TTO - “Việt Nam cộng hòa và trước đó là Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị mà Hiệp định Genève 1954 có nhiều nước trong đó Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký, công nhận".
TS Nguyễn Nhã phát biểu trong một tọa đàm về chủ quyền biển đảo - Ảnh: L.Điền
Như tôi đã nhiều lần phát biểu trong đó có hội thảo xây dựng bộ lịch sử trên, rằng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa là đất vô chủ - res -nullius) thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.
Từ năm 1954 - 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục
TS Nguyễn Nhã
Nhân việc bộ Lịch sử Việt Nam không dùng từ “ngụy quyền Sài Gòn” để chỉ chính thể Việt Nam cộng hòa trước 1975, TS sử học Nguyễn Nhã cho rằng việc thừa nhận này có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Nhã còn cho rằng: “Việt Nam cộng hòa và trước đó là Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị mà Hiệp định Genève 1954 có nhiều nước trong đó Trung Quốc và Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký, công nhận chính quyền hợp pháp quản lý lãnh thổ kể cả biển phía Nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước Việt Nam.
Về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử rất hiển nhiên không thể chối cãi. Có thể khi còn đấu tranh chính trị vì lợi ích chính trị thì không công nhận nhau cũng là chuyện thường tình.
Song chính trị thì có thể thay đổi, nhất là khi đất nước đã được thống nhất và đang có nhu cầu thống nhất lòng người, đoàn kết dân tộc để phát triển hùng cường và đấu tranh chống các nguy cơ từ nguy cơ trở thành thuộc quốc hay nguy cơ tụt hậu”.
Ads by AdAsia
Trong cái nhìn triển vọng về việc thừa nhận chính thể Việt Nam cộng hòa, ông Nhã cũng lưu ý rằng “Hiện nay có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng. Công nhận Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.
Không chỉ thế, theo ông Nhã, “... Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.
TS Lê Trung Tĩnh - Ảnh: LTT cung cấp
Việc từ bỏ cách gọi "ngụy quân", "ngụy quyền" và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh.
Mặt khác điều này có những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng công pháp quốc tế.
TS Lê Trung Tĩnh
Tác động tích cực với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Ngày 18-8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn.
Một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử quan trọng này là việc đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam.
Như lời trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện Sử học, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, tổng chủ biên bộ sáchLịch sử Việt Nam, đã nói: "Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn".
Nhiều tác giả, đặc biệt là Quỹ Nghiên cứu Biển Đông qua các bài viết của TS Dương Danh Huy, đã đi sâu về mối quan hệ giữa sự công nhận một hay hai quốc gia trong giai đoạn chiến tranh 1954-1975 và lập luận pháp lý bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Các nghiên cứu này đã so sánh các cách thức, quan điểm khác nhau và đi đến kết luận rằng việc công nhận hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 có lợi trong việc tranh biện pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trước Trung Quốc.
Và đó cũng là quan điểm có thể chấp nhận về mặt chính trị hiện nay, so với việc chỉ công nhận một quốc gia tại miền Bắc hay tại miền Nam.
Nhận định Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa là hai quốc gia cũng là điều được chấp nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế theo nghiên cứu của nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng.
Giáo sư James Crawford, giáo sư hàng đầu về công pháp quốc tế và là một thẩm phán tại Tòa án Công lý quốc tế, trong tác phẩm The Creation of States in International Law, đã cho rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa là hai quốc gia.
Theo ông, việc Hiệp định Genève 1954 thiết lập hai vùng tập kết quân sự phải được xem như sự thiết lập hai quốc gia. Trên phương diện luật pháp cũng như trên thực tế, lãnh thổ của mỗi quốc gia trên không phải là toàn bộ Việt Nam.
Ngoài ra sau này trong Hiệp định Paris 1973, Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa cũng được xem như hai thể chế trong việc sử dụng quân sự, tự khẳng định đối nội và đối ngoại, đáp ứng được các điều kiện có chính phủ và khả năng có quan hệ với các chính phủ khác.
Thật ra việc công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính thể quan trọng trong việc gìn giữ chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa đã được lãnh đạo Việt Nam đề cập trong các phát biểu quan trọng.
Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu trước Quốc hội ngày 25-11-2011 đã lặp lại không dưới ba lần từ "Việt Nam cộng hòa" và khẳng định: "Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp".
"Năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thì hải quân chúng ta đã tiếp quản năm hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản".
Cũng cần nhắc lại là ngày 19 và 20-1-1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc, 74 binh sĩ Việt Nam cộng hòa đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam.
Đó đơn giản là những người con của nước Việt, cũng như Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam cùng với Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Ý nghĩa của điều đó rất rõ và trường tồn đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng đấu tranh 1.000 năm để có một lãnh thổ, và 1.000 năm để giữ gìn lãnh thổ.
TS Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
Tiền đề thống nhất nhân tâm
Chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975. Đã đến lúc dân tộc phải tiến hành công cuộc hòa giải. Thống nhất đất nước phải là tiền đề cho thống nhất nhân tâm, thống nhất tinh thần dân tộc...
Có như thế dân tộc mới mạnh, mới đoàn kết để chống xâm lược, để giữ gìn giang sơn, đất trời và biển.
Ai cũng vui mừng vì đã đến lúc ta phải gọi cho đúng tên các thực thể dân tộc trong quá khứ.
Việt Nam cộng hòa là một thực thể lịch sử. Thừa nhận chính thể Việt Nam cộng hòa như nó đã tồn tại ta sẽ làm giàu có thêm cho dân tộc vì đã có một nền giáo dục, một nền văn học, pháp chế, kinh tế... mà chúng ta cần nghiên cứu để thừa kế những giá trị và gạt bỏ những khuyết điểm, những yếu kém...
Và trên hết là hòa giải dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc trong cuộc cạnh tranh và sống còn trong một thế giới còn nhiều thách thức.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc
LAM ĐIỀN ghi
CSVN viết lại lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa không còn là ‘ngụy quyền’
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ sách lịch sử Việt Nam (15 cuốn) vừa được tái bản lần thứ nhất. Bộ sách này đã được “chỉnh sửa, bổ sung” và khác hẳn ấn bản đầu tiên. Lịch sử Việt Nam đã được viết lại.
Trò chuyện với báo giới nhân dịp tái bản bộ sách lịch sử Việt Nam, ông Trần Đức Cường, chủ biên bộ sách này bảo rằng, công việc “chỉnh sửa, bổ sung” kéo dài chín năm với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia sử học. So với ấn bản đầu tiên, bộ sách lịch sử Việt Nam vừa được tái bản lần thứ nhất có nhiều điểm mới, chẳng hạn xác định vương triều nhà Mạc, vương triều nhà Nguyễn đã có nhiều đóng góp đáng kể cho quốc gia, dân tộc chứ không “phiến diện như trước…”
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về cuộc trò chuyện vừa kể thì trong lần tái bản đầu tiên, hai điểm mới, đáng chú ý nhất của bộ lịch sử Việt Nam là quan điểm của các sử gia CSVN về Việt Nam Cộng hòa và Trung Quốc.
Ông Cường giải thích, các sử gia CSVN vứt bỏ không sử dụng “ngụy quyền” khi đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa và “ngụy quân” khi đề cập đến quân lực Việt Nam Cộng hòa, bởi Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Trong bộ Lịch sử Việt Nam, tái bản lần thứ nhất, chỉ có chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.
Cũng theo lời ông Cường thì lần đầu tiên, trong một bộ thông sử Việt Nam, các sử gia CSVN ghi nhận sự kiện Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam năm 1979. Ông Cường nhấn mạnh, đó là “xâm lược” và người Việt đã đổ rất nhiều xương máu để kháng cự cho đến năm 1988.
Người Việt chưa được đọc bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, tuy nhiên qua truyền thống Việt Nam, dẫu bộ sách vừa kể có nhiều điểm mới song dường như chưa đầy đủ.
Sau sự kiện ra mắt bộ lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất, qua tờ Tuổi Trẻ, một số sử gia CSVN đã nêu thêm ý kiến về bộ sách này, với mong muốn “nội dung của nó sẽ toàn diện hơn.”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, cựu viện trưởng Viện Lịch Sử đảng CSVN, thừa nhận, trước đây, các sử gia CSVN “viết sử theo định hướng, không phản ánh hết sự thật lịch sử nên lịch sử còn rất nhiều khoảng trống.” Theo ông Hà, từ lâu ông đã ủng hộ quan điểm bỏ lối gọi “ngụy quân, ngụy quyền.” Việt Nam Cộng hòa là một thành viên Liên Hiệp Quốc, tham gia các cuộc đàm phán Paris, phải thừa nhận có một thực thể như vậy. Việt Nam Cộng Hòa cũng tỏ ra rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phải thừa nhận chứ không thể né tránh.
Ông Hà nói thêm rằng, thông sử Việt Nam phải đề cập cả tới những sai lầm của chính quyền CSVN như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng… Nếu cứ tránh những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm,” sai lầm thì lịch sử sẽ không hoàn chỉnh. Ông Hà đòi phải tôn vinh những người lính đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung Quốc. Phải như thế thì mới công bằng.
Nhận định của ông Vũ Dương Ninh, giảng viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội, có rất nhiều điểm tương đồng với ông Hà. Ông Ninh đòi lấp những “khoảng trống trong lịch sử” về Việt Nam Cộng hòa, về các sai lầm của chính quyền CSVN (Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng…) bằng cách thu thập sử liệu khách quan, tôn trọng tính khách quan của lịch sử và phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị, để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì sử không còn là sử nữa. Theo ông Ninh, phải rạch ròi giữa nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong lịch sử. Ông Ninh nhắc thêm, sau việc tái bản bộ lịch sử Việt Nam, phải tính tới sách giáo khoa môn Sử.
Hồi Tháng Hai vừa qua, Ban Tuyên Giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN từng tổ chức một cuộc thảo luận về sử học. Lúc đó, nhiều sử gia CSVN từng công khai than phiền, dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, việc trình bày lịch sử Việt Nam tạo ra nhiều khoảng trống vì có quá nhiều “vùng cấm” như: Cải cách ruộng đất, nhân văn-giai phẩm, xét lại chống đảng, Việt Nam Cộng Hòa, thuyền nhân Việt Nam, cuộc chiến chống Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc… Do đó phải xác lập một quan điểm mới trong việc trình bày lịch sử. Không nhìn rõ những sai lầm trong quá khứ thì khó tránh cho xe đổ ở tương lai. Không nghiên cứu toàn diện về chính quyền Việt Nam Cộng hòa khó rút ra được bài học nào cho sự nghiệp xây dựng đất nước, cũng như thúc đẩy hòa hợp, hòa giải dân tộc. (G.Đ)
TTO - Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản lần thứ nhất đã đưa ra những quan điểm tiến bộ, trong đó từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy quân, ngụy quyền và chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam trong chiến tranh biên giới phía Bắc...
Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - Ảnh: ĐÀO VĂN SỬ
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ năm 1979 cần phải chỉ đích danh là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đánh Việt Nam.
Không thể gọi là quân Trung Quốc tiến xuống hay tiến vào Việt Nam, bởi như vậy không nói lên được bản chất vấn đề.
Sách giáo khoa lịch sử phải viết cụ thể về cuộc chiến này, chứ không thể viết dăm ba dòng như vậy thì ai có thể hiểu được?
PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử, cùng góp một góc nhìn để lịch sử Việt Nam được toàn diện hơn.
Ảnh: LÊ KIÊN
* PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng):
Phải công khai tôn vinh những người hi sinh vì chống quân Trung Quốc
Lâu nay chúng ta viết lịch sử theo định hướng, không thực sự phản ánh hết được sự thật lịch sử. Còn rất nhiều khoảng trống trong lịch sử như các nhà sử học từng nói.
Không thể vì chúng ta vào khai phá đất phương Nam từ thế kỷ 16 thì chúng ta chỉ viết từ thời điểm ấy. Vậy còn trước đó thì sao?
Hoặc lâu nay chúng ta chỉ viết về lịch sử của người Việt, mà ít viết về lịch sử các dân tộc thiểu số.
Tôi đã ủng hộ việc từ bỏ cách gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa, chính quyền Sài Gòn là ngụy quân, ngụy quyền từ lâu rồi.
Cách gọi chính quyền này là “ngụy” rõ ràng mang tính biểu cảm, miệt thị, vẫn còn hơi hướng của đấu tranh quan điểm.
Chính quyền Việt Nam cộng hòa có tham gia Liên Hiệp Quốc, tham gia các cuộc đàm phán Paris. Chúng ta phải thừa nhận có một thực thể chính quyền tồn tại như vậy.
Trước đây, do đấu tranh ý thức hệ, phía chính quyền Sài Gòn cũng gọi người lính miền Bắc là Việt cộng, Cộng quân...
Nhưng bây giờ cần thay đổi cách gọi với tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, không mang tính hằn thù, chia rẽ nữa.
Thời kỳ Việt Nam cộng hòa cũng rất có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Có những người lính Việt Nam cộng hòa đã chết vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước, chúng ta phải viết chứ không thể né tránh.
Những vụ việc như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống Đảng... chúng ta phải viết. Nếu cứ thấy những vấn đề thường được gọi là “nhạy cảm”, có sai lầm mà tránh đi thì lịch sử sẽ không hoàn chỉnh.
Những cán bộ, chiến sĩ của ta đã chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược phải được tôn vinh như những người lính kháng Pháp, kháng Mỹ.
Vì sao họ ngã xuống lại không được nhắc đến? Phải công bằng với hi sinh của họ. Điều này cần thay đổi.
Ảnh: N.V.ANH
Lịch sử không thể chỉ có những chiến công, thắng lợi. Bởi những sai lầm trong lịch sử cũng là bài học kinh nghiệm cho hiện tại và để tương lai không phạm phải nữa
GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH
* GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH(Đại học Quốc gia Hà Nội):
Phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa
Những vấn đề còn khuất lấp của lịch sử như vấn đề ba nền văn hóa cổ đại ở nước ta, các vương triều phong kiến, cuộc cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, chính quyền Việt Nam cộng hòa... thì trong giới sử học từng trao đổi nhiều, nhưng gần đây vấn đề này đã được nói rộng rãi, công khai.
Theo tôi, để có thể làm sáng tỏ được những khoảng trống lịch sử đó cần phải làm được ba điều sau đây:
Trước tiên, phải thu thập sử liệu khách quan. Có nhiều khoảng trống lịch sử có thể do chưa đủ tư liệu. Thu thập tư liệu là một quá trình lâu dài, không phải bỗng chốc mà có đầy đủ, nhưng cần trên tinh thần có tư liệu đến đâu thì trình bày (trong) lịch sử đến đó.
Thứ hai là phải thực sự tôn trọng tính khách quan của lịch sử. Bấy lâu nay, trong chừng mực nhất định chúng ta chưa hoàn toàn bảo đảm được điều đó khi viết sử.
Nguyên tắc tôn trọng tính khách quan của lịch sử là rất quan trọng với người nghiên cứu. Nói cho cùng, chưa thể khẳng định cái gì là hoàn toàn khách quan, nhưng phải từng bước tiếp cận gần nhất với sự thật lịch sử.
Thứ ba, phải hiểu cho đúng thế nào là sử học phục vụ chính trị. Để phục vụ chính trị mà cắt xén lịch sử thì không còn là lịch sử nữa.
Bất cứ ngành khoa học nào cũng đều phải phục vụ vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, đất nước... nhưng đừng vì những điều đó mà cắt xén lịch sử, hoặc trình bày lịch sử một cách phiến diện.
Không thể cứ điều gì có lợi cho “ta” thì mới nói, còn những gì thực tế lịch sử diễn ra nhưng không có lợi cho “ta” thì lại không nói. Phải rạch ròi giữa hai chuyện nói xấu lịch sử và nói ra cái xấu trong lịch sử là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Quan trọng hơn hết là những người nghiên cứu, chấp bút lịch sử phải dựa trên cứ liệu lịch sử thực chứng và có cái tâm, tức thái độ khách quan với các sự kiện lịch sử.
Những khoảng trống lịch sử trong sách giáo khoa cũng phải được san lấp nhưng tùy theo từng lứa tuổi, trình độ học sinh để đưa các sự kiện lịch sử cho các em có sự tiếp cận phù hợp.
Một bức ảnh không xa lạ trên mạng về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc
Tiếp thu các quan điểm trên tinh thần cầu thị
GS.NGND VŨ DƯƠNG NINH: Ngoài những tài liệu lịch sử Việt Nam, rất cần trân trọng những tài liệu và quan điểm lịch sử của các học giả nước ngoài viết về Việt Nam.
Chúng ta nên tiếp thu trên tinh thần cầu thị, chứ không thể như bấy lâu nay ai khen thì ta tiếp nhận, ai chê thì ta không tiếp thu. Những góc nhìn của các học giả nước ngoài đôi khi làm cho chúng ta tỉnh ngộ vì họ có phương pháp nghiên cứu khác, cách nhìn khác.
Những hình ảnh như thế này phải chăng đã đến lúc phải đưa vào sách giáo khoa?
Nhìn thẳng vào lịch sử để hòa giải với quá khứ
Câu chuyện xác lập quan điểm mới để làm sáng rõ những khoảng trống lịch sử Việt Nam dù đã được giới sử học bàn luận, nhưng chỉ thực sự thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng khi GS Phan Huy Lê chính thức đưa ra tại trụ sở Ban Tuyên giáo trung ương tháng 2-2017.
Một trong những luận điểm quan trọng nhất của GS Lê là: “Tất cả các nền văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam đều là di sản của văn hóa Việt Nam, đều là bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam”.
Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy được ghi lại trong sử sách vốn đã có nhiều khoảng khuất.
Nhưng lịch sử hiện đại Việt Nam lại càng có nhiều “vùng cấm” thật khó tìm được đầy đủ trong sách giáo khoa như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, nạn thuyền nhân Việt Nam, vụ án xét lại chống Đảng, chính quyền Việt Nam cộng hòa, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc...
Đành rằng các sử gia khi viết sử đều khó thoát ly hoàn toàn khỏi các yếu tố chính trị, nhất là với một đất nước phải trải qua chiến tranh nhiều như Việt Nam.
Nhưng GS Phan Huy Lê đã phản biện quan điểm làm sử bị chính trị chi phối rằng lịch sử phải khách quan mới có thể tồn tại lâu dài.
GS sử học Nguyễn Quang Ngọc cũng từng lo ngại việc môn sử được huy động như một môn minh họa cho chính trị đã làm mất đi thế mạnh của môn lịch sử, làm cho nó yếu kém.
Vì vậy, việc công khai xác lập quan điểm viết sử mới của các sử gia Việt Nam lúc này thực sự rất cần thiết. Các vụ việc cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, xét lại chống Đảng... cần được nghiên cứu một cách khoa học.
Chỉ có nhìn rõ những sai lầm trong quá khứ thì chúng ta mới tránh được vết xe đổ ấy trong tương lai.
Nghiên cứu toàn diện về chính quyền Việt Nam cộng hòa sẽ giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học cho sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay và thúc đẩy hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Quan trọng hơn, sách giáo khoa lịch sử cần phải cập nhật nhanh chóng những quan điểm sử học mới này.
Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử là cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để hòa giải với quá khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét