Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc: Mỹ không thể thua khi đã thâm hụt 500 tỷ USD!?

 

VietTimes -- Nhà xã hội học, giáo sư Salvatore Babones thuộc đại học Sydney cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đã đúng khi nói rằng với thâm hụt thương mại lên tới 500 tỷ USD thì Mỹ không thể thua trong một cuộc chiến thương mại, National Interests cho biết.
Kiến thức chung của tầng lớp chuyên gia quốc tế là "bạn không thể thắng trong một cuộc chiến thương mại". Điều họ thực sự muốn nói là bạn không thể thắng một cuộc chiến thương mại trong một cuộc chơi công bằng. Nếu tất cả các bên khởi đầu như nhau, luật chơi sẽ là như nhau với mọi người và không "tay chơi" nào có quyền lực ép buộc được bên khác, chiến lược để chiến thẳng cho mọi người là phải hợp tác với nhau.
Nhưng nếu một đất nước khởi đầu với thâm hụt thương mại lớn, những luật chơi có sẵn sẽ ủng hộ các đối thủ của họ. Và khi một đất nước với thâm hụt thương mại lại là một nước quyền lực nhất thế giới thì có thể nói rằng có rất nhiều con đường để đi tới chiến thắng.
Dù bị chế nhạo bởi truyền thông, kiến thức giản dị được tổng thống Mỹ Donald Trump đưa lên twitter ngày 4.4 "Khi bạn đã thâm hụt 500 tỷ USD, bạn không thể thua!" là hoàn toàn chính xác. Điều không chính xác ở đây chỉ là con số. Thâm hụt thương mại của Mỹ là 568 tỷ USD trong năm 2017, con số không bao gồm thặng dư thương mại của Mỹ về dịch vụ. Thâm hụt thương mại của Mỹ riêng về mặt sản phẩm đã nằm ở con số 811 tỷ USD.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc: Mỹ không thể thua khi đã thâm hụt 500 tỷ USD!? - ảnh 1
 Ông Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 550 tỷ USD.
Báo chí ngày 4.4 đổ lỗi cho ông Trump về việc chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 350 điểm trong ngày. Nhưng họ quên không tính công cho ông Trump khi kết thúc phiên Dow Jones đã tăng 610 điểm. Thực tế, trong 3 tháng "chiến tranh thương mại" của ông Trump, chỉ số Dow Jones vẫn cố định (tăng 170 điểm).

Thị trường cũng không biến động cao. Quay trở lại mức năm 2015-2016 sau khi đặc biệt êm ả năm 2017. Năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump đánh dấu bằng sự biến động thấp trong thị trường chính khoán. Nhìn chung, cho tới năm 2018, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 30% kể từ ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Có vẻ đây là mối hiểm nguy khi sử dụng thị trường để dẫn đường cho các hoạt động chính trị.
Ông Trump đã đúng khi thúc đẩy thương mại. Việc đưa mọi thứ trở lại một hệ thống thương mại quốc tế cân bằng sẽ giúp Mỹ có được lợi ích lớn. Hai cố vấn của tổng thống Mỹ là Peter Navarro cùng Wilbur Ross cho rằng thâm hụt đã kéo nền kinh tế Mỹ giảm sút khoảng 3%. Điều đó có nghĩa là nếu thương mại quốc tế được cân bằng, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 3% so với hiện tại.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc: Mỹ không thể thua khi đã thâm hụt 500 tỷ USD!? - ảnh 2
 Năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 376 tỷ USD.
Nói một cách công bằng thì có rất nhiều lý do khiến cho các nước nhập siêu và không phải mọi trường hợp đều là xấu. Ví dụ thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào nền kinh tế năng động của Mỹ sẽ đổ tiền vào đầu tư. Nhưng cũng không đúng khi cho rằng việc nhập siêu sẽ không có vấn đề gì. Điều này hoàn toàn phải dựa vào hoàn cảnh thực tế.
Mỹ nhập siêu đều đặn kể từ năm 1976. Và thâm hụt thương mại tồi tệ nhất với nước này là năm 2006 với 762 tỷ USD. Con số này chiếm 5,5% GDP, gần gấp đôi con số 2,85% thâm hụt thương mại năm 2017. Thâm hụt thương mại đột ngột giảm đi trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vì người tiêu dùng giảm đi, một "sự cải thiện" không phải là dấu hiệu tốt. Nhưng con số thâm hụt thương mại ấn tượng giữa 2001 - 2006 không giúp gì cho nền kinh tế.
Khi những dòng chảy thương mại thay đổi do những cú sốc kinh tế như năm 2008 - 2009, nguyên nhân rất rõ ràng: cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến Mỹ giảm thâm hụt thương mại nhưng không thể khen chính phủ về điều đó. Nhưng đôi khi những dòng chảy thương mại thay đổi là kết quả trực tiếp từ chính sách của chính phủ và khi điều đó xảy ra thì hoàn toàn do chính phủ giật dây.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc: Mỹ không thể thua khi đã thâm hụt 500 tỷ USD!? - ảnh 3
 Xuất, nhập khẩu của Mỹ với các nước năm 2017. Màu đỏ: nhập khẩu; màu xanh sẫm: xuất khẩu.
Việc Trung Quốc vào WTO năm 2001 là một chính sách can thiệp đột ngột khôi phục lại những luật chơi thương mại quốc tế. Việc NAFTA thành lập năm 1994 và WTO năm 1995 là những can thiệp chủ động vào kinh tế khiến nhập siêu của Mỹ tăng lên. Kết quả là kinh tế phát triển tại Mỹ với những luật lệ cũ thì đã chuyển sang phát triển tại Trung Quốc dưới những điều lệ mới.
Cùng một phương thức như vậy, nếu chính quyền của tổng thống Trump chủ động can thiệp để những luật lệ thương mạt quốc tế nghiêng về phía Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển với phí tổn do những đối tác thương mại của nước này gánh chịu. Điều này không tốt với Canada, Mexico, liên minh châu Âu và nhất là Trung Quốc. Tùy quan điểm, sẽ có người coi việc này là không đúng hay không công bằng. Nhưng đây chính là thực tế.
Hành động ăn miếng trả miếng
Dưới áp lực của chính quyền tổng thống Trump, các đối tác thương mại của Mỹ đều cực lực phản đối và chắc chắn sẽ huy động những ai không ưa ông Trump chống lại ông. Nhưng thực tế cần xét đến là những luật lệ thương mại toàn cầu rất phức tạp và hầu như không thể nói về các mức độ mà nó tác động hay nó sẽ nghiêng sang hướng nào. Nhưng một điều chắc chắn là: với 568 tỷ USD thâm hụt thương mại, Mỹ hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ những luật lệ hiện tại.
Liên minh châu Âu và Trung Quốc đe dọa trả đũa bằng việc áp thuế lại với những mặt hàng nổi tiếng của Mỹ như rượu bourbon Kentucky, xe Harley-Davidson hay ngay cả tôm hùm tươi Maine. Điều này sẽ tốn thêm nhiều giấy mực nhưng thực tế là ông Trump sẽ áp thuế 151 tỷ USD với Đức (thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức năm 2017 là 151 tỷ USD) và 376 tỷ USD với Trung Quốc. Châu Âu và Trung Quốc đều biết họ sẽ không thể chiến thắng cuộc chiến thương mại.
Nếu ông Trump khôn khéo, ông sẽ không sử dụng lợi thế mặc cả này để bán thêm rượu bourbon hay tôm hùm. Ông sẽ dùng nó để đảm bảo và mở rộng vị thế đi đầu của Mỹ trong công nghệ. Giữa những lời phản đối, có vẻ mọi người đều quên Mỹ đã dẫn dắt châu Âu và châu Á thế nào trong lĩnh vực công nghệ cao - Yếu tố thật sự tạo ra tương lai thịnh vượng của nước Mỹ.
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc: Mỹ không thể thua khi đã thâm hụt 500 tỷ USD!? - ảnh 4
 Thương mại của Mỹ với Trung Quốc từ 2007 tới 2016.
Chính quyền của ông Trump đã nhiều lần sử dụng quyền của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ CFIUS để trực tiếp cấm Trung Quốc mua lại công nghệ của Mỹ. Trong khi trù tính chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chính quyền Mỹ có thể kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc như chuyển giao công nghệ hay công khai chiếm dụng công nghệ.
Ông Trump cũng có thể gây áp lực với liên minh châu Âu khiến họ rút lại những đạo luật hà khắc về dữ liệu gây bất lợi cho những công ty internet của Mỹ. Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc trực tiếp cấm những công ty Mỹ tiếp cận internet của Trung Quốc. Hiện tại, liên minh châu Âu có vẻ đang đi theo con đường của Trung Quốc thông qua những sự điều chỉnh có vẻ công bằng nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới những công ty nước ngoài mà hầu hết đều là của Mỹ.
Chính sách ngoại giao của Mỹ trong một thời gian dài được chi phối bởi những lãnh đạo chỉ quan tâm tới việc những hành động của họ được công chúng ngưỡng mộ thay vì có những giao dịch tốt nhất cho người Mỹ. Khát khao được bên ngoài công nhận rõ ràng đã bị quăng đi theo gió. Nhưng chỉ cứng rắn về mặt thương mại thì vẫn chưa đủ.
Để thắng cuộc chiến thương mại, đội ngũ của ông Trump phải thật khôn khéo. Tùy ý sử dụng mọi vũ khí và lợi thế bên phía mình, họ có thể thắng cuộc chiến mà không cần đánh lại giống như cách mà ông Reagan chống lại Liên Xô mà không cần nổ súng. Với sự rối loạn chính trị trong lòng châu Âu và Trung Quốcbên bờ vực kinh tế phát triển quá nóng, những lời hăm dọa của tổng thống Mỹ có thể là điều duy nhất cần thiết để thắng cuộc chiến này.

Không có nhận xét nào: