Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

CHIẾN DỊCH MB 84 MỞ 12/7/1984, HUY ĐỘNG 6 TRUNG ĐOÀN PHẢN CÔNG CÁC CAO ĐIỂM VỊ XUYÊN - “PHE TƯỚNG GIÁP” CÓ BỊ “BÁN ĐỘ” ? ( Kỳ 1)

Phạm Viết Đào. 

Năm 1984 là thời điểm xảy ra “cuộc chiến” âm thầm nhưng quyết liệt tại Bộ Quốc phòng giữa các tướng lĩnh chịu ảnh hưởng của Tướng Võ Nguyên Giáp và nhóm các tướng lĩnh bị chi phối bởi Lê Duẩn-Lê Đức Thọ-Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh…
Sau Đại hội Đảng lần thứ 4 diễn ra năm 1976, mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, xếp thứ 6 trong bản tổng sắp 14 ủy viên BCT; Tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Bí thư Quân ủy TW; nhưng Võ Nguyên Giáp không có chân trong Ban Bí thư ?
Từ 1978, Võ Nguyên Giáp thôi chức Bí thư Quân ủy Trung ương; TBT Lê Duẩn kiêm Bí thư Quân ủy TW và Đại tướng Văn Tiến Dũng Tổng tham mưu trưởng kiêm Phó Bí thư Quân ủy TW…
Đến thời điểm 1978, Võ Nguyên Giáp chỉ còn đóng vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên danh nghĩa; Quyền điều binh khiển tướng nằm trong tay Lê Duẩn-Lê Đức Thọ-Văn Tiến Dũng…Mao từng đúc kết: súng đẻ ra chính quyền !
Đến năm 1980, Võ Nguyên Giáp chính thức bàn giao chiếc ghế BT Bộ Quốc phòng cho Đại tướng Văn Tiến Dũng. Năm 1984, Võ Nguyên Giáp với cương vị Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật được phân công kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình…lánh xa lĩnh vực quốc phòng.

Một sự kiện đáng lưu ý: năm 1984, Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7-5-1954-7-5-1984; Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được nhắc tới hay được xuất hiện trong bất kỳ một hoạt động kỷ niệm trọng thể này…
Người viết bài này còn nhớ, ngay tại Thư viện quốc gia Việt Nam số 8 Tràng Thi, Hà Nội, dịp này có tổ chức triển lãm những sách, tư liệu viết về chiến dịch Điện Biên Phủ; Không một cuốn sách nào của Võ Nguyên Giáp được trưng bày, chỉ thấy sách của Văn Tiến Dũng…
Dịp 5/1984 phía Pháp chủ động cử một đoàn cựu chiến binh cao cấp từng tham gia trận Điện Biên Phủ trong đó có Tướng De Castries, viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã nghỉ hưu chuyển ngành; thời điểm đó De Castries đang còn sống, sang thăm lại Việt Nam và chiến trường xưa.
Phía Việt Nam đã không bố trí De Castries gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp…Do vậy De Castries đã hủy không quay lại Việt Nam. Đoàn cựu chiến binh Pháp do viên tướng 4 sao Michel Bigeard đã quay lại chiến trường Điện Biên Phủ với sự tháp tùng của Đại tá Phạm Xuân Phương, từng đấu súng với Begeard tại cứ điểm Nậm Rốm. Năm 1954, Bigeard mới đeo lon trung tá đã đưa một tiểu đoàn nhảy dù xuống Nậm Rốm để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Lúc đó Đại tá Phạm Xuân Phương, là lính đã tham gia tấn công cuộc nhảy dù này của Begeard.
Begeard có tâm nguyện muốn được rải tro của mình xuống chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa sau khi chết…
Do sự ứng xử cách bức đó đã gây nên những phản ứng ngấm ngấm trong nội bộ các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng từng chịu ảnh hưởng của Tướng Giáp. Nhiều vị tướng nắm các cương vị chủ chốt ở Bộ vẫn còn chịu ảnh hưởng của Tướng Giáp, không phục Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh... Đó là các tướng: Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Trần Văn Trà, Vũ Lập, tư lệnh Quân khu 2 ( tên thật Nông Văn Phách, đổi thành họ Vũ, cùng họ với Võ Nguyên Giáp), Nguyễn An, Lê Duy Mật…
Một cuộc chiến âm thầm tranh giành quyền lực, tìm cách khôi phục lại vị thế Tướng Giáp, đưa Tướng Giáp trở lại chính trường đang đẩy mạnh, tăng tốc trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 6- 1986…
Võ Nguyên Giáp bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị tại Đại hội V -1982 và Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội này.
Tháng 12 năm 1986, Lê Đức Anh được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 16 tháng 2 năm 1987  giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…
Trung Quốc dồn dập mở các trận đánh lớn tại khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang từ tháng 2/1984, là dịp Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một dụng ý quân sự lẫn chính trị…
Giai đoạn 1979-1984 trở về trước, Trung Quốc chỉ tổ chức nhưng trận đánh quy mô cấp tiểu đoàn tại khu vực Lao Chải, Vị Xuyên, Hà Giang, lấn chiếm các Cao điểm 1800 A-B…
Trung Quốc đã tập kích đánh chiếm cao điểm 1509 tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy Vị Xuyên vào 28/4/1984 trước kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đúng 1 tuần.
Trận 12/7/1984, Trung Quốc đã đánh trả quyết liệt cuộc phản công của 5 trung đoàn quân đội chính quy Việt Nam nhằm dành lại một số cao điểm tại khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang bị Trung Quốc lấn chiếm đầu năm 1984; Các Sư đoàn của Việt Nam đã phải chịu tổn thất nặng nề đó là các Sư đoàn 356, 316, 312, 314 và 313 …
Tổn thất trận 12/7/1984, theo thông tin của các các cựu chiến binh phía Việt Nam: hy sinh khoảng 2000 bộ đội; Riêng Trung đoàn 876 của Sư 356 hy sinh trên 600 bộ đội…
Các sư đoàn của Việt Nam tham gia đánh trận 12/7/1984 tại Vị Xuyên Hà Giang là những sư đoàn danh tiếng từng tham gia chiến địch Điện Biên Phủ và chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mùa xuân 1975: Sư đoàn 312 tiền thân là Đại đoàn 312 với vị Đại đoàn trưởng đầu tiên là Lê Trọng Tấn; Sư đoàn 356 được tách ra từ Sư 316 với vị Chính ủy đầu tiên là Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Vũ Lập là Đại đoàn trưởng…
Thời điểm đó Vũ Lập, một viên tướng từng có tên trong 34 chiến sĩ trong Đội quân tuyền truyền giải phóng quân được thành lập 22/12/1944 đảm nhận Tư lệnh Quân khu 2.
Tham gia trận 12/7/1984 còn có Tướng Hoàng Đan, Đặng Quân Thụy đặc phái viên của Bộ Quốc phòng, người đầu tiên dẫn quân vào Dinh Độc lập Sài Gòn sáng 30/4/1975 được phái xuống đốc chiến…
Theo tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang thời điểm 1984 cho biết: toàn bộ kế hoạch tác chiến, phương án tác chiến đều do Bộ Tổng tham mưu vạch ra và Tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng, em vợ của Tướng Lê Trọng Tấn, thời điểm 1984 là Tổng tham mưu trưởng trực tiếp mang xuống truyền đạt tại Sở chỉ huy tiền phương đặt ở làng Ping, xã Phương Thiện, Vị Xuyên, Hà Giang…
Có thể nói: Trận 12/7/1984 là trận mà phía Việt Nam đã dốc những “quả đấm thép” danh tiếng nhất cả quân sự lần uy danh chính trị nhằm lấy lại một số cao điểm tại khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên, khôi phục lại uy danh của quân đội Việt Nam.
Những trận đánh tại Vị Xuyên Hà Giang còn nhằm giúp Tướng Giáp khôi phục, giành lại thế chủ động tại chính trường Hà Nội, lấy lại vị thế “cầm súng” của ông trước thêm Đại hội 6…
Thế nhưng trận 12/7/1984 đã bị thất bại, mục tiêu dành lại một số cao điểm như 772, 233, 1030 đã không thành. Tổng tham mưu trưởng Tướng Lê Trọng Tấn, viên tướng được coi là Jukov ( Liên Xô) của Việt Nam, là Hàn Tín ( giai đoạn Hán-Sở tranh hùng, người bày kế cho Lưu Bang đưa quân vào Hàm Dương, kinh đô nước Tần trước cả Hạng Võ)…đã phải cúi đầu nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tổn thất  đau đớn của trận 12/7/1984 này…
Kể cả trong chiến tranh chống Mỹ, trừ trận Mậu Thân 1968, ít khi quân đội Việt Nam chỉ trong 1 ngày đêm hy sinh mất 2000 chiến sĩ của những sư đoàn danh tiếng từng tham gia đánh Điện Biên Phủ, mở màn thành công trận Buôn Ma Thuột 3/1975 và đánh thần tốc vào Sài Gòn 5/1975…
Nếu cuộc chiến tháng 2/1979 Trung Quốc đã chịu tổn thất nặng nề mặc dù mới đụng đầu với bộ đội địa phương thì: những trận đánh trong năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, phía Trung Quốc đã đẩy lùi và gây tổn thất nặng nề đối với những sư đoàn danh tiếng nhất, nổi tiếng nhất của quân đội Việt Nam, một đội quân từng được thế giới khâm phục là thắng Pháp và thắng Mỹ…
Những trận đánh trong năm 1984 tại Vị Xuyên Hà Giang vừa giúp Trung Quốc rửa nhục về các tổn thất trong các trận đánh tháng 2/1979; quan trọng hơn để hạ uy danh của quân đội Việt Nam, xóa uy danh của Tướng Giáp cùng với những tướng lĩnh được coi là chịu ảnh hưởng của đường lối chiến trận của Tướng Giáp ngay trong năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và trước thềm Đại hội Đảng 6…
Những trận đánh khu vực Vị Xuyên Hà Giang nhằm mục đích không cho Tướng Giáp ngóc cổ lên được tại chính trường Hà Nội…

Quân Tướng Giáp bị thất trận do yếu kém, chủ quan khinh địch hay bị “bán độ”, do ai bán độ và bị bán độ như thế nào trong các trận đánh 1984 ở Vị Xuyên, Hà Giang sẽ phân tích tiếp kỳ sau…

P.V.Đ.
( Còn nữa...)

Không có nhận xét nào: