Trong nhiều thập kỷ, Thượng Hải nằm trong tay ông Giang Trạch Dân và các quan chức thân cận, được gọi chung là “Băng nhóm Thượng Hải”. Với việc ông Tập tiếp tục củng cố quyền lực sau Đại hội 19, dường như Băng nhóm này có thể sẽ sớm bị tan rã.
Vào ngày 29/10, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo ông Lý Cường (Li Qiang) sẽ tiếp quản chức vụ bí thư thành ủy Thượng Hải, vị trí quyền lực nhất của thành phố, sau khi ông Hàn Chính (Han Zheng), hiện đang giữ chức vụ này, sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị. Ông Hàn được đề bạt lên cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 19, một cuộc họp chính trị được tổ chức 5 năm 1 lần, để bầu ra thế hệ lãnh đạo mới của ĐCSTQ.
Ông Lý Cường, 58 tuổi, là một đồng minh thân cận của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc hiện nay. Trước đây, khi ông Tập làm bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Lý phụ trách Ôn Châu, một thành phố lớn thuộc tỉnh Chiết Giang. Sau đó, vào năm 2004, ông Lý được đề bạt làm Chánh văn phòng tỉnh ủy Chiết Giang, thư ký cho ông Tập, và trở thành cánh tay phải của ông Tập.
Sau khi ông Tập lên nắm quyền tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 vào năm 2012, ông Lý được thăng tiến làm tỉnh trưởng Chiết Giang. Năm ngoái, ông Lý thay thế một quan chức thuộc phe ông Giang, để trở thành bí thư tỉnh ủy Giang Tô, vị trí lãnh đạo cao nhất tại một tỉnh duyên hải giàu có, nằm tiếp giáp với Thượng Hải.
Ông Lý Cường sẽ thôi chức vụ ở Giang Tô để tiếp quản chức vụ bí thư thành ủy Thượng Hải. Ngoài ra, ông Lý cũng là ủy viên Bộ chính trị mới, gồm có 25 quan chức đứng đầu ĐCSTQ.
“Động thái này cho thấy Thượng Hải, từng bị ông Giang Trạch Dân kiểm soát, hiện đang nằm trong tay ông Tập Cận Bình”, theo ông Khương Duy Bình (Jiang Weiping), một nhà báo kỳ cựu chuyên phân tích về Trung Quốc, sống tại Canada, cho biết.
Cũng theo nhà báo Khương, sẽ có thêm nhiều thay đổi nhân sự ở Thượng Hải, khi xem xét bối cảnh thành phố này từ lâu đã bị thống trị bởi Băng nhóm Thượng Hải.
Và mặc dù ông Hàn Chính, người có quan hệ gần gũi với ông Giang, đã được thăng tiến lên Ban Thường vụ Bộ chính trị, nhưng ông Khương tin rằng việc điều ông Hàn ra khỏi căn cứ địa Thượng Hải, thực sự là “điệu hổ ly sơn”.
Ngoài thành phố Thượng Hải, ông Tập cũng thực hiện những cải tổ trong bộ máy lãnh đạo của 3 thành phố lớn khác của Trung Quốc là Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thiên Tân, qua đó đã kiểm soát vững chắc 4 thành phố lớn nhất này của Trung Quốc.
Trong khi ở Bắc Kinh, bí thư thành ủy là ông Thái Kỳ, người đã làm việc dưới quyền ông Tập khi cả hai ông còn làm tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang, thì ở Trùng Khánh, một thành phố từng bị thống trị bởi phe cánh ông Giang, hiện đang được lãnh đạo bởi bí thư thành ủy Trần Mẫn Nhĩ, một đồng minh nữa của ông Tập.
Cuối cùng là Thiên Tân, với bí thư thành ủy là ông Lý Hồng Trung (Li Hongzhong), một quan chức tuy đã từng có quan hệ thân thiết với ông Giang, nhưng đã nhiều lần bày tỏ sự trung thành với ông Tập. Vì vậy, ông Lý Hồng Trung được các nhà quan sát chính trị coi là một người quay lưng lại phe phái ông Giang.
Băng nhóm Thượng Hải
Cụm từ “Băng nhóm Thượng Hải” ám chỉ một phe chính trị khét tiếng, được dẫn dắt bởi cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân. Phần lớn những quan chức leo lên vị trí lãnh đạo ở Thượng Hải đều thông qua các mối quan hệ với ông Giang, khi ông Giang làm bí thư thành ủy Thượng Hải.
Phe cánh của ông Giang kiểm soát toàn bộ Trung Quốc trong những năm nhiệm kỳ của ông ta (1989-2002), và sau đó tiếp tục gây ảnh hưởng từ hậu trường dưới thời của người kế nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào (2003-2012). Nhiều thành viên trong Băng nhóm Thượng Hải đã trở nên giàu có nhờ tham nhũng, hưởng lợi và thăng tiến vì tuân thủ các chính sách mà ông Giang khởi xướng, trong đó có cuộc đàn áp đối với các học viên Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa của Trung Quốc, theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã tìm cách đánh bật phe phái ông Giang, và củng cố sự kiểm soát đối với chính quyền Trung Quốc, thông qua một chiến dịch chống tham nhũng. Mặc dù nhiều thành viên cao cấp của phe ông Giang đã bị thanh trừng, nhưng phe phái ông Giang vẫn tỏ ra có ảnh hưởng trong các bộ máy chính quyền quan trọng, như tuyên truyền và an ninh.
Một trong những đồng minh thân cận của ông Giang hiện vẫn còn đương chức, là ông Mạnh Kiến Trụ, bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, người đứng đầu bộ máy an ninh Trung Quốc. Ông Mạnh đã được ông Giang giúp thăng cấp nhanh chóng khi ông Giang còn làm bí thư Thượng Hải trong những năm 1980.
Phạm Duy, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét