QĐND Online - Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, từ ngày 12 đến 15-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức CHND Trung Hoa. Đây là chuyến thăm mở ra triển vọng mới và đạt nhiều thành công trong thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện. Kết thúc chuyến thăm, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã trao đổi với một số đồng chí thành viên chính thức Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về nội dung này.
Đồng chí TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương:
Thống nhất phương hướng, nguyên tắc giải quyết những nút thắt lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, xét ở khía cạnh quan hệ kinh tế song phương, đồng chí có thể đánh giá cụ thể kết quả đạt được?
Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Có thể khẳng định, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đều đang có những bước phát triển tích cực trên các khía cạnh quan hệ thương mại song phương và các khung khổ hợp tác đa phương, chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất nhiều triển vọng mới và dấu ấn có ý nghĩa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Đầu tiên phải khẳng định, tầm vóc của mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhất là so với khoảng thời gian 5 năm trước. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, năm 2016 đã đạt tốc độ tăng trưởng trên 24%, giúp Việt Nam không những tăng được giá trị xuất khẩu mà còn giảm mức độ nhập siêu với Trung Quốc. Và so với năm 2015, chúng ta đã giảm được 14%. Điều có ý nghĩa ở đây là với chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Đảng ta, hai nước đã cơ bản thống nhất với nhau về những nội dung quan trọng lớn đặt ra, đặc biệt là thống nhất về những nguyên tắc để giải quyết những nút thắt lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đơn cử, hai Tổng Bí thư đã thống nhất chỉ đạo các cơ quan hữu quan của hai bên tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý, hoàn thiện môi trường hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hai bên đã thống nhất làm sâu sắc hơn một số khung khổ mang tính chiến lược về hợp tác mà hai nước cùng tham gia như "Hai hành lang, một vành đai”, “Một vành đai, một con đường”, trong đó cho phép cả Việt Nam và Trung Quốc đều phát huy được những thế mạnh, vị trí quan trọng của mình. Đồng thời cho phép giải phóng tất cả tiềm năng lớn của hai nước, đặc biệt là của Việt Nam đối với sự kết nối của Trung Quốc với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Cùng với đó, trong khuôn khổ của chuyến thăm, Việt Nam đã cùng với phía Trung Quốc đề cập toàn diện và giải quyết hầu hết những vấn đề lớn. Ví dụ, về khía cạnh tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa hai nước, các bộ, ngành hai nước đã thống nhất ký kết những văn bản hợp tác đi vào thực chất, giải quyết những yếu tố cụ thể. Trong đó, Bộ Công Thương đã ký với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật thương mại. Đây là những nội dung cơ bản để tháo gỡ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các lô hàng nông sản tiềm năng giúp ta có điều kiện nâng kim ngạch xuất khẩu hằng năm được nhiều tỷ USD như thịt lợn, rau quả, trái cây, sữa…
Yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng nữa, đó là phải hướng tới tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm. Cho nên, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam, thì Trung Quốc cũng thống nhất sẽ thông qua các chương trình hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất. Đây là một trong những định hướng hợp tác lớn giữa Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Công Thương của Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cũng đang tiếp tục triển khai hàng loạt các dự án lớn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, với những nội dung sẽ cho phép các ngành hàng, doanh nghiệp cũng như sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong nhóm hàng về công nghiệp, công nghiệp dân dụng, công nghiệp tiêu dùng… có điều kiện nâng cao năng lực sản phẩm và cạnh tranh có hiệu quả ở thị trường Trung Quốc. Điều này giúp chúng ta cơ bản cải thiện được năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Vấn đề nữa là, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hàng loạt những nội dung lớn về các khung khổ hợp tác để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều khẳng định và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của mỗi bên về việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp Trung Quốc một cách chọn lọc, giúp Việt Nam phát triển cả về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu của ta trong điều kiện hội nhập quốc tế cũng như trong các dự án phát triển hạ tầng quan trọng như hạ tầng giao thông, kinh tế… để có thể tháo gỡ được những nút thắt đang cản trở sự phát triển năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Như đồng chí vừa khẳng định, hai bên đã thống nhất phương hướng, nguyên tắc giải quyết những nút thắt lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời cùng bày tỏ quyết tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc... Đây có phải là những tín hiệu thật sự cho hợp tác kinh tế Việt – Trung?
Bộ trưởng TRẦN TUẤN ANH: Đúng như vậy, với chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư, phía Trung Quốc có quan điểm tương đồng và khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối với những quan điểm phát triển của Việt Nam, tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc cả về thương mại, đầu tư cũng như các vấn đề tổng thể về kinh tế - xã hội khác.
Với nhận thức và sự chia sẻ, ủng hộ của phía Trung Quốc, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tin rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo chắc chắn sẽ có những bước phát triển ổn định, bền vững và mạnh mẽ hơn nữa.
Và với Bộ Công Thương, qua chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thấy đã có sự chia sẻ lớn từ phía Trung Quốc thông qua một quyết định mới đây nhất của lãnh đạo cấp cao của bạn trong việc đồng thuận với phía Việt Nam để triển khai mở hàng loạt các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc. Cụ thể, trong Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc cũng như hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí cho phép mở Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại tỉnh Chiết Giang. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, vì hiện nay, Trung Quốc cho mở rất ít văn phòng này.
Đồng chí NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Mở ra cơ hội lớn khai thác tiềm năng hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững
PV: Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc, với những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng có thể đánh giá tiềm năng hợp tác và triển vọng phát triển trên lĩnh vực này giữa hai nước?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Chúng ta thông qua xuất khẩu thương mại đối với Trung Quốc là rất lớn. Trung Quốc là một thị trường với 1,3 tỷ dân - là quốc gia sản xuất nông sản cũng như nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Thông qua chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, cũng như chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước đây, chúng ta xác định rõ Trung Quốc là thị trường rất lớn của Việt Nam.
Ưu điểm của nông sản Việt Nam vào Trung Quốc là chúng ta có những nhóm sản phẩm bổ trợ mà phía bạn không có được. Ví dụ như nhóm sản phẩm nông sản nhiệt đới và nhóm nông sản có tính chất hỗ trợ dịch vụ. Chính vì vậy, chúng tôi xác định đây là thị trường rất to lớn và lâu dài của Việt Nam. Năm 2016, chúng ta xuất khẩu sang thị trường này là 7 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 22% tổng nông sản xuất khẩu của cả nước. Chúng tôi cho rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam có thể cán đích 10 tỷ USD trở lên.
PV: Để khai thác hiệu quả một thị trường lớn và nhiều tiềm năng như Trung Quốc, sắp tới, Việt Nam sẽ vận dụng những thế mạnh nào và triển khai các biện pháp ra sao, thưa đồng chí?
Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Có 2 nhóm vấn đề lớn mà chúng ta cần hết sức quan tâm.
Một là, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa hiện đại - đó là hướng đi bền vững, tất yếu phải làm. Như đã biết, hiện nay, Việt Nam đã hội nhập với nhiều thị trường, sản phẩm nông sản của chúng ta không chỉ đi Trung Quốc mà đi tất cả các nước trên thế giới. Do vậy, để đảm bảo cho hiệu quả bền vững của sự phát triển, không gì khác là phải tổ chức ngành hàng cho thật tốt.
Việc thứ hai là Việt Nam phải tiếp tục xúc tiến với bạn, bàn giải pháp về thương mại, phối hợp tháo gỡ những rào cản, tiến hành ký kết để hàng nông sản chính thức đi vào chính ngạch thị trường Trung Quốc. Có như vậy thì hàng nông sản Việt Nam mới có giá trị cao và cũng hạn chế những rủi ro trong kinh doanh. Trước mắt, chúng ta có thể tập trung vào một số những ngành hàng có thế mạnh, theo thứ tự ưu tiên: Một là rau quả, thứ hai là gạo, thứ ba là thủy sản, thứ tư là thịt lợn, thứ năm là sữa,... cùng với nhiều mặt hàng lợi thế khác.
Trong chuyến tháp tùng Tổng Bí thư thăm chính thức Trung Quốc lần này, tôi cảm nhận được một điều là bạn cần chúng ta và chúng ta cũng cần bạn. Trong xu thế hội nhập, Trung Quốc cũng như Việt Nam đều chủ động hợp tác với các nước bên ngoài, chủ động tìm kết thị trường mới là một yêu cầu đương nhiên của quá trình phát triển. Trong sự hợp tác đó, chúng ta tận dụng cơ hội để đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước, tranh thủ được tiếp cận khoa học công nghệ, tiếp cận được giá trị, tiếp cận được nguồn vốn đầu tư... để có thể vận dụng, khai tác nhằm tổ chức sản xuất trong nước tốt hơn.
Sắp tới, trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật ở lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ tiến hành hợp tác với bạn về việc sản xuất giống, đặc biệt là những giống lúa, giống cây chịu mặn để có thể thích ứng được với Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, hai bên có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tăng cường trách nhiệm quản trị với lưu vực các con sông, để đảm bảo quản trị nguồn nước một cách bền vững đối với các hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn Trung Quốc và Việt Nam...
NGUYỄN TẤN TUÂN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét