Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

MỘT BÀI KÝ RẤT GIÁ TRỊ CỦA CCB F 313 TRẦN NAM THÁI: DƯ ÂM BI HÙNG CỦA TRẬN THUA 12/7/1984 Ở VỊ XUYÊN, HÀ GIANG

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, ngoài trời và thiên nhiên


 Trần Nam Thái vốn là CCB của F 313 từng có mặt tại chiến trường Vị Xuyên Hà Giang giai đoạn 1983-1987. 
Anh là tác giả của bài thơ đâng được dư luận đánh giá rất cao: "Nà Cáy, mùa thu không bình yên"...một bài thơ được viết bằng máu và nước mắt. Bài thơ của Trần nam Thái đã ghi lại những cảm xúc, những điều xảy ra tại trạm phẫu tiền phương Nà Cáy giai đoạn 1984-1986...
Hôm nay trân trọng giới thiệu 1 bài viết dưới dạng thể ký, ghi lại những cảm xúc trung thực của 1 người lính từng chứng kiện trận đánh 12/7/1984, trận đánh mang Mật danh MB 84, đó là trận đánh mà phía quân ta đã chịu tổn thất nặng nề, không đạt được mục tiêu chiến dịch...
Rất trân trọng những ghi chép của Trần Nam Thái giúp cho người đọc hôm nay thấy được mức độ ác liệt của mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang và những tổn thất đau đớn, sự chịu đựng kiên cường, quả cảm của người lính Vị Xuyên năm xưa...
Được biết Trần Nam Thái hiện đang công tác tại Học viện Bưu chính Viễn thông, quận Hà Đông...


580 Thai60 - DỰNG NƯỚC - GIỮ NƯỚC / Máu và Hoa / Một thời máu và hoa / Re: HÀ GIANG -Ký ức của chúng tôi và đồng đội ! vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2013, 04:45:10 AM

Mặt trận Vị Xuyên Hà Giang ...
Sau chiến dịch ngày 12/7/1984 không thành công vì nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan,trong vài ngày đó,cả mặt trận như bị bao trùm trong một bầu không khí đầy căng thẳng,bức bối...Cái cảm giác nuối tiếc,ân hận,đau xót,căm thù... vì một trận đánh đáng lẽ là thắng lớn mà lại thành không thắng bao trùm lên khắp chiến trường.
Nhớ lại cảnh tối ngày 11/7,khi quân ta nườm nượp tiến vào Thanh thủy,khí thế bừng bừng,mọi nỗi âu lo như tan đi trong niềm tin,hy vọng vào chiến thắng...
Nhớ lại cảnh mờ sáng ngày 12/7,khi tất cả các trận địa pháo bên ta đồng loạt khai hỏa,sau đó chuyển làn dần về phía bên kia các mục tiêu tấn công,nhất là khi ngay cả pháo địch cũng phải phân làn bắn về hướng đó,dấu hiệu các đơn vị đặc công,bộ binh đã làm chủ trận địa...

Trên khắp chiến trường Vị xuyên,từ các sở chỉ huy tiền phương đến các điểm chốt phòng ngự;từ những đơn vị chủ công đến những đơn vị phối thuộc;từ các trận địa hỏa lực tầm xa đến các bộ phận tiền tiêu cố thủ nằm sát ngay bên các cao điểm,bình độ mà địch đang chiếm giữ...mọi con tim đều rung lên trong nhịp đập chiến thắng...Dù khắp nơi là bão táp lửa đạn.
...Thế rồi...khi pháo ta bắn ít dần...khi pháo địch lại chuyển làn và tăng dần cường độ...những người lính đã hiểu rằng có một sự thật phũ phàng đã đến,đang đến...Khi những cáng thương từ trên trận địa được chuyển xuống ,khi những người lính chủ công vừa được lệnh rút về ngày càng nhiều lên...sự thật đó càng được khẳng định.
Pháo ,cối,H12,DKZ,pháo bắn thẳng của địch ngày càng dày đặc.Dù sự chính xác của chúng không còn nữa,nhưng khi số lượng của chúng nhiều kinh khủng,cả một dải đất Vị xuyên từ Đông sang tây sông Lô;Từ km 6 đường quốc lộ số 2 đến các điểm chốt nơi cửa khẩu;Từ các trận địa pháo bên Phong quang (cách TX Hà giang vài km ) đến Pha hán,sườn cao điểm 1030;Từ các xã Phương độ ,Phương tiến,Làng Pinh,Nà cáy đến Nà toong,Nậm Ngặt;Từ bờ bãi sông Lô lên tận Cóc nghè,đỉnh 812,673...Tất cả như nằm trong cơn bão lửa điên cuồng,thù hận.
Cơn bão lửa ấy chỉ giảm dần rồi tập trung lại ở những tuyến vận tải,các khu vực tranh chấp...khi trời về đêm.
Tin tức về một trận đánh tấn công không thắng lan tràn khắp nơi...
Khi hoàng hôn buông xuống,dù lửa đạn quân thù vẫn hoành hành,những người lính f 356,f313,f312 , 316 vẫn phải trở lại trận địa,nơi những đồng đội bị thương vong vẫn còn nằm đó...
Những người lính tả tơi,hốc hác len lỏi khắp mọi nơi có thể đặt chân đến trên trận địa,bới tìm những đồng đội bị thương để băng bó,gom góp những xác thân tử sĩ để chuyển về...Trong bầu không khí sặc mùi máu và thuốc đạn ,dưới ánh hỏa châu lúc sáng rực như ban ngày,lúc lập lòe ma quái...họ lần mò lật tìm từng thân xác đồng đội nằm rải rác,ngổn ngang khắp các chiến hào,cửa mở...
Trên các điểm cao mà địch đã tái chiếm không nghe thấy một tiếng người,chỉ thấy ánh chớp,tiếng nổ của những quả lựu đạn,những tràng súng bộ binh mà chúng liên tục ném xuống,bắn ra,chìm nghỉm trong tiếng nổ của pháo,cối đang dựng lên một bức tường lửa ngăn không cho quân ta tiếp cận...
Đêm 12/7/1984 đã như thế.Cả chục đêm sau cũng như thế...
Có khác chăng,không khí trên chiến địa càng những ngày sau càng nặng mùi hơn.Với thời tiết ngày nắng như đổ lửa,đêm mưa như trút nước,xác tử sĩ đã bắt đầu phân hủy nặng nề...Những dòng nước từ các sườn đồi đổ xuống,len lách vào từng căn hầm chốt,đầy đọa thể xác và tinh thần những người lính.
Địch bắn truyền đơn,nội dung :"cho phép quân đội Việt nam sang lấy xác,khi đi phải theo đoàn không quá 50 người,không đem theo vũ khí,phải mang theo cờ trắng hoặc chữ thập...". Một sự xúc phạm vô cùng ngạo mạn.Những người lính không chấp nhận điều đó.Và địch vẫn dội đạn dựng bức tường lửa nơi chiến địa.
Những người lính vẫn lầm lũi tiến vào nơi tử địa mỗi khi đêm về.
Vì tình đồng đội.
Vì lòng căm thù lũ giặc ngoại xâm.
Vì bản lĩnh can trường,dũng cảm.
Vì lòng tự hào tự tôn dân tộc bị xúc phạm.
Vì họ biết rằng : Trong trận đánh ấy,đồng đội của họ đã chiến thắng,khi ở nơi tử địa kia,bên cạnh thân xác nhiều đồng đội của họ, có rất nhiều xác lính Trung quốc nằm ngổn ngang ,càng về phía bên địch xác chúng càng nhiều hơn.
Những người lính đăc công,trinh sát ,sau những đêm luồn sang phía địch trở về kể lại :phía bên ấy có rất nhiều tử sĩ của ta,nhưng xác lính Trung quốc thì nhiều hơn gấp mấy lần.Và có một điều rất khó hiểu,mặc dù pháo ta không bắn oanh tạc,tại sao đã cả tuần rồi mà xác lính họ vẫn còn nằm ngổn ngang như vậy.Hay họ muốn che dấu,phi tang đi những bằng chứng hiển hiện của một sự thất bại to lớn mà phía họ không dễ chấp nhận .
Những xác thân của đồng đội mà những người lính chúng ta không thể đón về vì không thể tiếp cận ,đồng đội đành để các anh lưu lạc,nhưng dẫu sao các anh vẫn còn được nằm trong lòng đất mẹ.
Còn những xác chết của những kẻ xâm lăng kia,tại sao họ phải nằm đó., trên mảnh đất Việt nam . Vì ai ? Và vì cái gì ?
Trong những đêm dài đi bới tìm đồng đội,máu những người lính chúng ta vẫn lại phải đổ xuống,nhưng họ vẫn không quản ngại,yếu lòng...
Bởi họ đã chứng kiến những tổn thất của quân địch ngay sau trận đánh.
Bởi họ tin tưởng vào kết quả chiến thắng của những chiến dịch sắp tới,mà trận đánh của ngày qua đã là tiền đề.
Bởi họ biết rằng,nếu không có kháng cự,phản công ,tất sẽ có ngày phải lùi bước,đầu hàng...
Bởi họ biết rằng,nếu không có tổn thất của hôm nay,sẽ khó có thể có chiến thắng của ngày mai...
Bởi họ biết rằng,họ là những người lính đang chiến đấu hy sinh là để BẢO VỆ TỔ QUỐC trước lũ giặc xâm lăng.
Những ngày cuối tháng 7/1984.Trên mặt trận Vị xuyên.Sau những tổn thất to lớn của một trận đánh chưa thành,những người lính của các sư đoàn chủ lực,của các đơn vị phối thuộc...vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu.
Có đơn vị đi thu dọn chiến trường,làm công tác thu gom thương binh tử sĩ...
Có đơn vị đi xây dựng hầm hào,củng cố trận địa,rải chông,chôn mìn ...thiết lập tuyến phòng ngự...
Có đơn vị vận tải vận chuyển lương thực thực phẩm,thuốc men ,vũ khí đạn dược,vật liệu xây dựng,cáng chuyển thương bệnh binh,tử sĩ...
Có đơn vị thiết lập lại hệ thống thông tin,truyền tin...
Có đơn vị tiến hành trinh sát,thám sát,khảo sát...tất cả các mục tiêu để xây dựng trận đồ tác chiến...
Có những người lính như chôn mình trong các điểm chốt tiền tiêu,căng mình chiến đấu với những đợt tấn công xâm lấn của kẻ thù...
Có những người lính trần mình dưới làn pháo đạn quân thù ,căng lên những mạch máu chiến trường để chuyển đi những luồng sinh khí để mang sức sống đến từng góc chiến hào...
Máu những người lính vẫn tiếp tục đổ xuống,những cuộc đời trai trẻ vẫn bị hy sinh...
Nhưng trận địa vẫn được giữ vững.Kẻ thù không thể lấn sâu vào biên cương Hà giang.
Gương mặt những người lính thêm nhiều phần hốc hác sau bao nhiêu mất mát,gian nan,như sắt lại trong một niềm căm hận vô bờ bến.
Vẫn là những bữa cơm chưa no,thức ăn chỉ là nước mắm kem pha loãng.Vẫn có những điểm chốt đến bữa không có cơm ăn,cả ngày không có nước uống vì tuyến đương tiếp tế duy nhất đã bị địch phát hiện,bắn chặn.Có những vắt cơm khi mang đến chốt đã khô cứng và vương đầy máu của người vận chuyển...
Không một mảnh báo,một tiếng đài ,một lá thư từ phía quê hương...Chỉ có tiếng loa tâm lý chiến của địch.
Lại không có đường sữa,thuốc lá,thuốc lào...
Dù vậy...
Trên trận địa vẫn văng vẳng những tiếng đàn ghi ta thiếu dây,tiếng đàn bầu tự chế bằng ống bơ và dây điện...đôi khi có tiếng kèn acmonica thao thiết...
Trong hang nàng Lò,hang Dơi,vẫn có tiếng hát nghêu ngao của lính cùng tiếng xập xèng của vung nồi đít chậu hòa theo...
Bắt đầu có lính mới bổ sung về các đơn vị.Những chú lính còn mũm mĩm ,thơm nức mùi lúa đồng hay mùi gió biển mặn mòi của những miền quê Hải phòng,Đồ sơn...như mang theo cả không khí của cuộc sống nơi quê hương tới từng góc chiến địa.
Gương mặt xạm ngắt trầm lắng dãi dầu của những người lính cũ như bừng sáng lên trong niềm khát khao hy vọng được đánh thức...
Gương mặt trẻ trung,hồng hào của những người lính mới xạm đi,sắt lại dần trong thử thách khốc liệt của lửa đạn gian truân.Có nhiều người trong số họ đã lại ngã xuống trong chiến trận,trên chiến trường...
Những người lính,cả cũ và mới,lại hòa lẫn vào nhau,cùng trần thân ra nơi trận địa,cùng bên nhau chiến đấu.Tình cảm đồng đội lại được ươm trồng,lớn dần qua mỗi lần thử thách gian truân.
Ngày 12/7/1984 đã qua đi,những dư âm bi tráng và anh hùng của trận đánh ngày hôm ấy vẫn còn vang vọng mãi trong lòng những người lính.
Cũng từ sau trận đánh khốc liệt , bi thảm nhưng kiên cường ấy,kẻ thù xâm lược đã không còn thái độ nghênh ngang ,ngạo ngược khi tiến hành những hoạt động xâm lấn suốt một dải biên cương phía Bắc.Bởi chúng đã vấp phải một tinh thần chiến đấu ngoan cường,bền bỉ,ý chí dũng cảm chấp nhận hy sinh cho Tổ quốc của những người lính .
Từ những bài học thành bại của trận đánh ấy,bao nhiêu kinh nghiệm xương máu đã được rút ra,để trong suốt những năm tháng kế tiếp,những người lính của chúng ta luôn là những người chiến thắng, biên cương vẫn được giữ vững,kẻ thù đã phải lùi bước,mảnh đất Hà giang cũng như toàn tuyến biên giới phía Bắc đã được bình yên.
Trong niềm vui chiến thắng vô cùng lớn lao,vẫn còn đó những nỗi đau day dứt,khi ở nơi núi rừng biên giới xa xanh,vẫn quạnh quẽ những xác thân đồng đội vô danh đã tan hòa vào trong đất núi,vẫn còn đó những linh hồn người lính đã khắc mình trên bao vách đá Vị xuyên .
Để mỗi buổi bình minh lãng đãng sương mờ,để mỗi buổi hoàng hôn chói chang ráng đỏ ,vẫn chấp chới những linh hồn mãi mãi tuổi hai mươi soi mình trên sóng nước sông Lô,nơi địa đầu Tổ quốc.
Để mỗi buổi chiều đến đêm về,bao nỗi niềm hoài niệm vẫn trăn trở miên man trong trái tim tâm hồn những người lính giờ tóc đã pha sương,đưa họ về với miền biên ải nơi họ đã từng trao gửi trọn vẹn những năm tháng của tuổi hai mươi,nơi những linh hồn đồng đội của họ vẫn còn vất vưởng lưu lạc chưa được một lần về lại với quê hương yêu dấu .
Mấy chục năm trời đã trôi qua,đủ thời gian cho một thế hệ thanh niên con cái của những người lính ngày ấy được sinh ra,lớn lên,lập gia đình,sinh con đẻ cái.Họ đã trưởng thành.
Nhưng họ đã biết được những gì về cuộc chiến mà cha họ đã đi qua.Họ có thể nhìn thấy những vết thương thân xác hiện hữu trên cơ thể người cha,nhưng họ có cảm thấy những nỗi đau từ những vết thương trong trái tim tâm hồn của cha họ không ? Có bao giờ họ đã đau cùng nỗi đau từ những vết thương không bao giờ liền sẹo đó...?
Về niềm lớn rộng sâu nặng mênh mang của tình yêu đồng đội thiêng liêng ẩn trong lòng cha họ,với những người còn sống và cả những người đã khuất...?
Về tình cảm của người cha họ với mảnh đất ,con người nơi cha họ đã từng quên mình để bảo vệ gìn giữ và dù đã gần ba mươi năm chưa một lần trở lại ,vẫn mãi mãi gắn bó,đau đáu mong mỏi một lần về thăm...?
Và về những mất mát,đau thương khủng khiếp mà chiến tranh đã và sẽ mang tới...?
Và một điều quan trọng ,lớn lao nhất,họ đã hiểu biết, đã thấm nhuần được bao nhiêu về TÌNH YÊU TỔ QUỐC,NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC,Ý CHÍ ĐỘC LẬP TỰ DO,TRUYỀN THỐNG DŨNG CẢM HY SINH TRONG SỰ NGHIỆP DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC của nhân dân và quân đội Việt nam,mà những thế hệ trước họ,trong đó có cha họ ,đã đóng góp một phần hy sinh,cống hiến.
Những ngày cuối tháng 7/1984,trên chiến trường Hà giang,bao nhiêu người lính trẻ đã kiên cường bám trụ,chiến đấu với lũ giặc bành trướng xâm lăng...Để hôm nay cương thổ của Tổ quốc vẫn được vẹn nguyên , để bình yên đã trở lại trên sóng nước dòng Lô nơi địa đầu Tổ quốc .
Bình minh đang hé rạng...những trang viết mở ra...một ngày mới đã bắt đầu... " .
Vài dòng tâm sự ngổn ngang , Nam Thái Trần xin được sẻ chia với những trái tim đồng cảm .

T.N.T.

Không có nhận xét nào: