Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

THƯ NGỎ GỬI THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, ÔNG VŨ KHOAN, BAN SOẠN QUY HOẠCH ĐẶC KHU

Phạm Viết Đào.

Kết quả hình ảnh cho Chiến trường Vị Xuyên lão Sơn

Thưa quý vị

Được biết quý vị đang gấp rút họp để hoàn thiện Luật Đặc khu để đưa trình Quốc hội thông qua trong phiên họp vào cuối năm; Tôi xin mạo muội gửi tới quý vị thông qua mạng internet một tư liệu chiến tranh xảy ra tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang.
Theo tôi đây là 2 tư liệu quan trọng, các vị nên bớt chút thời gian đọc nó để các vị nghiên cứu khi hoàn thiện Luật Đặc khu…
Tư liệu mà tôi gửi gồm 2 phần:
1/ Bài viết dưới dạng thể ký ghi lại chuyến thăm hang Nà Cáy của tôi ngày 24/10/2012; bài viết ghi lại những cảm nhận của tôi về di tích chiến tranh, trạm phẫu thuật tiền phương từng in dấu tích xương máu của hàng ngàn bộ đội ta trong cuộc chiến chống Trung Quốc lấn chiếm năm 1979-1988 tại Vị Xuyên Hà Giang…
2/ Một bài thơ của 1 CCB sư 313 tên là Nam Thái Trần, từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, từng chứng kiến nhiều sự việc xảy ra tại trạm phẫu thuật này.
Nam Thái Trần sau thời gian chiến đấu tại mặt trận này, năm 1987 anh được đưa đi xuất khẩu lao động tại Đức, sau đó quay về Việt Nam năm 1997. Hiện Nam Thái Trần đang công tác tại Học viện Bưu Chính Viễn thông tại quận Hà Đông Hà Nội…Chắc làm bảo vệ hay hành chính gì đó…
Cả 2 tư liệu này đều do người thật viết và kể lại. Riêng Nam Thái Trần không phải là nhà thơ, anh là 1 CCB thực thụ, những gì anh viết trong bài thơ đăng trên FB cá nhân viết từ 1986 là những cảm xúc trung thực, không có chút dấu ấn kỹ năng nghề nghiệp văn chương…
Sở dĩ tôi gửi để các vị tham khảo 2 tư liệu này để các vị tính trước việc nên đưa vào Luật Đặc khu quy hoạch thành những vùng gọi là “ khu phi quân sự” tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Cần quy hoạch các vùng phi quân sự được quy định trong Luật Đặc khu để đề phòng: sau năm, mười, mười lăm, hai mươi năm… nữa Trung Quốc quay lại đánh Việt Nam, giống như vụ nạn kiều 1978 ấy; hoặc Trung Quốc quá quắt buộc Việt nam phải đuổi cổ họ đi thì tất yếu phải dung tới chiến tranh. Do đó, tại các đặc khu này cần có các vị trí phi quân sự đểi dành cho việc cấp cứu thương binh của 2 phía khi xảy ra đánh nhau...
Kết quả hình ảnh cho Chiến trường Vị Xuyên lão Sơn
Tránh tình trạng như cuộc chiến ở Hà Giang, do không co vùng khu phi quân sự nên tử sĩ thì bị bỏ cho chương thối, dòi bọ bám đầy; có tử sĩ còn bị đêm chuột móc mất mắt thật vô cùng đau đớn, tội nghiệp…Không đưa thương binh vào các hang đá để chạy chữa...
Về phía Trung Quốc do hoàn cảnh chiến tranh họ không chỉ tiêu hủy, dung hóa chất đốt thiêu tử sĩ và thậm chí cả thương binh Việt Nam. Điều này báo mạng Trung Quốc đã đưa…
Các địa điểm phi quân sự trong đặc khu nhất thiết phải được Quốc hội Việt Nam và Trung Quốc bỏ phiếu phê chuẩn. Không những thế, các vị trí phi quân sự trong các đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc…phải có lô được dành riêng cho việc để cứu nạn, thương binh tử sĩ khi xảy ra chiến tranh, tranh chấp 2 nước Việt-Trung phải được gửi báo cho Hội hồng thập tự quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ để họ có chính sách bảo hộ…
Tóm lại, khi soạn Luật đặc khu dọn đường cho việc mở cửa làm ăn thông thương 2 nền kinh tế, các vị cũng phải nghĩ, cũng phải tính tới cái cảnh không khỏi không có lúc 2 nước dung quân đội để nói chuyện phải trái với nhau, thanh lý hợp đồng.
Do đó, ngay bây giờ Luật Đặc khu phải tính tới cái rủi ro đó đừng để xảy ra như cuộc chiến tại Vị Xuyên Hà Giang: Thương binh chưa tới mức phải chết mà đã chết vì phải nằm cạnh tử sĩ; tử sĩ bị bỏ cho dòi bọ hành xác, chuột khoét ăn mất mắt…
Xin gửi tới quý vị lời chào trân trọng…

Phạm Viết Đào


Nà Cáy, dấu tích xương máu của hàng ngàn liệt sĩ

 

Sáng 24/10/2011, tôi thuê một chuyến tăxi để đi từ Hà Giang để đi lên thăm cửa khẩu Thanh Thủy, thăm những địa danh nổi tiếng của mặt trận Vị Xuyên Hà Giang trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1981-1988.

Dọc đường đi, anh Nguyễn Tiến Viên, nguyên pháo thủ của E (Trung đoàn ) 457, Sư 313, là người từng gắn bó với mặt trận này từ 1981-1988 làm hướng dân viên tình nguyện cho tôi.
Trên xe ngoài anh Viên có anh CCB Tô Việt Hùng, Thượng tá, Chủ nhiệm Tổng Hậu cần Trung đoàn T 77, Nguyễn Xung Kích, Chánh văn phòng Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Giang; Họ đều là những cựu binh của Mặt trận Hà Giang.
Xe bon bon trên con đường đã rải nhựa phẳng lỳ khác với con đường mà tôi đã đi lên đây 2 lần; lần đầu là vào năm 1985, lúc đó chiến sự đang ác liệt và lần thứ hai cách đây 14 năm, năm 1996…
Vừa đi Nguyễn Tiến Viên vừa chỉ cho tôi chỗ này là vị trí của trận địa pháp 130, điểm kia là chỗ đặt lựu pháo 152; đến cây số 17, từ đây lên Cửa khẩu Thanh Thủy đường chim bay chưa tới 2 km, anh Viên đưa tôi ghé thăm Hang Nà Cáy, đây là một trãm phẩu thuật tiền phương của toàn bộ mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang…
Theo anh Nguyễn Tiến Viên, chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm nhưng mỗi lần nghĩ về Nà Cáy, đi qua Nà Cáy anh lại thấy lạnh người và như có một luồng điện chạy qua sống lưng làm cho cả người anh run lên, nôn nao.

Anh Viên cho biết: Nà Cáy là một địa chỉ thiêng của mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, bởi nơi đây từng tập kết hàng ngàn thương binh, tử sĩ từ chiến hào, sau khi được sơ cứu tại chỗ thì được đưa vào đây.

Từ đường nhựa đường đất đi vào khoảng 600-700 m, xe chỉ đi được quãng thì lùi lại vì không vào được, chúng tôi đi bộ vào. Anh Viên muốn giới  thiệu với chúng tôi vị trí cái sân của Hợp tác xã, là nơi tập kết các tử sĩ; từ cái sân này, các thi hài của liệt sĩ sẽ được lau rửa và làm thủ tục khâm liệm, cho vào quan tài để chở về chôn cất ở nghĩa trang Hà Giang.
Tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ Hà Giang, theo ước tính của tôi có trên 1700 ngôi mộ, chủ yếu đây là những ngôi mộ chôn cất các liệt sĩ chống bành trướng Trung Quốc trong giai đoạn 1981-1988.
Như vậy, hầu hết những thi thể của các liệt sĩ, trước khi đưa về nghĩa trang được đưa vào tập kết ở sân kho hợp tác xã trước cửa hành Nà Cáy…
Còn thương binh thì được đưa vào trong hang để sơ cứu rồi mới chuyển sang tuyến sau.
Hang Nà Cáy chỉ cách Trung Quốc không xa, chỉ khoảng 2 km đường thẳng chim bay, trong tầm cối có thể bắn tới, nhưng điều lạ lùng là trong suốt những năm tháng ác liệt, không có một phát đạn nào bắn vào khu vực này. Đây là cái điểm yên bình gần như tuyệt đối trong suốt thời kỳ chiến tranh?
Phải chăng linh hồn của những người lính đã có một sức mạnh nào đó làm chùng tay những pháo thủ Trung Quốc.
Trong khi đó thì năm 1985 khi tôi lên Hà Giang, tôi chỉ lên  tới km số 4 là đã không dám ở lâu, vì đại bác Trung Quốc bắn cày xới ngày đêm xung quang rất nhiều. Tầm bắn của pháp 130 ly theo anh Viên có thể bắn tới 35 km.
Hồi đó tôi lên tận Trung Đoàn 876, Sư 356 để tìm kiếm về tin tức hy sinh của chú em tôi là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh trong trận 12/7 khi đánh lên Cao điểm 772.
Trước khi lên đây, Nguyễn Xung Kích, Chánh văn phòng của Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Giang đã tìm cách liên hệ để cho tôi gặp và hỏi chuyện một số nhân chứng đã từng tham gia tắm rửa, khâm liệm tử thi liệt sĩ nhưng không liên hệ được vì họ ngại không muốn gặp tôi.
Cùng tại cái địa điểm này, nhà văn Đào Thắng đã đưa vào cuốn tiểu thuyết Dòng sông Mía của mình; Trong tiểu thuyết Đào Thắng một tình tiết về một người mẹ ra mặt trận tìm con, nhưng lại chỉ tìm được thi thể đứa con đứt ruột đẻ ra từ mặt trận trở về và thi thể đã lúc nhúc dòi…
Thời gian đó, theo anh Viên, chỉ bước mấy chục bước từ đường cái vào đã cảm nhận ra được cái âm khí lạnh lẽo âm u bao trùm.
Khi các thi thể của liệt sĩ được tập kết được đưa về đây, nhiều khi những thi thể người chết bỏ lẫn với thân thể của người bị thương nặng nhưng chưa chết; một số thương binh do nhất thời bị choáng nên khi đồng đội lên đưa về tưởng đã chết nên bị xếp lẫn với người đã hy sinh.
Trên đường đi xe xóc đau nên kêu lên nhưng lái xe không làm gì được. Rất nhiều thương binh được sơ cứu nhưng rồi cùng không qua khỏi nên đã trút hơi thở cuối cùng ở đây.
Tóm lại, ở cái vùng Hang Nà Cáy này, là cái nơi lưu tụ hàng ngàn linh hồn liệt sĩ và là nơi mang dấu tích xương máu cũng của hàng ngàn thương binh mặt trận Hà Giang. Đối với những người lính từng bỏ một phần xương máu, hoặc đã không thể trở về với gia đình thì Hang Nà Cáy là cái cái chốn linh thiêng của hàng ngàn linh hồn.
Thế nhưng khi chúng tôi tìm đến thì hiện trạng hang Nà Cáy như thế nào?

Hỏi địa chỉ cái sân kho và đường vào hang Nà Cáy Ánh: Tô Việt Hùng )
Vừa đi anh Viên vừa hỏi thăm bà con dân tộc đang sống ở đây chỉ hộ vị trí của cái sân kho hợp tác xã; phải những người trên 40 tuổi mới biết được. Hồi đó bà con dân tộc sống ở Bản Nà Cáy đều sơ tán về xuôi hết. Một anh nông dân người Tày đang làm cỏ cho ruộng ngô chỉ cho chúng tôi hướng của vị trí của sân kho.

Thế nhưng anh Viên không thể nào nhận ra ở đâu mà chỉ áng chừng vài vị trí chỉ để tôi chụp ảnh, bởi bây giờ cây cỏ mọc um tùm.
Chuồng dê trước cửa hàng Nà Cáy
Chúng tôi tìm đến hang Nà Cáy trước. Điều đập vào mắt chúng tôi chiếc hang bây giờ đã được bà con biến thành cái chuồng nuôi dê. Anh Viên bất chợt thốt lên. Các anh ạ, tôi cảm thấy có rất nhiều các liệt sĩ đang xuất hiện ở cửa Hang, các anh rất vui khi thấy chúng ta đến thăm các anh.
Tôi có phần chột dạ, khi đi chúng tôi quên mua một nén hương. Cả đoàn quyết định quay vào ngôi nhà của một gia đình người Tày gần đấy, xin gia đình bán lại cho chúng tôi một thẻ hương để chúng tôi thắp hương gửi tới linh hồn các anh.
Vào nhà tôi gọi mãi nhưng thấy ai có trong nhà mà chỉ nghe thấy tiếng Đài đang nói, một chốc sau chị Nguyễn Thị Dung là chủ nhà từ ngoài ruộng mới quay về. Chúng tôi xúm vào hỏi chuyện, trước hết xin mua lại một thẻ hương của nhà chị. Còn anh Viên hỏi thăm vị trí của cái sân kho. Chị Dung nói là không biết rõ lắm vì hồi đó chị mới 4 tuổi, chị Dung nhớ mang máng là nằm ở cạnh thửa ruộng.

Mua lại hương của nhà chị Dung

Chị Nguyễn Thị Dung, người dân tộc Tày, nhà trước cửa hang Nà Cáy, nay là bản Giang Nam, xã Thanh Thủy kể lại thỉnh thoảng đêm mơ thấy 2 chú bộ đội đi theo mình…
Anh Viên nói cho chi Dung hiểu ở cái sân kho là nơi đã từng tập kết hàng ngàn thương binh liệt sĩ. Anh Hùng và anh Nguyễn Xung Kích hỏi: Chi Dung có biết không?
Chị Dung, Nguyễn Xung Kích, Nguyễn Tiến Viên, Tô Việt Hùng

Chi Dung lắc đầu bảo hồi đó chị sơ tán xa và còn nhỏ nên không biết, khi chiến tranh kết thúc thì gia đình chị quay về. Anh Hùng anh Viên đều hỏi: Thế gia đình sống lâu ở đây có thấy hiện tượng gì không?
Chị Dung cho biết: thỉnh thoảng đêm chị có ngủ mơ thấy có 2 chú bộ đội đuổi theo mình, còn không thấy gì thêm. Tôi hỏi: thế chỉ thấy trong mơ còn hàng ngày đêm tối chị có thấy gì không và có sợ không? Chị Dung cười lắc đầu nói là không sợ.

Thắp hương cho các liệt sĩ tại sân kho

Chúng tôi cầm thẻ hương, mỗi người cầm vài nén bày tỏ tâm thành về việc đến để thắp hương, tưởng nhớ các liệt sĩ đã bỏ mình vì bảo vệ đất nước.

Vào tới trong hang Nà Cáy, điều làm cho chúng tôi bàng hoàng là trên vách hang vẫn còn sót lại nhiều cái sợi băng gạc buộc ở trên vách đá, tồn tại từ hồi chiến tranh vẫn đang còn. Theo anh Viên thì những sợi băng gạc này dùng để theo buộc các lọ huyết thanh để tiếp nước cho các thương binh nặng. Trên vách hang vẫn còn những sợi dây điện của điện thoại hữu tuyến vẫn còn buộc thắt.

Lòng của chúng tôi se lại. Gần 30 mươi năm đã trôi qua nhưng cái hang vẫn còn nhiều di tích chiến tranh. Thế nhưng giờ đây đã biến thành cái chuồng nuôi dê. Linh hồn của hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn lưu tụ ở đây, vẫn hàng ngày hàng giờ chung sống với đàn dê…
Chúng tôi có lẽ là những người duy nhất vào đây tìm kiếm và an ủi linh hồn các liệt sĩ mà không có một cấp chính quyền, cơ quan chức năng nào nghì đến việc biến cái địa điểm linh thiêng này thành một di tích, làm một cái gì đó để hương khói, an ủi cho những linh hồn tảo lạc của các anh đang cò lưu tụ ở đây chắc chắc là đói khát, không được ai chăm nom.
Chúng tôi rất muốn lưu lại lâu lâu nhưng vì còn nhiều điểm phải đi thăm nên phải ngậm ngùi quay ra.
Tôi quay ra gặp chị Dung và dặn gia đình nên dời cái chuồng dê vì đây là nơi an nghỉ của hàng ngàn linh hồn liệt sĩ; tôi về xuôi sẽ lên tiếng với với các cơ quan chức năng tìm cách đầu tư, tôn tạo điểm di tích này…

Đấy cũng chính là lý do tôi quyết định đưa bài viết thứ 2 này lên đầu tiên…

NÀ CÁY, MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN!
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên
Bạn Nam Thái Trần‎, CCB F 313, một người lính từng có mặt tại Nà Cáy trong giai đoạn ác liệt đã gửi 1 bài thơ anh viết từ 1986 ;
Xin trân trọng giới thiệu bài thơ này được đưa lên FB của anh 29 Tháng 6 lúc 12:22
Cách đây hơn 30 năm về trước, hang Phẫu ở thôn Nà cáy xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên tỉnh Hà giang là trạm Quân y, là nơi cứu sống bao đồng đội bị thương ở tiền duyên. Đây là trạm phẫu tiền phương, thương binh được đưa về đây, nhưng cũng là nơi nuốt nước mắt để đưa tiễn những đồng đội bị thương quá nặng không thể cứu chữa được.
Nà Cáy cũng là nơi tập kết cho các Liệt sỹ đưa về từ tuyến trước! Tuy nhiên có những ngày địch đánh phá ác liệt ở phía sau xe không thể lên để đưa Thương binh và tử sỹ về được.
Là một người lính trực tiếp làm nhiệm vụ ở Đại đội 25, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 , tôi đã viết bài thơ: MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN ở Nà Cáy trong một ngày mùa thu khói lửa năm 1986!.
Bài thơ đã ghi lại khung cảnh của chiến trường, và tâm tư tình cảm của người lính chiến lúc bấy giờ một cách chân thực.
Nó như một thước phim ngắn, chấm phá những nét đặc trưng cuộc sống chiến đấu gian khổ, sự hy sinh vô bờ bến, bản lĩnh kiên cường, tinh thần xả thân vì nước để giữ gìn chủ quyền quốc gia của những người lính Vị Xuyên!
Nhân dịp sắp sang những ngày tháng Bảy không thể nào quên, tôi xin đăng toàn bộ bản gốc của bài thơ: "MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN" .
Bài thơ này cũng đã được in trong tập sách " Ký ức hào hùng miền cực Bắc" do bộ chỉ huy quân sư và Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà giang xuất bản, sau khi bị ban biên tập xóa bỏ một số câu từ nhạy cảm .
Mong rằng những dòng thơ lính mộc mạc này sẽ mang lại cho người đọc góc nhìn đa diện hơn về khung cảnh chiến trường , về cuộc sống chiến đấu, về tâm tư tình cảm của những người lính trong không gian thời gian đó :
Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Nam Thái Trần, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
NÀ CÁY, MÙA THU KHÔNG BÌNH YÊN!
Mấy hôm rồi không một chuyến xe lên
Nà Cáy buồn quay quắt
Xác tử sỹ chất đầy bãi đất
Qua một đêm thôi chuột móc hết mắt rồi
Trên thân xác đã trương lên nhung nhúc những đàn giòi
Và ngờm ngợp những đám mây ruồi nhặng
Gió từ dưới sông Lô và đường quốc lộ 2 thốc lên dè dặt
Gió từ đỉnh 812, dông 673 phía trên kia đổ xuống ào ào
Những cơn gió vô tâm, những cơn gió vô tình như cuộn vào nhau
Xộc vào toang hoác xác thân những người lính đã ngã xuống
Xộc vào hoang hoải bần thần tim óc những người lính đang còn sống
Ngách đá kho hậu cần trống rỗng
Gạo mắm đã chia đến từng căn hầm
Khe suối mùa khô chắt nước âm thầm
Quần áo lính giặt xong càng đỏ bầm màu đất
Mảnh đạn dọc ngang chém áo quần rách nát
Suối cũng oằn mình đội pháo giặc suốt ngày đêm
Mấy hôm rồi không thấy xe lên
Cả thung lũng sặc sụa mùi khói đạn
Vách đá trên cao đạn cào trắng toát
Mặt đất dưới sâu đá lật ngổn ngang
Những căn hầm trúng đạn vỡ tan hoang
Những mái nhà âm cháy thành than trơ trụi
Thấp thoáng bóng người lầm lụi
Vác đá, chặt cây, đào đất khoét hầm
Hang phẫu ngổn ngang lính nằm
Những vết thương đỏ máu
Những cuộn băng đỏ máu
Áo Blu quân y đỏ máu
Khắp lòng hang sực lên mùi máu, mùi cồn
Điện thoại đổ chuông từng nhịp dập dồn
Tin báo về chuẩn bị đón thương binh từ phía trước
Bác sỹ gầm lên hết băng, hết thuốc
Y tá ngẹn ngào hết sạch nước truyền
Lại phải cho người chạy bộ xuống Làng Pinh
Lấy tạm vài cơ số thuốc
Bên kia bờ khe nước
Lính vận tải nối nhau lục tục lên đường
Ba lô đạn nhọn đè nặng trên lưng
Đòn tre cáng thương, dài ngoằng chổng ngược
Manh võng cáng thương ướt đẫm từ chuyến trước
Phập phờ rỏ nước thối xuống khắp người
Đường xe lên đất đá tơi bời
Hố pháo mới chồng lên hố pháo cũ
Mảnh đạn ngổn ngang bên cây cỏ xới nhào
Có mảnh lẹm sắc như dao
Có mảnh nhọn hơn lá lúa
Chạm vào là máu ứa
Chạm vào là rách thịt da
Những bàn chân mang giày vải vẫn xầm xập chạy qua
Lưng còng xuống, mặt ngẩng về phía trước
Nơi ấy đang cần đạn
Nơi ấy thương binh chờ
Vượt ngã ba cửa tử
Vào Hang Dơi, Làng Lò 
Những gương mặt lính sáng lên, rồi lại thẫn thờ
Chẳng có gì đâu trong ba lô toàn đạn nhọn
Bởi mấy hôm rồi chẳng có chuyến xe lên
Những dấu hỏi hằn gương mặt sạm đen
Nỗi buồn tủi ẩn trong lời cảm thán :
"Hay là đã quên ? Hay là đã bán ?
Hay là đã chán ? Hay là phủi tay ?..."
Gạt đi giọt nước mắt cay
Tay khẽ khàng đặt thương binh lên võng
Lại vượt qua suối sâu, đường lộ thiên, bãi trống
Mang tai bập bùng tiếng nổ, tiếng rên đau
Mặc kệ đạn trên cao
Mặc kệ đạn dưới thấp
Nghe tiếng đạn quen mới nằm xấp xuống mặt đường
Đá đập vào người, đá thúc vào xương đau nhức
Đợi đến khi đạn dứt
Lại tất tưởi chồm lên, vai nặng trĩu đòn khiêng
Những thân người chạy liêu siêu ngả nghiêng
Hướng về phía Nà Cáy
Đoạn đường dốc lên đạn pháo cày nát bấy
Đã có lính nào sửa sang
Mùi máu, mùi cồn vẫn nồng nực trong hang
Lính bị thương nằm ngổn ngang dồn đống
Thở phào vì thương binh vẫn sống
Tay lại khẽ khàng gỡ khỏi võng với đòn tre
Bãi tử sỹ nằm bên cạnh bờ khe
Hình như đã nhiều hơn lúc trước
Lại nghe đâu đây rúc rích tiếng chuột
Những con chuột đói khát, những con chuột vô tâm
Lần bước đến nơi tử sỹ đang nằm
Bê những mảng đá to đặt đè lên từng khuôn mặt
Che đi những quầng mắt đã lặng ngủ im
Che đi những con mắt không thể nào khép lại
Cơn gió mùa Thu như lồng lên quằn quại
Hình như gió cũng rưng rưng
Mấy hôm rồi mà chẳng thấy xe lên
Chẳng biết đêm nay có chuyến nào tới được
Để đón anh em về một chốn bình yên
Để đưa anh em về trước...

(Nà Cáy -.Thanh Thủy - Mùa Thu 1986 )

Không có nhận xét nào: