Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Chớ bấm nút bởi Trung Quốc, một người láng giềng "không biết cười"

MỘT BÀI VIẾT HAY VÀ THẤU ĐÁO :
Về DỰ LUẬT ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH - KINH TẾ
Mấy ngày nay, trên nghị trường quốc hội, dư luận chung, cộng đồng mạng dấy lên cặp số 99, thì ra 100% người lên tiếng phản đối cho Trung Quốc thuê đất ở các đặc khu này với thời gian lên tới 99 năm!
Là một công dân, tôi có ý kiến như sau:
1- Dự luật đặc khu hành chính - kinh tế do bộ Kế hoạch & đầu tư, đơn vị thay mặt Chính phủ soạn thảo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, thuộc các địa danh có vị trí đắc địa và nhạy cảm: Vân Đồn, Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, Khánh Hoà; Phú Quốc, Kiên Giang. Phân đều Bắc, Trung, Nam.
2- Trên thế giới, một số nước xa Trung Quốc như Châu Phi... lập ra các đặc khu để thu hút đầu tư nước ngoài, với mong muốn phát triển kinh tế, nhưng nhiều nơi do tính toán sai, do chưa có kinh nghiệm với đối tác, không quản lý được như kỳ vọng, không phát huy được như mong đợi, không có tiền trả nợ vì đã vay đầu tư cơ sở ban đầu cho đặc khu, cuối cùng phải bán phần lãnh thổ của mình cho nhà đầu tư Trung Quốc để trang trải công nợ cũng không xong.

3- Tôi thắc mắc không hiểu vì sao mà một lúc, ta phải vội vàng làm cả ba nơi cùng một lúc? Có do một áp lực nào không. Chưa bàn đến vấn đề quốc phòng - an ninh. Xét đơn thuần về kinh tế, ta thấy lâu nay nhiều dự án cấp bách trong nước, được đưa ra mất cả chục năm tìm hiểu, thăm dò dư luận, tìm vốn ...đến nay vẫn chưa triển khai, như đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam, sân bay Long Thành... thế mà dự luật này sao phải vội vàng thông qua như thế?
Người ta đưa ra các mỹ từ "vượt trội", " cạnh tranh ", "khác biệt"... cứ làm như không "ưu đãi " nhanh, nhiều, khác người... thì các nhà đầu tư nước ngoài đem tiền của họ đi chỗ khác! Kinh nghiệm mấy chục năm, thử hỏi nước ngoài đến đây hưởng mọi ưu đãi, đất rẻ, nhân công rẻ, môi trường tốt, miễn giảm thuế, ...thì họ đã làm gì cho kinh tế Việt Nam, ngoại trừ tăng xuất khẩu, mà thực chất là của họ, hay bằng thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế, mang lợi nhuận về làm giầu cho nước họ. Những nhà hoạch định kinh tế vĩ mô nước nhà biết rõ điều ấy, sao họ vẫn muốn tiếp sức cho nước ngoài? Phải chăng vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân phi pháp. Cần nhớ rằng, về cá nhân, chẳng ai đi làm giầu cho hàng xóm, chả có người nước ngoài đến đây để làm giầu cho Việt Nam. Chỉ có các nhà đầu tư Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài thì mang "lỗ" về nước!
4- Doanh nghiệp trong nước thì luôn gặp khó khăn trong các thủ tục đầu tư, chẳng có ưu đãi gì ngang bằng với nước ngoài, đó chẳng phải là tạo một môi trường không bình đẳng ngay trên "sân nhà"?
5- Bộ phận dự thảo luật cũng giới hạn về tầm nhìn và nhận thức, làm sao thấu đáo được như 93 triệu dân, nên khiếm khuyết, sơ hở... cũng là điều dễ hiểu, không nên đánh giá thấp hoặc chê trách họ.
6- Nhiều lão thành cách mạng, nhiều chuyên gia kinh tế có tâm huyết, đã lên tiếng mang tính xây dựng, họ biểu thị nhiều nỗi lo, nhân dân thì bức xúc, Quốc hội cần trân trọng ý kiến của cử tri.
7- Nhân dân ta, đất nước ta, hơn ai hết, là người hiểu rõ nhất về Trung Quốc, từ xa xưa, đến hiện đại, một người láng giềng "không biết cười", nhưng họ biết tận dụng mọi lợi thế và đầy âm mưu thôn tính láng giềng khi có thời cơ, thậm chí họ tạo thời cơ và ỷ thế nước lớn trong khu vực và thế giới, họ biết "dúi" tiền vào túi ai, đe dọa ai để đạt mục đích bành trướng lãnh thổ và di dân. Thời gian giao đất 99 năm, tương đương ba thế hệ, là cơ hội hay nhất để họ thôn tính lãnh thổ của chúng ta. Có ý kiến cho rằng, cho ai vào là do ta "chọn lọc", đủ mọi giàng buộc v.v và v.v, nhưng trong thực tế xử lý không thể làm được. Ta không sợ thế lực nào, nhưng ta phải đề phòng và cảnh giác, nếu không, sẽ phải trả giá bằng xương máu của nhân dân.
Vì vậy, với tư cách là một cử tri có trách nhiệm, tôi đề nghị Quốc hội hoãn thông qua dự luật này đến thời gian thích hợp, để nghe tiếng nói của cử tri cả nước, người đã bầu ra các đại biểu Quốc hội khoá này.

Nguyễn Thu Hải
Hà Nội, ngày 6/6/2018

Không có nhận xét nào: