Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

TÂM THƯ CỦA NGUYỄN THIỆN GỨI CT QUỐC HỘI KIM NGÂN VỀ ĐẶC KHU VÂN ĐỒN - BẮC VÂN PHONG - PHÚ QUỐC.

Kính gửi : Bà Nguyễn Thị Kim Ngân 
- Chủ tịch Quốc Hội CHXHCN VN.
Thưa chị !
Đầu tiên xin được phép sử dụng hai chữ thân thương như vậy để duy trì sự thân thiện giữa người lãnh đạo cao nhất Quốc Hội và một công dân là tôi. 
Năm 1992, khi còn là trưởng phòng phóng viên báo Lao Động - Xã Hội - Cơ quan báo chí của Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội thời anh Trần Đình Hoan làm Bộ trưởng và anh Trịnh Tố Tâm là Thứ trưởng kiêm Tổng biên tập của báo.
Qua đơn kêu cứu khẩn cấp của công dân , tôi xin ý kiến anh Trịnh Tố Tâm trực tiếp cùng hai phóng viên về Bến Tre điều tra vụ việc Công An Bến Tre bắt oan công dân Trương Tấn Trung ở xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm dẩn đến thắt cổ tự sát trong trại giam.
Anh 10 Kỷ bấy giờ là bí thư tỉnh Bến Tre ủng hộ việc làm của chúng tôi. Sau khi 2 kỳ báo đăng trên Lao Động Xã Hội , anh 3 Hội phó giám đốc Công An tỉnh bị thường vụ tỉnh ủy kỷ luật về mặt Đảng. 

Thời gian nầy ,anh 2 Nghĩa , sau nầy là Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng , là đồng môn của tôi ở trường Tuyên Huấn Báo Chí có kể về chị , một người cùng xóm của ảnh rất nhiều. Từ đó tôi dành cho chị nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ấn tượng đẹp về người cùng thời với tôi đem sức trẻ cống hiến cho đất nước. Khoảng thời gian ấy chúng ta còn trẻ lắm , rất trẻ , chỉ mới ngoài 30 tuổi phải không ?
Khi chị là Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương Binh - Xã Hội tôi cũng đã viết về chị với những ấn tượng tốt đẹp từ anh 2 Nghĩa, ít nhất cũng là hai bài báo.
Chị Ngân ạ !
Nước mình có hơn 63 tỉnh thành, dân hơn 90 triệu người . Ân huệ thiên nhiên vốn đã không công bằng với các vùng miền Bắc - Trung - Nam , nay không lẽ Quốc hội lại chỉ dành đặc quyền cho Vân Đồn - Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Về dự luật liên quan đến ba vùng miền nầy tôi đã có bài viết trên facebook của mình tựa đề CHÍNH SÁCH KHÔNG PHẢI LÀ LUẬT, có lẽ luật sư Nguyễn Thế Hiểu cũng đã chuyển đến các đại biểu là luật sư tại phiên họp đang diển ra để nghiên cứu nhằm có ý kiến kịp thời cùng Quốc Hội.
Thưa chị !
Thay vì đặc khu, lẽ ra Chính phủ & Quốc hội nên cải thiện môi trường kinh doanh cho cả nước. Cái gì đang cản trở người dân làm ăn, cái gì đang làm cọc cạch cỗ xe kinh tế thị trường thì nhanh tay đưa ra chính sách gỡ bỏ cho con đường kinh tế của đất nước được chạy bon bon thông suốt. 
Trước hết, Chính phủ nên quay trở lại với hành động có ý nghĩa nhất từ đầu nhiệm kỳ của mình: - Huỷ bỏ các điều kiện kinh doanh đang sử dụng như công cụ hành chánh can thiệp vào các quan hệ dân sự, kinh tế, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh không tốt vì không an toàn cho nền kinh tế của đất nước .
Tiếp theo nguyện vọng của toàn dân , cũng nên sửa đổi chính sách đất đai.
Vấn đề nhấn mạnh là - Cho dù đặc khu hay ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam , ưu đãi đặc biệt nhất với một nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ có thể ngang bằng với những gì mà người dân và các nhà đầu tư Việt Nam đang được hưởng. 
Điều kiện tự nhiên đã làm cho các địa phương phát triển không đồng đều. Dân chúng có nơi đã có thể làm giàu, giàu hơn cả Việt kiều hoặc một công dân Mỹ là cường quốc hiện nay. Có nơi không tiếp cận được những phúc lợi căn bản nhất để xóa nghèo đói. Dân nghèo thì làm sao nước mạnh. Vì thế, nên có những chính sách để rút bớt khoảng cách vùng miền đó thay vì tập trung nguồn lực vào những nơi mà không cần chính sách gì các nhà đầu tư đã ùn ùn mang tiền tới như Vân Đồn, Phú Quốc.
Trước đây, theo Luật 2003, Campuchia cũng cho người nước ngoài thuê đất 90 năm; Trung Quốc đã lấy khá nhiều đất của người Campuchia. Năm 2016, Campuchia sửa luật, chỉ cho người nước ngoài thuê đất 50 năm, hết thời hạn đó, nếu có nhu cầu có thể được xét cho thuê lại, tối đa là thêm 40 nữa. Luật này hồi tố nên các doanh nghiệp chủ yếu ồ ạt thuê đất năm 2010, thời hạn 70, 90 năm, nay bị giảm xuống 50 năm , tức là chỉ còn 42 năm nữa.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện nay cho rằng dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chắc chắn sẽ được thông qua nhưng khả năng thành công của mô hình đặc khu theo luật này sẽ là rất thấp.
Cũng theo tiến sĩ Tự Anh, có 5 lý do khiến mô hình đặc khu của Việt Nam khó thành công.
Ông ấy phân tích.
" Thứ nhất là chính sách nằm sau Luật đặc khu thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.
Nếu mục tiêu là “tạo cực tăng trưởng” thì với quy mô và tiềm năng của Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn thì cả ba địa phương này đều không thể tạo ra đột biến lớn đến mức trở thành một cực tăng trưởng của đất nước trong 10 - 20 năm tới, trừ phi phần còn lại của đất nước dậm chân tại chỗ. Mà nếu phần còn lại của quốc gia quả thực không phát triển thì cũng chẳng có cơ sở để các đặc khu thành công.
Nếu mục tiêu là tạo “thể chế vượt trội” để “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy” thì bài học từ mô hình khu kinh tế mở , bắt đầu với Chu Lai năm 2003 cho thấy nếu không có sự thay đổi đồng bộ ở phạm vi quốc gia thì những sáng kiến của địa phương chắn sẽ sẽ bị bóp nghẹt bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế và quy định hiện hành vốn hoàn toàn không tương thích với “thể chế vượt trội”.
Hơn nữa, khả năng nhân rộng các “thử nghiệm đổi mới” này sẽ rất thấp, đơn giản là vì khoảng cách giữa những ưu đãi và thể chế của 3 đặc khu vô cùng “vượt trội” với phần còn lại của đất nước.
Nếu như sau 15 năm, ngay cả những ưu đãi và thử nghiệm thể chế khiêm tốn hơn nhiều của các khu kinh tế mở vẫn chưa thành hình và tới được phần còn lại của đất nước, thì hy vọng về một sự lan tỏa thể chế và chính sách từ ba đặc khu sẽ chỉ là những ước vọng xa vời”.
Nguyên nhân thứ hai , trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh tryền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi.
Những ưu đãi quá mức này một mặt tạo nên một ‘cuộc đua xuống đáy’ ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa”,
Một nguyên nhân khác là với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng."
Cũng theo tiến sĩ Tự Anh .
"nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phụ thuộc sâu hơn vào khu vực FDI. Trong khi đó, đang tồn tại một sự đứt gẫy, thậm chí là một vực sâu khoảng cách giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.
Chị Ngân thân mến !
Mấy ngày nay bên ngoài nghị trường quốc hội, dư luận xã hội vàv cộng đồng mạng dấy lên cặp số 99 như một trận áp thấp và sẽ trở thành cơn bão táp chống cho người nước ngoài thuê đất với thời hạn 99 năm.
Dự luật đặc khu hành chính - kinh tế do bộ Kế hoạch & đầu tư, đơn vị thay mặt Chính phủ soạn thảo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, thuộc các địa danh có vị trí đắc địa và nhạy cảm: Vân Đồn, Quảng Ninh; Bắc Vân Phong, Khánh Hoà; Phú Quốc, Kiên Giang. Phân đều Bắc, Trung, Nam nhân dân đều không đồng tình.

Trên thế giới, một số nước xa Trung Quốc như Châu Phi, Chính phủ họ lập ra các đặc khu để thu hút đầu tư nước ngoài, với mong muốn phát triển kinh tế, nhưng nhiều nơi do tính toán sai, chưa có kinh nghiệm hợp tác đầu tư với đối tác, không có quản lý được như kỳ vọng tương tự như dự luật đặc khu hành chính - kinh tế do bộ Kế hoạch & đầu tư, đơn vị thay mặt Chính phủ soạn thảo đã không phát huy được như mong đợi, không có tiền trả nợ vì đã vay đầu tư cơ sở ban đầu cho đặc khu, cuối cùng phải bán phần lãnh thổ của mình cho nhà đầu tư Trung Quốc để trang trải công nợ cũng không xong.
Và Campuchia , quốc gia láng giềng của nước mình cũng đã phải thay đổi luật Đầu tư nước ngoài thuê đất 50 năm thay thế 90 năm như đã ban hành năm 2003.
Các nhà đầu tư từ nước ngoài , mà Trung Quốc là quốc gia các doanh nghiệp Việt Nam đều không có thiện cảm vì sự cạnh tranh không nhân nhượng của họ.
Ai mà chẳng muốn làm giàu phải không chị.?
Nhưng cũng chẳng ai đem vốn làm giàu cho hàng xóm láng khi họ không có lãi trong cái gọi là hùn vốn làm ăn.
Doanh nghiệp trong nước mình luôn gặp khó khăn trong các thủ tục đầu tư, chẳng có ưu đãi gì ngang bằng với nước ngoài.
Những ngươi soan dự thảo luật Đặc khu liệu có bị giới hạn về tầm nhìn và nhận thức hay là bị một sức ép thế lực bất thành văn để tạo một môi trường kinh doanh không bình đẳng ngay trên lãnh thổ của mình 
Các nhà đầu tư Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài thì mang "lỗ" về nước!.
Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì ngược lại. Chị nghĩ sao. ?
Tôi biết là chị sẽ không cho biểu quyết thông qua dự luật đang gây nhiều tranh cải vào ngày 15. 6. 2018. Nhưng kỳ họp vào cuối năm thì sao.?
Chị Ngân ơi !
Chì có người Việt Nam mới thiệt lòng làm giàu cho đất nước Việt. Chị là lãnh đạo cao nhất trong Quốc Hôi, xin hãy liệu cơm mà gắp mắm nghen chị.
Là nhà báo quèn, là công dân không thế lực , chỉ có tấm lòng với đồng bào . Không là chính trị gia , cũng không là nhà kinh tế hay luật sư , luật gia gì cả , trong bức tâm thư nầy tôi trích dẩn những ý kiến của tiến sĩ Tự Anh để thay lời thêm phần góp ý . Tôi mãi giữ ấn tượng đẹp về chị nếu chị mãi mãi sống và cống hiến cho nhân dân.
Đồng bào trong trái tim chúng ta, những người Việt Nam máu đỏ da vàng con cháu Rồng Tiên.
Thân ái.
Nhà báo Nguyễn Thiện
Chủ biên tủ sách THI VĂN VIỆT

Không có nhận xét nào: