Tóm tắt bài viết

  • Theo chuyên gia Roberte Mccoy, đã đến lúc Mỹ và các đồng minh cần có các biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông.
  • Các biện pháp ngoại giao không có tác dụng ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Việc thiếu phản ứng hiệu quả, dưới danh nghĩa tránh xung đột, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc làm bất cứ điều gì mà họ muốn trong khu vực.
  • Phương Tây không nên chọn một cuộc chiến với Bắc Kinh, nhưng cũng không nên lùi bước trong bất kỳ sự đối đầu nào với Trung Quốc.
Đã đến lúc Mỹ và các đồng minh cần từ bỏ các hoạt động tự do hàng hải không hiệu quả, với các biện pháp kiên quyết hơn, theo chuyên gia Roberte Mccoy đăng trên tờ Asia Times hôm 8/6.
Theo ông Mccoy, cách tiếp cận ‘gia tăng từ từ của Trung Quốc đối với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Biển Đông cho đến nay, đã tránh được mọi hậu quả nghiêm trọng. Điều này cần phải thay đổi trừ khi Mỹ và các đồng minh sẵn sàng chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trên tuyến đường thủy quan trọng về kinh tế và chiến lược này.

Mặc dù Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay (PCA) ra phán quyết ủng hộ Philippines, chống lại tuyên bố ‘Đường Chín Đoạn’ của Trung Quốc trong năm 2016, cũng như việc Mỹ thực hiện Các hoạt động Tự do Hàng hải trong khu vực biển tranh chấp, Trung Quốc trong thời gian gần đây vẫn ngang nhiên lắp đặt các tên lửa chống tàu (ASM) và tên lửa đất đối không (SAM), để phục vụ cho nhiệm vụ tấn công, mà Trung Quốc tuyên bố cho mục đích phòng thủ.
Ông Mccoy lưu ý về một báo cáo gần đây, nói rằng Trung Quốc đã di dời hoặc đơn giản là giấu đi các tên lửa SAM. Nhưng, báo cáo này cũng trích dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng sự thay đổi đó của Bắc Kinh có thể chỉ là tạm thời.
Ông Mccoy cho rằng không có gì được thực hiện để đảo ngược xu thế quân sự hóa các đảo của Trung Quốc, ngoài việc tàu chiến Mỹ chủ ý vượt qua khu vực 12 hải lý của các đảo nhỏ do Bắc Kinh tạo ra.
Tình hình hiện tại đã xảy ra bởi vì mặc dù yêu sách của Bắc Kinh đối với 90% Biển Đông bị các cơ quan quốc tế có thẩm quyền tuyên bố là vô hiệu, nhưng không có lực lượng thực thi để đảm bảo Trung Quốc từ bỏ yêu sách bất hợp pháp và ngang ngược này.
Theo ông Mccoy, với mỗi hành động được thực hiện theo thủ đoạn ‘từng li từng tí’, không đủ để kích động một cuộc đụng độ vũ trang, Bắc Kinh qua nhiều năm đã chiếm giữ một số đảo nhỏ, rạn san hô và bãi cạn ở khu vực biển tranh chấp.
Kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các đảo, cùng với việc nạo vét sao cho các công trình cố định và gần đây là những đường băng, có thể được xây dựng. Bây giờ, những máy bay tiêm kích và máy bay ném bom hạt nhân có thể hạ cánh trên những hòn đảo này, nơi mà Bắc Kinh cũng đã lắp đặt các tên lửa ASM và SAM.
Rõ ràng, Trung Quốc đã từng bước củng cố, thiết lập như một lực lượng quân sự vượt trội ở Biển Đông, bất chấp ‘lời thề’ của Chủ tịch Tập Cận Bình trước cựu Tổng thống Barack Obama, rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa khu vực này.
Những suy nghĩ thông thường cho đến nay là việc chiếm giữ những ‘đảo nhỏ nhân tạo’ trên một vùng biển rộng lớn, là không đủ lý do cho một cuộc xung đột. Tuy nhiên, theo ông Mccoy, với kiểu suy nghĩ đó, ngầm chấp nhận mà không có bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để loại bỏ nó, Bắc Kinh đã duy trì sự hiện diện quân sự ở đó, vi phạm trực tiếp phán quyết của tòa án trọng tài, được đưa ra vào tháng 7/2016.
Hiện với những tiền đồn quân sự tiên tiến đúng chỗ, Trung Quốc có thể hăm dọa các quốc gia có yêu sách khác, phải từ bỏ quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Một ngư dân Philippines đeo kính lặn và chân nhái trước khi lặn tại Bãi cạn Scarborough.
Một ngư dân Philippines đeo kính lặn và chân nhái trước khi lặn tại Bãi cạn Scarborough. ( Ảnh: Reuters)
Ví dụ như trong tuần qua, các phương tiện truyền thông Philippines đã phát một đoạn băng video, ghi lại hình ảnh Chiếc tàu Bảo vệ Bờ biển của Trung Quốc, thu giữ mẻ cá do ngư dân Philippines đánh bắt gần khu vực Bãi cạn Scarborough. Bị Trung Quốc cưỡng đoạt chiếm giữ trong năm 2012, Bãi đá này là nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế được xác định hợp pháp của Philippines.
Tương tự, các nỗ lực thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines đã bị Bắc Kinh ngăn chặn hoàn toàn hoặc không được khuyến khích, trừ khi hợp tác với Trung Quốc.
Các biện pháp ngoại giao, thậm chí tranh cãi quốc tế, là không có tác dụng ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Cho đến nay, các Hoạt động Tự do Hàng hải của Mỹ, và sắp tới có sự tham gia của cả Anh và Pháp, đã không có bất kỳ tác dụng đáng kể nào khiến cho Bắc Kinh ngừng gia tăng vũ khí trên các hòn đảo mà họ yêu sách.
Việc thiếu phản ứng hiệu quả, dưới danh nghĩa tránh xung đột, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc làm bất cứ điều gì mà họ muốn trong khu vực, ông Mccoy nhận xét.
Các Hoạt động Tự do Hàng hải có thể sẽ gây ra phản ứng lớn hơn từ Trung Quốc. Trong khi Mỹ và các đồng minh có thể ‘ghi điểm’ ngoại giao và chính trị thông qua các hoạt động như vậy, nhưng cũng tăng khả năng đối đầu quân sự với Bắc Kinh.
Bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài La Hay, mọi Hoạt động Tự do Hàng hải trong vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách, sẽ là ngòi nổ cho xung đột. Phương Tây không nên chọn một cuộc chiến với Bắc Kinh, nhưng cũng không nên lùi bước trong bất kỳ sự đối đầu nào với Trung Quốc, ông Mccoy nhận định.
Các tàu chiến và máy bay tiêm kích của Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia triển lãm quân sự tại Biển Đông ngày 12/4/2018.
Các tàu chiến và máy bay tiêm kích của Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia triển lãm quân sự tại Biển Đông ngày 12/4/2018. (Ảnh: Reuters)
Ví dụ, một máy bay tiêm kích Trung Quốc hành động một cách hung hăng, như đã làm vào năm 2001, chống lại một máy bay trinh sát của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế, hoặc nếu nó nhắm mục tiêu vào một máy bay đồng minh với ‘radar điều khiển bắn’, một hành động được coi là thù địch, phản ứng tức thời là phải làm vô hiệu sự đe dọa bằng cách bắn hạ nó, ông Mccoy đề xuất.
Cũng theo ông Mccoy, việc đáp trả bằng quân sự tương tự là cần thiết đối với các radar điều khiển bắn các tên lửa ASM hoặc SAM của Bắc Kinh. Nếu một hệ thống vũ khí Trung Quốc kích hoạt radar điều khiển bắn, chống lại bất kỳ máy bay hay tàu chiến đồng minh nào hoạt động trên vùng trời hay vùng biển quốc tế, thì phản ứng quân sự thích hợp duy nhất là hãy tiêu diệt nó.
Một số người cho rằng sẽ là liều lĩnh khi đề nghị sử dụng vũ lực để giải quyết những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, bây giờ không phải là thời gian để xoa dịu. Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng như một kẻ xâm lược trên tuyến đường thủy, ông Mccoy nhận định.
Trung Quốc đã chỉ ra rằng họ không quan tâm đến trật tự dựa trên luật lệ mà thế giới hiện đại đã phát triển, bởi vì trong suy nghĩ của Bắc Kinh, nó không phù hợp với mục đích của họ. Giống như một đứa trẻ còn chưa được học những kỹ năng cơ bản, ứng xử lịch sự trong xã hội, Bắc Kinh sẽ tiếp tục di chuyển quân đội để kiểm soát Biển Đông cho đến khi Mỹ và các đồng minh ngăn chặn họ lại, ông Mccoy kết luận.
Phạm Duy
Có thể bạn quan tâm: