Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

CẤP BÁO: VIỆT NAM XUẤT HIỆN THẾ LỰC THÙ ĐỊCH MỚI- LỢI DỤNG XÂY ĐỂ CHỐNG; TRUNG QUỐC: TẬP CẬN BÌNH ĐƯỢC SUY TÔN " THỐNG SOÁI TỐI CAO"...

Góp ý xây dựng Đảng: Kiên quyết loại trừ việc lợi dụng xây để chống

VOV.VN -Sai lầm, khuyết điểm đối với một Đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi. Nếu góp ý xây dựng Đảng theo cách muốn “đập đi, xây lại” thì bao nhiêu thành quả của các thế hệ đi trước bỗng chốc có thể bị vùi lấp.
Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó ở nấc cao nhất, Nghị quyết đã khoanh vùng một số đối tượng mà trước đó, họ dường như vẫn được xem là những người “tâm huyết” với Đảng, tâm huyết với sự phát triển của đất nước nhưng khi bước qua một ranh giới nào đó thì họ lại trở thành những người “quay lưng với Đảng”, thậm chí phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Vậy, những người đó là ai?
gop y xay dung dang kien quyet loai tru viec loi dung xay de chong hinh 1
Hình ảnh Thủ đô Hà Nội trang trí chào mừng Đại hội XII của Đảng
Theo nhà báo Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đó có thể là những cán bộ, đảng viên dám phản biện, dám chỉ ra những điều chưa hợp lý trong nền tảng tư tưởng, cũng như về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và luật pháp của Nhà nước. Nhưng khi chưa được tiếp thu, phản hồi hoặc chưa giải đáp thỏa đáng, họ đã tự nghiên cứu, tự giải thích và tự cho mình là đúng.
Với tâm trạng tự phong là “hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước”, họ đã lan truyền trên mạng bằng các hình thức như “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”... Để tăng độ “tin cậy”, họ liệt kê danh sách những người ký tên đồng tình phía dưới, trong đó có những người từng là cán bộ lãnh đạo quản lý cao cấp, trí thức có học hàm, học vị, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, bác sĩ… Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng được thực hư những người ký tên đó là thật hay giả.
Nhà báo Phạm Đình Đảng cho biết: “Tôi có rất nhiều bạn bè, họ thật sự bất ngờ, không hiểu sao họ lại có tên trong danh sách kiến nghị tập thể. Họ giữ trọng trách ở các đơn vị quan trọng về đào tạo, về chính quyền. Ở đây có sự nhập nhằng, đánh lận con đen, lôi cả những người vô can vào cuộc. Tôi cho rằng, đây là những điều không đáng có, không được phép làm dưới góc độ pháp luật. Hô hào, kích động, xuống đường, kiến nghị tập thể, lôi kéo quần chúng nhằm làm rối loạn tình hình, rối loạn tư tưởng. Có một điều đáng lưu ý, một số đồng chí từng giữ vị trí lãnh đạo, từng là đảng viên cũng hùa theo. Đó là điều đáng buồn”.
Vậy, những người đó thường kiến nghị những gì? Họ thường lặp đi lặp lại yêu cầu đòi Đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác- Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH, kêu gọi đổi tên Đảng, đổi tên nước, chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ... Không khó để nhận ra những đóng góp xây dựng Đảng không thành tâm bởi lẽ, những “thư ngỏ” “kiến nghị” được cho là gửi đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW; nhưng ngay lập tức, chúng được lan truyền, tán phát trên các trang mạng xã hội. Mục đích cuối cùng của họ là tuyên truyền những luận điểm sai trái, lợi dụng “kiến nghị” để nói xấu chế độ, chống phá chính quyền;vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận và đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…
Theo Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng, thì đó là những phần tử cơ hội chính trị: “Họ dẫn lại các điệp khúc theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để làm xói mòn lòng người, thu hút một bộ phận cán bộ đảng viên đang nghi ngờ, hoang mang dao động để rồi dần dần thành lập các nhóm, các phe phái chống đảng. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm và chúng ta phải đấu tranh, phê phán”.
Gần đây, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ngay lập tức, trên các trang mạng và báo chí nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch cho rằng, đó chẳng qua chỉ là các cuộc đấu đá nội bộ, triệt phe phái, tranh nhau chức quyền, hạ bệ đối thủ… Trên các diễn đàn và mạng xã hội, xuất hiện bài viết của nhiều cá nhân cho rằng, nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là do độc đảng sinh ra. Mục đích của họ là nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết.
Bởi vậy, tại hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 12/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Những dịp thế này, kẻ xấu dễ lợi dụng thổi phồng lên mặt khuyết điểm, kích động, chia rẽ nội bộ, phá hoại chúng ta”.
Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, không khó để nhận ra, đâu là xây Đảng thực tâm và ai muốn lợi dụng chuyện này để chống phá Đảng: “Đấu tranh với tinh thần xây dựng dù rất quyết liệt nhưng đây là tinh thần xây dựng, đây là khách quan, trung thực. Còn góp ý mang tính chất cường điệu, khuếch đại, bôi nhọ, tính chất khai, phủ định sạch trơn thì sẽ biết ngay. Đúng là có những khuyết điểm rất nghiêm trọng của cá nhân này, tổ chức kia nhưng không thể thay thế, phủ định bản chất của Đảng ta và đẩy tới phủ định sự lãnh đạo thì biết thực tâm hay không thực tâm”.
Sai lầm, khuyết điểm đối với một Đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi. Sửa chữa và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái không thể không làm nhưng làm thế nào để đảm bảo được tinh thần “gạn đục, khơi trong” thì Đảng cần lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến tâm huyết, xác đáng. Từ đó, Đảng mới tiếp tục giương cao được ngọn cờ tiên phong, khơi dậy được sức dân và nguồn lực xã hội để đưa đất nước Việt Nam đạt được mục tiêu giàu mạnh, hùng cường. Nếu góp ý theo cách muốn “đập đi, xây lại” thì bao nhiêu thành quả, bao nhiêu máu xương của các thế hệ đi trước bỗng chốc có thể bị vùi lấp.
Vậy, cần có cơ chế gì để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân có diễn đàn thuận lợi góp ý cho Đảng và nhận được phản hồi? Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong bài viết tiếp theo./.




Hương Giang-Minh Châm-Lại Hoa/VOV-Trung tâm Tin

Tập Cận Bình đã có được quyền uy ngang với Mao, Đặng trong quá khứ



Gần đây, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng bài viết về chặng đường cải cách quân đội của Tập Cận Bình, đã tung hô ông Tập là “Thống soái tối cao”. Cách xưng hô này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều lý giải khác nhau.

Tap Can Binh, quân ủy trung ương, Mao Trạch Đông,
Tập Cận Bình có được quyền uy ngang với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình trong trong quá khứ. (Ảnh: South China Morning Post)
Có những giải thích cho rằng, cách xưng hô mới và đặc thù này dành cho ông Tập Cận Bình truyền tải thông điệp rằng uy vọng của ông Tập trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đạt đến địa vị ngang bằng với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình trong quá khứ, trực tiếp đẩy “Giang hạch tâm” xuống một bậc.
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tung hô ông Tập Cận Bình là “Thống soái tối cao”
Ngày 10/07 cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – Tân Hoa Xã đã đăng bài viết với tiêu đề “Người chèo lái quân đội nhân dân: Lãnh đạo Tập Cận Bình đẩy mạnh tăng cường, chấn hưng quân đội”, nhìn lại những công tích ông Tập đạt được kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khen ngợi chặng đường toàn lực cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình.
Bài viết này đã sử dụng những thuật ngữ “Hạch tâm Trung ương đảng”, “Hạch tâm toàn đảng” cũng như “Thống soái tối cao” của quân đội, để tung hộ ông Tập Cận Bình, điều này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong những cựu Chủ tịch Quân ủy Trung ương trước đây, chỉ có Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cũng như Mai Quốc Phong được cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tung hô là “Tướng soái tối cao”. Trong đó Mai Quốc Phong là nhân vật được Đặng Tiều Bình đề cử, vì thế thực sự kiểm soát toàn bộ quyền lực của quân đội thì chỉ có hai người là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Và hiện tại Tân Hoa Xã tung hô ông Tập Cận Bình là “Tướng soái tối cao”, đây rõ ràng không phải trùng hợp ngẫu nhiên, mà nhất định là có ý đồ chính trị, về điều này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình mở “hội nghị Cổ Điền”, triệu tập các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội vào cuối tháng 10/2014, kênh phát ngôn của quân đội Trung Quốc đã liên tục tuyên truyền, nhấn mạnh “Chủ tịch Quân ủy Trung ương là người kiểm soát quân đội”.
Tiêu chí “Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiểm soát quân đội” mà ông Tập Cận Bình nhấn mạnh là dốc toàn lực nắm quyền quyết sách tối cao trong quân đội. Bởi vì trong suốt 20 trước đó, quyền kiểm soát quân đội thực sự đều nằm trong tay Phó chủ tịch Quân ủy.
Từ năm 1949 đến nay, ĐCSTQ tổng cộng đã có 6 vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình. Trong đó, chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là trường kỳ chỉ huy tác chiến trong quân đội, và cũng là những người thực chất nắm “Quyền thống soái quân đội”. Mà ông Tập Cận Bình trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, cũng từng có kinh nghiệm rèn luyện trong quân đội.
Các Chủ tịch Quân ủy Trung ương còn lại chỉ như những văn nhân trị quân thuần túy, không có kinh nghiệm tòng quân, vì vậy những sự vụ trong quân đội do những Phó quân ủy thực thi. Đặc biệt là trong thời gian Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, quyền lực trong quân đội hoàn toàn bị Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu lũng đoạn.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình chủ trì “hội nghị Cổ Điền” trở về sau, trong hệ thống tuyên truyền của quân đội Trung Quốc, luôn nhấn mạnh rằng “duy trì và quán triệt Chủ tịch Quân ủy Trung ương nắm quyền kiểm soát quân đội”.
Ngày 27/02/2016, một kênh phát ngôn khác của ĐCSTQ, tờ Nhân dân nhật báo đăng bài viết với tiêu đề“Quán triệt thực thi đúng với chủ trương của hội nghị Cổ Điền”, đã đánh giá bài thuyết giảng của ông Tập trong hội nghị này là “thể hiện đầy đủ vai trò thống lĩnh tối cao quân đội, đã vạch ra được chiến lược xây dựng quân đội trong tình thế chính trị mới”.
Ngày 02/06/2016, cơ quan ngôn luận của Trường đảng Trung ương, tờ Thời báo học tập cũng đăng bài viết tung hô ông Tập Cận Bình là “Thống soái tối cao của 2,3 triệu quân – quy mô lớn nhất thế giới”.
Ngày 30/11/2016, tờ Nhân dân nhật báo trong bài viết với nội dụng kỷ niệm sinh nhật Chu Đức Hoài, lại một lần nữa đề cập đến “giữ gìn quán triệt Chủ tịch Quân ủy nắm quyền kiểm soát quân đội”, và cũng tung hô ông Tập là “Lãnh đạo trung tâm của đảng, thống soái tối cao của chúng ta”.
Nhưng thực tế thì 3 bài viết ở trên là không nhận được nhiều sự quan tâm, cho đến gần đây khi kênh phát ngôn lớn nhất của ĐCSTQ – Tân Hoa Xã đăng bài khẳng định vai trò “Thống soái tối cao” của ông Tập Cận Bình trong quân đội, thì ngoại giới mới đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều giải thích khác nhau.
Kênh truyền thông tiếng Trung thân Bắc Kinh ở nước ngoài giải thích như sau, sau khi ông Tập Cận Bình cải cách quân đội, phá vỡ “Tứ lương bát trụ” (4 xà 8 trụ), thay đổi bố cục, Tân Hoa Xã đã gọi ông là “Thống soái tối cao”, một mặt cho thấy ông Tập đã đạt đến địa vị quyền uy trong quân đội, một mặt có thể đây là dấu hiệu “động tác cải cách mãnh liệt” hơn nữa ở bước tiếp theo.
Cũng có những phân tích cho rằng, tuy ông Tập Cận Bình trước đó đã chính thức xác lập được địa vị “hạch tâm” trong ĐCSTQ, nhưng nhiều nhất cũng chỉ là ngang bằng với địa vị của Giang Trạch Dân trước đó. Nhưng hiện tại ông Tập còn được tung hô là “Thống soái tối cao”, địa vị này là ngang bằng với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, cũng chính là đã đẩy Giang Trạch Dân xuống một bậc trong cuộc chiến tranh giành quyền lực hiện tại trong nội bộ ĐCSTQ.
Cũng giống như năm đó Giang Trạch Dân chèn ép Hồ Cẩm Đào bằng cách bố trí hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu vượt mặt Hồ Cẩm Đào, thao túng toàn bộ quyền lực trong quân đội. Vì thế nếu bước tiếp theo ông Tập Cận Bình có ra tay trừng trị Giang Trạch Dân và các tay chân còn lại thì cũng là điều hoàn toàn hợp logic.

Lê Hiếu biên dịch

Không có nhận xét nào: