Cho thuê đất lên tới 99 năm, ưu đãi về thuế cho lĩnh vực casino,... là vấn đề khiến nhiều đại biểu quan ngại.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.
Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm và một số ưu đãi được cho không cần thiết.
Trao đổi với Vnexpress bên hành lang Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó giám đốc Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội cho hay, con số 99 năm khiến nhiều cử tri lo lắng.
"Nếu Ban soạn thảo vẫn dứt khoát quyết định chọn mốc thời gian này thì phải kèm theo những điều kiện ràng buộc chặt chẽ. Nhưng, tôi chưa thấy ràng buộc nào ở dự thảo Luật”, ông Cường nói và giải thích điều quan ngại của mình là, nếu chúng ta giao đất cho nhà đầu tư và họ được toàn quyền quyết định trên diện tích đó, rồi họ cứ trụ chân ở đó tuy không làm gì thì chúng ta có thể mất đi quyền quản lý cần thiết của mình.
Theo ông, việc cho thuê đất bao nhiêu năm phụ thuộc vào nhà đầu tư làm ăn, chấp hành tốt pháp luật hay không, nếu có điều kiện ràng buộc chặt chẽ thì không cần 99 năm, chỉ cần 50 năm và hết thời hạn lại xét thêm chu kỳ tiếp theo.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó giám đốc Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đất đai dành cho các hoạt động kinh tế, xã hội ngày càng hiếm, đất ở đặc khu lại càng có hạn. Vì vậy việc cấp phép sử dụng đất cho các dự án phải hợp lý. Đơn cử, một dự án có vòng đời 30 năm mà cấp quyền sử dụng đất tới 40 năm, 50 năm nghĩa là doanh nghiệp khác mất cơ hội tiếp cận đất đai ngay cả khi dự án đã xong.
Trong thực tế, quy định cho thuê đất hiện tối đa là 70 năm và mới chỉ có dự án Formosa ở miền Trung được cấp phép với thời hạn này.
"Cá nhân tôi thấy dự án này cũng không cần tới 70 năm. 50 năm đã là nửa thế kỷ. Chúng ta cấp 50 năm, xem nửa thế kỷ ấy một dự án thép hoặc dự án casino vận hành như thế nào, về sau xét thấy nhu cầu cần thiết lại cấp tiếp 20, 30 năm nữa”, ông Nghĩa nêu giải pháp.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. Ảnh: PV.
|
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, nếu nhìn trên bản đồ thì những nơi dự kiến xây dựng đặc khu như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đều ở vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, cần tiếp cận thận trọng.
"99 năm là một thế kỷ, mấy thế hệ sinh ra và lớn lên, chúng ta có thể để cho con cháu sau này quyết định số phận của những dự án ở đặc khu, không nhất thiết quyết thay cho họ", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng đề cập đến vấn đề trên, bà Đỗ Thị Lan - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhìn theo một hướng khác. Bà Lan cho rằng hiện đã có cơ chế cho doanh nghiệp thuê đất trong thời hạn 70 năm, “giờ thêm 29 năm nữa là tạo ra cơ chế vượt trội". Hơn nữa, dự thảo Luật cũng đã quy định chỉ những trường hợp đặc biệt như nhà đầu tư lớn, lĩnh vực đặc biệt… mới được hưởng thời hạn 99 năm đó.
"Việc nới rộng thời hạn cho thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hiện chúng ta còn kém trong việc mời gọi các nhà đầu tư này”, bà Lan nói.
Đại biểu lo doanh nghiệp "chỉ cần giữ chỗ đã được hưởng lợi"
Dự thảo Luật đặc khu cũng đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai đảm bảo vượt trội so với trong nước, nhằm "cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển"; áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành....
Click vào ảnh để xem thêm Những ưu đãi tại 3 đặc khu tương lai. Đồ họa: Tạ Lư.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, sau mấy chục năm thu hút FDI, nhu cầu phát triển của Việt Nam và tình hình khoa học công nghệ trên thế giới đã khác rất nhiều.
“Cách đây 30 năm khi làm Luật Đầu tư nước ngoài, chúng ta không có gì kể cả các ngành gia công như dệt may, da giày,… nhiều vùng trắng kinh tế nên phải thu hút các nhà đầu tư và Việt Nam đã ưu đãi họ rất nhiều”, ông Nghĩa điểm lại tình hình.
Tuy nhiên, theo đại biểu này, những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường... Trong bối cảnh như vậy, việc giao đất một cách rộng rãi và ưu đãi để doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sử dụng nhân công giá rẻ không còn cần thiết.
"Tôi đọc kỹ dự thảo Luật và không rõ các đặc khu muốn gì? Nếu muốn thu hút công nghệ cao thì có thể xây dựng thành mô hình thung lũng silicon như thế giới. Nhưng nếu vậy dự án phải khác, ưu đãi cũng phải khác với cách thu hút đầu tư casino", ông Nghĩa nói và cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, nói là thu hút công nghệ cao nhưng lại đưa casino vào kinh doanh thì sẽ thành "lộn xộn".
Đại biểu Nghĩa phân tích thêm, những khu vực dự kiến phát triển thành đặc khu, ví dụ Phú Quốc, chưa cần ưu đãi thì nhà đầu tư đã vào rất nhiều, đất đai, biệt thự, khách sạn đã được xây dựng ồ ạt và bán sang tay hai lần, ba lần. "Vậy thì chúng ta nên tiếp tục ưu đãi để thu hút đầu tư hay nên tiếp cận vấn đề theo hướng khác?”, ông nêu vấn đề.
"Nếu chính quyền quản lý tốt thì giá đất trên địa bàn quy hoạch đặc khu có thể không đến 50 triệu, 70 triệu hay cả 100 triệu đồng mỗi m2, mà có thể chỉ là 10 triệu, 15 triệu đồng thôi. Nhưng bây giờ các nhà đầu cơ họ đã mua hết. Do đó, việc miễn thuế đất, miễn tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước thực chất là điều tiết tiền ngân sách vào túi các nhà đầu cơ”, ông Nghĩa lo lắng.
Cũng nói về các chính sách ưu đãi ở đặc khu, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trường hợp đất giao cho các nhà đầu tư kinh doanh thương mại mà lại miễn thuế là một vấn đề lớn. "Vấn đề không phải mất tiền thuế mà mất đi môi trường cạnh tranh. Việc miễn thuế lẽ ra mang mục đích khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, ở đây lại ưu đãi cho lĩnh vực dịch vụ thì doanh nghiệp không cần cạnh tranh mà chỉ cần chiếm đất giữ chỗ, 5 năm, 10 năm sau chắc chắn có lợi nhuận”, ông Cường nói.
Phó giám đốc Đại học kinh tế quốc dân chia sẻ: "Cá nhân tôi và nhiều cử tri đều mong muốn Việt Nam sớm có hành lang pháp lý về đặc khu, thí nghiệm các thể chế tốt, thu hút nhà đầu tư để tạo ra các cực tăng trưởng lan toả, tuy nhiên đó phải là sự phát triển bền vững".
Đại biểu Đỗ Thị Lan thì cho rằng, những ưu đãi mà dự thảo Luật đề ra là cần thiết để tạo ra cơ chế đột phá. “Chúng ta muốn đột phá mà cứ chậm trễ thì sẽ không đạt được mục tiêu. Trong bối cảnh hiện nay, không sớm thông qua Luật đặc khu thì sẽ tạo ra sự lãng phí bởi hiện nay nhà đầu tư đã có, tài nguyên, cơ sở đã sẵn sàng, chỉ chờ Luật thôi”, bà Lan nhấn mạnh và bày tỏ kỳ vọng, đến năm 2022, các đặc khu sẽ cho những kết quả bước đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét