Quân sự |
Lịch sử gọi ông là "lưỡng quốc tướng quân" bởi những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của VN, đồng thời, với cách mạng TQ, ông được coi là 1 trong 72 "đại công thần".
LTS: Trong thế kỷ XX, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, đó là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong khói lửa chiến tranh, đã xuất hiện nhiều lớp cán bộ điển hình, mẫu mực, có trình độ chỉ huy, tác chiến giỏi; luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để góp thêm một góc nhìn mới về chân dung các vị tướng trong những khoảnh khắc đời thường, về những điều mà chỉ có người thân của họ mới được chứng kiến, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một số bài viết đặc sắc trong cuốn sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân".
CON GÁI KHI VỀ GIÀ NHỚ BỐ MẸ
(Nguyễn Thanh Hà - Con gái Thiếu tướng Nguyễn Sơn)
Thiếu tướng Nguyễn Sơn (1908 - 1956)
Tên thật: Vũ Nguyên Bác
Quê quán: xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Ông tham gia cách mạng năm 1925, được phong Thiếu tướng năm 1948; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông từng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Trước khi về Việt Nam, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và đảm nhiệm một số chức vụ tại nước này.
Với những đóng góp của mình, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì...
(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 723)
Nguyên tắc "Phải nói tiếng Việt Nam"
Đã cuối năm 2014, những ngày cuối cùng của tháng 12, đông lạnh tôi đã sang tuổi 66 của cuộc đời, cứ ngồi một mình lại nhớ bố Sơn, mẹ Huân, lại nhớ những ngày không nhiều trong cuộc đời có đủ cả bố mẹ và các em Cương, Hồng, Hằng ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Bắc Kinh bây giờ thay đổi rất nhiều, chẳng ai giúp tôi biết được ngày xưa ấy ở cùng bố Sơn, mẹ Huân là ở đâu.
Tường Thu - con gái tôi - đang công tác ở bên ấy (cháu là Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam ở Bắc Kinh), nhiều lần động viên mẹ: mẹ thử nhớ bằng linh cảm xem sao?
Thật khổ, hồi ấy tôi mới 5, 6 tuổi, bé tí. Bây giờ tôi nhớ dần từng kỷ niệm có bố Sơn, mẹ Huân rồi biết đâu bố mẹ lại cho tôi cái linh cảm chính xác.
Ngày ấy nhà mình ở tầng dưới phía trái của một tòa nhà hai tầng trong một doanh trại lớn của bộ đội Trung Quốc, cổng doanh trại nằm trên đường Tràng An kéo dài về phía tây Bắc Kinh, mình vẫn nhớ doanh trại ấy nằm phía nam đường Tràng An.
Chẳng biết bố Sơn mang từ đâu về một cái đĩa đen to có bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ", tóc bố xoăn tít, miệng ngậm điếu thuốc lá, mắt nheo nheo gọi mấy chị em mình, Hà gà tồ khoảng 5 tuổi, Cương chúa phá 4 tuổi, Hồng mắm tôm mới hơn 2 tuổi nhưng đã bập bẹ tiếng Việt cùng vào nghe mà nghe đi nghe lại bài thơ: "Đêm nay Bác không ngủ" bằng tiếng Việt Nam.
Khả năng thuộc lòng của mình kém nên không thuộc được nhưng bố Sơn có nói về Bác Hồ cho lũ trẻ thơ ngây chúng mình nghe. Mình vẫn nhớ căn phòng làm việc của bố toàn sách.
Mẹ Huân sinh em Hằng xong thì cả nhà lại chuyển vào khu trung tâm hơn. Năm 1990 mình nghỉ hưu sang Trung Quốc đi buôn, có được chú Hàn Thư Văn và anh Trần Hàn Phong dẫn đến khu nhà giống hệt nhà hồi ấy là khu nhà bác Tôn Nghị ở. Bây giờ chắc họ đã giải tỏa gần hết.
Tại khu nhà mới có bếp ở phía trong nhà, vào ngày chủ nhật bố mẹ hay làm cơm mời các cô bảo mẫu người Trung Quốc trông bọn mình và các chú bộ đội Trung Quốc bảo vệ bố mình cùng ăn cơm.
Hình ảnh bố Sơn tay cầm chảo xào nấu mà lửa bốc lên cao trong chảo in rất sâu trong trí nhớ của mình. Mình thì thích và nhớ món chẻo của người dân Đông Bắc Trung Quốc, cả nhà đều gói chẻo, bố Sơn, mẹ Huân và các cô bảo mẫu cùng gói còn các chú thì luộc và vớt.
Bọn trẻ chúng mình vui lắm cứ chạy vòng quanh. Sau này mỗi lần nhìn thấy các đầu bếp cầm chảo có lửa bốc cao trong chảo, mình lại nhớ hình ảnh bố Sơn.
Trong nhà mình đã thành thói quen từ bao giờ chẳng biết nữa, bọn trẻ chúng mình trong nhà, nói với nhau và với bố mẹ là phải nói tiếng Việt Nam. Nhiều ngày chủ nhật bố mẹ hay đưa Hà gà tồ và Cương chúa phá vào các trường đại học có anh Vũ Tuyên Hoàng, anh Vũ Huyền Giao - con trai bác Lê Hằng Phương với bác Vũ Ngọc Phan.
Mình học nói cho chuẩn tiếng Việt Nam. Mình còn nhớ rất rõ một lần bố mẹ và hai đứa chúng mình cùng đi trong sân trường với các anh, mà anh Giao cứ nhắc bọn mình nói đi nói lại từ "tàu bay", nói đi nói lại anh vẫn không chịu, đến bây giờ trong lòng vẫn không biết hồi bé nói sai như thế nào.
Lần khác, Cương chạy từ ngoài sân về mách mẹ Huân bằng tiếng Trung Quốc, hình như mách mẹ cái gì đó về mình, bố Sơn từ trong phòng sách đi ra, nghe được giận quá, đá phốc vào đít Cương, Cương lăn vài vòng mà không dám khóc. Chị em mình đứa nào cũng rất nhớ nỗi giận ấy của bố.
Ông bố nghiêm khắc nhưng thương con hết mực
Thời cuối những ngày ở Bắc Kinh ấy, mình rất thương bố. Phát hiện bố mắc bệnh ung thư phổi. Bố được đưa đến bệnh viện chuyên chữa phổi để mổ. Mình nhớ mình gặp cô Hồ Thị Bi ở bệnh viện gần núi ấy.
Mình quá bé để hiểu nhưng mẹ Huân bảo sáng ngày thứ nhất bố mổ, nặng quá bác sĩ lại khâu lại, chiều hôm ấy bố Sơn đã tỉnh, ngày thứ hai bố ngồi dậy được. Ngày thứ ba mẹ Huân đưa mình đến bệnh viện thăm bố.
Bố Sơn đã ra ban công vẫy mình đang đứng ở sân. Khi bố đã về nhà, có lần bác sĩ thay băng cho bố, mình trực tiếp được nhìn thấy vết mổ của bố, chỉ còn vai trái là bố đứt người ra làm đôi. Bây giờ nhớ lại thì biết bố đau đến thế nào.
Bố Sơn mình yêu các con lắm, lúc bố còn học ở Học viện Quân sự ở Nam Kinh, mẹ Huân, em Cương và mình cùng ở với bố. Bố học ở đấy từ năm 1951 đến năm 1954.
Chẳng biết từ mấy tuổi mình được gửi vào nhà trẻ. Tối chủ nhật vào trường, tối thứ bảy được bố mẹ đón về nhà.
Chẳng biết mấy tuổi nhưng vẫn nhớ sự nôn nóng mong bố mẹ đến đón của mình. Mình nhớ hình ảnh bố Sơn luôn dang tay đón mình chạy ào vào lòng bố, được bố bế xốc lên cao sung sướng.
Mình vẫn nhớ hồi ấy ở Nam Kinh có bánh chưng gói cùng với táo tàu, nhưng gói như bánh giò của Việt Nam.
Mỗi lần đưa mình vào trường, bố cũng mua cho mình một túm nhiều cái cho mang vào trường.
Cái đêm mẹ sinh em Việt Hồng ở Nam Kinh, mình vẫn nhớ là mẹ không vào viện mà sinh ngay tại nhà riêng. Bố rất lo lắng, nhà rất đông người, mình cứ chạy đi chạy lại, thấy tiếng em khóc, thấy bố ôm chặt em. Thế là mình có hai đứa em là Cương và Việt Hồng.
Về Bắc Kinh, khi vẫn còn trong doanh trại quân đội, mẹ sinh em Hằng ở bệnh viện, hôm bố đón em về mình nhớ lại không có mẹ đi cùng. Bố cứ bế và trêu em suốt dọc đường, bố rất vui, rất yêu em. Mình cứ nhớ vậy, nhưng thật lạ vì em còn rất bé nhưng bố cứ xốc nách giơ em lên cao.
Lần mình về Triệu Sơn, Thanh Hóa, đến thăm một bà cho bố mẹ mình ở nhờ nhà khi bố mẹ vừa cưới, lại còn cho bố mẹ nằm cái giường đôi duy nhất có trong gia đình.
Bà già kể: tôi có cậu con trai bé, ông Sơn rất thích bế và tung cậu bé lên cao. Mình nhớ ngay đến hình ảnh hồi bé bố đón em Hằng ở Bắc Kinh.
Em Hằng sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1955, khi bố Sơn mất ngày 21 tháng 10 năm 1956, em còn rất bé, mới chưa đầy 2 tuổi.
Bố Sơn đặc biệt chú ý đến ngày sinh nhật của mỗi người trong nhà, mình thì nhớ lắm ngày sinh nhật của mình là ngày 15 tháng 8. Bố Sơn, mẹ Huân năm nào vào ngày này cũng chuẩn bị hai mâm to hoa quả mà mình thích.
Mâm quả đó đầy đào, táo, lê, nho, quýt, chắc mình còn bé nữa nên thấy hai mâm quả to lắm. Sinh nhật mọi người có gì thì mình không nhớ nhưng ngày sinh của từng người trong nhà thì rất nhớ, nhớ đến tận già.
...
Ngày về Việt Nam
Chắc là vào những ngày tháng 9 năm 1956, cả nhà ra ga Bắc Kinh lên một toa tàu hỏa. Rất đông người ra tiễn bố mình, bọn trẻ con thì sung sướng chạy lon ton...
Hồi đó sông Hoàng Hà và sông Trường Giang đều chưa có cầu. Tàu qua sông đều phải xuống phà. Mình và em Cương thì mỗi lần tàu xuống phà đều chạy ra khỏi toa thích thú. Nhưng bố Sơn rất mệt vẫn từ từ ra cửa toa, mẹ Huân và các chú bác sĩ ngăn không được.
Lớn lên mới hiểu bố ra tạm biệt hai dòng sông - thực ra là vĩnh biệt hai dòng sông đã gắn với bố Sơn biết bao kỷ niệm, bố ra tận hưởng gió và hơi của sông. Mỗi lần bố ra rồi vào rất mệt. Mẹ Huân và các chú bác sĩ lại xúm vào chăm sóc bố.
Thỉnh thoảng đi qua thành phố nào đấy lại có các đoàn người Trung Quốc lên tàu thăm hỏi, nói chuyện với bố mẹ. Nhớ nhất là khi đến Bằng Tường thì xuống ga vào lúc trời tối - cả đoàn xe đi đến một nhà khách của Trung Quốc.
Tuy bọn trẻ chưa hết mệt nhưng đã thấy một đoàn xe ô tô của Việt Nam mà mẹ Huân giải thích: Các chú bộ đội Việt Nam đi một đoàn xe lên đón bố và cả nhà mình. Sau này lớn rồi mới biết bác Văn và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao cho chú Hoàng Minh Phương đi một đoàn xe lên đón ở Bằng Tường.
Sáng sớm hôm sau, lại lên đường bằng xe ô tô. Đến một bãi đất rộng bố Sơn đề nghị cho cả đoàn xuống ngồi nghỉ và ăn sáng...
Về đến Hà Nội trời cũng đã tối, mẹ Huân mượn xe đạp đèo mình đến ngay phố Yên Ninh, đến nhà chị Các báo cho anh chị là bố Sơn đã về đến Hà Nội. Chị Các vừa đi bán hàng xén về, anh chị vội vàng đưa các cháu đến gặp bố Sơn.
Mình nhớ anh Quang, chị Các và các cháu đến, tuổi ngang bọn mình, được bố Sơn, mẹ Huân cho ăn chuối tiêu chín cuốc và cốm Vòng. Bố Sơn dù rất mệt nhưng vẫn vui vẻ ngắm con gái cả và các cháu ngoại ăn cốm.
Sáng sớm hôm sau, mẹ Huân lại đèo xe đạp chở mình đến tòa soạn Báo Nhân dân ở phố Hàng Trống, vào nhà bà vợ ông Hồ Học Lãm đón chị Mai Lâm (lúc đó Hội Phụ nữ Trung ương giao chị cho bà Hồ Học Lãm nuôi).
Phải đợi một lúc chị Mai Lâm mới về. Ấn tượng đầu tiên của mình khi gặp chị là tóc chị xoăn xoăn, người rắn rỏi. Mẹ Huân đón ngay chị về ở với bố Sơn. Chị em mình ở với nhau từ ngày đó.
Những giây phút cuối cùng của bố
Ngôi nhà biệt thự số 91 phố Lý Nam Đế, một bên là đường tàu hỏa, sân rất rộng. Sau mấy ngày các chú Trung Quốc về nước, ngày nào bố cũng có nhiều khách đến thăm. Hôm đấy khi tiễn các chú, bố buồn lắm. Và bố phải vào nằm viện - Bệnh viện Hồng thập tự Việt Xô. Cứ chủ nhật các cô chú trông bọn trẻ chúng mình đều đưa vào thăm bố, mẹ thì ở bệnh viện với bố luôn.
Một lần các chú cho vào thăm bố và hứa là về thì cho mấy chị em ra Bờ Hồ. Nhưng vào bệnh viện bố Sơn bảo mẹ Huân: "Em cho các con về đi, anh nhìn thấy chúng nó anh buồn lắm".
Thế là các chú đưa về không cho đi Bờ Hồ. Về đến nhà chị Lâm rủ mình: "Chị đưa em ra Bờ Hồ, chị biết đường".
Mình nghe chị, đi với chị. Hôm đó ở Bờ Hồ có đua thuyền, rất đông người. Chiều nhá nhem hai chị em mới về đến phố Lý Nam Đế ở Cửa Đông. Đang đi trên đường vắng ngắt, gặp một cô trông bọn mình, cô gọi: "Hai chị em về ngay, mọi người tìm các cháu mãi. Bố các cháu mất rồi".
Mình còn chưa hiểu "mất" là gì. Chị Lâm giơ tay tát "bốp" vào mặt cô rồi khóc.
Hai chị em được các cô chú đưa vào bệnh viện. Chạy vào đến phòng bệnh thấy bố nằm yên trên giường bệnh, mẹ Huân ôm lấy hai chị em nhẹ nhàng bảo: hai con ra hôn bố đi. Chị Lâm vừa khóc vừa chạy ra ôm bố hôn. Tội nghiệp chị ở trong nước biết "mất" là thế nào, mà mới về với bố đẻ được 3 tuần thì bố đã ra đi, chị khóc rất ghê.
Mình thì chẳng biết gì, chạy ra ôm bố hôn vào má hóp lạnh ngắt của bố. Bố nằm yên lặng… Mình nghĩ bố đang ngủ sao lại lạnh thế nhỉ - chẳng biết gì nên không khóc.
Hôm sau các cô chú đưa ra câu lạc bộ Quân đội mặc cho áo xô, quan tài của bố choàng lá cờ đỏ sao vàng, chị Các khóc rất ghê.
Lúc Bác Hồ đến, mẹ Huân chạy ra nói với Bác: "Bác ơi, anh Sơn mất rồi" rồi khóc, còn bọn mình chạy ra đứng cạnh được Bác vuốt tóc.
Mình vẫn chẳng biết và hiểu gì, cứ thấy bao nhiêu đoàn bộ đội vào viếng.
Lũ trẻ lại còn rủ nhau ra bể bơi đằng sau nghịch.
Mãi đến lúc đoàn viếng đám tang rất dài và dân đứng đông hai bên lề đường, đông lắm, mình vẫn còn ngẩn ngơ, đi theo xe một cô nào đấy dỗ mình chứ mình không đi với mẹ và các chị, các em.
Đến lúc hạ quan tài có bố nằm trong xuống huyệt - lúc này mình mới chạy ra bờ huyệt - thế này thì bố bị chôn xuống đất rồi, bố không về được nữa, mới kêu gào khóc gọi bố.
Sau những ngày tang, nhà rất vắng và mình thấy cần mẹ hơn trước vô cùng vì chẳng còn bố Sơn của chúng mình nữa.
"Đi làm cách mạng chứ có đi làm thuê đâu mà nhận tiền"
Một lần nữa mẹ kể với mình - con gái lớn nhất của mẹ đẻ ra - mới được 7 tuổi vài tháng: "Đảng và Chính phủ Trung Quốc cho bố một số tiền lớn con ạ, nhưng bố nói với mẹ là: anh đi làm cách mạng chứ có đi làm thuê đâu mà nhận tiền, nộp cho nhà nước em nhé.
Anh sẽ viết sách lấy tiền nuôi các con em ạ. Nếu anh mất thì em hãy lấy tiền này gửi vào ngân hàng lấy lãi hàng tháng để nuôi các con còn quá bé của chúng mình".
Hôm chú Hãnh làm việc ở Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị mang hóa đơn nhận tiền đến, mẹ Huân đã không nhận và nói với chú Hãnh: "Anh Sơn đã dặn tôi là anh đi làm cách mạng chứ không phải là đi làm thuê nên tôi không nhận số tiền này được đâu, tôi phải làm theo lời anh dặn".
Chị Các hơn mẹ Huân 2 tuổi. Chị sinh năm 1924 còn mẹ Huân sinh năm 1926. Chị có nói với mình nhiều lần:
Hồi đấy ở Hà Nội một căn nhà có giá 1.000 nhân dân tệ, mà mẹ Huân nộp 28 căn nhà đấy em ạ.
Hồi bé khi mấy chị em ngồi ăn cơm với tép rim với rau muống luộc và mỗi đứa chỉ có hai bộ quần áo lành, Bác Hồ gọi cho vào ăn cơm mà nhiều lần phải mặc áo ẩm chưa khô - lại ngồi tán với nhau: Giá mẹ giữ lại một phần tiền thì 5 chị em mình đỡ khổ nhỉ.
Khi em Việt Hồng bị tâm thần phân liệt năm 1975, mẹ rất vất vả, bọn mình đều bộ đội, mình khuyên mẹ xin lại một ít tiền để mẹ nuôi chăm em. Mẹ Huân mình đã viết thư cho chú đại tá Hoàng Hải Phòng Hậu phương, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị là không được cho bọn mình nếu bọn mình viết đơn gửi các chú.
Mỗi lần viết lại những kỷ niệm về bố Sơn và mẹ Huân, mắt mình luôn nhòe lệ.
Vậy đấy, bây giờ sang tuổi 66 và năm thứ 11 bị tai biến mạch máu não, càng nghĩ càng hiểu càng thương quá bố Sơn, mẹ Huân mình và rất tự hào được làm con gái yêu của bố mẹ.
Bài viết được trích từ bộ sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sách Thái Hà xuất bản và phát hành.
Cuốn sách kể lại quá trình hoạt động cách mạng, công tác và cuộc sống đời thường, cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều câu chuyện có giá trị được viết trung thực, rõ ràng về thân thế sự nghiệp, thể hiện rõ cốt cách, phương pháp, tác phong của mỗi tướng lĩnh trên từng cương vị công tác.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét