Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Từ "cung điện" tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi

Tất Đạt | 

Từ "cung điện" tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi
Ảnh: Reuters

Từ một "đại tỉ phú" với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi "luật rừng" và chết trong cay đắng, tủi nhục.

LTS: Cuối tháng 4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của Libya hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên. Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua.
Tòa soạn xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.
Để xem các bài viết trước, mời quý độc giả click vào đây:
********
Cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2011, sau khi những thước phim ghi lại hình ảnh ông Gaddafi bị tra tấn bởi phe nổi dậy được đăng tải trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, những chi tiết đằng sau vụ việc - nhất là diễn biến quanh thời điểm phiến quân tìm thấy người đàn ông này trong một cống bê tông ở thành phố Sirte - vẫn chưa được xác nhận cụ thể.

Theo tờ The Guardian, bản báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) công bố ngày 16/10/2012 có thể được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về những giây phút cuối cùng của nhà lãnh đạo Libya.
Qua các cuộc phỏng vấn với những người thân cận nhất của ông Gaddafi - cũng là những người đã sống sót và chứng kiến toàn bộ vụ việc, HRW đã thu thập được nhiều chi tiết quan trọng xoay quanh cái chết của người đàn ông này.
Cái chết của ông Gaddafi
Sau vài năm liên tục được cựu thủ tướng Anh Tony Blair và các nhà lãnh đạo thế giới khác hối thúc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, không ai có thể ngờ người điều hành đất nước Libya lại có ngày bị mắc kẹt giữa sa mạc hoang vu, tuyệt vọng vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Từ một "đại tỉ phú" với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi "luật rừng" và chết trong cay đắng, tủi nhục.
Bản báo cáo của HRW ước tính rằng có ít nhất 66 nạn nhân trong đoàn người của ông Gaddafi đã bị phiến quân hành quyết sau khi bắt giữ. 
Từ cung điện tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi - Ảnh 1.
Chiếc xe chở ông Gaddafi đang hấp hối trên hành trình từ Sirte đến Misratah. Ảnh: Reuters
Trong khi chính quyền Libya tuyên bố ông Gaddafi trúng đạn trong cuộc chiến cuối cùng ở nơi trú ẩn, các bằng chứng được HRW thu thập cho thấy nhà lãnh đạo này đã bị hành hình tại chỗ. 
Theo lời khai của một thủ lĩnh phiến quân, thì "tình hình khi đó rất rối loạn, bạo lực và không thể kiểm soát". Các thước phim ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy thân thể ông Gaddafi bị thương nặng. 
Hành trình trốn chạy
Ngày 28/8/2011, Tripoli thất thủ sau làn sóng Mùa xuân Ả rập, ông Gaddafi và một đoàn bao gồm người thân cận và tùy tùng tìm đường rời khỏi thủ đô. Khi ấy, không ai biết họ dự tính đi về đâu. Vài người họ hàng ông Gaddafi sau này xuất hiện tại nước láng giềng Algeria.
Còn bản thân nhà lãnh đạo quay trở lại quê hương Sirte - một thành phố nằm dọc bờ biển phía đông từng được ông Gaddafi tôn làm thủ đô của ý tưởng "Nước Mỹ ở Châu Phi".
Chịu các mũi tấn công dồn dập từ Benghazi ở phía đông và Misrata ở phía tây, thành phố này bị bao vây trong gần hai tháng. Người lãnh đạo chiến dịch phòng thủ Sirte là Mutassim, con trai thứ 4 của ông Gaddafi.
Từ cung điện tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi - Ảnh 2.
Khẩu súng vàng của ông Gaddafi - Chiến lợi phẩm do phe nổi dậy thu được. Ảnh: Reuters
Khi phiến quân ngày càng tiến sâu vào khu vực, Gaddafi và những người thân cận buộc phải di chuyển thường xuyên hơn. Cuối cùng, họ tới vùng ngoại ô ở miền đông Libya.
"Ban đầu, chúng tôi ở lại khu vực trung tâm thành phố," Mansour Dhao, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thuộc chế độ ông Gaddafi thuật lại.
"Nhưng chúng tôi buộc phải rút lui khi phiến quân tràn vào khu vực. Không còn thực phẩm, không còn thuốc men, nước uống cũng khan hiếm. Các bể chứa nước lớn bị phiến quân tấn công. Cứ 4 hoặc 5 ngày, chúng tôi lại phải tìm nơi trú ẩn mới."
Theo bản ghi chép của HRW, ông Gaddafi "giành hầu hết thời gian đọc kinh Koran và cầu nguyện".
Dhao kể: "Các phương tiện giao tiếp với thế giới bên ngoài đã bị tước bỏ: không có TV, không có gì cả. Chúng tôi chẳng có việc gì để làm, chỉ ngủ hoặc ngồi không. Gaddafi bắt đầu trở nên bực bội."
"Ông ấy tức tối vì không có điện, không có điện thoại, TV và không có cách nào để giao tiếp với thế giới. Chúng tôi nhìn ông ấy, ngồi xuống bên cạnh trong khoảng 1-2 giờ gì đó. Ông Gaddafi bắt đầu hỏi: 'Tại sao ở đây không có điện? Tại sao không có nước?'"
Khoảng ngày 19-20/10, lực lượng của ông Gaddafi liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa và pháo dữ dội từ phe nổi dậy. Ông Mutassim ra lệnh mở vòng vây, đưa thường dân và những người bị thương lên các xe chở đầy vũ khí và đạn dược.
Tuy nhiên, giờ khởi hành ban đầu trong khoảng 3h30 đến 4h sáng đã bị lùi xuống 8h sáng. Tới lúc này, các nhóm phiến quân đã chuẩn bị sẵn sàng.
Từ cung điện tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi - Ảnh 3.
Một trận không kích của NATO tại Libya. Ảnh: Reuters
Đoàn người của ông Gaddafi hầu như không có chút cơ hội nào để vượt qua vòng vây. Trên đường rời khỏi thành phố, chiếc xe đi ngay cạnh xe chở Gaddafi trúng tên lửa và nổ tung. 
"Lực nổ mạnh đến nỗi túi khí bung ra," ông Dhao nói.
Tới thời điểm ấy, chẳng còn đường nào để đoàn xe của ông Gaddafi chạy. Các chiến cơ, máy bay không người lái theo sát mọi động thái từ trên cao. Một căn cứ quân sự của phe nổi dậy chốt chặn ở cuối đường di chuyển.
Một nguồn tin cho hay: "NATO không biết rằng ông Gaddafi đang di chuyển trong đoàn xe. Máy bay của lực lượng NATO tấn công những chiếc xe chứa đầy vũ khí này để giảm mối đe dọa đối với thường dân."
Chỉ huy phiến quân Khalid Ahmed Raid nhớ lại: "Đoàn xe của Gaddafi lao thẳng tới căn cứ và dùng súng phóng lựu tấn công chúng tôi. Họ tìm cách đi vòng qua khu vực. Chúng tôi sử dụng súng phòng không để bắn trả."
Những giây phút cuối cùng
Nhóm người của ông Gaddafi buộc phải đầu hàng, tìm cách trú ẩn trong một khu nhà ở gần đó nhưng tiếp tục bị vây hãm. Trả lời HRW, một người sống sót cho biết đã thấy ông Gaddafi "đội mũ phòng hộ và mặc áo chống đạn, tay cầm súng tự động và súng ngắn trong túi áo".
Trước tình hình nguy cấp, Mansour Dhao thuyết phục ông Gaddafi né đường chính, chui xuống đường cống để sang khu vực nông trại ở đầu bên kia. Khi họ vừa chui ra, các phiến quân tung một loạt đạn đón đầu. Nhóm của ông Gaddafi ném lựu đạn đáp trả. Không may, một quả lựu đạn bật trở lại, giết chết người ném và làm ông Gaddafi bị chấn thương đầu.
Trên đà chiến thắng, phiến quân tràn lên, lục soát. Theo lời một vài binh sĩ, họ lần theo vết máu và phát hiện một gương mặt quen thuộc.
Từ cung điện tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi - Ảnh 4.
Cống bê tông, nơi phát hiện ông Gaddafi. Ảnh: Fardanews
"Muammar! Muammar!" một người hét lên. Quân nổi dậy xúm lại, kéo người đàn ông lớn tuổi trong bóng tối ra bên ngoài.
"Cậu đang làm gì vậy? Con trai ta, cậu đang làm gì vậy?" - ông Gaddafi hoảng hốt trước vòng vây người xung quanh. Ông van xin được tha mạng, nhưng không ai lắng nghe.
"Tôi đã làm gì các người?"
Nhà lãnh đạo Libya đứng không vững, tóc tai rối bù, máu chảy nhỏ giọt xuống gương mặt thất thần. Khung cảnh sau đó được ghi lại trong một thước phim điện thoại kéo dài 3 phút 38 giây.
Khalid Ahmed Raid thừa nhận: "Lúc đó rất hỗn loạn. Quân nổi dậy túm tóc và đánh ông ấy. Chúng tôi hiểu rằng phải đưa ông ấy ra xét xử, nhưng tôi không thể cản tất cả mọi người được."
Nhiều người có mặt giơ điện thoại trước mặt, ghi lại những giờ phút cuối cùng của Gaddafi. Ông bất tỉnh nhiều lần trước trận đòn thù.
"Khi Gaddafi được đưa lên xe cứu thương, ông ấy đã hấp hối. Sau chuyến hành trình tới Misrata kéo dài hai tiếng đồng hồ, Gaddafi qua đời."
Nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của ông Gaddafi vẫn còn là điều gây tranh cãi. Theo một binh sĩ, ông đã bị bắn vào bụng bằng khẩu súng ngắn 9 ly.
Theo các bác sĩ khám nghiệm tử thi, ông đã bị bắn vào đầu. Một vài quan chức thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya cho hay Gaddafi đã bị "giết hại sau khi bị bắt", trong khi những người khác cho rằng ông đã bị bắn giữa lúc giao tranh hỗn loạn.
Tuy nhiên, di sản ông Gaddafi để lại sau 42 năm lãnh đạo Libya mới là những gì người dân nước này quan tâm nhất. Một vài đại diện người Libya đã có cơ hội được tiếp cận nhà xác nơi bảo quản thi thể của cựu lãnh đạo.
Một thời đại đã khép lại và người dân Libya có những lựa chọn của riêng mình cho kỉ nguyên mới.
Diễn biến nội chiến Libya
Cuối năm 2010, phong trào Mùa xuân Ả rập còn được gọi là Cách mạng hoa nhài bắt nguồn từ các cuộc diễu hành chống tình trạng tham nhũng tại Tunisia, sau đó lan rộng sang các nước Ả rập khác như Ai Cập, Yemen, Jordan... Đến tháng 2/2011, làn sóng này "đổ xô" sang người láng giềng Libya.
Tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai ở Libya - Benghazi, các nhóm phản đối chính quyền Gaddafi tự phát tổ chức diễu hành thị uy quy mô lớn, rất nhanh sau đó, các cuộc biểu tình phát triển thành cuộc nổi dậy vũ trang trên toàn quốc.
15/2/2011 - Các cuộc biểu tình nổ ra tại Benghazi sau khi chính quyền Gaddafi bắt giữ Fathi Terbil, một nhân vật chống đối chính phủ. Khoảng 2.000 người tham gia phản đối qua đêm. Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã dẫn tới thương vong.
17/2/2011 - Hàng ngàn người Libya tổ chức "Ngày thịnh nộ", diễu hành trên các đường phố để phản đối sự lãnh đạo của Gaddafi. Lực lượng cảnh sát bị cáo buộc giết hơn chục người biểu tình khi phản ứng bằng cách bắn đạn thật trực tiếp vào đám đông.
20/2/2011 - Sau vài ngày, lực lượng nổi dậy quân chống Gaddafi chiếm quyền kiểm soát Benghazi. Các thành phố xa hơn về phía đông, bao gồm Baida và Tobruk, đã bị kiểm soát đối lập vào thời điểm này.
26/2/2011 - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1970 áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với ông Muama Gaddafi, cấm vận vũ khí đối với Libya và yêu cầu đưa các vụ xử lý biểu tình ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
5/3/2011 - Một nhóm các nhà lãnh đạo nổi dậy tự xưng là Hội đồng chuyển tiếp quốc gia đưa ra tuyên bố rằng, lực lượng này là đại diện duy nhất của Libya.
19/3/2011 - Sau một cuộc tranh luận, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu để thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Liên quân Anh-Pháp-Mỹ tổ chức tấn công Libya vài giờ sau khi nghị được thông qua.
15/4/2011 - Quân của Gaddafi rút khỏi Misrata.
21/8/2011 - Máy bay tiêm kích phe đối lập tiến vào Tripoli
16/9/2011 - Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) được Liên Hợp Quốc công nhận là đại diện hợp pháp của Libya, thay thế chính phủ Gaddafi.
20/10/2011 - Gaddafi bị bắt và bị giết khi cố gắng trốn thoát khỏi Sirte
23/10/2011 - NTC tuyên bố giải phóng Libya và kết thúc chiến tranh

Không có nhận xét nào: