Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Ưu đãi cho đặc khu đã lỗi thời & Việt Nam cần công nghệ cao chứ không phải sòng bạc

Ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


1. ƯU ĐÃI CHO ĐẶC KHU ĐÃ LỖI THỜI

Nam Anh
(NDH) Quan điểm lấy ưu đãi thuế và thời hạn cho thuê đất dài để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn đã lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi vòng đời sản phẩm ngắn lại.
“Cho thuê đất tối đa 99 chỉ có lợi cho đại gia bất động sản”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện trong buổi hội thảo “Chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị”.
Theo bà Lan, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vòng đời của một sản phẩm rất nhanh. “Không nhà đầu tư nào đảm bảo sẽ làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm, kể cả 70. Đây là 3 – 4 vòng đời sản phẩm, gần hai thế hệ người Việt”, bà Lan phân tích.
Vị chuyên gia cho rằng trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, vòng đời và tuổi thọ của các ngành còn chưa rõ, việc Việt Nam mở ra ưu đãi lớn và thời gian thuê đất dài là thừa thãi. Bà Lan đặt vấn đề với thời hạn thuê đất đến 99 năm, khi doanh nghiệp phá sản hoặc chuyển mục đích sử dụng, cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào?
“Thời hạn cho thuê đất ở các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng”, bà Lan khẳng định.

Bà cho rằng cơ quan soạn thảo lấy ưu đãi thuế để làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn có thể “yên tâm” làm ăn là một quan điểm lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp này.
Tương tự như việc thu hút FDI những năm qua, chính sách ưu đãi thuế phí đã dồn gánh nặng lên các khu vực kinh tế khác như tư nhân, liên doanh.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết. Các nhà đầu tư quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo ông Hồ, nhà đầu tư không cần ưu đãi dễ dãi, họ quan tâm đến công bằng, thuận lợi hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cũng cho rằng các chính sách ưu đãi được đề xuất trong dự thảo Luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia không còn sử dụng nữa.
Theo ông, dự thảo Luật Đặc khu cần được xem xét lại cẩn trọng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ các ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế tiêu thụ đặc biêt. Thay vào đó, các nước chuyển sang ưu đãi bằng sự thông thoáng trong tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường.
Sáng 23/5, trong cuộc thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, các đại biểu cũng tranh luận gay gắt về các vấn đề liên quan đến ưu đãi và thể chế tại đặc khu. Cuộc thảo luận có hai luồng ý kiến chính, một là, tạm dừng để bàn lại về những thách thức, rủi ro có thể gặp phải. Hai là thông qua luôn và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, các đại biểu đặt nhiều lo ngại về cơ chế ưu đãi thuê đất lên 99 năm và vị trí “nhạy cảm” của Vân Đồn có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh quốc gia.
N.A.
*

Không có nhận xét nào: