Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Tập Cận Bình, nhân vật vĩ cuồng nguy hiểm; Các Nhân Tố Mang Phép Lạ Mới Cho Trung Quốc



Bởi
 AdminTD
 -

Bùi Tín
4-11-2017


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa sắp sang Việt Nam dự cuộc họp APEC – Hội nghị kinh tế châu Á Thái Bình Dương. Ông Tập xuất ngoại lần này ngay sau cuộc Đại hội đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ XIX, được coi như một sự kiện lớn lao nhất của nước lớn này trong năm nay, một thắng lợi to lớn của cá nhân ông.
Trong đại hội, ông Tập đã đọc một bài diễn văn dài hơn 30 ngàn từ, trong 3 tiếng rưỡi, khiến ông Giang Trạch Dân ngồi ở hàng đầu phải ngáp dài và nhiều lần nhìn đồng hồ tay, tỏ ý sốt ruột.
Tại đại hội, ông Tập được suy tôn là lãnh tụ vĩ đại, ngang hàng với ông Mao khai sinh ra nước Trung Hoa mới của triều đại cộng sản, được ghi tên trong Điều lệ của đảng, đang dắt dẫn Trung quốc trên con đường là cường quốc hàng đầu của thế giới trong thời gian không xa, vào năm 2049 – kỷ niệm tròn một thế kỷ ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1949, vào giữa thế kỷ XXI, được nhấn mạnh trong khẩu hiệu đẹp đẽ «Bách niên mục tiêu.»
Ông Tập đã nêu bật nội dung của «Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung quốc», đưa Trung quốc trở lại là nước bá chủ khu vực và thế giới thời xa xưa của Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông và Tống Tổ, đứng ở hàng đầu thế giới về tổng sản phẩm xã hội, nâng cao nhanh thu nhập và sản phẩm tính theo đầu người.
Ông Tập quảng bá cho «Giấc mộng Trung hoa trong thời đại mới», với «con đường tơ lụa mới» và «vành đai ven biển lớn», xây dựng thàng công Trung quốc thành «Quốc gia hùng cường tươi đẹp.»
Ông Tập Cận Bình thực hiện giấc mộng Trung Hoa bằng con đường nào? biện pháp nào?
Có thể tóm tắt là đảng cộng sản Trung quốc sẽ thực hiện mục tiêu trên bằng «đường lối toàn trị của một đảng duy nhất», theo phương châm «lấy đảng trị nước,» không nhắc gì đến Hiến pháp, luật pháp, đến tự do ứng cử, bầu cử, đến các quyền tự do của người dân, đến nhân quyền của 1,3 tỷ nhân dân Trung quốc.
Theo tinh thần của đại hội, các tổ chức xã hội dân sự đều đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc.
Các nhà bình luận chính trị thế giới đều hầu như nhất trí cho rằng ông Tập Cận Bình đã không che dấu ý đồ trở thành lãnh tụ vĩ đại loại lớn nhất cùng ngang hàng với Mao Trạch Đông, đó là «khát vọng vĩ nhân», không chịu thua kém ai.
Ông Tập đang thay thế quyền uy của lãnh đạo tập thể bằng «uy quyền cá nhân không hạn chế», để nhiều người cho rằng sau Đại hội XIX, ông Tập đã trở thành «Hoàng Đế Đỏ,» «Hoàng Đế của Trung hoa Cộng sản.» Cho đến tổng thống D. Trump của Hoa Kỳ cũng nhận định ông Tập là Hoàng Đế.
Giấc mộng vàng Trung Hoa của ông Tập liệu có thành hiện thực?
Khó, khó khăn lắm, nếu không nói là đó là một sự hoang tưởng, một sự toan tính chủ quan, xa rời thực tế, xa rời thời đại, xa rời mong muốn của đông đảo người dân Trung Quốc.
Cần nhớ lại lời khuyên của ông Đặng Tiểu Bình trước khi trút hơi thở cuối cùng cho các cận thần lúc đó, tóm tắt trong 4 chữ «thao quang dưỡng hối», với nội dung là trong vòng 30, 40 năm hãy lẳng lặng phát triển, nín thở qua sông, chớ để lộ tham vọng, ý đồ lớn của mình. Vì xa gần, xung quanh Trung quốc có quá nhiều đối thủ hùng mạnh nguy hiểm, luôn sẵn sàng ngăn cản sự phát triển lớn mạnh của Trung quốc, nhất là về quân sự. Đó là Hoa Kỳ, là Âu châu, Úc châu, là Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á. Họ sẽ phong tỏa các bí mật kỹ thuật hiện đại, các sáng kiến phát minh mới, các loại vũ khí tân tiến, các bằng sáng chế bí mật… Trong khi đó về không quân, tên lửa hiện đại, nhất là về hải quân hiện đại Trung quốc còn rất xa, rất lâu mới bằng được mức Hoa Kỳ hiện nay, (có mặt như hải quân hiện chỉ bằng 1/6).
Hơn nữa mức sống của nhân dân nói chung còn thấp, mức sống nhân dân vùng nội địa (như Tây Tạng, Tân Cương ở phía Tây và Tây Bắc) lại càng thấp so với vùng duyên hải, các thành quả phát triển giành cho ngân sách quốc phòng ngày càng cao, tệ nạn quan liêu, tham nhũng lan tràn quy mô lớn vẫn còn nặng nề, lấy đâu ra phần để cải thiện cuộc sống của hàng tỷ nhân dân?
Trung quốc dưới ông Tập sẽ là nước «đảng giàu, nước mạnh lên, dân đói khổ ô nhục như nô lệ.»
Điều rất rõ khát vọng dân chủ của nhân dân lục địa ngày càng mạnh mẽ thời mở rộng cửa, giao lưu, thông tin quốc tế tràn ngập, tuổi trẻ ngày càng có khát vọng tự do, khi nền kinh tế tư nhân đã chiếm trên 60% giá trị, chế độ «độc tài cá nhân», chế độ toàn trị của hoàng đế họ Tập sẽ không dễ gì được đông đảo nhân dân Trung quốc chấp nhận. Hồng Kông đến nay vẫn một mực cứng đầu duy trì quyền tự do cố hữu với cả một thế hệ trẻ kiên cường. Đài Loan đang có xu hướng đòi độc lập, giữ vững quy chế «một nước, 2 chế độ», gắn bó quân sự với Hoa Kỳ bất chấp mua chuộc và đe dọa của lục địa chĩa sang hàng ngàn tên lửa.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào đòi dân chủ của Trung quốc vẫn kiên trì dù bị đàn áp khốc liệt. Các nhà giàu bỏ chạy ra nước ngoài. Phong trào thoát Cộng vẫn diễn ra, phong trào Pháp Luân Công vẫn dai dẳng.
Cho nên nền độc tài cá nhân, chế độ toàn trị phản dân chủ của ông Tập cận Bình đã làm cho ông Tập trở thành một nhân vật nguy hiểm về nhiều mặt, nguy hiểm vì đường lối bá quyền, bành trướng, xâm lược (cả về quân sự, kinh tế và văn hóa) đối với mọi khu vực, từ phía Đông, phía Nam, phía Tây, cho đến châu Phi, châu Mỹ la tinh.
Xin nhớ Trung quốc cách đây không lâu đã từng động binh gây sự vũ trang xung đột với Liên Xô cũ, với Ấn Độ, với Việt Nam, Triều tiên, Miến điện…
Hiện nay đã hình thành «tứ giác kim cương» gồm Hoa Kỳ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc châu công khai hình thành để ngăn chặn Trung quốc. Họ chỉ chờ Việt Nam tự nguyện gia nhập.
Ông Tập cũng là nhân vật nguy hiểm cho nhân dân Trung quốc, mà khát vọng tự do, khát vọng phát triển để cải thiện cuộc sống khỏi nghèo đói, môi trường khỏi bị tàn phá nặng nề, đã bị ông Tập hy sinh một cách phũ phàng cho tham vọng vĩ nhân hão huyền của ông ta.
Xin nhớ trong bài diễn văn tràng giang đại hải của ông Tập, vắng hẳn bóng của nhân dân, vắng hẳn các khái niệm dân chủ, nhân quyền, ngoài một câu lơ lửng vuốt đuôi không có nội dung: «Đặt lợi ích của nhân dân ở vị trí tối cao.»(!)
Mong rằng bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam hãy cùng các tổ chức xã hội dân sự ngoan cường nhận diện cho thật rõ vị khách nguy hiểm nổi bật sắp sang nước ta nhân dịp cuộc họp APEC sắp đến.


Các Nhân Tố Mang Phép Lạ Mới Cho Trung Quốc

Tác giả: Michael Spence
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
24-10-2017
Khi Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng Sản Trung Quốc  (ĐCSTQ) mở ra, nhiều người quan tâm xem ai sẽ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền của Tập Cận Bình trong năm năm tới. Tuy nhiên, quỹ đạo tương lai của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào một nhóm khác của những nhà lãnh đạo, những người ít thu hút được chú ý hơn, đó là giới kỹ trị mà họ sẽ thực hiện các công tác chuyên biệt, liên quan đến cải cách và chuyển hoá nền kinh tế Trung Quốc.
Trong hơn bốn thập niên qua, giới chuyên gia của Trung Quốc đã cùng khởi động một sự chuyển đổi kỳ diệu. Thế hệ hiện tại, một nhóm có thực tài của các nhà hoạch định chính sách sẽ từ chức vào khoảng tháng Ba năm 2018, họ chuyển quyền lãnh đạo cho thế hệ mới. Thế hệ này – có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm và phần lớn họ thành công về thành quả của chính mình – họ được chuẩn bị để thực hiện các tiến bộ về kinh tế và xã hội của Trung Quốc với tài năng và cống hiến to lớn. Vấn đề được đặt ra là, liệu họ sẽ có một phạm vi thông thoáng để tiến hành không.
Có một điều chắc chắn là thế hệ nối tiếp của các nhà kỹ trị sẽ phải đối mặt với những điều kiện hoàn toàn dị biệt với những gì mà những người tiền nhiệm của họ gặp phải. Trung Quốc đã đạt đến một thời điểm bất trắc quan trọng. Ngoài các vấn đề cố hữu trong tiến trình chuyển đổi thế hệ, đã có một sự thay đổi gây nhiều ấn tượng trong khuôn khổ chính sách chủ đạo của Trung Quốc dưới thời của Tập.
Dưới thời của Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo đã khởi xướng “cải cách và mở cửa” triệt để vào năm 1978 – mục tiêu chính sách duy nhất là chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế quốc nội, đạt được với mô hình quyết định hợp tác bao gồm cả cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ. Đặng rõ ràng đã loại trừ một chương trình nghị sự quốc tế rộng lớn hơn cho Trung Quốc – một nguyên tắc mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã theo đuổi trong hơn ba thập niên.
Kể từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập đã thay đổi khuôn khổ chính sách này bằng nhiều phương cách chính. Để khởi động, ông đã giải quyết vấn đề tham nhũng tràn lan đã làm suy yếu lòng tin nơi ĐCSTQ (và nó lan rộng ra đến mô hình quản lý của Trung Quốc), bằng cách ông tung ra một chiến dịch chống tham nhũng đụng đến tầng lớp cao cấp nhất trong giới lãnh đạo của Đảng chưa từng thấy.
Nhiều người mong rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập là một sáng kiến tạm thời, nhằm mở đường cho việc thực hiện các cải cách kinh tế mạnh mẽ, được công bố tại Đại Hội III của Uỷ ban Trung ương lần thứ XVIII vào năm 2013. Thay vào đó, chiến dịch này đã trở thành đặc điểm thường trực của chính quyền Tập.
Tập tin rằng tính chính thống của chính quyền chủ yếu là một chức năng của các giá trị được đề ra môt cách nhất quán, cùng với tiến bộ xã hội và kinh tế, với cam kết chặt chẽ với lợi ích công cộng tạo được vị thế ưu tiên trong hình thức quản lý. Trong khi ít người quan sát phương Tây đã nhận thức được đầy đủ về quan điểm này, những sự phát triển ở phương Tây trong 10 năm qua – cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mở rộng ra bất bình đẳng về tài sản và thu nhập, và gia tăng về phân cực chính trị – đã cũng cố thêm cho quan điểm này.
Kết quả là các nhà lãnh đạo và dân chúng Trung Quốc được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng chính quyền do độc đảng mạnh là một trụ cột thiết yếu của sự ổn định và tăng trưởng. Họ tin là ở phương Tây trọng tâm về hình thức quản trị được chỉ đạo sai lạc, khi thành quả kinh tế và xã hội được kết hợp trái ngược nhau, bởi vì cả hệ thống dân chủ và độc tài đều có thể bị mua chuộc.
Hơn nữa, chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc dưới thời Tập đã mở rộng hơn là tập trung hạn hẹp vào tăng trưởng và phát triển quốc nội để bao gồm nỗ lực phối hợp nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chương trình nghị sự đối ngoại mở rộng và bành trưóng này nảy sinh các đòi hỏi về các nguồn lực – bạn không thể là nhà đầu tư ngoại lai có thế lực chi phối ở Châu Phi và Trung Á mà không phải tiêu tốn nhiều tiền – trong khi đang gây ảnh hưởng đến các lựa chọn chính sách. Ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các ngân hàng, có thể đáp ứng một cách linh hoạt hơn các doanh nghiệp tư nhân thuần túy với một sự kết hợp uyển chuyển các khích lệ ưu đãi của nhà nước và tư nhân và các lợi nhuận đầu tư.
Cuối cùng, trong những năm gần đây, các khuôn khổ chính sách của Trung Quốc ngày càng phản ánh sự căng thẳng cố hữu giữa các yêu cầu lâu dài của việc đảm bảo ổn định xã hội và chính trị với mục tiêu hiện đại hơn của viêc tự do hóa cho thị trường. Giới lãnh đạo của Trung Quốc vẫn kiên định bảo vệ quyền lợi của Đảng, mà họ coi là tương đồng với những quyền lợi của xã hội. Vì lý do đó, ĐCSTQ tiếp tục tập trung vào việc duy trì trật tự và nâng cao giá trị trong tất cả các khía cạnh của sinh hoạt Trung Quốc, duy trì sự hiện diện tích cực không chỉ trong các cuộc tranh luận về chính sách, mà còn trong các hoạt động của khu vực tư nhân và các vấn đề xã hội.
Đồng thời, chính phủ đang tìm cách tạo cho các thị trường một vai trò quyết định hơn trong nền kinh tế, mở ra sức mạnh của tinh thần kinh doanh và canh tân, đáp ứng một cách hiệu quả hơn với các nhu cầu và mong muốn của tầng lớp trung lưu trẻ, có học thức và phát triển nhanh. Và vì lý do tốt đẹp: đây là những động cơ nội tại đã giúp cho Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6-7% hàng năm giữa bối cảnh chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi thu nhập trung bình khó khăn, được thực hiện trong một nền kinh tế toàn cầu tương đối yếu.
Thật khó để nói chắc chắn rằng liệu là hai mục tiêu này có đang mâu thuẫn trực tiếp với nhau hay không. Nhưng có lý do để quan tâm. Sau cùng thì kiểu cạnh tranh năng động dẫn tới sự đổi mới là một tiến trình xa dần sự chỉ đạo của trung ương, mặc dù các lựa chọn của khu vực công ở những lĩnh vực như nghiên cứu cơ bản có tác động đáng kể.
Hơn nữa, trong cả việc hoạch định chính sách và học thuật hàn lâm, cuộc tranh luận tích cực là thiết yếu để phân loại những ý tưởng tốt và xấu. Tuy nhiên, trong khi hệ thống của Trung Quốc đã chứng tỏ được khả năng tranh luận về chính sách trong nội bộ cao cấp giữa những người tham gia có kinh nghiệm, có trình độ và mà với lòng trung thành của họ không có vấn đề, thì họ hành động nhanh chóng và dứt khoát, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn nghi ngờ về những tranh cãi và bình luận của công chúng không nằm trong khuôn khổ. Tuy nhiên, do tiến trình các cuộc thảo luận mở rộng, nhiều lựa chọn chính sách phức tạp – ví dụ như cải cách khu vực tài chính và mở cửa kinh tế – sẽ có lợi hơn.
Trong năm năm tới, thành công của Trung Quốc sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà chính phủ quản lý chương trình nghị sự phức tạp cùng với những căng thẳng. Để đạt các mục tiêu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cần quân bình một Đảng Cộng sản kỷ luật cứng rắn, toàn năng đưa ra các tiêu chuẩn và bảo vệ lợi ích công cộng, với các thị trường đầy tiềm năng, tạo quyền lực, canh tân để thúc đẩy nền kinh tế hướng về tương lai.
***
Michael Spence đã đoạt giải Nobel Kinh tế, là Giáo sư Kinh tế học tại NYU’s Stern School of Business và là tác giả cuốn sách The Next Convergence – The Future of Economic Growth in a Multispeed World.

Trung Quốc trở về với sự cai trị độc tài


Tác giả: Bùi Mẫn Hân
Dịch giả: Huỳnh Hoa
1-11-2017
Ý nghĩa việc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình
Ảnh minh họa. Nguồn: PeterSchrank
Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong chính trị Trung Quốc. Vào ngày 24 tháng 10, khi đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hạ màn, các đại biểu của đảng đã sửa đổi điều lệ của tổ chức này để thiêng hóa một nguyên tắc ý thức hệ có vai trò dẫn dắt mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình” (Xi Jinping). Ít có nhà quan sát nào biết chính xác học thuyết này dẫn tới cái gì – đó là một tập hợp vô hình vô ảnh những ý tưởng về duy trì nhà nước độc đảng của Trung Quốc và chuyển hóa đất nước thành một cường quốc toàn cầu – nhưng đa số đều lập tức nắm được cái biểu trưng chính trị trong sự ra đời học thuyết này. Đảng Cộng sản đã đề cao những đóng góp về ý thức hệ của nhà lãnh đạo Trung Quốc lên ngang tầm với những đóng góp của Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), hai lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất có ý tưởng được thánh hóa như vậy.
Đây mới chỉ là dấu hiệu đầu tiên rằng ông Tập đã giành được một thắng lợi chính trị quan trọng tại đại hội đảng. Quy mô thực sự của chiến thắng của ông trở nên rõ ràng vào ngày hôm sau, khi các đại biểu đảng chọn ra các ủy viên mới của ủy ban thường vụ bộ chính trị, cơ quan quyết định cấp cao nhất của Trung Quốc. Ông Tập lấp đầy cái ủy ban bảy người này bằng những người trung thành với ông, tất cả đều quá già để có thể có cơ hội lên thay vị trí của ông trong đại hội đảng lần tới vào năm 2022. Kết quả là ông Tập sẽ cai trị 15 năm nữa và có thể lâu hơn.
Tuy có vẻ rất vững mạnh, giờ đây ông Tập phải có đủ vốn chính trị để bảo đảm một nhiệm kỳ kéo dài trong tư cách lãnh tụ Trung Quốc. Trong thực tế, ông sẽ cần thực hiện lời cam kết tái cân bằng và làm cho bền vững đà tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
Sự gia tăng quyền lực của ông Tập
Trong số bảy ủy viên thường trực bộ chính trị khóa trước của đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ hai người còn tại nhiệm: ông Tập và người phó của ông, thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Năm ủy viên khác của cơ quan này là người mới và bốn trong số họ là thân tín của ông Tập.
Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật thứ ba và mới của đảng, đã gây dựng một tình bạn thân thiết với ông Tập hơn 30 năm về trước và là chánh văn phòng của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu của ông, từ năm 2007. Một thuộc hạ trung thành khác, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) sẽ là người chỉ huy mới của công cuộc chống tham nhũng, đóng vai người canh tay chủ lực thực hành chỉ thị của ông Tập. Người lãnh đạo cũ của cơ quan này, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đã giữ vai trò người xoay chuyển trong việc giúp ông Tập loại bỏ các đối thủ và củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ đầu.
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhận ra hai gương mặt mới và khác trong ủy ban thường vụ, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Hàn Chính (Han Zheng), là thành viên của cái gọi là Nhóm Thượng Hải – một nhóm đầu sỏ câu kết với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) – một lối suy nghĩ nhằm đặt nghi vấn về lòng trung thành của hai ông này đối với ông Tập. Nhưng cách đánh giá như vậy là không chính xác. Ông Vương đã từng là cố vấn chính về ý thức hệ cho cả ba đời lãnh tụ đảng – ông Giang, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) và ông Tập – và không có khả năng ông ta sẽ gắn bó với nhóm của ông Giang để gây nguy hiểm cho mối quan hệ với ông Tập sau khi nhóm ông Giang đã bị tiêu hao nhiều vì đòn phép chống tham nhũng của ông Tập. Ông Hàn cũng vậy, ông ta là người có năng lực, một nhà kỹ trị điềm tĩnh không có sự trung thành vĩnh viễn với Nhóm Thượng Hải. Thực ra, khi ông Tập làm bí thư Thượng Hải trong các năm 2006-2007 thì ông Hàn đã là thị trưởng thành phố và là cánh tay mặt của ông Tập. Ủy viên thứ bảy trong ủy ban thường vụ là ông Uông Dương (Wang Yang), một người có quan hệ với Nhóm Đoàn Thanh niên đối lập. Ông Uông sẽ trở thành lãnh đạo của hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) – một cơ quan tư vấn của đảng.
Ông Tập cũng thành công trong việc lấp đầy bộ chính trị 25 thành viên bằng những đồng minh của mình. Có ít nhất 11 trong số 15 thành viên mới của bộ chính trị nằm trong nhóm của ông Tập. Kết quả là, giờ đây ông có thể giành tới 18 phiếu trong bộ chính trị. Các quyết định của ông sẽ được bộ chính trị và ủy ban thường vụ phê chuẩn với số phiếu áp đảo, từ đó sẽ có quyền lực phi thường. Hơn thế nữa, các đồng minh của ông Tập trong bộ chính trị, một số người còn khá trẻ, sẽ là những ứng viên mạnh để được đưa vào ủy ban thường vụ trong đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022.
Thắng lợi chính trị lớn lao nhất mà ông Tập giành được tại đại hội là sự chấm dứt thông lệ của đảng, theo đó một nhà lãnh đạo mới sẽ được chính thức đề bạt ít nhất 5 năm trước ngày nhận chuyển giao quyền lực. Truyền thống này có từ năm 1992, khi ông Đặng chọn ông Hồ làm người kế tục ông Giang mười năm trước ngày ông Hồ đảm nhiệm chức vụ. Tương tự như vậy năm 2007 đảng đã chọn ông Tập làm người kế nhiệm ông Hồ. Thông lệ này làm giảm rủi ro tranh giành quyền kế tục trong đảng và giúp thực thi quy định không chính thức về giới hạn số nhiệm kỳ của các lãnh đạo cấp cao nhất là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng đảng chưa bao giờ pháp chế hóa những truyền thống này trong điều lệ của mình và một lãnh đạo đương nhiệm muốn tìm cách kéo dài sự cai trị của mình sẽ luôn có thể chấm dứt các truyền thống đó nếu như có đủ quyền lực.
Đây rõ ràng là trường hợp của ông Tập; ông và các đồng minh của ông đã đi những nước cờ xuất sắc để thoát ra khỏi tiền lệ. Trước tiên, vào mùa thu năm 2016, đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức phong ông Tập là “lãnh tụ hạt nhân” (core leader)của đảng, khiến ông là lãnh tụ duy nhất từ thời ông Đặng tự mình có được cái danh hiệu đáng thèm muốn ấy và gửi một thông điệp cho các nhân vật cao cấp khác rằng vị trí của ông Tập là bất khả xâm phạm. (Ông Giang cũng được làm core leader nhưng do ông Đặng phong, còn ông Hồ không bao giờ nhận được danh hiệu này). Vài tháng sau đó, vào tháng Giêng năm nay, các đặc vụ an ninh Trung Quốc đã bắt cóc nhà tài phiệt Tiểu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) tại một căn hộ trong khu Four Seasons ở Hong Kong. Vụ bắt cóc nhằm ngăn chặn những thách thức tiềm tàng đối với kế hoạch của ông Tập: là nhà tài phiệt cung cấp tiền bạc cho nhiều lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, ông Tiểu có khả năng nắm giữ nhiều thông tin có thể dùng để buộc tội một số đối thủ của Tập.
Tháng Bảy, Tập có thêm một động tác nữa: ra lệnh bắt giam bí thư đảng thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) về tội tham nhũng. Vụ hạ bệ ông Tôn có nhiều ý nghĩa, một phần vì ông này kết giao với nhóm ông Giang và còn vì ông này còn trẻ đến mức nếu để cho ông ta yên thì ông ta sẽ là một người kế nhiệm hợp lý của ông Tập. (Ủy viên bộ chính trị nói chung phải dưới 55 tuổi thì mới đủ điều kiện xem xét làm người kế tục tương lai). Giờ đây sau khi ông Tôn đã bị loại bỏ thì chỉ còn một ủy viên bộ chính trị có tuổi đủ trẻ để có thể làm người kế nhiệm ông Tập vào năm 2022: cựu bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Nhưng ông Hồ 55 tuổi này vừa rồi không được đề bạt vào ủy ban thường vụ bộ chính trị, rõ ràng ông ta không đủ điều kiện để kế nhiệm ông Tập vào năm 2022 nữa. Ông Hồ có khả năng sẽ được bố trí chức phó chủ tịch nặng tính tượng trưng vào tháng Ba năm tới.
Với ít sự lựa chọn như vậy, ông Tập sẽ có cái cớ hoàn hảo để trì hoãn việc đưa ra quyết định ai là người sẽ kế nhiệm ông. Sự thống trị của ông trong bộ chính trị và ủy ban thường vụ sẽ giúp ông có đủ quyền lực để làm như vậy, bảo đảm cho ông có thêm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại đại hội kế tiếp của đảng vào năm 2022.
Ông Tập sẽ sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc để hợp pháp hóa sự kéo dài quyền lực của ông. Chẳng hạn như ông có thể đảm nhiệm vị trí chủ tịch đảng – khôi phục một chức vụ đã bị bãi bỏ trong điều lệ đảng – và khởi động lại việc tính thời gian lãnh đạo đảng của ông. Còn đối với giới hạn hai nhiệm kỳ ở chức vụ chủ tịch nhà nước Trung Quốc (thường được nói tới “chức chủ tịch” (presidency) trong tiếng Anh nhưng để phù hợp ra phải dịch là “chức chủ tịch hội đồng” (chairmanship)) nó có thể được thay đổi chỉ với một sự điều chỉnh về ngữ nghĩa: các quan chức có thể sửa đổi hiến pháp Trung Quốc để chức danh chính thức của ông Tập trở thành “chủ tịch” (president). Bằng việc bảo đảm thêm hai nhiệm kỳ 5 năm mới với tư cách người đứng đầu cả đảng và nhà nước, ông Tập sẽ có thể cầm quyền cho đến tận năm 2032.
Pháp trị
Những câu hỏi lớn nhất về kỷ nguyên mới của Trung Quốc đều xoay quanh chương trình của ông Tập. Ít ai kỳ vọng ông Tập sẽ trở thành nhà cải cách chính trị do những cuộc đàn áp xã hội dân sự và quyền tự do internet trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông. Nhưng những người lạc quan tin rằng, quyền lực tối cao mới giành được của ông Tập sẽ khiến ông được tự do theo đuổi những cuộc cải cách khác nữa, giới thiệu các cải cách kinh tế thân thiện với thị trường và tái cơ cấu hệ thống tư pháp Trung Quốc để bảo vệ quyền tư hữu và thúc đẩy phát triển một cách hiệu quả hơn.
Trong thực tế, ít có điều gì cho thấy rằng một làn sóng mới về cải tổ kinh tế đang hình thành. Ông Tập đã thủ đắc quyền lực to lớn trong suốt nhiệm kỳ đầu, năm 2013 ông đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm đại tu nền kinh tế Trung Quốc để “[cho phép] các lực lượng thị trường đóng một vai trò quyết định” như kế hoạch đã công bố. Nhưng từ ngày đó, ông chỉ làm được vài bước tiến rất khiêm tốn. Nhờ chính sách tiền tệ lỏng lẻo, mô hình tăng trưởng do đầu tư thúc đẩy và được tín dụng tiếp nhiên liệu vẫn đứng vững, góp phần nâng tỷ lệ nợ so với tổng sản lượng GDP của Trung Quốc từ mức 215% năm 2012 lên 242% năm 2016. Và mặc dù các doanh nghiệp nhà nước nợ nần đầm đìa của Trung Quốc đang trì kéo nền kinh tế quốc gia, chúng vẫn có một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn tương lai của ông Tập. Tháng 7-2016, ông lập luận rằng các doanh nghiệp này cần phải trở nên “mạnh hơn, tốt hơn, lớn hơn, không có sự dè dặt nào”.
Niềm tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào các chính sách hiện hành là một lý do khác để các nhà quan sát không nên đặt quá nhiều hy vọng vào cải cách kinh tế. Mặc dù đã có những lời cảnh báo rằng nợ nần không chống đỡ được sẽ dẫn tới sụp đổ tài chính, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa phải trả một cái giá đắt cho việc bám chặt vào chiến lược bơm tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Thật vậy, hoạt động kinh tế gần đây của Trung Quốc – tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu chính thức là từ 6,5-6,7% trong năm nay – đã làm sâu sắc thêm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào mô hình hiện hành.
Cuối cùng, bởi vì tất cả các cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ trong quá khứ đều được thôi thúc bởi những vụ khủng hoảng, những cú sốc nên các nhà quan sát nên giảm nhẹ cái khả năng Bắc Kinh sẽ theo đuổi những sự cải tổ sâu rộng một khi nền kinh tế vẫn đang vận hành tương đối tốt như ngày hôm nay.
Thay vì vậy, ưu tiên chính trị hàng đầu của ông Tập trong tương lai gần rất có thể là cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp Trung Quốc, không phải nhắm tới sự thiết lập nhà nước pháp quyền (rule of law) thật sự mà là thực hiện pháp trị (rule by law), theo đó nhà nước sẽ dùng hệ thống tư pháp để duy trì sự kiểm soát về chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu như vậy thì kết quả rất có thể là sự đàn áp chứ không phải là sự tiến bộ.
Có ba dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ tập trung vào cải cách tư pháp. Một là, đại hội đảng đã phê chuẩn kế hoạch của ông Tập cải tổ hệ thống tư pháp qua việc thành lập một “nhóm lãnh đạo về quản trị toàn diện đất nước theo luật pháp”, một cơ quan mà ông Tập là người đứng đầu. Thứ đến, ông Tập đã bổ nhiệm tay chân thân tín nhất của ông, ông Lật Chiến Thư, làm chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp của quốc gia, sẽ soạn thảo và thông qua các luật lệ thiết yếu cho việc hiện thực hóa tầm nhìn của ông Tập. Cả hai biện pháp này cho thấy rằng, chẳng bao lâu nữa, cải cách tư pháp sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm ở cấp cao. Cuối cùng, ông Tập là người tin tưởng sâu sắc vào truyền thống pháp trị của Trung Quốc và trọng tâm của nhóm lãnh đạo mới về quản trị “toàn diện” phản ánh tham vọng đó.
Như đã thấy, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập đã ban hành một số luật quan trọng nhằm kiểm soát xã hội, siết chặt hoạt động an ninh mạng của Trung Quốc và hạn chế các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nhưng để tái xác nhận quyền lực của đảng đối với xã hội và để cung cấp nền tảng pháp lý vững chắc cho chế độ độc tài chuyên chế thì còn nhiều chuyện phải làm. Ví dụ, Trung Quốc có thể áp đặt thêm nhiều hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ nội địa, ban hành những luật lệ mới về giáo dục tư tưởng trong các trường đại học, cao đẳng hoặc viết lại bộ luật hình sự sao cho nó trở thành công cụ ngày càng hiệu quả trong việc trấn áp sự phản kháng trong nước. Mục đích sẽ là biến đổi Trung Quốc từ một chế độ tản quyền hậu toàn trị chủ nghĩa thành một chế độ độc tài chuyên chế được cai trị bởi một đảng Leninist có kỷ luật.
Thói quan liêu
Trong ngắn hạn, các kế hoạch của ông Tập sẽ không gặp nhiều sự phản kháng công khai. Cuộc đàn áp thẳng tay giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự của ông đã có hiệu quả một cách đáng buồn, và đã xóa bỏ mọi mối đe dọa đối với sự cai trị của chế độ trong tương lai gần. Giờ đây, vai trò tối thượng của ông Tập trong đảng Cộng sản đã bao trùm tới mức không thể hình dung được có đồng nghiệp nào của ông dám đứng ra thách thức ông.
Sự phản kháng thật sự đối với tham vọng của ông Tập sẽ đến từ guồng máy hành chính quan liêu to lớn của Trung Quốc. Các quan chức cấp thấp và cấp trung của chế độ, số lượng lên tới hàng triệu người, là những con người có tính tư lợi đầu tiên và cao nhất, và họ quan tâm nhiều tới chuyện gia tăng đặc quyền và của cải của chính mình hơn là thúc đẩy những mục tiêu ý thức hệ trừu tượng. Khi ông Tập giải thể cơ chế chia sẻ quyền lực và bổng lộc từng là đặc trưng của trật tự ở Trung Quốc thời kỳ sau biến cố Thiên An Môn, triển vọng về quyền lực và tiền bạc của những cán bộ trong guồng máy quan liêu này cũng phai mờ dần. Đã không còn những băng nhóm tinh hoa để họ nhập vào, cũng không có nhiều người đỡ đầu để họ phục vụ. Ngày nay, mỗi quan chức đều phải cạnh tranh giành ân huệ của một chế độ do một nhóm duy nhất thống trị, và có rất ít con đường để thăng tiến so với thời kỳ trước khi ông Tập nắm quyền. Tệ hơn nữa, công cuộc trấn áp tham nhũng của ông Tập đã xóa sổ những hành vi hối lộ béo bở, những bổng lộc từng bảo đảm cho lối sống của giới cán bộ trong suốt hai thập kỷ qua. Trừ phi ông Tập bớt nghiêm khắc và cho phép đa số quan chức trong guồng máy được tiếp tục thu vén cho cá nhân họ, lòng trung thành sẽ mất đi sức hấp dẫn của nó.
Tất nhiên phần lớn các cán bộ cấp thấp hơn sẽ không từ bỏ đảng Cộng sản hoặc biểu lộ công khai sự bất mãn của họ. Thay vì vậy họ sẽ làm những gì mà guồng máy quan lại Trung Hoa đã làm trong hàng ngàn năm qua: phản ứng một cách thụ động với những mệnh lệnh từ cấp cao nhất. Mục tiêu của những cán bộ này là làm cho ông Tập phải nhận ra giá trị của họ và tưởng thưởng cho họ một cách tương xứng, có thể bằng cách chấm dứt cuộc trấn áp tham nhũng và yêu cầu thắt lưng buộc bụng. Cách thức duy nhất để đạt được điều này là thông qua sự tránh né, dối gạt của hệ thống quan liêu, làm chậm lại vòng quay của guồng máy hành chính và làm trì trệ cỗ máy kinh tế của Trung Quốc nhằm thu hút sự chú ý của ông Tập. Cho dù quyền lực của ông Tập có sâu rộng đến đâu thì nó cũng bị xói mòn nhanh chóng nếu tăng trưởng kinh tế bị trì trệ vài năm và giới quan chức Trung Quốc biết rõ điều đó.
Ông Tập không phải là nhà lãnh đạo đầy quyền năng đầu tiên của Trung Quốc phải đối mặt với guồng máy quan liêu cứng đầu cứng cổ. Ông Mao cũng đã đương đầu với một thách thức tương tự vào đầu thập niên 1960, khi ông nghĩ rằng các cán bộ đảng không có đủ nhiệt tình cách mạng. Một trong những động cơ để ông Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hóa là sử dụng khủng bố của đám đông để đưa guồng máy quan liêu vào kỷ luật và phục hồi tinh thần cách mạng.
Nhưng ông Tập không phải là người tin tưởng vào các phong trào quần chúng và ông cũng không có cái uy tín tuyệt đối của ông Mao, người có thể huy động hàng trăm triệu thường dân Trung Quốc vào một hành động chung. Thay vì vậy, ông Tập phải tìm cách mở rộng phạm vi quyền lực của ông từ cấp ủy ban trung ương xuống tới các tỉnh thành quận huyện. Đó là một công việc nặng nhọc và tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như nỗ lực xem xét và tuyển dụng cán bộ có triển vọng ở cấp địa phương.
Nhiều viên chức cấp thấp và cấp trung sẽ gia nhập phe của ông Tập. Nhưng khi cơ sở của ông mở rộng, nó cũng có thể gieo những hạt mầm tranh chấp trong nội bộ đảng. Biết rằng trận chiến kế tiếp để giành quyền lực tối thượng sẽ diễn ra trong 10, 15 năm nữa, khi ông Tập tiến tới ngày ra khỏi quyền lực, những thủ hạ bề ngoài có vẻ trung thành của ông sẽ quan tâm nhiều tới việc xây dựng quyền lực của riêng họ hơn là thực thi chương trình của ông Tập. Đây là chuyện đã xảy ra trong thời Cách mạng Văn hóa: sau khi Mao diệt xong các đối thủ thì những thủ hạ trung thành của ông ta, nhóm Lâm Bưu (Lin Biao) và nhóm Tứ Nhân Bang (Gang of Four) đã nhanh chóng đối địch với nhau vì lo sợ rằng nhóm kia sẽ tự đặt mình vào vị thế nối nghiệp vị chủ tịch già nua ấy.
Trong bàn tay của Tập
Trong những năm tháng sau khi Mao Trạch Đông qua đời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu hiểu rằng, tập trung quyền lực vào tay một nhân vật đơn lẻ có thể gây thảm họa cho đảng. Đó là lý do tại sao những người sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa đã tập hợp lại trong thập niên 1980 để bảo đảm rằng không bao giờ một lãnh tụ như Mao lại có thể cai trị Trung Quốc. Những sự thay đổi mà nhóm này đưa ra – chẳng hạn như cơ chế lãnh đạo tập thể, những luật lệ không chính thức về sự kế nhiệm, và những sự bảo đảm ngầm về an ninh cho các lãnh đạo cấp cao – đã sinh ra một sự ổn định của giới tinh hoa trước đây chưa từng thấy trong lịch sử của đảng. Chúng cũng giúp cho chế độ tránh được những sai lầm nguy hiểm phát sinh từ sự giao phó quyền lực vào tay một cá nhân.
Các quan chức Trung Quốc dường như đã quên những bài học này. Giờ đây đảng Cộng sản đã quay lại với sự cai trị chuyên chế của một nhà độc tài, tương lai của nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào phẩm chất những quyết định của ông Tập. Sẽ có rất ít hạn chế về cách thức ông này đưa ra quyết định. Lần cuối cùng mà đảng có một lãnh tụ với quyền lực không bị kiểm soát như thế thì hậu quả là thảm họa. Chỉ có thể hy vọng rằng, lần này các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết những gì mà họ đang làm – và rằng kết quả sẽ không giống trước.
Nguồn: Foreign Affair

Hoàng đế trầm lặng và Frankenstein khổng lồ

Nguyễn Quang Dy
3-11-2017
“Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để cho nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ làm đảo lộn thế giới”.(Napoleon Bonaparte)
Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã kết thúc (18-24/10/2017) nhưng dư âm của nó chưa hết. Sự kiên này như một đám mây lớn đang phủ bóng đen ám ảnh người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Donald Trump bắt đầu chuyến đi Châu Á (3/11), sẽ đến Đà Nẵng họp APEC (10/11) và đến Hà Nội thăm “chính thức” (11/11/2017). Chúng ta nên hiểu sự kiện quan trọng này thế nào?
Sự tích Frankenstein
Lời cảnh báo của Napoleon nay đã trở thành sự thật. Trung Quốc đã trỗi dậy và đang làm đảo lộn thế giới. Người Trung Quốc có lý do để trỗi dậy vì lợi ích quốc gia của mình, nhưng đáng tiếc là họ không trỗi dậy “một cách hòa bình” như người Mỹ đã ảo tưởng. Trung Quốc đã trở thành đầu gấu trong khu vực, bắt nạt các nước láng giềng và thách thức vai trò đứng đầu của Mỹ, nhằm biến Biển Đông thành cái ao riêng của họ. (Trung quốc trỗi dậy và suy tàn: Giới hạn của quyền lực, Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, 13/4/2016).
Người ta nói rằng khi sắp chết con người thường nói thật. Trước khi qua đời, cố tổng thống Nixon đã thừa nhận với nhà báo William Safire (New York Times) trong lần phỏng vấn (năm 1994) rằng trong “tuần lễ làm thay đổi thế giới” khi Nixon và Kissinger đến Bắc Kinh (năm 1972) để chơi “lá bài Trung Quốc”, Mỹ đã làm thế giới “thay đổi tồi tệ nhất” (changed for the worst). Safire kể lại rằng lúc đó bằng một giọng buồn rầu, Nixon đã nói rằng, “chúng ta có thể đã tạo ra một con một quái vật Frankenstein” (we may have created a Frankenstein). (The Biggest Vote, William Safire, New York Times, May 18, 2000).
Không phải chỉ có Nixon và Kissinger mà các đời tổng thống Mỹ sau đó cũng góp phần giúp Trung Quốc trỗi dậy thành Freankenstein, bằng chính sách “tham dự một cách xây dựng” (constructive engagement), tức là “phù Trung”. Không phải chỉ có Mỹ mà các đồng minh (như Nhật và Tây Âu) cũng theo chính sách đó. Bây giờ người Mỹ mới nhận ra là Trung Quốc còn nguy hiểm hơn cả Nga, thì đã quá muộn. Cuối đời, Nixon đã thừa nhận sai lầm về Trung Quốc, nhưng Kissinger thì chưa bao giờ tỏ ra ân hận vì đã thỏa thuận với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai để bỏ rơi Đài Loan. Theo Safire, Kissinger còn “bảo hoàng hơn cả vua”. Khi Mao nói với Nixon và Kissinger là Trung Quốc sẽ dùng vũ lực đối với Đài Loan bất cứ lúc nào trong 100 năm tới, thì Kissinger còn tỏ ra ngạc nhiên “sao phải chờ lâu thế?”.
Hoàng đế trầm lặng
Người ta nói rằng Tập Cận Bình là một người trầm lặng và bí hiểm, đã loại trừ được các thế lực chống đối, để thiết lập quyền lực độc tôn, trở thành “Chủ tịch của mọi thứ” (Chairman of everything). Không chỉ con người Tập trầm lặng mà tính độc tài của ông ta cũng trầm lặng, và uy quyền của Tập cũng trầm lặng một cách bí hiểm. Tập Cận Bình có ba mục tiêu lớn. Thứ nhất là biến Trung Quốc thành cường quốc bá chủ thế giới. Thứ hai là củng cố quyền lực cá nhân và tự thần thánh hóa. Thứ ba là kéo dài sự lãnh đạo độc tôn của Đảng.
Sau “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, đến “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình”, rồi “Ba đại diện của Giang Trạch Dân” và “Phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào”, nay “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đang đưa Trung Quốc đến với mô hình phong kiến tập quyền. Tập đã xếp mình ngang với Mao Trạch Đông như hoàng đế Trung Hoa, cao hơn cả Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ngày 24/10/2017, “Tư Tưởng Tập Cận Bình” đã được Đại hội 19 ghi vào điều lệ Đảng. Diễn văn dài ba tiếng rưỡi (30.000 từ) của Tập là một bài luận văn đầy tham vọng, do các trợ lý chủ chốt như Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) dày công soạn thảo. Trong khi Tập Cận Bình đọc bài diễn văn ba tiếng rưỡi thì Donald Trump chỉ cần tweet vài dòng. Đó là sự khác biệt về văn hóa chính trị và hệ điều hành (operating systems).
Thắng lợi thứ nhất là Tập khẳng định tầm nhìn của “Tư tưởng Tập Cận Bình” từ chủ nghĩa “tân chuyên chế” (neo-authoritarianism) đến “tân toàn trị” (neo-totalitarianism) và “tân bảo thủ” (neo-conservatism) trong “thời đại mới” khi Mỹ và phương Tây đang khủng hoảng, là cơ hội tốt để Tập áp đặt tư tưởng của mình. Tập không chỉ định người kế thừa (theo tiền lệ), mà để ngỏ khả năng kéo dài thêm một nhiệm kỳ nữa (sau 2022). Thắng lợi thứ hai là Tập đưa hai nhân vật trung thành nhất vào thường vụ Bộ Chinh Trị, giữ hai vị trí then chốt. Một là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) làm chủ tịch quốc hội, Hai là Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) làm bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ (CCDI) thay Vương Kỳ Sơn, phụ trách chống tham nhũng.
Tuy Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo có quyền lực lớn nhất Trung Quốc, nhưng có một “nghịch lý về quyền lực” (paradox of power) là khả năng thao túng xã hội Trung Quốc của Đảng Cộng sản đã bị hạn chế rất nhiều so với những ngộ nhận của Tập và những người ủng hộ (cũng như nhiều học giả nước ngoài). Theo Minxin Pei, có hai lý do chính. Thứ nhất là xã hội Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều so với thời Mao và Đặng, nên hầu như chẳng còn ai (kể cả đảng viên) thực sự tin vào một học thuyết chính thống. Thứ hai, bản chất kinh tế Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều (hơn 60% là tư nhân) nên Đảng không còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. (The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, Oct 27, 2017).
Thu phục Trung nguyên
Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải của Tập Cận Bình, phụ trách chống tham nhũng, có quyền lực xếp thứ hai (sau Tập). Mô hình CCDI (Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ) giống mô hình “Đông Xưởng” của hoàng đế Chu Lệ (Yongle) thời nhà Minh, với quyền lực đáng sợ. Nhưng trái với đồn đoán, Vương Kỳ Sơn đã nghỉ (vì quá tuổi và nguyện vọng cá nhân). Tập phải chấp nhận thực tế đó, tuy ảnh hưởng của Vương còn lớn. Tập có thể cử Vương phụ trách Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), nhưng khả năng đó thấp vì Vương đã rút khỏi Trung Ương. Hiện nay, người thân cận nhất với Tập là Lật Chiến Thư. Trong Thường vụ Bộ Chính Trị, Lật xếp thứ ba, nhưng thực chất là người thứ hai (chứ không phải thủ tướng Lý Khắc Cường).
Bốn người còn lại trong Thường vụ Bộ Chính Trị đều tuyên bố trung thành với Tập. Đó là Uông Dương (phó thủ tướng), Hàn Chính (cựu Bí thư Thượng Hải), Vương Hỗ Ninh (nguyên trưởng ban nghiên cứu TƯ, thay Lưu Vân Sơn phụ trách tuyên truyền), Triệu Lạc Tế (nguyên trưởng ban tổ chức TƯ, thay Vương Kỳ Sơn phụ trách chống tham nhũng). Việc Giang Trạch Dân vẫn ngồi ghế Chủ tịch đoàn không phải vì phái Giang còn mạnh (như Đại hội 18) mà đã suy yếu. Tuy Tập vẫn phải thỏa hiệp về cơ cấu Thường vụ Bộ Chính Trị, nhưng trong Bộ Chính trị (25 người) đã có 15 người trung thành với Tập (60%). Với Trần Mẫn Nhĩ (bí thư Trùng Khánh), Thái Kỳ (bí thư Bắc Kinh), Lý Cường (bí thư Thượng Hải), Lý Hy (bí thư Quảng Đông), Đinh Tiết Tường (chánh Văn phòng TƯ), Trần Hy (trưởng ban Tổ Chức TƯ), tướng Trương Hữu Hiệp (phó chủ tịch Quân ủy TƯ), Tập đã chiếm thế thượng phong.
Tuy dư luận lo ngại Tập Cận Bình sẽ ở thêm khóa nữa (sau năm 2022), nhưng một số chuyên gia cho rằng Tập đã lặng lẽ chọn người kế vị là Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), tuy Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa không lọt vào Thường vụ BCT (như đồn đoán). Liệu Lật Chiến Thư có thể giúp Tập thay đổi hiến pháp để ông ta ở lại thêm một khóa nữa, hay Tập sẽ chọn người kế vị trung thành để tiếp tục kiểm soát quyền lực sau khi từ chức? Chưa biết Tập sẽ chọn Trần Mẫn Nhĩ hay Hồ Xuân Hoa, nhưng ông ta đã có trong tay các lá bài. Việc cử Trần Mẫn Nhĩ làm bí thư Trùng Khánh (thay Tôn Chính Tài) là một tín hiệu. (Xi Jinping Has Quietly Chosen His Own Successor, Andrei Lungu, Foreign Policy, October 20, 2017).
Ngày 15/7/2017, Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài đã bất ngờ mất chức Bí thư Trùng Khánh, và được thay thế ngay bằng một người trung thành với Tập là Trần Mẫn Nhĩ (nguyên bí thư Quý Châu). Người ta nói Tôn Chính Tài bị ngã ngựa vì là người của phái Giang, đã xung đột với Tập trong một hội nghị ở Bắc Kinh. Sau đó, bí thư Bắc Kinh là Thái Kỳ và Bí thư Quảng Đông là Hồ Xuân Hoa đã lần lượt tuyên bố ủng hộ Tập. 10 ngày sau, Tập Cận Bình tuyên bố điều tra Tôn Chính Tài, và tiến hành họp kín để truyền đạt ý chỉ “4 cái bằng mọi giá”: (1) bằng mọi giá bảo vệ lãnh đạo cấp cao đang ở đầu sóng ngọn gió; (2) bằng mọi giá thanh trừng thế lực phản đối Đảng; (3) bằng mọi giá đối phó với áp lực bên ngoài trước và sau Đại hội 19; (4) bằng mọi giá trấn áp những nhân tố bất ổn định trong nội bộ Đảng. Rõ ràng qua “4 cái bằng mọi giá” Tập muốn phòng ngừa nguy cơ chính biến và giữ ổn định cho Đại hội 19.
Mâu thuẫn và nghịch lý
Vào tháng 3/2017, lần đầu tiên Uông Ngọc Khải (giáo sư Học viện Hành chính Quốc gia) đã lên tiếng bàn về việc Trung Quốc nên thay đổi từ “chế độ chủ tịch quốc gia” sang “chế độ tổng thống”, và cần thiết phải thay đổi toàn diện chế độ chính trị. Tháng 7/2017, Uông Ngọc Khải lại một lần nữa bàn về chế độ tổng thống. Lần này, Uông Ngọc Khải thậm chí còn nói rằng: “Trước khi chuyển sang chế độ tổng thống, cần thiết phải kết thúc chế độ Ủy ban Thường vụ”. Tại sao Tập Cận Bình lại cho phép Uông Ngọc Khải nói về “chế độ tổng thống”? Không biết đó có phải là ý đồ thực sự của Tập hay chỉ là kế nghi binh, nhưng động thái này hơi giống lời khuyên của La Vũ (con của nguyên soái La Thụy Khanh và bạn thân của Tập).
Trong bài diễn văn dài ba tiếng rưỡi của Tập Cận Bình, có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, “Tư tưởng Tập Cận Bình” được nâng lên ngang tầm “Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Thứ hai, Tập Cận Bình tự tin khẳng định Trung Quốc đã bước vào “thời đại mới”. Thứ ba, “những mâu thuẫn chính” của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình được điều chỉnh là mâu thuẫn giữa “đòi hỏi cuộc sống ngày càng cao của nhân dân” với “phát triển chưa hài hòa và mất cân đối”. (China’s Contradictions, Stephen Roach, Project Syndicate, October 23, 2017).
Về kinh tế, có ba mâu thuẫn cơ bản. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa vai trò nhà nước và thị trường về phân bổ nguồn lực. Thứ hai là mâu thuẫn giữa cung và cầu. Thứ ba là mâu thuẫn giữa con đường đi (the path) và đích đến (destination). Trung Quốc có thể đang trên con đường tiến đến “thời đại mới” (hay “New Normal”). Nhưng đích đến cuối cùng vẫn còn xa, với nhiều mâu thuẫn cần phải được giải quyết trong quá trình tiến đến cái đích đó.
Trong khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền bằng ủy nhiệm, không trực tiếp điều hành nhưng vẫn kiểm soát được quyền lực, thì Tập Cận Bình trực tiếp nắm mọi thứ (chairman of everything). Lúc không có chuyện gì thì không sao, nhưng nếu có chuyện xảy ra là thảm họa. Trong những năm tới là thời kỳ chuyển đổi phức tạp, dễ có nhiều biến động lớn, nên đội ngũ cầm quyền của Tập tuy hùng hậu nhưng chưa sẵn sàng đối phó. (Why Chinas Xi might come to regret all that power,   Kerry Brown, South China Morning Post, October 29, 2017).
Chọn kịch bản nào
Tuy quyền lực của Tập Cận Bình lúc này gần như tuyệt đối, nhưng đó là gánh nặng quá lớn cho một lãnh đạo quốc gia. Tập có thể thông minh hơn Trump, nhưng điều đó không đảm bảo một tương lai ổn định cho Trung Quốc. Nếu có chuyện không may xảy ra, thì cả hệ thống quyền lực sẽ như rắn mất đầu, trong khi mọi người đều biết lỗi hệ thống này là do Tập muốn làm “chủ tịch mọi thứ”. Đó là lý do tại sao các triều đại độc tài thường có kết cục gần giống nhau. (Chinas New EmperorChris Patten, Project Syndicate, Oct 25, 2017).
Theo Fareed Zakaria (CNN) Tập cho rằng Trung Quốc là một siêu cường trong “thời đại mới”, có thể thay thế Mỹ như một sự lựa chọn (alternative) nếu không phải là đối chọi (rival). Trump có ảo tưởng (fantasy) “làm Mỹ vĩ đại trở lại” (make America great again) thì Tập cũng muốn “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” (make China great again). Đó là “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream) của Tập. Nhưng nếu Tập lấy Mao làm hình mẫu (model) thì Trung Quốc có thể trở thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ, chứ không giống Mỹ.
Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc “quán triệt tinh thần Mao Trạch Đông” (embrace the spirit of Mao Zedong) và dành ưu tiên cao nhất cho ý thức hệ. Trung Quốc đứng trước 4 lựa chọn: (1) “Hard Totalitarianism (Toàn trị Cứng) như hiện nay, (2) “Soft Totalitarianism (Toàn trị Mềm) như thời Hồ Cẩm Đào, (3) “Neo-Totalitarianism (Tân Toàn trị) như thời Mao, (4) “Semi-Democratic (Dân chủ Nửa vời) như Singapore. Tập có thể chuyển từ “Hard Totalitarianism” sang “Neo-Totalitarianism”. Nếu Tập định “quay về tương lai” (back to the future) thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Vì vậy, David Shambaugh tin rằng “Màn chót” (Endgame) của chế độ Trung Cộng đang đến, và sự sụp đổ có thể xảy ra trong một hai thập kỷ tới. (The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide? Nguyễn Quang Dy, May 17, 2017).
Nhưng Zakaria cho rằng cần làm rõ ba điểm. Thứ nhất về Mao, hiện nay chủ nghĩa Mao chẳng còn nhiều ảnh hưởng. Thứ hai về chính trị, quyền lực của Tập chưa hẳn “độc tôn” vì cơ cấu nhân sự mới không hẳn như vậy. Trong thường vụ BCT, Lý Khắc Cường vẫn là thủ tướng, Uông Dương và Hàn Chính vẫn là người của phái Hồ Cẩm Đào và phái Giang Trạch Dân. Trong khi đó Trần Mẫn Nhĩ là một đồng minh thân cận của Tập (mà một số chuyên gia cho rằng có thể kế thừa Tập) vẫn chưa lọt được vào Thường vụ Bộ Chính Trị (như đồn đoán). Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải của Tập, nhưng không còn trong Bộ Chính Trị (như đồn đoán) và ra khỏi cả danh sách Trung Ương. Phải chăng đây là dấu hiệu Tập đang dọn đường để ở lại thêm một khóa nữa, hay là Tập vẫn chưa hẳn độc tôn? Thứ ba là về triển vọng, vẫn chưa rõ Tập sẽ làm gì với quyền lực mới lớn hơn (tuy chưa hẳn tuyệt đối). Nếu Trung Quốc gặp may, Tập Cận Bình sẽ trở thành một nhà “độc tài được khai sáng” (enlightened absolutist) như Lý Quang Diệu. Nếu không may, Tập sẽ trở thành một hoàng đế chuyên quyền (như Mao 2.0). (Xi whizz: look at the emperor’s new clothes, Niall Ferguson, Sunday Times, October 29, 2017).
Thay lời kết
Tuy “chủ nghĩa tân chuyên chế” (neo-authoritarianism) là chủ thuyết được vận dụng thành công từ thập niên 1990 (sau Thiên An Môn), đã được các học giả Mỹ (như Andrew Nathan và David Shambaugh) đánh giá cao là mô hình “chuyên chế có sức sống” (authoritarian resilience), nhưng nay đã hết màu nhiệm, đang biến thể thành “chủ nghĩa tân toàn trị” (neo-totalitarianism) và “chủ nghĩa tân bảo thủ” (neo-conservatism). Vương Hộ Ninh có quyền tự hào về học thuyết mà mình đã từng đề xướng, cũng như vai trò mới trong Thường vụ Bộ Chính Trị dưới triều đại mới của Tập Cận Bình (2.0). Nhưng Vương có thể chứng kiến biến thể của học thuyết đó đang xô đẩy Trung Quốc đến “Màn chót” (Endgame) của trò chơi quyền lực, như David Shambaugh dự báo hay “Hoàng hôn” (Twilight) của chế độ, như Mixin Pei mô tả.
Trong giai đoạn cải cách lần đầu (1.0) Trung Quốc có thể vận dụng kinh nghiệm phát triển theo mô hình thành công của Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc… Nhưng trong giai đoan cải cách lần hai (2.0) thì phép mầu đó không còn hiệu nghiệm. Bài diễn văn dài ba tiếng rưỡi của Tập Cận Bình (như một luận văn tiến sỹ) ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và nghịch lý cơ bản. Trung Quốc không thể trở thành siêu cường nếu không chịu cải tổ hệ thống chính trị. Nhưng nếu Tập cải tổ toàn diện chế độ như quy luật phát triển đòi hỏi, thì bóng ma Thiên An Môn và Pháp Luân Công có thể xô đẩy Đảng và chế độ cùng sụp đổ. Tập Cận Bình và Trung Quốc đang mạnh lên, muốn ganh đua với Mỹ, không phải vì bản thân Trung Quốc do cải tổ mạnh lên, mà vì bản thân Mỹ và phương Tây do khủng hoảng thể chế nên yếu đi.
Tập Cận Bình muốn tập trung quyền lực tuyệt đối bằng mọi giá để giữ nguyên trạng (trong nước), trong khi bành trướng tại khu vực và thách thức vai trò của Mỹ để thay đổi nguyên trạng (tại Biển Đông). Sau Đại hội 19, tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng lớn và càng rõ, như một nỗi ám ảnh (hay ác mộng) đối với Việt Nam và ASEAN, làm thế giới đau đầu. Trong khi đó, giai thoại về “Xi Dada” đang biến thể thành “Xi Whizz”, làm người ta nhớ đến tác phẩm kinh điển về đa nhân cách là “Dr Jekyll and Mr Hide” (Robert Louis Stevenson, 1886). Trong khi hoàng đế trầm lặng Tập Cận Bình đang vươn lên ngang tầm với bạo chúa Mao Trạch Đông thì Trung Quốc ngày càng bá đạo và càng giống Frankenstein.
Tham khảo
  1. The Biggest Vote, William Safire, New York Times, May 18, 2000.
  2. Wang Huning’s Neo-Authoritarian Dream, Jude Blanchette, October 20, 2017)
  3. Xi Jinping Has Quietly Chosen His Own Successor, Andrei Lungu, Foreign Policy, October 20, 2017.
  4. China’s Contradictions, Stephen Roach, Project Syndicate, October 23, 2017
  5. 5. China’s New Emperor, Chris Patten, Project Syndicate, October 25, 2017
  6. The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, October 27, 2017
  7. Why China’s Xi might come to regret all that power, Kerry Brown, South China Morning Post, October 29, 2017.
  8. Xi whizz: look at the emperor’s new clothes, Niall Ferguson, Sunday Times, October 29, 2017
  9. The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide? Nguyễn Quang Dy, May 17, 2017
  10. Trung quốc trỗi dậy và suy tàn: Giới hạn của quyền lực, Nguyễn Quang Dy, Viet-Studies, 13/4/2016).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-11-7

Không có nhận xét nào: