Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Quân đội làm kinh tế có anh hùng không?

Tướng Lê Mã Lương: "Quân đội không làm kinh tế là điều rất lý tưởng"

Ts Nguyễn Ngọc Chu

Chừng nào quân đội còn làm kinh tế thì chừng đó còn tồn tại lợi ích nhóm trong quân đội và chừng đó quân đội không thể hùng mạnh.

Phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) vào ngày 23/6/2017 về chủ trương mới của BQP là quân đội không làm kinh tế, đã được hàng chục triệu người dân Việt Nam hồ hởi đón nhận, bởi nó mở ra khả năng nâng cao sự tinh nhuệ của Quân đội Việt Nam.

Không chỉ nhân dân, mà các tướng lĩnh quân đội cũng ủng hộ chủ trương của BQP. Chẳng hạn, Tướng Thước đã lên tiếng rằng “Quân đội không làm kinh tế là đột phá về tư duy”. Còn Tướng Lương nói: “Quân đội không làm kinh tế là lý tưởng”.

Thế nhưng, các thế lực lợi ích bắt nguồn từ quân đội làm kinh tế đã tức thì phản công. Bằng những mỹ từ rất đẹp, trong đó có: “Chủ trương lớn”, “Khẳng định vai trò của quân đội trên mặt trận sản xuất” và đi xa hơn “Quân đội anh hùng cả trong sản xuất”…

“Vai trò của quân đội trên mặt trận sản xuất” không ai bàn đến. Điều toàn dân quan tâm là quân đội không làm kinh tế nữa, mà tập trung xây dựng quân đội hùng mạnh.

Cũng để tránh những ngụy biện nhập nhèm, phải tách biệt rõ ràng, rằng nói đến quân đội làm kinh tế ở đây, không bao hàm nền công nghiệp quốc phòng.

Ai là người bảo vệ quan dội làm kinh tế?

Không khó để nhận ra. ai đang nồng nhiệt bảo vệ việc quân đội làm kinh tế. Có thể phân thành mấy nhóm chính.

1. Những người trong quân đội đang làm kinh tế mà được hưởng lợi từ việc quân đội làm kinh tế.
2. Những người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc quân đội làm kinh tế.
3. Những cựu lãnh đạo BQP bảo vệ cho chủ trương quân đội làm kinh tế mà họ đã đề ra hay đã nhiệt tình triển khai.
4. Những người được đặt hàng quảng bá cho việc quân đội làm kinh tế.

Hiển nhiên có sự đan chen trong bốn phạm trù trên.

Tám điều nguy hại từ quân đội làm kinh tế

Nói đến kinh tế là nói đến lợi ích. Quân đội làm kinh tế là cội nguồn sinh ra lợi ích nhóm trong quân đội. Xin nhắc lại tám điều nguy hại chính từ việc quân đội làm kinh tế.

1. Làm yếu khả năng chiến đấu của quân đội khi không tập trung vào mục đích chính của quân đội là xây dựng lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc.
2. Tạo nên sự bất công về lợi ích kinh tế trong nội bộ quân đội, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, làm yếu sức đoàn kết và mất sự thống nhất ý chí của quân đội.
3. Tạo nên lợi ích nhóm về quyền lực và nhân sự. Dẫn đến việc bổ nhiệm và trao quyền cho những người không thực tài.
4. Hình thành các giai tầng phân cách trong hàng ngũ sĩ quan và binh sĩ.
5. Vì lợi ích kinh tế, sẽ bị kẻ thù và kẻ xấu lợi dụng mua chuộc, làm tha hóa một bộ phận cán bộ và chiến sỹ quân đội.
6. Làm tổn hại khả năng chiến đấu của vũ khí và khí tài do bị rút ruột, bớt xén, trộm cắp, và thay thế bằng vũ khí khí tài thứ cấp.
7. Gây mâu thuẫn lợi ích kinh tế với các đơn vị kinh tế khác không thuộc quân đội.
8. Làm mất lòng tin của nhân dân.

Cho nên, không cần phải viện dẫn ra những số liệu cụ thể. Còn ai đó, dẫu muốn thêu dệt quân đội làm kinh tế lợi đến bao nhiêu, cũng là điều nhỏ nhoi trước tám nguy hại nêu trên. Tám điều nêu trên đang hủy hoại sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam.

Hoàn cảnh đã thay đổi

Bây giờ là năm 2017, khi mà tiến bộ của khoa học và công nghệ đã đưa loài người lên một tầng trời mới, không thể tưởng tượng được dù chỉ cách đây vài chục năm.

Định vị toàn cầu từ vệ tinh đã giúp cho hãng taxi Uber xác định khách hàng tức thì ở mọi nơi mọi chỗ. Nhắc như thế để biết được vũ khí hiện đại tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu tức thì ở khắp mọi nơi. Tên lửa hành trình vượt cả ngàn km để bắn trúng mục tiêu ở từng mét vuông. Từ vệ tinh có thể xác định được cả gốc gây ngọn cỏ. Chiến tranh hiện đại là chiến tranh vệ tinh, là chiến tranh của “người trời”.

Ngày 18/6/2017 vừa qua, máy bay Su 22 của Syria đã bị máy bay F/A 18 của Mỹ bắn hạ. Su 22 đã kịp phóng ra một quả tên lửa dù để cản phá quả tên lửa thứ nhất của F/A 18, nhưng không kịp bắn trả, cũng không kịp tránh quả tên lửa thứ hai. Ưu thế vượt trội trong công nghệ là sống còn của chiến tranh hiện đại.

Quân đội sinh ra là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chu cấp cho quân đội là trách nhiệm của nhân dân. Quân đội không cần phải tăng gia kiếm sống mà lơi là nhiệm vụ chiến đấu. Quân đội càng không có trách nhiệm làm kinh tế để làm giàu cho nhân dân. Không thể lấy tư duy tăng gia khoai sắn giữa thế kỷ 20 để xây dựng quân đội.

Xác định cho đúng mục tiêu

Khác với những thập niên 50, 60,70 của thế kỷ 20, nhiệm vụ duy nhất của Quân đội Việt Nam hiện nay là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Muốn xây dựng quân đội hùng mạnh để hoàn thành nhiệm vụ duy nhất đó thì phải trả lời đúng câu hỏi:

Ai là người đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam?

Ở châu Á, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đều nhìn nhận Trung Quốc là nguồn đe dọa lớn nhất về an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước họ. Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều xem Trung Quốc là đối thủ để xây dựng lực lượng quốc phòng.

Trung Quốc đang nuôi mộng bá chủ thế giới. Hàng ngày hàng giờ gia tăng năng lực chiến tranh, đợi chờ thời khắc nuốt chửng hàng xóm. Với các nước láng giềng, nước nào cũng bị Trung Quốc lấn chiếm đất đai, kể cả to như Nga và Ấn Độ.

Bên cạnh một Trung Quốc tham lam hung hãn với lực lượng quân đội ngày càng hiện đại, ganh đua với Nga Mỹ, lấn át Nhật Ấn, mà Việt Nam không lo luyện tập tinh binh, chỉ lo đi buôn, đi làm dịch vụ, xây khách sạn biệt thự, sử dụng “nước sông công lính” rồi tự ca ngợi quân đội anh hùng trong lao động sản xuất, thì toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam lấy gì mà bảo vệ?

Bị Trung Quốc lấn chiếm trên đất liền phía Bắc, bị Trung Quốc lấy dần hải đảo phía Đông, bị bao vây ở phía Tây, bị chặn vùng biển vùng trời ở phía Đông và Nam, khắp nước không nơi nào không có người Trung Quốc, mà những nhóm lợi ích đang tự ru ngủ với bài ca “ thế trận kinh tế kết hợp với quốc phòng” thì tai họa làm sao mà tránh khỏi?

Hãy chấm dứt thời kỳ cát cứ kinh tế trong quân đội để xây dựng một quân đội tinh nhuệ.

Hãy nhìn vào lòng tham của Trung Quốc để mà xây dựng quân đội cho hùng mạnh.

Hãy tự cường như Israel.

Tình yêu thời kiêu hãnh

Với nhiều người Việt Nam, Quân đội Việt Nam là niềm tự hào, là lòng kiêu hãnh, là biểu tượng thiêng liêng.

Bởi thế, nêu ra bất cứ điều gì tiêu cực về quân đội đều gây thương tổn lớn lao cho rất nhiều người. Nhất là những cựu chiến binh anh dũng quả cảm ở Điện Biên, Quảng Trị , Khánh Khê, Vị Xuyên. Với những chiến sĩ chân chính, danh dự quân đội là xương máu của bản thân và đồng đội.

Nhưng sự thăng trầm là quy luật tự nhiên ở đời. Muốn giữ được niềm kiêu hãnh dài lâu thì phải biết chịu đựng những cuộc giải phẫu đau đớn.

Muốn trả lại cho Quân đội Việt Nam niềm kiêu hãnh thì trước hết phải tiêu diệt các nhóm lợi ích trong quân đội.

Sự ví von ngụy biện nguy hại

Quân đội có anh hùng trong lao động sản xuất?

Muốn trả lời câu hỏi này thì trước hết phải định nghĩa thế nào là anh hùng trong lao động sản xuất?

Nhưng không cần trả lời câu hỏi đó, chỉ riêng sự đánh đồng những anh hùng đã ngã xuống vì chống giặc ngoại xâm với những hành động trong kinh tế thì chắc chắn đã làm tổn thương đến vong linh hàng chục vạn anh hùng liệt sỹ.

Hy sinh vì bảo vệ tổ quốc là điều thiêng liêng không thể gì so sánh được. Đánh tráo khái niệm anh hùng như vậy là giảm thấp mức độ anh hùng của Quân đội Việt Nam.

Ủng hộ chủ trương của Bộ quốc phòng

Chủ trương của BQP về quân đội không làm kinh tế mà tập trung xây dựng quân đội chính quy hiện đại là chủ trương đúng, cần phải thực thi càng sớm càng có lợi cho Quân đội Việt Nam.

Chừng nào quân đội còn làm kinh tế thì chừng đó còn tồn tại lợi ích nhóm trong quân đội và chừng đó quân đội không thể hùng mạnh.

Trên thế giới không có quân đội nước nào làm kinh tế. Không có lẽ Việt Nam cái gì cũng phải khác người?

Những người yêu Quân đội Việt Nam là bởi vì trước hết họ yêu tha thiết đất nước Việt Nam. Vì tha thiết yêu nước mới tha thiết mong mỏi có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ tổ quốc. Quân đội Việt Nam sinh ra chỉ có một mục đích duy nhất là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bởi thế, trung thành với Tổ quốc Việt Nam là nghĩa vụ trung thành duy nhất muôn đời của Quân đội Việt Nam. 

Ts Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào: