Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam hiện vẫn đang được thảo luận, lấy ý kiến với nhiều thay đổi lớn so với dự thảo đầu tiên liên quan đến chính sách ưu tiên, ưu đãi, mô hình tổ chức bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị trong đặc khu tương lai.
Theo nhận định của luật sư Trương Thanh Đức, Ủy viên ban chấp hành Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật Basico, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt rơi vào tình trạng loay hoay và thay đổi liên tục với việc ưu tiên cái gì, ưu tiên lĩnh vực nào và ưu tiên đến đâu.
Trong đặc khu, không một lĩnh vực nào không cần ưu tiên từ kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch hay thanh tra, công an, toà án, cho đến luật sư, tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, ưu tiên tất cả thì không được mà thu hẹp thì cũng vô lý.
"Đúng ra, với bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng như hiện tại và định hướng tương lai thì không cần phải có đặc khu, mà cả nước phải là một đặc khu, thảo bỏ mọi rào cản bất hợp lý để phát triển", ông Đức nói và cho biết thêm, nếu vẫn phải có thì cần tiếp tục xem xét nhiều vấn đề.
Theo đó, luật để tạo ra đặc khu phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triển gấp hàng chục lần so với không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào ưu đãi tiền thuế, đất, tài nguyên thì chỉ là sự dịch chuyển kinh tế chứ không tạo ra phát triển kinh tế thực chất.
Do đó, đặc khu cần tạo ra môi trường tự do, thuận lợi, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính, chính trị và giải quyết tranh chấp, để phát triển mạnh kinh doanh, kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhằm thu được nhiều thuế.
Về tên gọi, tuy tên là khu kinh tế, hành chính đặc biệt, nhưng thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt, chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt. Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại. Do đó chi cần gọi là Đặc khu kinh tế thay vì gọi là đặc khu kinh tế, hành chính, ông Đức nói.
Đối với chính quyền địa phương, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, đặc khu cần phải áp dụng một trong hai cơ chế sau: Thứ nhất, nếu có Hội đồng nhân dân, thì không có Uỷ ban nhân dân, mà chỉ có thị trưởng, chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì Uỷ ban nhân dân, chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có Uỷ ban nhân dân, thì không nên có Hội đồng nhân dân.
Về quản lý nhà nước, dù có hay không có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, thì cũng chỉ nên có một đầu mối cơ quan hành chính quản lý nhà nước thay vì 5 - 7 cơ quan như Dự thảo và cũng tương tự như đối với các huyện thị hiện hành.
Tức là cần coi đặc khu kiểu giống như một khu công nghiệp hay khu chế xuất, chỉ có 1 Ban quản lý khu công nghiệp. Đồng thời, nó không chỉ là các chính sách miễn giảm hay cơ chế ưu đãi như đối một khu công nghiệp.
Về đoàn thể và chính trị, cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính. Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ, chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.
Về tranh chấp và toà án, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, cần có cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự và hành chính một cách nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả hơn và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, mở rộng thủ tục xét xử rút gọn; hay Hội đồng xét xử cần cơ chế 1 hoặc 3 thẩm phán chuyên nghiệp thay cho cơ chế hội thẩm nhân dân thông thường.
XEM THÊM
- Lo ngại đặc khu kinh tế sẽ phát sinh "cuộc đua xuống đáy" của ưu đãi
- Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về lập 3 đặc khu kinh tế
- Tạm ngưng mua bán đất tại khu vực có dự án tại 3 đặc khu kinh tế
- Thủ tướng làm "tư lệnh" xây dựng các đặc khu kinh tế
- Yêu cầu làm rõ tác động của việc lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét