Paulus Lê Sơn
Một quốc gia có những hành động tạo chiến một cách hệ thống và gây tổn thất lớn cho các quốc gia khác như vậy thì thử hỏi những lời diễn văn rồng bay phượng múa của Tập tại APEC Đà Nẵng có thật lòng?
Chiều ngày 10.11.2017, trong Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương APEC diễn tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đã có bài phát biểu với lời kêu gọi kêu gọi phát triển đa phương, mở cửa ở Châu Á-Thái Bình Dương. Và hứa “Chúng tôi cam kết tạo ra sự phát triển hòa bình ổn định ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế bình đẳng, cùng có lợi”.
Một bài phát biểu dài khoảng 1700 từ đã được dịch sang tiếng Việt, với những lời lẽ có cánh, tô vẽ một bức tranh kinh tế sáng ngời cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, “Xây dựng một khu vực tự do ở Châu Á-Thái Bình Dương là giấc mơ chúng ta cùng nuôi dưỡng”.
Kêu gọi thế giới bắt đầu một điểm mới, một trang mới, ông Tập còn mượn lời của một nhà hiền triết “chúng ta cần nhìn về tương lai, chứ không nhìn vào quá khứ”. ông Tập cho rằng Châu Á-Thái Bình Dương phải hợp tác đa phương với nhau, thúc đẩy nền kinh tế mở để có một tương lai tươi sáng hơn. ”Mở cửa mang lại tiến bộ, đóng cửa sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Trung Quốc trong mắt thế giới như thế nào?
Tập Cận Bình thao thao bất tuyệt trên diễn dàn mà quên đi thực tế là dưới sự lãnh đạo của Tập và cộng sản Trung Quốc thì đất nước của mình đang như thế nào trong mắt của cộng đồng Quốc tế. Trong một bài báo của tờ VnEconomy có tựa đề “Vì sao Trung Quốc xấu xí trong mắt quốc tế?”. Trong đó nói sự thực là nhiều quốc gia ở châu Á hiện đang xem Trung Quốc như một “gã to xác chuyên đi bắt nạt”…
Học giả Dingding Chen đã đưa ra nhận định rằng, hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức. Tuy vậy, nếu được yêu cầu phải chọn lựa giữa vấn đề lợi ích quốc gia và việc bảo vệ hình ảnh quốc gia, Trung Quốc sẽ chọn lợi ích quốc gia.
Các số liệu thống kê do BBC World Service tiến hành cho thấy, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc chưa xứng tầm với một Quốc gia lớn hàng đầu. Đặc biệt tại Hàn Quốc, chỉ có 32% số người được hỏi có cái nhìn tích cực đối với Trung Quốc, trong khi số người ghét cay ghét đắng Trung Quốc chiếm tới 56%. Ở Nhật Bản, tình hình còn tệ hơn khi chỉ có 3% người Nhật có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, thấp kỷ lục, trong khi có tới 73% đánh giá Trung Quốc có ảnh hưởng tiêu cực ở khu vực châu Á.
Với các quốc gia phát triển thì cái nhìn về Trung Quốc con số phần trăm thấy xấu hơn là tích cực.
Với Việt Nam thì hầu như đại đa số trong 90 triệu dân không thích Trung Quốc, bằng chứng là người dân Việt luôn biểu tình chống Trung Quốc dù bị nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội bắt giữ. Rõ ràng nhất cho chính kiến của dân Việt Nam là trạng thái giận dữ khi Tập Cận Bình phát biểu được livestream trực tiếp trên các kênh thông tin.
Vì sao hình ảnh Trung Quốc lại xấu như vậy?
Lời nói và việc làm của lãnh đạo cộng sản thường mâu thuẫn nhau. Trung Quốc đã luôn nỗ lực trong các năm gần đây nhằm nâng cao quyền lực mềm cũng như xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực trên thế giới. Thế mà, thật khó hiểu là tại sao hình ảnh quốc tế của họ lại có kết quả đắng như vậy?
Câu trả lời đơn giản và dễ thấy, dễ nhận ra cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào dù xa gần kề cận biên giới với Trung Quốc, đó là họ có cách cư xử theo cách làm tổn hại hình ảnh quốc gia của chính họ bằng việc gây hấn, xâm lấn, và đe dọa với bất cứ nước láng giềng nào.
Nhiều quốc gia ở châu Á hiện đang xem Trung Quốc như một “gã to xác chuyên đi bắt nạt” các quốc gia nhỏ hơn. Trung Quốc không ngần ngại tranh chấp biển đảo với Nhật Bản qua vụ Senkaku/Điếu Ngư. Tranh chấp với Phillipine, Indonesia, Malaysia tại khu vực Biển Đông. Tranh chấp Đá ngầm Socotra với Hàn Quốc. Áp đặt đường lưỡi bò tại Biển Đông. Trung Quốc tranh chấp với Ấn Độ tại vùng biên giới mà phía Ấn Độ gọi là Doklam, còn Trung Quốc gọi là Động Lãng.
Với Việt Nam, trên biển thì Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, bắn giết ngư dân, đặt giàn khoan… trên đất liền thì Trung Quốc chủ động gây ra những cuộc chiến để xâm chiếm lãnh thổ biên giới phía Bắc.
Một quốc gia có những hành động tạo chiến một cách hệ thống và gây tổn thất lớn cho các quốc gia khác như vậy thì thử hỏi những lời diễn văn rồng bay phượng múa của Tập tại APEC Đà Nẵng có thật lòng?
Một kẻ vừa ăn cắp xong tay có thể hùa vào đám đông mà la làng lên như không có gì, và thường thì tên kẻ cắp đó lại la lớn nhất, to nhất. Miệng của nó vẫn cứ hô to, la lên nhưng tay của nó thì nhẹ nhàng điêu luyện mà thón từng món đồ trong túi của người bên cạnh.
Tập Cận Bình có đủ sự khả tín để kêu gọi sự hợp tác đa phương, mở ra một chân trời mới cho tương lai Trung Quốc, khu vực châu Á -Thái Bình Dương và trên toàn thế giới?
11.11.2017
L.S.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét