Trọng Thành
Tổng thống Philippines Duterte (P) và thủ tướng Nhật Abe trong cuộc gặp tại Waterfront Hotel, Davao, tháng 1/2017.Ảnh chụp màn hình : cc.csis.org
Cách đây đúng một năm, ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, đã xử thắng cho Philippines, trong vụ kiện chống lại các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có yêu sách "Đường Lưỡi Bò". Bắc Kinh không công nhận thẩm quyền của tòa, bác bỏ phán quyết. Tổng thống Duterte nắm quyền từ tháng 7/2016, kế thừa thắng lợi, nhưng chủ trương "tạm gác" phán quyết La Haye, để một mặt hợp tác với Trung Quốc, mặt khác tìm hỗ trợ về an ninh từ bên ngoài, nhằm không bị Bắc Kinh lấn lướt. Tokyo là một đối tác hàng đầu của Manila trong tình huống bản lề này. RFI giới thiệu một số phân tích của nhà nghiên cứu Renato Cruz De Castro (1), một chuyên gia về an ninh khu vực.
Trong bài « Japan's contributions to Philippine maritime security » (2) nhà nghiên cứu Philippines điểm lại các nỗ lực của Nhật Bản nhằm trợ giúp Philippines ngay sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Một tháng sau phán quyết, ngoại trưởng Nhật Bản Kishida gặp tổng thống Philippines Duterte tại Davao. Hai bên quyết định tăng cường các cơ chế hợp tác song phương, để « giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông thể theo các quy định trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ».
Ngoại trưởng Nhật Bản cho tổng thống Philippines biết là Tokyo sẵn sàng cung cấp nhiều tàu tuần tiễu cho lực lượng Tuần duyên Philippines, và sẵn sàng cho Hải quân Philippines thuê tàu huấn luyện trinh sát trên biển.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên tiếp xúc với tổng thống Philippines Duterte trong dịp thượng đỉnh ASEAN tại Lào, diễn ra từ ngày 06 đến 08/09/2016. Lãnh đạo Nhật nhấn mạnh đến ý định giúp Tuần duyên Philippines hai tàu tuần tiễu, dài 90 mét, và 10 tàu đa năng, để tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ nghề cá. Thủ tướng Nhật cũng đề nghị giúp Hải quân Manila 5 máy bay huấn luyện TC-10, phục vụ trong lĩnh vực trinh sát, cứu nạn và vận tải.
Ông Shinzo Abe đã có chuyến công du đầu tiên đến Philippines vào tháng 1/2017, nhằm tăng cường các hợp tác về an ninh trên biển với Manila. Ngày 28/03/2017, Tokyo chính thức chuyển giao cho Philippines các máy bay trinh thám đầu tiên.
Theo nhà nghiên cứu Renato Cruz De Castro, mục tiêu chiến lược của Nhật Bản tăng cường đối tác về an ninh với Philippines diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc « ngày càng quyết đoán hơn », trong lúc quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ lại đang « xấu đi ». Tuy nhiên, hợp tác song phương Nhật – Phi có lợi thế là dựa trên những điểm tương đồng rất lớn, hai nước đều là các quốc gia « biển », theo « chế độ dân chủ tự do », và có lợi ích chung trong việc bảo vệ tự do hàng hải và bảo vệ tính thượng tôn của luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, trở lại nắm quyền từ năm 2012, Tokyo kiên trì một chính sách « rõ ràng », đó là ủng hộ Philippines giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế, cụ thể là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc cũng là thành viên. Đối với Biển Đông, điều đó có nghĩa là ngăn ngừa bất cứ quốc gia nào dùng sức mạnh « thay đổi nguyên trạng » khu vực này.
Bước ngoặt Scarborough
Nhà nghiên cứu Philippines nhấn mạnh là Nhật Bản đã có mặt bên cạnh Philippines ngay ở một trong những thời điểm khó khăn nhất trong hồ sơ Biển Đông, cụ thể là ngay sau vụ Hải quân Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough trong nhiều tháng, hồi năm 2012, để buộc chiến hạm duy nhất của Philippines đồn trú tại địa điểm này phải rời khỏi vị trí. Tiếp theo đó, Trung Quốc đưa lực lượng hải giám đến ngăn cản ngư dân Philippines ra vào khu vực, nhằm kiểm soát Scarborough trên thực tế. Vào thời điểm đó, Tokyo tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Manila tăng cường lực lượng Tuần duyên, và kể cả về mặt ngoại giao.
Thiếu phương tiện, ở thế yếu trong tương quan lực lượng, nhận thấy « ngăn chặn » Trung Quốc « về quân sự » là không có triển vọng, Manila quyết định chọn con đường pháp lý : Kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, nhằm hóa giải những căng thẳng có nguy cơ bùng phát thành xung đột. Nhật Bản đã cử quan sát viên theo sát tiến trình vụ kiện trong hai năm với tư cách quan sát viên.
Chính sách hỗ trợ Philippines về an ninh trên biển hoàn toàn khớp với lập trường « proactif » (tạm dịch là : chủ động hành động) của chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quốc phòng, mở rộng các hoạt động quân sự ra xa biên giới, đặc biệt với chính sách « multilayered security cooperation » (hợp tác an ninh đa tầng) với Hoa Kỳ và các đồng minh khác, trong đó có Philippines, với mục tiêu trước hết là bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.
La Haye : Cơ hội hợp tác mới chống « bành trướng trên biển »
Trong một bài phân tích khác nhân dịp một năm phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực (« The Geopolitics of the Hague Ruling on the South China Sea Dispute ») (3), nhà nghiên cứu Renato Cruz De Castro nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử của phán quyết.
Theo tác giả, trước phán quyết La Haye, phương châm « mỗi người vì mình » của các quốc gia khu vực ngăn cản các hợp tác. Mỗi nước giải thích các bất đồng theo kiểu riêng, và thiên về lập trường « phận nhà ai nhà nấy lo » (fence-sisters). Phán quyết La Haye mở ra một thời kỳ mới với cơ hội hợp tác chưa từng có giữa các nước nhằm ngăn chặn « sự bành trướng của Trung Quốc trên biển ». « Các nước ven Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam có thể đoàn kết và liên kết một cách hợp pháp với các cường quốc hàng hải như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, để bảo vệ các khu vực đặc quyền kinh tế biển (EEZ) của mình chống lại các xâm lấn của Trung Quốc », trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhà nghiên cứu Philippines nhấn mạnh là, nếu như trước phán quyết La Haye, hợp tác như trên sẽ bị coi là đứng về một bên, lập liên minh để chống lại Trung Quốc, thì giờ đây điều này được coi như là « một nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp chống lại » một quốc gia « hung hăng và bành trướng ».
Ông Renato Cruz De Castro, tác giả hai bài phân tích vừa dẫn, là chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh khu vực, thuộc Viện Stratbase Albert Del Rosario (ADRi), viện nghiên cứu về chiến lược và quốc tế mang tên cựu ngoại trưởng Alber Del Rosario, đồng thời là chủ tịch. Cựu ngoại trưởng Alber Del Rosario (2011-2016) được coi là kiến trúc sư của vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Hôm nay, nhân dịp một năm phán quyết La Haye, Viện Stratbase Albert Del Rosario tổ chức một diễn đàn thảo luận về chủ đề « Dự thảo khung Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông, Một năm sau phán quyết của tòa trọng tài » (Framework Code of Conduct, One Year After Arbitration). Ngoài chủ tịch Viện và các lãnh đạo quốc phòng, an ninh, tư pháp Philippines, có tổng giám đốc Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản (Japan Institute of International Affairs), ông Koichi Ai.
Riêng về bãi cạn Scarborough, kể từ đầu năm nay 2017, Trung Quốc đã chấp nhận để ngư dân Philippines trở lại ngư trường truyền thống. Hôm nay, 12/07, bộ Ngoại Giao Philippines tái xác nhận việc này.
Việc ngư dân Philippines hay Việt Nam có quyền đánh bắt hải sản tại khu vực Scarborough là một nội dung trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (xem thêm : Biển Đông: Chiến lược tàu cá của Việt Nam tại bãi Scarborough).
----
(1) Ông Renato Cruz De Castro là chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh khu vực, thuộc Viện Stratbase Albert Del Rosario (ADRi), và giáo sư tại Đại học Da La Salle.
(2) Báo mạng Philstar.com, ngày 08/07/2017.
(3) Bài « The Geopolitics of the Hague Ruling on the South China Sea Dispute » (tạm dịch là « Ý nghĩa địa chính trị của phán quyết La Hay về tranh chấp Biển Đông ») được đăng tải trên báoBusiness World của Philippines ngày 11/07/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét