Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Huy Đức - Ai thủ lợi ở Thủ Thiêm?; Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm ‘không có’ hay bị ‘phi tang’?

03/05/2018

Nhà nguyện tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường hay Ủy ban nhân dân TP.HCM đã khiến Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm biến mất từ nhiều năm qua?
Bản đồ biến mất và ‘nụ cười Võ Văn Hoan
Bất chấp việc mới đây người phát ngôn của chính quyền TP.HCM - ông Võ Văn Hoan - cho rằng bản đồ trên chỉ là ‘chưa tìm thấy’ chứ không phải không tìm thấy, song độ dài thời gian biến mất của bản đồ này đã khiến dư luận xã hội không thể không bật lên dấu hỏi: liệu đã có một bàn tay hay thế lực bí ẩn nào cố ý đánh cắp Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và phi tang nó nhằm một mục đích đen tối nào đó?

Người dân Sài Gòn vẫn còn nhớ như in ‘nụ cười Võ Văn Hoan’ - vào lúc ông Hoan thay mặt Ủy ban nhân dân TP/HCM đến hiện trường vụ cháy chung cư cao cấp Carina ở Quận 8 vào đầu tháng Tư năm 2018 mà đã gây ra cái chết của 13 cư dân. Vào thời điểm đó, trong không khí tang tóc và trước một rừng ống kính phóng viên, không hiểu sao ông Võ Văn Hoan lại cười tươi.
Vụ biến mất của Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm lại lồng trong bối cảnh Bộ trưởng công an Tô Lâm đã phải thừa nhận có ít nhất 800 tài liệu thuộc danh mục bảo vệ bí mật nhà nước đã bị lộ lọt trong những năm qua.
Rất có thể trong một thời gian dài, Bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm đã được chính quyền TP.HCM và Chính phủ xếp vào loại tài liệu bí mật mà không thể công khai - tương tự vụ ‘Mobifone mua AVG’ mới phát lộ gần đây, trong đó có tình tiết ‘lãnh đạo bộ Công an chấp thuận đưa vụ mua bán này vào danh mục tài liệu bí mật’ mà do vậy không thể công khai cho công luận và xã hội.
Không công khai quy hoạch và bản đồ quy hoạch lại là một thứ bệnh ung thư của chế độ độc đảng và các nhóm lợi ích, khi luôn tìm cách bưng bít thông tin quy hoạch và đền bù giải tỏa để trục lợi khủng với giá bán đất ra thị trường cao gấp 10 - 20 lần so với mức giá đến bù cho dân.
Những cái chết treo cổ và hơn 6 tỷ đô la tiền chênh lệch
Trong vài trăm ‘điểm nóng khiếu kiện đất đai’ ở Việt Nam mà Thanh tra chính phủ thường thống kê, làn sóng khiếu kiện và tố cáo của dân Thủ Thiêm thuộc loại bi phẫn nhất, dày đặc nhất và kéo dài lâu nhất cho tới ngày hôm nay kể từ khi một quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ ban hành vào năm 1996.
‘Không công bố bản đồ quy hoạch’ là một trong rất nhiều nội dung khiếu tố của nhiều hộ gia đình trong số 15000 dân ở Thủ Thiêm. Các cấp chính quyền từ Quận 2 đến Ủy ban nhân dân thành phố đã có quá nhiều dấu hiệu giấu biệt bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm trong suốt một thời gian dài.
Nhưng sau áp lực liên tục của dân oan Thủ Thiêm, Thanh tra chính phủ đã phải cử một đoàn thanh tra về quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chính người dân Thủ Thiêm đã phát hiện ra là chính quyền đã giải tỏa lố hàng trăm ha đất của dân.
Theo tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, trong khi bản đồ người dân trưng ra thực tế diện tích đất chỉ hơn 500 ha thì bản đồ 650 ha của chính quyền tính luôn diện tích nhà đất của người dân.
Có nghĩa là diện tích ‘giải tỏa thêm’ có thể đến 150 ha và do đó đã đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 150 ha đất giải tỏa lố - mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD!
Một trong những quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất là Lê Thanh Hải - chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy TP.HCM từ khoảng năm 2000 đến tận cuối năm 2015.
Lê Thanh Hải có những biệt danh chính trị như ‘Anh Hai Sài Gòn’, ‘Lãnh chúa Gia Định’ và cả một biệt danh dân dã mà dân oan Thủ Thiêm đặt cho là ‘Hải Heo’.
Từ nhiều năm qua, Lê Thanh Hải cũng được cho là một trong những quan chức tham nhũng nhất và giàu nhất Việt Nam. Một trong những vụ tai tiếng nhất của Lê Thanh Hải là ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
‘Đất vàng’ cùng số lợi nhuận khổng lồ trên đã biến thành nguồn cơn khiến chính quyền TP.HCM và Quận 2 tiến hành chiến dịch cưỡng chế di dời đối với dân nơi đây trở nên tàn bạo và đẫm máu nhất trong các vụ cưỡng chế di dời dân ở Việt Nam.
Chiến dịch trên, kéo dài trong nhiều năm trời, đã dẫn đến nhiều cái chết của dân oan Thủ Thiêm nhưng lại tuyệt đối không được bất cứ cơ quan chức năng nào tiết lộ và cũng không được báo chí nhà nước công bố.
Một nạn nhân điển hình của nạn cưỡng chế trên là gia đình bà Nguyễn Thị The. Chồng và con trai của bà The đã treo cổ tự vẫn vì bị cưỡng chế, ruồng bố.
Không chỉ đẩy đuổi dân, chính quyền và công an còn kéo quân phá sập và ủi sạch chùa Liên Trì ở Quận 2 - một cơ sở thờ tự lâu đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm sắp chịu nạn!
Cùng với chùa Liên Trì, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở Quận 2 đã từ nhiều năm qua nằm trong danh sách “đối tượng giải tỏa”, cho dù cơ sở Công giáo này đã có lịch sử tồn tại đến 178 năm và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường quan tâm chia sẻ.
Trong chiến dịch giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đặc biệt mang tính “lấy thịt đè người” vào năm 2015, chính quyền TP.HCM và quận 2 đã cử những quan chức cấp thấp đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm để vừa chiêu dụ vừa đe dọa các sơ. Sau đó là một lực lượng đông đảo lên đến vài trăm người vừa công an vừa dân phòng cùng các hội đoàn nhà nước đã bao vây cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm như một thủ đoạn tạo áp lực nặng nề về tâm lý để khiến các sơ hoặc phải tự nguyện rời bỏ mảnh đất rộng nhiều hecta có giá thị trường đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông này, hoặc phải chấp nhận một đơn giá bồi thường đất đai rẻ mạt của chính quyền.
Cũng vào năm 2015, nghe nói chính quyền ở Sài Gòn đã “cân lên đặt xuống” giữa chùa Liên Trì và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xem “cái nào giải tỏa trắng dễ hơn.”
Vào đầu tháng Năm năm 2018, Ủy ban nhân dân TP.HCM với người đại diện là Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bất ngờ ‘chấp thuận phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng toàn bộ 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 của khu đô thị mới Thủ Thiêm’, trong đó có nội dung ‘yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm) cũng như thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông theo đúng tiến độ’.
Tức Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng sẽ nằm trong số 9 lô “đất vàng” sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại TP.HCM.
Trong lúc các nữ tu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hoàn toàn không được thông báo gì về kế hoạch di dời trên, sự biến mất của Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm càng tạo điều kiện để chính quyền và các nhóm lợi ích lấp liếm rằng Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ‘nằm trong quy hoạch giải tỏa’.
Thế nhưng Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, đã nói với đài VOA Việt ngữ rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.
“Trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch” - Linh mục Lê Ngọc Thanh cho biết.
Rõ là tiền vẫn trên hết. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu trung tâm quận 1, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và quan chức “2 Đ” (đất và đô la), và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó “chiếm” được. Diện tích này lại lọt thỏm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền luôn lấy cớ quy hoạch để giải tỏa đất tôn giáo.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền quận 2 (đứng đằng sau là chính quyền thành phố mà người “đại diện” chính là Phó bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang) cùng những tổ hợp nhóm lợi ích sẽ hưởng một nguồn lợi trực tiếp và khổng lồ từ việc giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Còn Nguyễn Thiện Nhân?
Hãy nhìn lại cuộc đến thăm ngày 10/2/2018 của Nguyễn Thiện Nhân - một ủy viên bộ chính trị và là Bí thư thành ủy TP.HCM tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Khi đó, có ý kiến đánh giá rằng Nguyễn Thiện Nhân lại là người thuộc trường phái “chính trị gia co thủ”, vốn hết sức thận trọng với các giao tiếp “nhạy cảm chính trị” và càng tránh xa những hoạt động bề nổi chẳng có lợi gì cho mình. Do vậy, cuộc thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm của ông Nhân vào những ngày cận tết nguyên đán 2018 đã cho thấy cơ sở tôn giáo này tạm an toàn.
Nhưng giờ đây, có vẻ đó là một sự tráo trở.
Nguyễn Thiện Nhân - người đang trở thành ứng cử viên số một ngồi vào ghế chủ tịch nước thay cho Trần Đại Quang tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 - theo rất nhiều tin tức trong và ngoài nước gần đây, rất có thể đã thực hiện cuộc thăm viếng Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm như một động tác thăm dò, mị dân và đánh lạc hướng, để sau đó quay ngoắt và thanh minh ‘tôi không biết vụ giải tỏa Nhà dòng này’.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. 

Kịch bản của những người làm quy hoạch Thủ Thiêm từ thập niên 1990s (thời ông Võ Viết Thanh, Vũ Hùng Việt) là đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, yếu tố nước ngoài đã được sử dụng như những con ngáo ộp (đe doạ an ninh, chính trị) để các dự án BT ở đây rơi vào tay các nhà thầu sân sau. Những nhà thầu này từng giữ dự án nhiều năm mà không đầu tư một mét hạ tầng nào để sau đó bán lại với giá cao hơn gấp 3, 4 lần chi phí.

Hình minh họa
Phải biết những kẻ thực sự thủ đắc siêu lợi nhuận ở những nơi này (chưa phải là nhà đầu tư hiện thời) mới hiểu vì sao ngày 17-11-2015, khi đang thanh tra các dự án BT ở Thủ Thiêm, các thanh tra viên đã bị “mật rút” về Hà Nội.

Không chỉ phải phục hồi thanh tra để làm rõ các nhóm đặc quyền, đặc lợi đã chia chác Thủ Thiêm mà cần phải rút được những bài học nhằm bổ sung chính sách.

Đừng để những người dân đang nằm trong các vùng tham vọng của những Sun Group, FLC… rồi phải tha phương như người dân Thủ Thiêm. Nếu đất có thể đẻ ra siêu lợi nhuận tại sao những người dân sở hữu đất đai của cha ông lại không phải là những người đầu tiên được sẻ chia lợi nhuận.

Quốc hội nên cho sửa ngay Luật Đất Đai, thay vì tiếp tục trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên quyền thu hồi đất, chỉ nên cho họ quyền “trưng mua” như Hiến định.

Quốc hội cũng nên ban hành một đạo luật cho phép người dân nằm trong vùng có dự án đụng chạm đến một quy mô đất đai và dân số nhất định bầu ra một ban đại diện làm việc với nhà nước và các chủ đầu tư về tỷ lệ góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thoả thuận mức giá với những người muốn nhận tiền để đầu tư nơi khác.

Tại sao hàng chục nghìn người dân Thủ Thiêm hay Ecopark bị “giải toả” đất đai chỉ nhận đền bù được khoảng vài trăm nghìn đồng một mét vuông để rồi đất ấy đang được bán với giá có nơi lên đến trăm triệu một mét vuông. Nếu phải giải toả Thủ Thiêm rồi giao cho các tư nhân “phân lô bán nền” như hiện nay, tại sao người dân lại không được sử dụng đất đai của ông cha để cùng góp vốn.

Nếu có một ban đại diện thực sự của người dân, chi phí đầu tư hạ tầng sẽ không cao như vừa qua vì nó buộc phải minh bạch và ban này sẽ không chấp nhận những khoản chi cho tham nhũng.

Chắc những người đang có quyền ban hành chính sách hiện nay cũng nhận ra rằng, quý vị không hề thiếu tiền. Cái quý vị thiếu là sự tôn trọng và ủng hộ của dân chúng.

Mấy ai trong quý vị thực sự được hưởng lợi khi duy trì những chính sách đặt tài sản của những người dân thấp cổ bé miệng trong tầm ngắm của những kẻ tham lam. Thay vì cho các đại gia núp sau lưng rồi đưa chân vào thế đối đầu với nhân dân hãy đặt mình trong tâm thế người dân. “Quan nhất thời”. Nên nhớ là, người thân và chính quý vị rất có thể trở thành nạn nhân của những chính sách mà quý vị đang níu kéo vì tưởng bở sẽ có cơ trục lợi.

Huy Đức

(FB Trương Huy San)

Không có nhận xét nào: