Bùi Quang Vơm
Những gì vừa xảy ra tại Singapore giữa Mỹ và Bắc Triều đang làm nức lòng toàn thế giới. Nhưng có một kẻ đang vừa cay cú vừa lo sợ. Người đó là Trung Quốc(TQ), là Tập Cận Bình và những tên bành trướng Đại Hán đội lốt cộng sản ở Bắc Kinh.
Ngay khi cả Trump và Kim bắt đầu gặp nhau tại đảo Sentosa, Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã bắn tin: “cuộc đối thoại bình đẳng giữa Donald Trump và Kim Jong-un chính là điều mà Trung Quốc luôn mong muốn”. Nhưng “không ai nghi ngờ vai trò độc đáo và quan trọng của Trung Quốc: một vai trò Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh vác”. Rồi úp mở đe doạ luôn: “Trung Quốc sẽ quan tâm đến bất kỳ sự suy giảm căng thẳng giữa hai bên – và sẽ cảnh giác với việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán”.
Chuyện bắn tin này của ông Vương rõ ràng không che đậy tâm trạng bất an của Bắc Kinh trước việc sáp lại gần nhau giữa Triều Tiên và Mỹ. Nhưng câu chuyện bất an này không phải là chuyện lạ. Với bất cứ quốc gia nào có biên giới liền với Trung Quốc, ổn định và phát triển, nhất là lại phát triển theo quỹ đạo các quốc gia dân chủ tiến bộ, có khuynh hướng trở thành đồng minh của các nước đối thủ cạnh tranh, cản đường bành trướng của Trung quốc, thì là một điều không thể chấp nhận được.
Với các quốc gia khác, với thể chế chính trị khác, việc “không chấp nhận được” chỉ có nghĩa là đường ai nấy đi, không gây ảnh hưởng và không chịu ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng với Trung Quốc thì không, nó đồng nghĩa với sự phản bội, và phải chịu trừng phạt, thậm chí phải bị tiêu diệt. Và cũng khác với các dân tộc khác, sự trừng phạt từ phía Trung Quốc không dừng ở các biện pháp công khai, nó sẽ đến từ bóng tối và vào lúc bất ngờ nhất. Và nó không chỉ trực chỉ lợi ích cốt tử của quốc gia, mà nó sẽ hướng tới cả sinh mạng cá nhân của chính những tội phạm mà nó kết án.
Không ai biết rõ và từng trải những kinh nghiệm đau đớn cay đắng với các triều đại, các chế độ khác nhau của Bắc Kinh như các quốc gia từng là thuộc địa, là chư hầu, hay từng chịu ơn cứu mạng của Bắc Kinh như Bắc Triều Tiên và chế độ cộng sản Bắc Việt Nam. Trung Quốc luôn muốn các quốc gia này bị chia cắt và luôn yếu kém, nghèo đói, lạc hậu để luôn cần đến và biết đến “lòng tốt” và sự “giúp đỡ hết mình” của Trung Quốc.
Và cũng như ở Việt Nam cộng sản, một tâm lý thèm khát độc lập luôn là một ước vọng cháy bỏng ngay trong những phần tử yêu nước trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, nhiều lần nói: “Độc lập, độc lập, chúng ta chỉ có thể thật sự độc lập khi nào đảng ta tự chủ được các chính sách”. Có nghĩa là các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bị Trung Quốc chi phối, giật dây.
Triều Tiên càng như vậy, vì khi Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953, Kim Nhật Thành bị Mỹ và quân đồng minh ép sát tới sông Áp Lục, chỉ còn một đội quân chưa đầy 10 nghìn người mệt mỏi, vô vọng, trong khi trên lãnh thổ Bắc Triều, Trung Quốc có gần hai triệu người, quân đội gần 1 triệu. Hiệp định đình chiến là kết quả có sự hy sinh của gần 1 triệu chết và bị thương của chí nguyện quân Trung Quốc.
Với bản tính Đại Hán luôn thèm khát lãnh thổ và cuồng vọng bành trướng của Mao Trạch Đông, người ta không khó để hình dung điều gì xảy ra với một nhà nước Dân chủ nhân dân Triều Tiên được thành lập dưới sự bảo trợ của Cộng hào nhân dân Trung Hoa, do chính Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ đạo.
Người ta buộc phải hiểu triết thuyết Chủ Thể (Juche, tự chủ, tự quyết, tự cung tự cấp) của Kim Nhật Thành ngay từ khi lập nước chính là nhu cầu độc lập tự chủ trước sức ép lệ thuộc ngoại bang, mà rõ ràng áp lực phụ thuộc trực tiếp lúc đó đến từ chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Sợi dây ràng buộc sự gắn kết mà Bắc Kinh sử dụng như một chính danh là sự trung thành với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, Quốc hội Triều Tiên đã loại bỏ khỏi Hiến Pháp từ năm 2009, như một cách cắt đứt sợi dây trói buộc.
Nhưng học thuyết chiến lược của Triều Tiên là “Tiên Quân”, quân đội trước hết, sức mạnh quân sự là ưu tiên hàng đầu trên hết quyết định quyền tự chủ, tự quyết của một quốc gia.
Tuyên bố chung gồm bốn điểm:
- Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới
- Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cùng nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
- Hai bên cam kết làm việc theo hướng triệt tiêu hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
- Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cam kết hồi hương ngay lập tức những người Mỹ.
Mối quan hệ mới là quan hệ nào? Từ thù thành bạn? Bạn với Mỹ nghĩa là thù với TQ?
Có phải Bắc Kinh lo sợ một hiệp định hữu nghị có lợi cho hoà bình thế giới sắp tới sẽ được ký kết giữa Kim và Trump?
Trong khi cả thế giới: Anh, Liên minh châu Âu, Hàn quốc , Liên bang Nga, Singapore… chúc mừng và hy vọng, thì TQ, người đáng lẽ phải mừng đầu tiên, vẫn chưa nói gì?
Người ta vẫn có một cảm nhận nhầm lẫn rằng Kim sợ và phục tùng TQ. Thực tế thì Kim chới với Tập như mèo vờn chuột mà Tập chẳng làm được gì.
Mời Kim sang trước khi đi Mỹ, chỉ cố tình tạo cảm giác cho thế giới rằng Kim cần sự hỗ trợ và cần có sự đảm bảo của TQ, và Trung Quốc đang kiểm soát tình hình. Kim cũng làm như thân tình và trung thành với Tập lắm, nhưng chỉ là chơi con bài TQ như một vật bảo đảm trong trường hợp thất bại với Trump. Kim không hề để cho Tập có hy vọng can dự vào nội tình chuyện thương lượng Mỹ-Triều. Giữa lúc còn bàn cãi lựa chọn địa điểm, Tập cố tình mời Kim và chiêu đãi Kim tại Đại Liên, có ý giới thiệu Đại Liên gợi cho Kim chọn Đại Liên làm nơi gặp gỡ với Trump, nhưng Kim phớt lờ. Những nơi được đưa ra là Mông cổ và Singapore, rồi cuối cùng, Singapore là nơi được lựa chọn. Người ta thấy giống như một cuộc chơi mèo vờn chuột. Một kẻ tự đắc như Tập chắc phải đau lắm.
Trước khi cuộc gặp diễn ra, Vương Nghị đã úp mở bóng gió: “ Trung Quốc sẽ quan tâm đến mọi sự suy giảm căng thẳng giữa hai bên – nhưng cũng sẽ cảnh giác với việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán”. Càng bớt căng thẳng Mỹ-Triều càng làm Trung quốc bất an?!
Khi phóng viên thắc mắc về vấn đề Un có dừng lại Bắc Kinh gặp Tập như đề cập trong cuộc họp báo ngày hôm nay 12/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không trả lời trực tiếp nội dung câu hỏi mà cho hay: “Gần đây, Ủy viên trưởng Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 2 lần và tiến hành đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Bằng chứng này cho thấy, Kim đã phớt lờ Tập, mặc dù chính Boeing 747 của Air China là máy bay đưa Kim từ Bắc Kinh tới Singapore, và từ Singapore về Bắc Kinh.
Nếu Kim không dừng lại và không gặp Tập, thì là lý do gì? Kim phải khai ra đã bàn riêng với Trump những gì, tại sao có được sự nhất trí như vậy của Trump? Nếu đã từng bàn riêng với Trump điều gì đó có hại hay nguy hiểm đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thì sinh mạng của Kim có còn an toàn không? Tại sao Kim phải cần vệ sĩ là người thật mà không là thiết bị? Và tại sao Kim phải mang theo thức ăn riêng cho suốt chuyến đi?
“Ông ấy là một người thông minh”
“Ông ấy yêu nước và yêu dân”
“Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các buổi diễn tập quân sự ở Hàn Quốc”.
“Hai nhà lãnh đạo đã mời nhau và cùng chấp nhận lời mời của nhau”, KCNA cho biết.
Đó là sự sáp lại mà Trung Quốc (TQ) tiên liệu nhưng không cản được, đang như một con ếch dương mắt nhìn căm tức và bất lực.
Nhưng với bản chất thâm hiểm và ác độc, TQ sẽ không cho qua. Đòn trừng phạt chắc chắn được lên kế noạch. Và mọi người đều biết, nó sẽ đến vào lúc mọi người ít để ý nhất. Hãy nhớ tới chuyện một tên ăn trộm táo, đã phóng hoả đốt nhà, để trong khi tất cả đổ xô cứu lửa, thì hắn ung dung hái trọn cây táo sau vườn. Và chỉ vì một vài trái táo, hắn đốt nhà. Đó là triết lý nhân sinh Trung Hoa.
Người ta cũng chưa quên chuyện Phùng Quang Thanh âm mưu đảo chính khi ông Tổng Trọng đi thăm Mỹ, và tháng 4/2016, Formosa thải chất độc, cá chết trắng biển suốt chiều dài 250 km, đúng một tháng trước khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam vào tháng 5/2016. Tiếp đó, một tháng sau chuyến thăm, vào tháng 7/2016, chiếc SU-30 hiện đại nhất của không quân Việt Nam bị nổ gần buồng lái trước khi rơi xuống biển, và ngay sau đó, chiếc máy bay săn tìm cứu nạn CASA-212 cũng bị nổ trước khi chìm xuống biển tại vùng đường phân giới trên vịnh Bắc Bộ, giữa lúc Hải quân Trung Quốc đang diễn tập bắn đạn thật trên biển Đông, cách đó khoảng 350 km.
Bí ẩn của cuộc thương lượng nằm ở đâu? Một người có lập trường bất định và luôn tìm cách áp đảo đối phương như Trump đã được thuyết phục bằng một căn cứ nào? Thái độ thân thiện nhanh chóng có hơi hướng nể trọng của một Tổng thống luôn ngạo ngược với mọi đối tượng có nguyên nhân từ đâu?
Rõ ràng, chiến lược “tiên quân” (quân đội trên hết) và chủ thuyết “chuje”(Tự chủ) dẫn đến quyết tâm hạt nhân không gì lay chuyển nổi của cả ba đời nhà Kim phải có một lý do chính đáng. Nhưng cái “chính đáng” đó thuyết phục được một Tổng thống Mỹ, thì đương nhiên là không phải để chống Mỹ. Vậy nó chống ai, chống cái gì, và tại sao lại có chính nghĩa khi chống cái đó?
Tại sao TQ lại lo lắng bất an trước một thành công của người “anh em” láng giềng về phía hoà bình?
13/06/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét