập Đảng (1930) mà là từ Hội nghị Tua (1921). Ý tứ phía sau là gì, chắc mọi người chúng ta đều biết.
Quan điểm cho rằng “chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, vì thế Việt Nam không nên và không thể gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” là sai lầm. Sai lầm ít nhất là ở mấy điểm sau đây:
Về sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu
1. Sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không phải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
2. Chế độ Xô-viết ngay từ lúc mới ra đời ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười (1917) và sau này trên toàn Liên bang Xô-viết, đã tỏ rõ được tính ưu việt so với các chế độ chính trị-xã hội trước đó. Chính quyền Xô-viết thực sự là chính quyền của công, nông, binh và của nhân dân lao động nói chung. Nhờ tính ưu việt đó, nó đã đánh thắng cuộc chiến tranh can thiệp của các nước đế quốc sau Cách mạng Tháng Mười, lập lại hòa bình và xây dựng chế độ mới, thực hiện công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp thành công, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Đức-Nhật, dẫn tới sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đạt được những thành công lớn, khiến cho Đảng và Nhà nước Xô-viết ngộ nhận là chủ nghĩa xã hội đã xây dựng xong và chủ trương Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sự thật thì cũng thời gian đó, nhiều nhược điểm và khuyết tật trong nội bộ Nhà nước Xô-viết cũng đã bắt đầu hé lộ, nhất là khi so sánh với những bước phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa thời đó. Nếu vì sự sụp đổ sau này mà phủ nhận sạch trơn những gì chế độ Xô-viết đã giành được là một sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
3. Sau khi phát hiện sự chậm trễ của mình, Liên Xô đề ra chính sách cải tổ; các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đề ra cải cách. Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi hơn. Sai lầm của Liên Xô và các nước Đông Âu lúc đó là đã sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội, khiến cho ở Đông Âu, chính quyền bị các thế lực thù địch cướp lấy, còn Liên Xô thì chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lãnh đạo, cuối cùng, chính quyền cũng lọt vào tay nhóm chống đối trong Bộ Chính trị, những kẻ chống chính quyền Xô-viết từ rất sớm. Không thấy nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là ở đây mà coi sự sụp đổ là tất yếu của chính quyền Xô-viết cũng là sai lầm trong cách nhìn lịch sử.
4. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên (tuy chưa hết), còn có một nguyên nhân trực tiếp khác nữa là âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đế quốc chủ nghĩa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Trong khi lãnh đạo Liên Xô chủ trương thi đua hòa bình thì chúng một mặt đẩy mạnh chạy đua vũ trang, mặt khác đề ra chiến lược “diễn biến hòa bình” để xóa bỏ chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh và súng đạn. Liên Xô và nhiều nước khác đã sa vào cái bẫy này mà không tự giác phát hiện.
Về sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
5. Đúng là ngay từ ngày mới thành lập, Đảng ta đã đề ra chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Như cách nói ngày nay, đó là làm cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đề ra xuất phát từ thực tế tình hình nước ta lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, cũng xuất phát từ xu thế phát triển có tính quy luật của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười là tiến lên chủ nghĩa xã hội. 87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó?
6. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam học tập kinh nghiệm của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đi trước nhưng hoàn toàn không có sự sao chép. Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là mô hình Xô-viết của Liên Xô bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ một bên là từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Bác Hồ từng nói, Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chủ nghĩa xã hội đối với Bác như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhầm lẫn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với mô hình Xô-viết là một sự sai lầm lớn.
7. Vào những năm Liên Xô và Đông Âu tiến hành cải tổ và cải cách, Việt Nam cũng đề ra đường lối đổi mới. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện từ những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng đổi mới toàn diện, trở thành đường lối chính thức của Đảng ta vào cuối năm 1986, theo nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Đổi mới của chúng ta không đi theo vết xe đổ của cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu. Đảng ta đã nêu rõ 6 nguyên tắc của đổi mới, trong đó vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta cũng bác bỏ quan điểm cho rằng “đổi mới là nửa vời, không nhất quán”. Sự thật là đổi mới của chúng ta qua 30 năm đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho Việt Nam càng vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Đông Âu là một sai lầm có dụng ý.
8. Tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy: Nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011 chỉ rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Cương lĩnh nêu lên 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng, trong đó 3 đặc trưng đầu tiên là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…
Thử hỏi con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội xán lạn như vậy tại sao ta phải từ bỏ chỉ vì mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ?
Trong khi nêu lên 8 sai lầm như trên, tôi muốn đặt ra câu hỏi đối với các tác giả đòi chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, ý đồ thực sự của các vị phía sau đòi hỏi này là gì?
HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không lỗi thời! (Tiếp theo và hết) * |
Thứ Ba, 17/01/2017, 02:45:12
|
(Kỳ 2)- Đó là cơ sở để thấy rằng, sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và một số nước không có nghĩa quan điểm của học thuyết Mác - Lê-nin về CNXH là sai lầm và lỗi thời, mà ngược lại, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng chủ nghĩa tư bản (CNTB) đang thắng thế.
|
Thực tế chỉ ra rằng, chính CNTB đang đứng trước những thách thức sinh tử. Mâu thuẫn lợi ích - căn bệnh bản chất của chủ nghĩa tư bản, đang làm nảy sinh sự chia rẽ khó tránh khỏi trong các liên minh ngỡ là rất bền vững của họ. Hiện tượng Brexit của nước Anh là dấu hiệu đầu tiên và tất yếu có nguồn gốc từ các mâu thuẫn trong lòng CNTB, khi châu Âu không còn một đối trọng là khối các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Khi không phải đối mặt với nguy cơ từ bên ngoài, các mâu thuẫn không thể tránh khỏi về lợi ích sẽ lại hiện nguyên hình, phá vỡ mối liên kết yếu ớt của các thế lực tư bản chủ nghĩa. Rồi nữa, những cuộc khủng bố hiện diện ngay trung tâm châu Âu, đe dọa không chỉ an ninh mà tạo nên sự bất ổn sống còn trong chế độ tư bản. Vụ khủng bố ở Nice (Ni-xơ) dịp Quốc khánh CH Pháp ngày 14-7, vụ khủng bố bằng phương thức tương tự ở Berlin (Béc-lin) (Đức) hôm 18-12-2016 vừa qua không chỉ báo hiệu nguy cơ lớn về an ninh ở châu Âu, mà còn cho thấy hệ quả của chính sách sai lầm, vụ lợi mà CNTB thể hiện qua hành xử với các nước nghèo, các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông.
3. Không thể phủ nhận thực tế là các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đã đạt nhiều thành tựu phát triển về kinh tế, khoa học và công nghệ, kéo theo các cải thiện nhất định về điều kiện sống của người dân. Nhưng đó là cách nhìn phiến diện, không thấy đằng sau, phía trước sự phát triển ấy là gì. Trước hết phải thấy rằng, CNTB đã có nhiều thế kỷ phát triển, và bánh xe vận hành của nó đã lăn đi trong máu và nước mắt của nhân loại cần lao trên các lục địa. “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm” (Tại sao Mác đúng?, NXB Chính trị - Hành chính, H.2012, tr.40) đó là lời của T. Eagleton (I-le-tơn) - học giả người Anh. Lật lại các trang lịch sử của nó là sẽ thấy những gì mà chế độ tư bản đã đối xử với đồng loại của mình. Cuốn sách Sự tàn sát khủng khiếp cuối thời Victoria viết rằng, vì chế độ thực dân xâm lược mà cuối thế kỷ 19, hàng chục triệu người Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Bra-xin, Triều Tiên, Nga và nhiều nước khác đã chết do đói, hạn hán, dịch bệnh. Và ngay tại các nước tư bản giàu có hiện nay, ai dám chắc mọi người dân đều có cuộc sống tốt đẹp?
Là người Việt Nam, sao có thể quên nỗi thống khổ của nhân dân trong đêm trường nô lệ dưới ách chủ nghĩa thực dân? Thực dân bóc lột cha ông chúng ta đến tận xương tủy. Bao nhiêu người Việt Nam đã chết trong xưởng máy, hầm lò, trên các cung đường, bến tàu, cánh đồng, đồn điền… Các cuộc khởi nghĩa từ Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, đến phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh,... đã bị dìm trong bể máu. Hơn hai triệu người chết đói năm 1945. “Địa ngục trần gian” ở Côn Đảo, Phú Quốc,... các vụ tàn sát dã man ở Thái Bình (Bình Định), Bình Hòa (Quảng Ngãi), Mỹ Lai (Quảng Ngãi),... các vụ ném bom ở Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội),… vẫn còn nguyên trong ký ức dân tộc và các trang lịch sử đau thương ấy đủ giúp chúng ta và con cháu chúng ta hiểu vì sao cần phải xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy mà vẫn có người bước ra khỏi biên giới là dành lời khen hay, khen đẹp cho các nước tư bản, cho các thành phố hào hoa. Chẳng lẽ họ không biết, hoặc họ cố tình không biết, các thành phố đó đã trải qua mấy trăm năm xây dựng, trong đó có sức lao động và của cải bóc lột từ các nước thuộc địa?
Việc xây dựng chế độ XHCN là công việc khó khăn, mang tính khoa học, có tính quy luật, đòi hỏi thời gian, nguồn lực, sự lãnh đạo chính trị đúng đắn cùng các điều kiện không thể thiếu khác. Theo V.I. Lê-nin, sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân, nhân dân lao động xây dựng xã hội mới “có một nhiệm vụ căn bản khác được để lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn”(V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 36, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.228-229). Cũng theo V.I. Lê-nin, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ nặng nề, cần nhiều thời gian. Người so sánh đại thể rằng, chỉ cần một vài ngày có thể giành được chính quyền, vài tuần có thể dẹp tan sự phản kháng quân sự của giai cấp bóc lột, nhưng “Vô luận thế nào… cũng phải mất nhiều năm mới giải quyết được vững chắc nhiệm vụ nâng cao năng suất lao động” (V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 36, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.229).
Ở Việt Nam, chúng ta xây dựng đất nước theo con đường XHCN sau một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hơn 30 năm; sau đó là chiến tranh biên giới phía tây nam, chiến tranh biên giới phía bắc. Chúng ta xây dựng đất nước hầu như từ con số “0”, hậu quả chiến tranh là vô cùng nặng nề với hàng triệu thương binh, bệnh binh, người già và trẻ em không nơi nương tựa; đồng ruộng đầy bom, đạn, mìn. Vì thế, những gì có được hôm nay là rất đáng trân trọng và tự hào, mặc dù chưa được như mong đợi. Đương nhiên, không thể so sánh với các nước đã có mấy trăm năm phát triển mà không cần quan tâm đến nỗi thống khổ, sự hy sinh của người lao động ở thuộc địa và chính quốc. Hơn nữa, xây dựng một xã hội mới chưa từng có tiền lệ không phải là dễ dàng, không thể trong ngày một, ngày hai, bất chấp quy luật, đốt cháy giai đoạn. Như vậy, chỉ nhìn bề ngoài để so sánh rồi cho rằng CNTB ưu việt là không khách quan, không có cái nhìn lịch sử, cụ thể. Chỉ có bằng sự phân tích sâu sắc, toàn diện, bằng cách nhìn công bằng, lịch sử mới thấy được nguồn gốc, bản chất sự giàu có của các nước tư bản phát triển, mới thấy hết những thành công và các đóng góp to lớn của CNXH cho sự phát triển của nhân loại và tiến bộ xã hội.
4. Chúng ta không hề giấu giếm sai lầm, hạn chế trong quá trình xây dựng CNXH. Từ các bài học rút ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, chúng ta liên tục nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức, đánh giá, rút ra bài học nhằm điều chỉnh chiến lược và sách lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là cơ sở để Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi… Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm…” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, H.2016, tr.60-61). Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận tình trạng nêu trên có các nguyên nhân khách quan, song “trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan”. Đó là hạn chế trong đánh giá, dự báo tình hình, trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền…
Sai lầm, khuyết điểm, hạn chế trong quá trình xây dựng đất nước theo một mô hình chưa có tiền lệ là khó tránh khỏi. Xây dựng CNXH là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, có tính khoa học, đòi hỏi thời gian, nguồn lực to lớn và nhiều điều kiện khác. Chúng ta xây dựng CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh khốc liệt kéo dài. Khó khăn lớn nhất của chúng ta có lẽ trước hết không chỉ từ sự thiếu thốn về của cải, vật chất mà chủ yếu là ở lối nghĩ, tác phong mang nặng tính chất của nền văn hóa nông nghiệp. Không có kinh nghiệm tiền lệ, không được hỗ trợ như của các nước XHCN như trước đây, lại phải đối phó với sự o ép (như thời kỳ cấm vận chẳng hạn), rồi sự chống phá của các thế lực xấu, thù địch... nhưng chúng ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Từ GDP bình quân đầu người 80 USD đã tăng đến mức hơn 2.100 USD, đời sống nhân dân được cải thiện một bước cơ bản. Những thành tựu đó là không thể phủ nhận và đã được nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới, trong đó có nhiều học giả phương Tây thừa nhận.
Để đạt những thành tựu to lớn, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có các bước đi dũng cảm về nhận thức, đổi mới mạnh mẽ về chính sách kinh tế - xã hội. Từ nền kinh tế bao cấp hoàn toàn dựa trên sở hữu công cộng, chúng ta đã chuyển sang xây dựng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần sở hữu, rồi chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ một nhà nước xây dựng theo mô hình chuyên chính vô sản, chúng ta chuyển sang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Từ chỗ bị bao vây cấm vận, quan hệ với các nước XHCN là chủ yếu, chúng ta đã mở cửa hội nhập quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc, trong đó có hai đối tác toàn diện đặc biệt, 15 đối tác chiến lược, 11 đối tác toàn diện, hai đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực. Thực tế đó cho thấy, không thể có lý gì để cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam bảo thủ, cố chấp, định kiến mà không đổi mới nhận thức, đổi mới chính sách về CNXH và xây dựng CNXH, cũng như không thể coi học thuyết Mác - Lê-nin đã có lỗi trong những khó khăn, hạn chế, sai lầm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Tóm lại, những người phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin thể hiện sự lầm lạc của họ ngay từ cơ sở lý luận - thực tiễn mà họ dựa vào. Hoặc là họ hiểu lầm về tính chất của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hoặc là dù rất biết song họ vẫn cố tình xuyên tạc vì mục đích chính trị là thay đổi nền tảng tư tưởng, đường lối, mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam bằng một lý thuyết khác, một mô hình xã hội khác không vì lợi ích của nhân dân, không vì lợi ích của dân tộc. Nghiên cứu chỉ ra bản chất các luận điểm sai lầm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ để bảo vệ tính khoa học, nhân văn của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà còn là cảnh báo để chúng ta nâng cao nhận thức của mình, tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc, thường xuyên hơn quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể, tránh các căn bệnh bảo thủ, định kiến khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong xây dựng đường lối và hoạch định chính sách phát triển đất nước.
-----------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13-1-2017.
|
GS, TS TẠ NGỌC TẤN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét