Vietnam – Cali Today News – Rốt cuộc, giới chóp bu Việt Nam mà đặc biệt là Tổng bí thư Trọng và Thủ tướng Phúc đã có thể tạm thở phào, dù vẫn còn hồi hộp.
Xác xuất ông Trump chủ động hủy những cuộc gặp với giới chóp bu Việt Nam không phải là không thể xảy ra nếu bối cảnh nội tình nước Mỹ “có biến”. |
Không phải Bộ Ngoại giao, cơ quan tuyên giáo hay báo chí nhà nước Việt Nam, mà vẫn là nguồn tin từ báo chí Mỹ, trong đó có đài VOA, cho biết sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào hai ngày 10 và 11/11 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số “tứ trụ” của Việt Nam. Riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này mà chưa rõ lý do vì sao.
3/4 của “tứ trụ”, xếp theo thứ tự về mặt đảng từ cao xuống là Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên trong một thông cáo báo chí phát đi từ Tòa Bạch Ốc vào ngày 16/10/2017, phía Mỹ chỉ xác nhận Tổng thống Trump sẽ có một cuộc gặp chính thức với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và “một số lãnh đạo cấp cao khác” ở Hà Nội sau khi tham dự APEC tại Đà Nẵng. Nhưng trong thông cáo báo chí này đã không tiết lộ lịch trình cụ thể của ông Trump tại Hà Nội.
Tuy Tòa Bạch Ốc lấy lý do “bảo đảm an ninh” cho chuyến thăm Việt Nam của Trump mà không tiết lộ chi tiết lịch trình làm việc của Tổng thống Mỹ, nhưng hiện tượng này lại không được quá khứ gần nhất ủng hộ. Bởi trước chuyến thăm Việt Nam vào tháng Năm năm 2016 của Tổng thống Mỹ Barak Obama, Tòa Bạch Ốc đã thông báo khá cụ thể chương trình làm việc và gặp gỡ của ông Obama tại Hà Nội, chẳng hạn “Tổng thống Mỹ sẽ có một bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ. Trong các cuộc gặp và sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM”, và “Ông cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với thành viên của tổ chức Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, các doanh nhân, và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Cũng khoảng một tháng trước khi Obama đến Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã liên lạc với một số đại diện của Xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam để mời đến gặp ông Obama.
Nhưng vào lần này, có vẻ như Tỏng thống Trump không những không quan tâm đến truyền thống tiếp xúc với giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam, mà cũng chẳng mặn mà với các cuộc gặp với giới chóp bu nước này.
Tương lai của những cuộc hội kiến giữa Trump với “một số lãnh đạo cấp cao khác” là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế vẫn còn một xác suất rủi ro không thành.
Có thông tin cho biết trong thời gian gần đây, mà cụ thể là sau khi Tòa Bạch Ốc phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng thống Trump sẽ chính thức gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, “kênh đảng” đã có một đợt vận động cấp tập để “Trump gặp Trọng” – tương tự chiến dịch vận động được Bộ Ngoại giao Việt Nam âm thầm xúc tiến từ khoảng giữa năm 2014 đến gần giữa năm 2015 để Tổng bí thư Trọng được Tổng thống Mỹ tiếp đón như “nguyên thủ quốc gia” tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015.
Vào năm 2014, ông Trọng còn cử “đặc phái viên” là bí thư thành ủy Hà Nội và cũng được xem là “thái tử” có thể nối ngôi tổng bí thư là Phạm Quang Nghị đi Mỹ như một động tác “tiền trạm” và thăm dò thái dộ của phía Mỹ cho cuộc gặp Obama – Trọng sau đó. Tuy nhiên, kết quả chuyến đi của Phạm Quang Nghị đã bị giới phân tích chính trị xem là mờ nhạt. Thậm chí từ sau khi trở về Việt Nam và cho tới đại hội 12 của đảng cầm quyền, ông Nghị đã một đường đi xuống rồi “biến mất”.
Còn vào tháng 9/2017, Tổng bí thư Trọng đã cử Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân đi Mỹ, thay vì là Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Chỉ sau đó ít ngày, một hiện tượng lạ lùng đã xảy ra khi ông Phạm Bình Minh xuất hiện trước Hội nghị trung ương 6 để đọc một bản báo cáo chuyên đề về… dân số.
Trong khi kết quả chuyến đi Washington của Hoàng Bình Quân còn mờ nhạt hơn cả chuyến đi Mỹ của Phạm Quang Nghị ba năm trước, “quan hệ kênh đảng” – như một yêu cầu mang tính khẩu hiệu của Tổng bí thư Trọng trong những năm gần đây, còn bị đe dọa bởi “hoàn cảnh” của Tổng thống Mỹ.
Đó là việc liệu Tổng thống Mỹ có thể dành toàn tâm toàn ý cho chuyến công du châu Á này hay không? Bởi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ. Ba cựu cố vấn của tổng thống Mỹ bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga. Vào lần này, mối nguy hiểm đối với ông Trump còn lớn hơn cả lần gần nhất khi ông bị đảng Dân chủ đòi điều tra.
Vì thế, giới phân tích chính trị cho rằng ông Trump sẽ công du Việt Nam trong tâm trạng ruột gan rối bời”. Cộng với tính khí thất thường đã trở nên quá nổi tiếng của Trump, xác xuất ông Trump chủ động hủy những cuộc gặp với giới chóp bu Việt Nam không phải là không thể xảy ra nếu bối cảnh nội tình nước Mỹ “có biến”.
(Cali Today
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét