Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Nhiều tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công tại Hoàng Sa

RFA

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hình ảnh được chụp hôm 4 tháng 6 năm 2014. (Ảnh minh họa)
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hình ảnh được chụp hôm 4 tháng 6 năm 2014. (Ảnh minh họa)
 AFP
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ra báo cáo hôm 14 tháng 6 cho biết 20 tàu cá của tỉnh này bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, 20 tàu cá với 138 ngư dân của tỉnh bị tàu Trung Quốc ngăn cản, không chế cướp tài sản khi đang khai thác thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh.

Truyền thông trong nước loan tin vào hôm 25 tháng 5 cho biết, tàu cá của ngư dân Lê Hơn tại đảo Lý Sơn, bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc số hiệu 31102 đâm chìm khi đang khai thác rong biển tại khu vực đảo Bạch Quy.
Quần đảo Hoàng Sa là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại vùng biển này đã bị các tàu chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc tấn công, có ngư dân bị Trung Quốc bắt, đánh đập và đòi tiền chuộc.
Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam vào hôm 14 tháng 6 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Hằng nói thêm việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở đảo Phú lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực.
Trước đó, theo phân tích được tổ chức ImageSat International (ISI) công bố hôm 11 tháng 6, các tên lửa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm đã xuất hiện trở lại sau khi biến mất một cách bí ẩn. Theo ISI, có thể hệ thống tên này được triển khai sang các đảo khác hoặc có khả năng các tên lửa này được chuyển về đất liền để bảo dưỡng định kỳ.

Không có nhận xét nào: