Theo thông tin đăng tải trên thời báo Kommersant, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo Chính phủ nước này dừng thành lập các đặc khu kinh tế mới, ít nhất là đến khi soạn thảo xong hướng tiếp cận thống nhất giữa đặc khu kinh tế và khu vực phát triển vượt trước.
Ngoài ra, 10 đặc khu hoạt động không hiệu quả theo kết luận thanh tra của Văn phòng Kiểm toán và Văn phòng Tổng công tố sẽ bị đóng cửa. Tất cả các đặc khu kinh tế khác sẽ được chuyển quyền quản lý cho địa phương. Những chỉ thị này phải được thực hiện trước ngày 30.6.
Quyết định về số phận của các đặc khu kinh tế được đưa ra sau khi phân tích số liệu thanh tra của Văn phòng Kiểm toán Liên bang. Theo đó, kể từ năm 2006 đến nay, chi phí cho 33 đặc khu kinh tế lên tới 186 tỷ RUB, 24 tỷ trong số đó không được sử dụng. Số tiền thuế và phí thu được từ các khu vực này chỉ là 40 tỷ RUB. Để xây dựng một công ăn việc làm tại các đặc khu kinh tế cần tới 10 triệu RUB – số tiền có thể trả lương cho một lao động phổ thông tại Nga trong vòng 25 năm.
Trả lời phóng viên Kommersant, thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, thể chế đặc khu kinh tế tỏ ra quá đắt đỏ và không hiệu quả tại Nga.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng khẳng định, việc đóng cửa và dừng thành lập các đặc khu kinh tế mới không liên quan đến các khu vực phát triển vượt trước (TOR) tại vùng Viễn Đông, bởi lẽ đây là những thể chế riêng biệt, khác nhau. Ngoài ra,các khu vực phát triển vượt trước vẫn đang cho thấy tốc độ phát triển tích cực.
Được biết, các đặc khu kinh tế được thành lập tại Nga từ tháng 7/2015. Tính đến 1/1/2016, đã có 33 đặc khu kinh tế tại 30 chủ thể Liên bang, trong đó 9 đặc khu theo mô hình sản xuất công nghiệp, 6 theo mô hình ứng dụng kỹ thuật mới, 3 theo mô hình khu vực cảng và 15 theo mô hình du lịch nghỉ dưỡng. Trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay, đã có 122 tỷ RUB từ ngân sách liên bang và 64 tỷ RUB từ ngân sách địa phương chi cho các đặc khu này. Đó là chưa kể tới 334 tỷ RUB đã được chi cho cơ sở hạ tầng.
Đổi lại những khoản chi khổng lồ đó, lợi nhuận đóng góp của các đặc khu kinh tế chỉ chiếm 0,2% tổng sản phẩm tại địa phương – một con số quá nhỏ. Ngoài ra, 33 đặc khu kinh tế này chỉ tạo được hơn 18 nghìn công ăn việc làm mới./.
Theo VNBA.ru
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét